• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 11/12/2009
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 30/2005/QĐ-BGD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 30 tháng 9 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Về việc ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg ngày 11/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 22/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường Tiểu học;

Căn cứ Quyết định số 43/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình Tiểu học,

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quyết định này thay thế cho Quyết định số 29/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định tạm thời về đánh giá, xếp loại học sinh lớp 1, 2, 3. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Các ông (Bà) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương, Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học

(Ban hành kèm theo Quyết định số30/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/09/2005

của Bộ trưởngBộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định việc đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, bao gồm: đánh giá và xếp loại hạnh kiểm; đánh giá và xếp loại học lực; sử dụng kết quả đánh giá và xếp loại; trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên và học sinh trong việc đánh giá và xếp loại.

Điều 2. Mục đích đánh giá và xếp loại

1. Góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung chương trình và các mặt hoạt động giáo dục.

2. Góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự tin cho học sinh tiểu học.

3. Khuyến khích học sinh học tập liên tục, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục đối với tất cả trẻ em trong độ tuổi giáo dục tiểu học.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá và xếp loại

1. Kết hợp đánh giá định lượng và định tính trong đánh giá và xếp loại.

2. Thực hiện công khai, công bằng, khách quan, chính xác và toàn diện.

3. Coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh.

4. Phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng tự học, tự đánh giá của học sinh; xây dựng niềm tin, rèn luyện đạo đức theo truyền thống Việt Nam.

Chương II

ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI HẠNH KIỂM

Điều 4. Nội dung đánh giá

Học sinh được đánh giá về hạnh kiểm theo kết quả thực hiện bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học được quy định cụ thể như sau:

1. Biết vâng lời thầy giáo, cô giáo; lễ phép trong giao tiếp hàng ngày; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè.

2. Thực hiện nội quy nhà trường; đi học đều và đúng giờ; tích cực tham gia các hoạt động học tập; giữ gìn sách vở và đồ dùng học tập.

3. Giữ gìn vệ sinh cá nhân; đầu tóc, quần áo gọn gàng, sạch sẽ; ăn uống hợp vệ sinh.

4. Tham gia các hoạt động tập thể trong và ngoài giờ lên lớp của trường, của lớp; giữ gìn, bảo vệ tài sản của trường, lớp và nơi công cộng; bước đầu biết giữ gìn và bảo vệ môi trường, thực hiện các quy tắc về an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Điều 5. Cách đánh giá

1. Học sinh thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học theo quy định đánh giá bằng nhận xét được ghi là thực hiện đầy đủ (Đ).

2. Học sinh chưa thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh tiểu học theo quy định đánh giá bằng nhận xét được ghi là chưa thực hiện đầy đủ (CĐ).

3. Giáo viên ghi nhận xét cụ thể những điểm mà học sinh chưa thực hiện được vào sổ theo dõi của giáo viên để có kế hoạch giúp đỡ và động viên học sinh tự tin trong rèn luyện. Giáo viên có thể gặp riêng cha mẹ học sinh để bàn bạc, trao đổi, thống nhất các biện pháp phối hợp giáo dục học sinh.

Điều 6. Thời điểm đánh giá

Học sinh được đánh giá hạnh kiểm vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Đánh giá là hoạt động thường xuyên của giáo viên, giáo viên cần chú ý đến quá trình tiến bộ của học sinh. Đánh giá cuối năm là quan trọng nhất.

Chương III

ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP LOẠI HỌC LỰC

Điều 7. Đánh giá bằng điểm số

1. Các môn học đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học và các nội dung tự chọn.

2. Các môn học đánh giá bằng điểm số cho điểm từ 1 đến 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân ở các lần kiểm tra.

Điều 8. Đánh giá bằng nhận xét

1. Các môn học đánh giá bằng nhận xét gồm:

a) Ở các lớp 1, 2, 3: Đạo đức, Thể dục, Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật.

b) Ở các lớp 4, 5: Đạo đức, Thể dục, âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật.

2. Các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá theo hai mức:

a) Loại Hoàn thành (A): đạt được yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của môn học, đạt được từ 50% số nhận xét trở lên trong từng học kỳ hay cả năm học. Những học sinh đạt loại Hoàn thành nhưng có biểu hiện rõ về năng lực học tập môn học, đạt 100% số nhận xét trong từng học kỳ hay cả năm học được giáo viên đánh giá là Hoàn thành tốt (A+) và ghi nhận xét cụ thể trong học bạ để nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng.

b) Loại Chưa hoàn thành (B): chưa đạt những yêu cầu theo quy định, đạt dưới 50% số nhận xét trong từng học kỳ hay cả năm học.

