• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/01/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 18/01/2007
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 44/1999/QĐ-BGD&ĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 29 tháng 12 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định nội dung và hình thức thi nâng ngạch giảng viên

lên ngạch giảng viên chính trong các trường đại học và cao đẳng

________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thông tư số 04/1999/TT-TCCP ngày 30/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95/1998/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Căn cứ Quyết định 150/1999/QĐ-TCCP ngày 12/02/1999 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành Quy chế thi nâng ngạch công chức;

Theo thoả thuận của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Công văn số 553/BTCCBCP-CCVC ngày 04/10/1999;

Theo đề nghị của Vụ trường Vụ Tổ chức - Cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nội dung và hình thức thi nâng ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính trong các trường đại học và cao đẳng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Hiển

 

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THI NÂNH NGẠCH GIẢNG VIÊN LÊN NGẠCH GIẢNG VIÊN CHÍNH TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/1999/QĐ-BGD & ĐT ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng cho các kỳ thi nâng ngạch giảng viên (mã số 15111) lên ngạch giảng viên chính (mã số 15110) trong các trường đại học và cao đẳng.

Điều 2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ) có trường đại học, cao đẳng; Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là Đại học Quốc gia).

Điều 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thi nâng ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính cho thí sinh ở các trường đại học, cao đẳng thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

Điều 4. Các cơ quan nêu lên ở Điều 2 nếu chưa có điều kiện tổ chức thi hoặc số lượng thí sinh dự thi ít thì đăng ký về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thi chung.

Điều 5. Việc tổ chức thi và chọn cử người dự thi thực hiện theo Quy chế thi nâng ngạch công chức ban hành kèm theo Quyết định số 150/1999/QĐ-TCCP ngày 12/02/1999 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành Quy chế thi nâng ngạch công chức.

Chương 2

ĐIỀU KIỆN VÀ HỒ SƠ DỰ THI

Điều 6. Điều kiện dự thi

Người được cử đi dự thi (gọi là thí sinh) phải có đủ các điều kiện sau:

1. Là giảng viên (mã ngạch 15111), đang trực tiếp giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch giảng viên quy định tại Quyết định số 538/TCCP-BCTL ngày 18/12/1995 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

2. Có phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

3. Có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu trình độ của ngạch giảng viên chính.

4. Đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường hoặc ngành được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả.

5. Đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, viết giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy.

6. Được Hội đồng sơ tuyển xét duyệt theo chỉ tiêu được phân bổ.

Điều7. Hồ sơ cá nhân (của thí sinh) gồm:

1. Đơn xin dự thi nâng ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính (theo mẫu số 1);

2. Lý lịch khoa học có xác nhận của trường đại học, cao đẳng trực tiếp quản lý và sử dụng công chức (theo mẫu số 2);

3. Bản nhận xét của Nhà trường về phẩm chất đạo đức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời hạn 3 năm liên tục tính đến thời điểm dự thi (theo mẫu số 3);

4. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của ngạch giảng viên chính có xác nhận của nơi cấp hoặc cơ quan công chứng Nhà nước;

5. Bản nghiệm thu đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học có xác nhận của Hội đồng nghiệm thu hoặc bằng công nhận phát minh, sáng chế;

6. Hai phong bì có dán tem, ghi sẵn địa chỉ liên lạc.

Hồ sơ của thí sinh cho vào 01 túi đựng hồ sơ có kích thước 23cm x 32cm và được gửi về Hội đồng sơ tuyển.

Những thí sinh đã qua sơ tuyển do Hội đồng sơ tuyển lập danh sách (theo mẫu số 4) và gửi kèm theo hồ sơ thí sinh về Hội đồng thi của cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi.

Những thí sinh ở các trường thuộc các Bộ chưa có điều kiện tổ chức thi và thí sinh ở các trường thuộc tỉnh đã qua sơ tuyển do cơ quan nhân sự của Bộ, tỉnh tập hợp và gửi về Hội đồng thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thi.

Chương 3

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THI

Điều 8. Hình thức thi: Gồm 3 phần thi bắt buộc:

- Phần thi viết;

- Phần thi vấn đáp;

- Phần thi ngoại ngữ (nếu là giảng viên ngoại ngữ thì thi ngoại ngữ thứ hai).

Điều 9. Nội dung phần thi viết:

1. Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng;

2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về giáo dục và đào tạo;

3. Vai trò, vị trí của giáo dục đại học trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước;

4. Mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của nhà trường, của chuyên ngành đào tạo (thuộc lĩnh vực của thí sinh).

5. Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục:

- Nội dung của Luật Giáo dục;

- Nội dung về giáo dục đại học, sau đại học trong Luật Giáo dục;

- Nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong Luật Giáo dục.

6. Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

7. Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan (ban hành kèm theo Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn).

Điều 10. Nội dung phần thi vấn đáp:

1. Xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình giảng bài; hướng dẫn thực hành, khoá luận, đồ án, luận văn; trong giao tiếp và quản lý sinh viên;

2. Những vấn đề về quy chế giảng dạy, quy chế học tập, quy chế thi trong trường đại học, cao đẳng;

3. Mục tiêu, nội dung chương trình của chuyên ngành đào tạo;

4. Những vấn đề về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật Giáo dục (chú trọng lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học);

5. Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

6. Tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch giảng viên chính (ban hành kèm theo Quyết định số 538/TCCP-BCTL ngày 18/12/1995 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ).

Điều 11. Nội dung phần thi ngoại ngữ:

Thi ở trình độ C một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc theo đăng ký của thí sinh.

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Hằng năm các Bộ, tỉnh có trường đại học, cao đẳng và Đại học Quốc gia xây dựng đề án thi nâng ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính theo quy định tại điểm 3, mục 5 của Thông tư số 04/1999/TT-TCCP ngày 30/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định 95/1998/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; gửi đề án về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để thống nhất ý kiến và chỉ tiêu dự thi đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thi.

Điều 13. Trong quá trình triển khai thực hiện việc thi ngạch giảng viên lên ngạch giảng viên chính nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi và các cơ quan, đơn vị có thí sinh cử đi dự thi gửi văn bản hoặc liên hệ trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Tổ chức - Cán bộ) để giải quyết.

Điều 14. Cơ quan, đơn vị và cá nhân nào vi phạm việc thi nâng ngạch theo quy định này và các qui định hiện hành khác có liên quan tuỳ theo mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Hiển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.