Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành "Quy định về vệ sinh đối với một số loại bao bì

bằng chất dẻo dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm"

__________________________

Căn cứ Nghị định số 68/ CP ngày 11/10/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ về việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng hàng hóa;

Căn cứ Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg ngày 04/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra - Bộ Y tế và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về vệ sinh đối với một số loại bao bì bằng chất dẻo dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm"

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ: Khoa học và Đào tạo, Pháp chế, Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Sở Y tế, TTYTDP các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương
- Các Viện: Dinh dưỡng, Pasteur NT, Vệ sinh YTCC Tp. HCM, VSDT Tây Nguyên
- Vụ PC, K2ĐT, TTr,
- Lưu Cục QLTP,
- Lưu trữ 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)


Lê Văn Truyền

 

QUY ĐỊNH

 

Về vệ sinh an toàn đối với một số loại bao bì bằng chất dẻo

dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3339 /2001/QĐ-BYT,

ngày 30 tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 

 
 

 

1. Quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh đối với một số loại bao bì bằng chất dẻo dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh bao bì bằng chất dẻo dùng để bao gói, chứa đựng thực phẩm.

1.3. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Chất dẻo: là những hợp chất hữu cơ cao phân tử được tạo ra bởi quá trình polime hoá, quá trình trùng ngưng, quá trình trùng hợp hay các quá trình tương tự từ các phân tử có khối lượng thấp hơn. Chất dẻo còn được tạo ra từ các polime tự nhiên hoặc polime tự nhiên biến tính.

Thôi nhiễm: là sự di chuyển của các chất có trong bao bì sang thực phẩm.

2. Yêu cầu về vệ sinh an toàn đối với bao bì thực phẩm bằng chất dẻo

2.1. Yêu cầu chung

2.1.1. Bao bì thực phẩm bằng chất dẻo không được thôi nhiễm các chất sang thực phẩm với hàm lượng quá 10 mg/dm2 diện tích bề mặt bao bì.

Giới hạn thôi nhiễm là 60 mg/kg thực phẩm đối với các trường hợp sau:

- Bao bì có dung tích lớn hơn 0,5 lít và nhỏ hơn 10 lít;

- Bao bì khó xác định bề mặt tiếp xúc với thực phẩm;

- Các loại bao nang, vòng đệm, nút, nắp.

2.1.2. Bao bì bằng chất dẻo dùng để chứa đựng dầu, mỡ và sữa lưu thông trên thị trường chỉ được sử dụng một lần.

2.2. Yêu cầu đối với các monome và các chất khởi đầu khác

Giới hạn an toàn của các monome và các chất khởi đầu khác dùng trong sản xuất bao bì thực phẩm bằng chất dẻo phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại bảng 1.

2.3. Yêu cầu đối với chất phụ gia 

Các chất phụ gia sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm bằng chất dẻo phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại TCVN 6514 - 8 : 1999 (AS 2070 - 8 :1992 (E)). 

2.4. Yêu cầu đối với chất màu

Các chất màu sử dụng trong sản xuất bao bì thực phẩm bằng chất dẻo phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại TCVN 6514 - 6 : 1999 (AS 2070 - 6 :1995 (E)). 

3. Yêu cầu đối với bao bì thực phẩm dạng polyetylen (PE) và polypropylen (PP) 

Ngoài những yêu cầu đã quy định tại phần 2 của Quy định này thì điều kiện thử nghiệm và giới hạn an toàn đối với nguyên liệu và bao bì thành phẩm dạng PE, PP phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại bảng 2. 

4. Yêu cầu đối với bao bì thực phẩm dạng polyetylen terephtalat (PET) 

Ngoài những yêu cầu đã quy định tại phần 2 của Quy định này thì điều kiện thử nghiệm và giới hạn an toàn đối với nguyên liệu và bao bì thành phẩm dạng PET phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại bảng 3 

5. Yêu cầu đối với bao bì thực phẩm dạng polyvinyl clorua (PVC) 

Ngoài những yêu cầu đã quy định tại phần 2 của Quy định này thì điều kiện thử nghiệm và giới hạn an toàn đối với nguyên liệu và bao bì thành phẩm dạng PVC phải thực hiện theo yêu cầu quy định tại bảng 4.

Bộ Y tế

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Văn Truyền