• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/04/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 20/04/2018
UBND TỈNH BẾN TRE
Số: 07/2008/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bến Tre, ngày 25 tháng 3 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định quản lý chất lượng giống tôm biển

trên địa bàn tỉnh Bến Tre

____________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý chất lượng giống tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành.

Bãi bỏ Quyết định số 281/2002/QĐ-UB ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Về việc ban hành Quy định về quản lý chất lượng tôm giống của tỉnh Bến Tre và Quyết định số 1043/2002/QĐ-UB ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Về việc bổ sung Điều 7 bản Quy định về Quản lý chất lượng tôm giống ban hành kèm theo Quyết định số 281/2002/QĐ-UB./.

 

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Bảo

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Quản lý chất lượng giống tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre

(Ban hành kèm theo Quyết định số 07 /2008/QĐ-UBND 

ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

__________________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này nhằm cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng giống tôm biển và các hoạt động khác có liên quan phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng, di nhập giống tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

3. Giống tôm biển trong Quy định này bao gồm: giống tôm sú và giống tôm chân trắng (gọi tắt là tôm giống).

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG

Điều 2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống

1. Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về sản xuất, kinh doanh tôm giống.

2. Địa điểm xây dựng trại sản xuất, thuần dưỡng tôm giống phải phù hợp với quy hoạch của ngành thủy sản.

Riêng đối với trại sản xuất giống tôm chân trắng thực hiện theo Điều 2 Quy định về sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; đối với các cơ sở thuần dưỡng tôm chân trắng phải nằm trong các khu sản xuất giống tập trung, cách biệt với các trại sản xuất, thuần dưỡng giống tôm sú.

3. Cơ sở sản xuất và kinh doanh tôm giống phải đạt yêu cầu sau:

a) Cơ sở phải có đủ hệ thống bể ương, trang thiết bị đảm bảo cho việc sản xuất và thuần dưỡng giống;

b) Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường;

c) Phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

4. Nhân viên kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn hoặc có chứng chỉ đã được đào tạo về chuyên ngành nuôi trồng thủy sản.

5. Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh.

6. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải tự xây dựng tiêu chuẩn chất lượng tôm giống và phải công bố tiêu chuẩn chất lượng tôm giống, đồng thời phải ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định.

Điều 3. Tiêu chuẩn chất lượng tôm giống

Tôm giống khi nhập tỉnh và xuất bán cho người nuôi phải đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Đối với tôm bố mẹ:

a) Đối với tôm chân trắng: thực hiện theo Điều 3 Quy định về sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.

b) Đối với tôm sú:

- Trọng lượng không dưới 70g đối với tôm đực, 120g đối với tôm cái;

- Màu sắc: xanh đậm hoặc vàng nâu, nâu đậm;

- Ngoại hình: các phụ bộ hoàn chỉnh, không dị hình;

- Cơ quan sinh dục còn nguyên vẹn;

- Không nhiễm mầm bệnh virus đốm trắng (WSSV).

2. Đối với tôm postlarvae:

a) Trạng thái hoạt động: tôm bơi thành đàn ngược dòng liên tục quanh thành bể ương hoặc chậu, có phản xạ nhanh khi có tác động đột ngột của tiếng động mạnh hoặc ánh sáng;

b) Kích cỡ: tối thiểu postlarvae 12; kích cỡ tối thiểu 10mm đối với tôm sú, tối thiểu là 9mm đối với tôm chân trắng;

c) Ngoại hình: các phụ bộ hoàn chỉnh, các đốt bụng hình chữ nhật; đầu và thân cân đối, không có dị tật; đuôi mở rộng dạng chữ V khi bơi;

d) Màu sắc: tương đối đồng nhất;

đ) Mức độ đồng đều: tôm đồng đều về kích cỡ, tỷ lệ chênh lệch đàn không lớn hơn 5%;

e) Mức độ nhiễm bệnh:

- Bệnh do virus: không có mầm bệnh virus đốm trắng (WSSV) đối với tôm sú; không có mầm bệnh virus Taura (STV), đốm trắng (WSSV) đối với tôm chân trắng;

- Bệnh phát sáng: không có;

- Bệnh nấm: không có.

Điều 4. Quản lý tôm giống nhập tỉnh

1. Tôm giống nhập tỉnh phải đạt tiêu chuẩn chất lượng như Điều 3 Quy định này; riêng giống tôm chân trắng phải được cơ quan thú y nơi xuất giống xác nhận nguồn gốc tôm bố mẹ rõ ràng (theo khoản 2 Điều 3 Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

2. Tôm giống nhập tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất, đồng thời phải có phiếu xét nghiệm bằng phương pháp PCR xác định tôm giống không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) đối với giống tôm sú; không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) và virus gây bệnh Taura (TSV) đối với giống tôm chân trắng.

