Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 76/2007/TT-BNN

ngày 21/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên

 

 
 

 

Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 25 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khoá X, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006 của Quốc hội khoá XI về Dự án công trình quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;

Căn cứ Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi một số điểm của Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên như sau:

1. Tiết b, khoản 2, Mục II sửa đổi như sau:

“Là rừng tự nhiên nghèo, rừng non phục hồi, rừng lồ ô, tre nứa, le... (gọi chung là rừng tre nứa); rừng trồng kém hiệu quả.

Rừng nghèo, rừng non phục hồi trong Thông tư, được xác định theo tiêu chí của kiểu phụ IIIA1, RIIIA1 thuộc trạng thái rừng nhóm kiểu 3; rừng non phục hồi được xác định theo tiêu chí của trạng thái rừng thuộc nhóm kiểu 2 quy định tại Quyết định số 682B/QĐKT ngày 01/8/1984 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng.

Trường hợp những đám rừng ở trạng thái khác có diện tích từ 1,0 (một) ha trở xuống, nằm xen kẽ trong lô rừng nghèo, rừng non phục hồi thuộc khu vực quy hoạch trồng cao su, được phép chuyển cùng diện tích rừng nghèo đó để tránh tình trạng da báo, đảm bảo liền vùng liền khoảnh”.

2. Tiết d khoản 5, Mục II sửa đổi như sau:

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh thẩm định dự án do chủ đầu tư trình và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”

3. Tiết đ khoản 5, Mục II sửa đổi như sau:

“Cục Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với Cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan kiểm tra quá trình thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su của các địa phương, đề xuất lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện”.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Những quy định tại Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21/8/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không trái với quy định của Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị