QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc đầu tư dự án "Khôi phục và phát
triển thuỷ lợi khu vực miền trung và thành phố Hồ Chính Minh"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét tờ trình của Bộ Thuỷ lợi (số 2729/TT-KH ngày 17 tháng 12 năm 1994) về việc xin phê duyệt dự án tiền khả thi "Khôi phục và phát triển thuỷ lợi khu vực miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh" và ý kiến thẩm tra dự án của Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước (công văn số 764/UB-VPTĐ ngày 15/3/1995 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước);
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đầu tư dự án "Khôi phục và phát triển thuỷ lợi khu vực miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh" với các nội dung sau đây:
1- Tên dự án: "Khôi phục và phát triển thuỷ lợi khu vực miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh".
2- Mục tiêu của dự án: Khôi phục và nâng cấp 5 hệ thống thuỷ nông đã khai thác lâu năm (Cẩm Thuỷ, Nam Nghệ An, Linh Cảm, An Trạch, Đồng Cam); và đầu tư cho 2 hệ thống công trình thuỷ lợi lớn hiện đang thi công dở dang (Thạch Nham, Hóc Môn - Bắc Bình Chánh) nhằm duy trì năng lực tưới ổn định là 70.000 ha, trong đó diện tích tưới tăng hơn trước khi có dự án là 32.600 ha.
3- Phạm vi và quy mô của dự án: dự án gồm 7 tiểu dự án của 7 hệ thống thuỷ nông thuộc 7 tỉnh là:
Hệ thống Cẩm Thuỷ tỉnh Thanh Hoá,
-
Hệ thống Nam Nghệ An tỉnh Nghệ An,
Hệ thống Linh Cảm tỉnh Hà Tĩnh,
Hệ thống An Trạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng,
Hệ thống Đồng Cam tỉnh Phú Yên,
Hệ thống Thạch Nham tỉnh Quảng Ngãi,
Hệ thống Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
4- Vốn đầu tư cho dự án:
Tổng vốn đầu tư: 121 triệu 629 ngàn USD,
Trong đó:
Ngân hàng thế giới cho vay với số tiền là 81 triệu 80 ngàn USD (chưa tính vốn vay đầu tư hệ thống kênh tưới cho các vùng dưới 150 ha).
Vốn đối ứng trong nước đảm bảo phần còn lại.
Mức vốn đầu tư cho từng công trình sẽ được xác định chính thức, khi xem xét ra quyết định đầu tư khả thi từng tiểu dự án (với mức vốn ngoài nước là mức trần).
5- Việc xây dựng các công trình và mua sắm thiết bị đều phải thông qua đấu thầu, nhằm tiết kiệm vật tư, tiền vốn và nâng cao chất lượng công trình.
6- Trên cơ sở Luật Đất đai và các quy định hiện hành, Uỷ ban Nhân dân các địa phương chủ trì phối hợp với Bộ Thuỷ lợi giải quyết việc di dân tái định cư ở các vùng có công trình của dự án, theo kế hoạch di dân tái định cư phần 1, do Bộ Thuỷ lợi trình tại văn bản số 345/CV-KH ngày 8/3/1995 và số 2357/CV-KH ngày 3/11/1994.
7- Thời gian tối đa thực hiện dự án: 5 năm, kể từ ngày được cấp vốn.
Điều 2. Phân giao nhiệm vụ.
1- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi và các ngành có liên quan, cân đối vốn cho dự án.
2- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối ngân sách để cấp vốn đối ứng cho dự án theo đúng luận chứng được duyệt, trả nợ vốn vay cho dự án này khi đến hạn theo đúng cam kết quốc tế về vay và trả nợ.
3- Bộ Thuỷ lợi là chủ quản dự án có nhiệm vụ:
Căn cứ vào dự án tiền khả thi được duyệt, chỉ đạo việc lập dự án khả thi thành các hồ sơ riêng biệt, tiến hành xét duyệt theo đúng quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành, đảm bảo khống chế trong tổng vốn đầu tư đã được xác định tại mục 4 Điều 1 quyết định này.
Tổ chức điều hành dự án, chỉ đạo kỹ thuật và thi công các công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, đúng chế độ và nghiệm thu quyết toán công trình đưa công trình vào sử dụng có hiệu quả.
4- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có các tiểu dự án chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Thuỷ lợi và Bộ Tài chính chuẩn bị vốn đối ứng để đầu tư xây dựng đồng bộ phần công trình nội đồng, tổ chức di dân và đền bù bảo đảm hệ thống được hoàn thiện và phát huy hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.