3. Tôm giống khi nhập tỉnh phải trình báo tại trạm kiểm dịch; trong trường hợp lô tôm giống chưa được niêm phong theo đúng quy định thì phải kiểm dịch lại. Tất cả tôm giống nhập tỉnh phải được lấy mẫu để tái kiểm bằng phương pháp PCR xác định không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) đối với giống tôm sú, virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) và virus gây bệnh Taura (TSV) đối với giống tôm chân trắng. Trường hợp vận chuyển tôm giống bằng đường thủy hoặc những tuyến đường bộ chưa có trạm kiểm dịch thì phải thông báo cho cơ quan quản lý thú y biết về thời gian và địa điểm tập kết hàng ít nhất là 24 giờ trước khi tôm giống nhập tỉnh để được kiểm dịch theo quy định.

4. Khi kiểm dịch lại phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh thì phải được cách ly, điều trị khỏi bệnh và được kiểm dịch lại mới được xuất bán; trường hợp điều trị không hết bệnh thì phải tiến hành tiêu hủy, kinh phí tiêu hủy do người vận chuyển tôm giống hoặc chủ hàng chi trả.

5. Tôm giống bị nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) hoặc virus gây bệnh Taura (TSV) qua tái kiểm sẽ bị tiêu hủy, kinh phí tiêu hủy do người vận chuyển tôm giống hoặc chủ hàng chi trả.

6. Trường hợp tôm giống nhập tỉnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng như khoản 2 Điều 3 Quy định này thì phải được thuần dưỡng, thời gian thuần dưỡng tối thiểu là 24 giờ và phải được kiểm dịch lại mới được xuất bán.

7. Kinh phí kiểm dịch lại do người vận chuyển tôm giống hoặc chủ hàng chi trả. Kinh phí tái kiểm bằng phương pháp PCR do ngân sách Nhà nước chi trả khi tôm giống nhập tỉnh có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 điều này; trường hợp lô tôm giống nhập tỉnh không có phiếu xét nghiệm bằng phương pháp PCR nơi xuất thì người vận chuyển tôm giống hoặc chủ hàng phải chi trả kinh phí xét nghiệm bằng phương pháp PCR.

Điều 5. Quản lý tôm giống sản xuất trong tỉnh

1.Tôm giống sản xuất để cung cấp cho người nuôi phải đạt tiêu chuẩn chất lượng như khoản 2 Điều 3 Quy định này.

2. Trước khi xuất bán, chủ cơ sở sản xuất phải khai báo với cơ quan quản lý thú y thủy sản để được kiểm dịch và lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR xác định tôm giống không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) đối với giống tôm sú; không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) và virus gây bệnh Taura (TSV), tần suất lấy mẫu 5 đến 10% số lượng bể ương trong một đợt sản xuất đối với giống tôm chân trắng.

3. Nếu tôm giống bị nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) hoặc virus gây bệnh Taura (TSV) sẽ bị tiêu hủy, kinh phí tiêu hủy do chủ cơ sở sản xuất chi trả.

4. Nghiêm cấm việc xuất bán tôm giống khi chưa có phiếu kiểm dịch hoặc phiếu kiểm dịch đã hết hạn và chưa có kết quả xét nghiệm xác định tôm giống không nhiễm virus gây bệnh nguy hiểm theo quy định.

Điều 6. Quy định về phòng ngừa dịch bệnh

1.  Các tổ chức, cá nhân không được mua, bán tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có phiếu xét nghiệm xác định tôm giống không nhiễm các loại virus gây bệnh nguy hiểm theo quy định; không được dùng tôm giống đã nhiễm bệnh vào mục đích sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng tôm giống phải chấp hành việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản theo quy định.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng tôm giống khi phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh phải kịp thời khai báo cho cơ quan quản lý thú y thủy sản biết để được hướng dẫn; không được tự ý tiêu hủy hoặc xả chất thải, xác tôm giống bị nhiễm bệnh khi chưa được xử lý hết mầm bệnh.

4. Việc sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng tôm giống phải tuân thủ đúng quy định về lịch thời vụ đối với tôm sú và vùng được phép nuôi tôm chân trắng của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Công tác kiểm dịch tôm giống

1. Việc kiểm dịch tôm giống do kiểm dịch viên thú y thủy sản thực hiện.

2. Kiểm dịch viên hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết luận của mình trong biên bản kiểm dịch.

Điều 8. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm

1. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất lượng giống thủy sản do Thanh tra Thủy sản, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện.

2. Việc tiêu hủy tôm giống bị nhiễm bệnh virus đốm trắng (WSSV), Taura (TSV) và các bệnh khác không điều trị được theo kết luận của kiểm dịch viên do cơ quan thú y quyết định và giám sát việc tiêu hủy. Trong trường hợp đối tượng không chấp hành quyết định, Thanh tra Thủy sản sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện những nội dung Quy định này sẽ được xét biểu dương khen thưởng. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định quản lý giống tôm biển thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc Sở Thủy sản tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Bảo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.