• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 20/11/2022
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 74/2015/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 15 tháng 5 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường,

hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

_______________________

 

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, bao gồm cả trường hợp tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người và đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai đe dọa tính mạng con người theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi tắt là Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường).

2. Các đối tượng khác có liên quan tới việc lập, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguồn và mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án; trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án theo khối lượng công việc thực tế và mức trích không khống chế tỷ lệ 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.

3. Căn cứ mức kinh phí được trích cụ thể của từng dự án, tiểu dự án, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường xác định kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất không quá 10% kinh phí quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này để tổng hợp vào dự toán chung.

4. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, Sở Tài chính trình Ủy ban ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức trích cụ thể và tỷ lệ kinh phí dự phòng cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của dự án, tiểu dự án.

5. Trường hợp tại địa phương có thành lập Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ công tác của Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể tỷ lệ phân chia kinh phí sử dụng cho hoạt động của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh cho phù hợp.

6. Trường hợp thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các dịch vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kinh phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ nằm trong dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

a) Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất;

b) Chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại gồm: phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; đo đạc xác định diện tích đất, kiểm kê số lượng và giá trị nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi đất cụ thể; tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác;

c) Chi cho công tác xác định giá đất bao gồm trường hợp thuê tư vấn xác định giá đất, xác định hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường (nếu có), thẩm định giá đất cụ thể; xác định giá tài sản gắn liền với đất phục vụ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

d) Chi lập, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu bồi thường đến khâu phê duyệt phương án bồi thường, thông báo công khai phương án bồi thường;

đ) Chi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

e) Chi phục vụ việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường và tổ chức thực hiện chi trả bồi thường;

g) Chi thuê văn phòng, trang thiết bị làm việc của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và cơ quan thẩm định (nếu có);

h) Chi in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm và xăng xe;

i) Chi thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có);

k) Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Nội dung chi tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

a) Chi phí thông báo, tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm, quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng chống cháy nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất;

c) Chi phục vụ công tác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất;

d) Chi phí niêm phong, phá, tháo dỡ, vận chuyển tài sản; di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế, chi thuê địa điểm, nhân công, phương tiện bảo quản tài sản và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện bảo quản tài sản khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không thanh toán;

đ) Chi cho công tác quay phim, chụp ảnh phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất;

e) Chi phí bảo vệ, chống tái chiếm đất sau khi tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của thửa đất cưỡng chế thu hồi đến thời điểm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng;

g) Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.

Điều 5. Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Đối với các nội dung chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Đối với các nội dung chi chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quy định cho phù hợp; trừ các nội dung chi quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này.

3. Đối với văn phòng, trang thiết bị làm việc của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và cơ quan thẩm định thì các đơn vị này có trách nhiệm bố trí, sắp xếp trong quỹ nhà làm việc, trang thiết bị làm việc hiện có của mình để phục vụ công tác.

Trường hợp không bố trí được trong quỹ nhà và trang thiết bị làm việc hiện có thì được thuê văn phòng và trang thiết bị làm việc. Việc thuê văn phòng và trang thiết bị làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật về đấu thầu.

4. Chi in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm, xăng xe, hậu cần phục vụ và các khoản phục vụ cho bộ máy quản lý được tính theo nhu cầu thực tế của từng dự án, tiểu dự án.

5. Chi phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện thông qua Hợp đồng được ký giữa Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Đơn vị cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng đã ký và pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Điều 6. Lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Việc lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như sau:

a) Cùng với việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ mức trích kinh phí theo quy định tại khoản 4 Điều 3, nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều 4, mức chi quy định tại Điều 5 Thông tư này và khối lượng công việc dự kiến phát sinh để lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường gửi dự toán về Sở Tài chính thẩm định (đối với dự án, tiểu dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bao gồm cả trường hợp dự án, tiểu dự án được ứng vốn từ Quỹ phát triển đất hoặc tạm ứng vốn từ Kho bạc Nhà nước); gửi Phòng Tài chính thẩm định (đối với dự án, tiểu dự án do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Đối với dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương trên địa bàn địa phương, Sở Tài chính (Phòng Tài chính) gửi dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất lấy ý kiến chủ đầu tư dự án, tiểu dự án trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Chủ đầu tư dự án, tiểu dự án có ý kiến bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến;

b) Khi có quyết định cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều 4 và mức chi quy định tại Điều 5 Thông tư này lập dự toán chi tiết kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất gửi cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản này thẩm định trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt;

c) Sau khi dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường gửi một bản cho Chủ đầu tư dự án, tiểu dự án hoặc Quỹ phát triển đất hoặc Kho bạc Nhà nước để phối hợp thực hiện.

2. Việc sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như sau:

a) Căn cứ dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: Chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất hoặc Kho bạc Nhà nước thực hiện chuyển tiền hoặc chuyển vốn ứng hoặc chuyển vốn tạm ứng cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường theo tiến độ thực hiện.