Việc đánh giá bằng nhận xét cần nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét cần quan niệm là sự khơi dậy tiềm năng học tập của học sinh.

Điều 9. Đánh giá thường xuyên

1. Việc đánh giá thường xuyên được thực hiện ở tất cả các tiết học theo quy định của chương trình nhằm mục đích theo dõi, động viên, khuyến khích hay nhắc nhở học sinh học tập tiến bộ, đồng thời để giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp, điều chỉnh hoạt động giảng dạy, hoạt động giáo dục nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

2. Việc đánh giá thường xuyên được tiến hành dưới các hình thức kiểm tra thường xuyên (KTTX), gồm: kiểm tra miệng, quan sát học sinh học tập hoặc hoạt động, bài tập thực hành, kiểm tra viết (dưới 20 phút).

3. Số lần KTTX tối thiểu cho các môn học trong một tháng như sau:

a) Môn Tiếng Việt có 4 lần;

b) Môn Toán có 2 lần;

c) Môn Khoa học, các môn học và nội dung tự chọn khác có 1 lần;

d) Môn Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn có 1 lần;

e) Các môn (phân môn) còn lại thực hiện theo quy định đánh giá bằng nhận xét được hướng dẫn cụ thể tại Sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học.

Điều 10. Đánh giá định kỳ

1. Việc đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được tiến hành sau từng giai đoạn học tập (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II, cuối học kỳ II). Đánh giá định kỳ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các cấp quản lý chỉ đạo để quản lý quá trình học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên.

2. Việc đánh giá định kỳ được tiến hành dưới các hình thức kiểm tra định kỳ (KTĐK), gồm:

a) Kiểm tra miệng, quan sát học sinh học tập hoặc hoạt động, bài tập thực hành đối với các môn đánh giá bằng nhận xét;

b) Kiểm tra viết bằng hình thức trắc nghiệm, tự luận trong thời gian 1 tiết đối với các môn đánh giá bằng điểm số.

3. Số lần kiểm tra định kỳ cho các môn học như sau:

a) Môn Tiếng Việt, môn Toán mỗi năm học có 4 lần KTĐK vào giữa học kỳ I (GKI), cuối học kỳ I (CKI), giữa học kỳ II (GKII) và cuối học kỳ II (CKII);

b) Môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lý, các môn học và nội dung tự chọn khác mỗi năm học có 2 lần KTĐK vào CKI và CKII;

c) Các môn (phân môn) còn lại thực hiện theo quy định đánh giá bằng nhận xét (được hướng dẫn cụ thể tại Sổ theo dõi kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học);

đ) Trường hợp học sinh có kết quả KTĐK bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ số điểm KTĐK đều được bố trí cho làm bài kiểm tra lại để có căn cứ đánh giá về học lực môn và xét khen thưởng.

Điều 11. Đánh giá và xếp loại học lực về từng môn học

Học sinh được xếp loại học lực môn học kỳ I (HLM.KI), học lực môn học kỳ II (HLM.KII) và học lực môn cả năm (HLM.N) ở tất cả các môn học.

1. Đối với các môn được đánh giá bằng điểm số

a) Xác định điểm học lực môn:

- Môn Tiếng Việt và môn Toán:

+ Điểm HLM.KI là trung bình cộng của điểm KTĐK.GKI và điểm KTĐK.CKI.

+ Điểm HLM.KII là trung bình cộng của điểm KTĐKGKII và điểm KTĐKCKII.

+ Điểm HLM.N là trung bình cộng của HLM.KI và HLM.KII.

- Môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lý, các môn học và nội dung tự chọn khác:

+ Điểm HLM.KI chính là điểm KTĐK.CKI.

+ Điểm HLM.KII chính là điểm KTĐK.CKII.

+ Điểm HLM.N là trung bình cộng của HLM.KI và HLM.KII.

b) Xếp loại học lực môn:

- Loại Giỏi: điểm học lực môn đạt từ 9 đến 10.

- Loại Khá: điểm học lực môn đạt từ 7 đến dưới 9.

- Loại Trung bình: điểm học lực môn đạt từ 5 đến dưới 7.

