• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/08/1996
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 565-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 22 tháng 8 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

Về quản lý quỹ dự trữ lưu thông lương thực

______________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng ban Vật giá Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quỹ dự trữ lưu thông lương thực là lượng lương thực (chủ yếu là gạo) của Nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lương thực có đủ điều kiện kho tàng và năng lực quản lý thực hiện dự trữ để kịp thời có nguồn lương thực can thiệp vào thị trường nhằm cân đối cung cầu, bình ồn giá cả lương thực khi cần thiết.

Điều 2. Căn cứ tình hình sản xuất lương thực và diễn biến về lưu thông hàng hoá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lương thực đưa vào dự trữ lưu thông hàng năm. Vốn để mua lương thực đưa vào dự trữ lưu thông là một phần vốn lưu động của doanh nghiệp do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp do có khó khăn mà ngân sách nhà nước chưa hoặc cấp chưa đủ thì doanh nghiệp phải chủ động vay vốn ngân hàng để mua đủ số lượng lương thực được giao đưa vào dữ trữ theo quy định, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất của khoản tiền vay này trong suốt thời gian doanh nghiệp thực hiện dự trữ theo quy định.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ mức lương thực dự trữ lưu thông đã được Thủ tướng Chính phủ quy định, tình hình sản xuất, lưu thông lương thực để quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ thực hiện dự trữ lưu thông cho doanh nghiệp, chỉ đạo việc xuất bán can thiệp thị trường để thực hiện mục tiêu ổn định cung cầu và bình ổn giá lương thực ở từng địa bàn cũng như trên phạm vi cả nước.

Điều 4. Doanh nghiệp thực hiện dự trữ lưu thông được quyền quyết định việc mua, bán, luân chuyển, đổi hạt lương thực thuộc quỹ dự trữ lưu thông lương thực cùng với quá trình kinh doanh lương thực của mình để bảo quản chất lượng lương thực của quỹ dự trữ lưu thông nhưng phải tự bù đắp mọi chi phí và tự chịu trách nhiệm về tài chính, Nhà nước không bù lỗ, đồng thời phải bảo đảm đủ 100% số lượng lương thực dự trữ lưu thông trong kho ở đầu thời kỳ giáp hạt và thường xuyên không được thấp hơn 60% so với mức dự trữ được giao. Khi quỹ lương thực dự trữ lưu thông để tại doanh nghiệp không phải huy động để can thiệp thị trường thì doanh nghiệp được chủ động tìm thị trường để tiêu thụ hết số lương thực dự trữ lưu thông của vụ trước, toàn bộ số tiền thu được phải được hạch toán riêng và sử dụng để mua ngay lương thực mới đưa vào quỹ dự trữ lưu thông tại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có tồn kho lương thực thuộc quỹ dự trữ lưu thông sẽ được Nhà nước ưu tiên cho tham gia vào việc xuất khẩu trả nợ bằng lương thực.

Điều 5. Doanh nghiệp được ngân sách nhà nước cấp vốn để thực hiện dự trữ lưu thông lương thực phải bảo toàn vốn được cấp theo chế độ bảo toàn vốn lưu động của Bộ Tài chính quy định và không phải nộp khoản thu về sử dụng vốn đối với số vốn dự trữ lưu thông lương thực do ngân sách nhà nước cấp. Doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận thu được do việc gắn quỹ dự trữ lưu thông với quá trình kinh doanh lương thực theo đúng chế độ tài chính hiện hành.

Điều 6. Quỹ dự trữ lưu thông lương thực phải được bố trí ở những khu vực, địa bàn thường dễ xảy ra biến động giá lương thực và phải để ở kho có điều kiện thuận lợi nhất cho việc huy động đưa ra bán bình ổn giá khi cần thiết.

Điều 7. Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông lương thực phải tổ chức hạch toán riêng việc mua, bán lương thực để phục vụ mục tiêu bình ổn giá theo từng đợt, báo cáo định kỳ hàng tháng tồn kho dự trữ lưu thông lương thực (bao gồm: số lượng ở từng kho, phẩm chất, giá bình quân tồn kho...) với cơ quan quản lý cấp trên, phải chịu sự kiểm tra, giám sát và chấp hành không điều kiện các quyết định về huy động, điều phối sử dụng quỹ lương thực dự trữ lưu thông của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện việc xuất bán bình ổn giá lương thực trong thời gian nhanh nhất.

Điều 8. Trách nhiệm các Bộ trong việc quản lý quỹ dự trữ lưu thông lương thực:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm cân đối nguồn lương thực, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lương thực đưa vào quỹ dự trữ lương thực hàng năm.

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm nguồn vốn cho các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý quỹ dự trữ lưu thông lương thực theo đúng số lượng và tiến độ mua lương thực dự trữ lưu thông.

- Ngân hàng nhà nước bảo đảm đủ vốn cho các đơn vị vay mua lương thực đưa vào dự trữ lưu thông theo kế hoạch.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc huy động, điều phối quỹ dự trữ lưu thông lương thực để bảo đảm cung cầu và ổn định giá lương thực, cùng Bộ Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ kiểm tra, giám sát việc thực hiện và bảo toàn vốn của quỹ dự trữ lưu thông lương thực.

- Ban Vật giá Chính phủ cùng Bộ Tài chính căn cứ yêu cầu bảo đảm ổn định giá lương thực để quyết định giá bán lương thực thuộc quỹ dự trữ lưu thông.

Do yêu cầu giữ ổn định cung cầu và bình ổn giá lương thực mà quyết định giá lương thực thuộc quỹ dự trữ lưu thông bán thấp hơn giá vốn thì cấp ra quyết định phải kiểm tra, giám sát việc hạch toán bán của doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý thiếu hụt vốn dự trữ lưu thông này.

Điều 9. Quy định này áp dụng đối với việc quản lý quỹ dự trữ lưu thông lương thực từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ yêu cầu, đặc điểm về bảo đảm bình ổn giá lương thực ở địa phương và Quyết định này để ban hành quy định cụ thể về quản lý quỹ dự trữ lưu thông lương thực được hình thành từ nguồn vốn của địa phương.

Điều 10. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 11. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Trưởng ban Vật giá Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Tổng giám đốc các Tổng công ty lương thực và Giám đốc các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lương thực chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.