THÔNG TƯ
Của Tổng Cục Hải Quan số 08/1998/TT-TCHQ ngày 16 tháng 11 năm 1998 hướng dẫn thủ tục Hải Quan đối với hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu của chuyên gia nước ngoài theo quy chế ban hành kèm theo quyết định số 211/1998/QĐ-TTG ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ
_____________________
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1 - Cơ quan Hải Quan chỉ cấp giấy phép miễn thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) đối với hàng hóa của chuyên gia thực hiện chương trình, dự án ODA (sau đây gọi tắt là chuyên gia ODA) trên cơ sở xác nhận của Bộ ngành chủ quản nơi quản lý chương trình, dự án ODA.
2- Hành lý của chuyên gia ODA và người thân khi xuất nhập cảnh không phải cấp giấy phép xuất nhập khẩu mà làm thủ tục ngay tại cửa khẩu XNC (Trừ trường hợp mang hàng thuộc diện quản lý của các Bộ, Ngành chức năng). Tiêu chuẩn hành lý miễn thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 79/1998/NĐ-TTg ngày 29/09/1998 của Chính phủ và Thông tư số 07/1998/TT-TCHQ ngày 14/10/1998 của Tổng cục Hải Quan.
3- Chỉ cá nhân chuyên gia ODA mới được tạm nhập miễn thuế 01 xe ô tô, 01 xe gắn máy và nhập khẩu miễn thuế hàng hóa quy định tại phụ lục số II kèm theo Quyết định 211/1998-QĐ-TTg ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
1 - Chỉ Cục Hải Quan tỉnh, thành phố nơi có chương trình, dự án ODA mới được cấp giấy phép tạm nhập khẩu hàng hóa miễn thuế cho chuyên gia của chương trình, dự án đó. Trường hợp địa phương không có tổ chức Hải Quan hoặc các chương trình, dự án liên tỉnh hoặc ở cấp Trung ương thì Tổng cục Hải Quan sẽ chỉ định Cục Hải Quan tỉnh, thành phố thuận tiện cấp giấy phép.
2 - Chuyên gia ODA phải có đơn xin tạm nhập khẩu các hàng hóa theo định lượng với nội dung:
- Tên, hộ chiếu, Quốc tịch.
- Tên chương trình, dự án tại Việt Nam.
- Thời gian công tác tại Việt Nam.
- Nội dung hàng hóa xin nhập khẩu.
- Cửa khẩu nhập khẩu.
Đơn gửi Cục Hải Quan tỉnh, thành phố nơi có chương trình, dự án ODA, hoặc Cục Hải Quan tỉnh, thành phố nơi được Tổng cục Hải Quan chỉ định, sau đây gọi tắt là Cục Hải Quan tỉnh, thành phố, và phải có xác nhận của Bộ, ngành chủ quản thực hiện chương trình, dự án ODA và các chứng từ liên quan đến hàng hóa.
- Chuyên gia ODA có thời gian công tác tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên mới được phép tạm nhập xe ô tô (tay lái thuận) và xe gắn máy (dưới 175 phân phối).
- Trường hợp tạm nhập xe ô tô và xe gắn máy đã qua sử dụng, phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Chất lượng xe đảm bảo từ 70% trở lên.
+ Chuyên gia phải xuất trình giấy tờ về quyền sở hữu xe.
- Trường hợp xe ô tô, xe gắn máy của chuyên gia ODA đã được tạm nhập bị hư hỏng do tai nạn, nếu được phép tạm nhập thay thế ô tô, xe máy khác thì thời gian công tác của chuyên gia tại Việt Nam còn từ trên 6 tháng.
3- Cục Hải Quan tỉnh, thành phố khi cấp giấy phép nhập tạm khẩu miễn thuế các mặt hàng định lượng phải ghi rõ nội dung sau:
- Đối tượng: Chuyên gia ODA.
- Thời gian công tác tại Việt Nam (đối với giấy phép tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy).
Nội dung hàng hóa nhập khẩu.
4- Trên cơ sở xác nhận của Bộ, ngành chủ quản về chương trình, dự án ODA, thời gian thực hiện dự án, số lượng chuyên gia và người thân, Cục Hải Quan tỉnh, thành phố phải có sổ theo dõi đối với hàng hóa của chuyên gia ODA từ khi nhập khẩu, đến khi tái xuất hoặc chuyển nhượng các mặt hàng định lượng.
- Để đảm bảo theo dõi việc tạm nhập-tái xuất xe ô tô, xe gắn máy của chuyên gia ODA, chỉ Cục Hải Quan tỉnh, thành phố nào cấp giấy phép tạm nhập khẩu miễn thuế thì sẽ cấp phép cho tái xuất, chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy, các trường hợp khác phải có ý kiến của Tổng cục Hải Quan.
Về nguyên tắc, các hàng hóa quản lý định lượng nhập khẩu, sau thời gian công tác tại Việt Nam thì phải tái xuất. Trường hợp chuyển nhượng, biếu tặng xe ô tô, xe gắn máy thì phải xin phép cơ quan Hải Quan và thực hiện theo Quyết định 20/TCHQ-GSQL ngày 20/03/1996 về việc chuyển nhượng xe của người nước ngoài.
III. XỬ LÝ VI PHẠM:
Những hành vi vi phạm quy định tại Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg ngày 31/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải Quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, theo chức năng của mình, chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.
Sáu tháng một lần Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Hải quan số lượng xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập, tái xuất, chuyển nhượng tại Việt Nam của các đối tượng trên.