Trường hợp dự án, tiểu dự án có yêu cầu cấp bách phải thực hiện ngay các công việc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà dự toán chưa được phê duyệt thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được tạm ứng một phần kinh phí (trừ kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất) từ chủ đầu tư dự án, tiểu dự án để thực hiện;

b) Người đứng đầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất của dự án, tiểu dự án theo đúng dự toán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Trường hợp thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện các dịch vụ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường thực hiện thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ theo hợp đồng đã ký;

d) Việc sử dụng, hạch toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Việc quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như sau:

a) Quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm tập hợp chứng từ chi phí thực tế đã sử dụng của từng dự án, tiểu dự án, lập báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã nhận và sử dụng của từng dự án, tiểu dự án gửi cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để phê duyệt quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phê duyệt quyết toán và có văn bản thông báo số quyết toán được duyệt cho chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất; văn bản thông báo này là chứng từ để thực hiện quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án, tiểu dự án.

- Đối với trường hợp Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được giao thực hiện đồng thời nhiều dự án, tiểu dự án mà các chi phí chung không tách bạch theo dõi riêng cho từng dự án, tiểu dự án thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường tập hợp toàn bộ chi phí chung trong năm tài chính để phân bổ cho từng dự án, tiểu dự án theo công thức sau:

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường lập bảng phân bổ chi phí chung trong năm cho từng dự án, tiểu dự án (kèm toàn bộ chứng từ chi phí chung phát sinh trong năm) và chứng từ chi phí trực tiếp của từng dự án, tiểu dự án; lập báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gửi cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để phê duyệt quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phê duyệt quyết toán và có văn bản thông báo số quyết toán được duyệt cho chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất; văn bản thông báo này là chứng từ để thực hiện quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án, tiểu dự án.

Đối với khoản chi phí chung phân bổ cho từng dự án, tiểu dự án đã được quyết toán trong năm nhưng việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, tiểu dự án chưa hoàn thành thì ghi nhận để phục vụ cho việc quyết toán toàn bộ kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ví dụ: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường X được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện đồng thời nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2015 của 04 dự án (A, B, C, D). Kết quả thực hiện nhiệm vụ đến hết năm 2015 của Tổ chức X như sau:

(1) Đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng của 3/4 Dự án, gồm Dự án A, B, C. Riêng Dự án D chưa hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.

(2) Chi phí trực tiếp cho từng Dự án của Tổ chức X đã chi trong năm 2015 như sau: Dự án A là 400 triệu đồng; Dự án B là 350 triệu đồng; Dự án C là 300 triệu đồng; Dự án D là 550 triệu đồng. Tổng chi phí trực tiếp đã thực hiện trong năm 2015 của cả 04 dự án là: 1.600 triệu đồng

(3) Chi phí chung phát sinh trong năm 2015 chưa phân bổ của cả 04 dự án tổng số là: 400 triệu đồng

(4) Theo công thức phân bổ chi phí chung nêu trên, chi phí chung phân bổ cho từng dự án như sau:

- Dự án A = (400 : 1.600) x 400 = 100 (triệu đồng);

- Dự án B = (400 : 1.600) x 350 = 87,5 (triệu đồng);

- Dự án C = (400 : 1.600) x 300 = 75 (triệu đồng);

- Dự án D = (400 : 1.600) x 550 = 137,5 (triệu đồng). Số tiền này sẽ được sử dụng để quyết toán khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án D.

- Xử lý phần chênh lệch giữa số chi thực tế theo quyết toán được duyệt so với số kinh phí đã nhận trong trường hợp quyết toán từng dự án, tiểu dự án hoặc quyết toán nhiều dự án, tiểu dự án thực hiện như sau:

+ Trường hợp số chi thực tế theo quyết toán được duyệt lớn hơn số kinh phí đã nhận thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được thanh toán phần chênh lệch nhưng tối đa không quá mức được trích quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư này.

+ Trường hợp số chi thực tế theo quyết toán được duyệt nhỏ hơn số kinh phí đã nhận thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phải chuyển trả cho chủ đầu tư (hoặc Quỹ phát triển đất nếu nhận kinh phí từ Quỹ phát triển đất) trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.

b) Quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất gửi cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để phê duyệt quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cơ quan tài chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phê duyệt quyết toán và có văn bản thông báo số quyết toán được duyệt cho chủ đầu tư hoặc Quỹ phát triển đất; văn bản thông báo này là chứng từ để thực hiện quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất của từng dự án, tiểu dự án.

- Phần chênh lệch giữa số chi theo quyết toán được duyệt và số kinh phí đã nhận của từng dự án, tiểu dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được xử lý theo quy định tại điểm a khoản này.

4. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường có trách nhiệm quản lý hồ sơ quyết toán gồm: bản quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và toàn bộ chứng từ có liên quan theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với những dự án, tiểu dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

2. Đối với những dự án, tiểu dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp phát sinh việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Chí

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.