- Loại Yếu: điểm học lực môn đạt dưới 5

2. Đối với các môn được đánh giá bằng nhận xét

- HLM.KI chính là kết quả đánh giá dựa trên các nhận xét đạt được trong học kỳ I.

- HLM.KII chính là kết quả đánh giá dựa trên các nhận xét đạt được trong cả năm.

- HLM.N chính là HLMK.II.

Điều 12. Những quy định khác

1. Đối với các môn học:

a) Môn Tiếng Việt: mỗi lần KTĐK môn Tiếng Việt có 2 bài kiểm tra: Đọc, Viết. Điểm của 2 bài kiểm tra này được quy về 1 điểm chung là trung bình cộng điểm của 2 bài (làm tròn 0,5 thành l);

b) Môn Lịch sử và Địa lý: mỗi lần KTĐK môn Lịch sử và Địa lý có 2 bài kiểm tra: Lịch sử, Địa lý. Điểm của hai bài kiểm tra này được quy về một điểm chung là trung bình cộng của 2 bài làm tròn 0,5 thành 1).

2. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn:

a) Đối với học sinh khuyết tật, tất cả các bài kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ được lưu giữ thành hồ sơ học tập của học sinh. Học sinh khuyết tật học hòa nhập được đánh giá ở những môn học mà học sinh có khả năng theo học bình thường. Các môn học khác chỉ yêu cầu đánh giá dựa trên sự tiến bộ của chính học sinh;

b) Đối với học sinh lang thang cơ nhỡ ở các lớp tình thương có điều kiện chuyển sang lớp chính quy được tổ chức kiểm tra hai môn Toán, Tiếng Việt. Điểm trung bình của hai môn Toán, Tiếng Việt đạt 5 trở lên, không có điểm dưới 4 được xếp vào lớp học phù hợp hoặc được xác nhận học hết chương trình tiểu học.

Chương IV

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

Điều 13. Xét lên lớp

1. Những học sinh có điểm KTĐK.CKII của tất cả các môn học được đánh giá bằng điểm số đạt từ 5 trở lên và HLM.N của các môn (phân môn) đánh giá bằng nhận xét đạt loại Hoàn thành (A) trở lên được lên lớp thẳng.

2. Những học sinh có điểm KTĐK.CKII dưới 5 theo đánh giá bằng điểm số phải kiểm tra lại; nếu điểm trung bình cộng các môn kiểm tra lại đạt 5 trở lên (làm tròn 0,5 thành 1), trong đó không có môn dưới điểm 4 thì được lên lớp.

Mỗi học sinh có quyền được ôn tập và kiểm tra lại nhiều nhất là 3 lần /1môn học được đánh giá bằng điểm số vào thời điểm cuối năm học hoặc sau hè. Hiệu trưởng có trách nhiệm yêu cầu giáo viên hướng dẫn và tổ chức ôn tập cho học sinh yếu đạt được yêu cầu của mỗi môn học.

Những học sinh xếp loại HLM.KI loại Chưa hoàn thành (B) theo đánh giá bằng nhận xét, cần được giáo viên giúp đỡ ngay trong thời gian học kỳ 2 để đạt mức HLM.KII và HLM.N loại Hoàn thành (A).

3. Điểm HLM.N của các môn học Tiếng nước ngoài, Tiếng dân tộc, Tin học và các nội dung tự chọn khác được dùng để khen thưởng, động viên học sinh, không tham gia xét lên lớp.

Điều 14. Xét khen thưởng

1. Xét khen thưởng cho những học sinh được lên lớp thẳng theo các mức sau:

a) Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi cho những học sinh được nhận xét thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh và điểm HLM.N của các môn học: Toán, Tiếng Việt (ở lớp 1, 2, 3); Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, 5) đạt loại Giỏi, điểm HLM.N của các môn (phân môn) đánh giá bằng nhận xét đạt loại Hoàn thành (A);

b) Khen thưởng danh hiệu học sinh Tiên tiến cho những học sinh được nhận xét thực hiện đầy đủ bốn nhiệm vụ của học sinh và điểm HLM.N của một trong các môn đánh giá bằng điểm số đạt loại Giỏi, các môn còn lại đạt loại Khá trở lên, các môn (phân môn) đánh giá bằng nhận xét đạt HLM.N loại Hoàn thành (A).

2. Xét khen thưởng thành tích từng môn học, từng mặt cho các học sinh chưa đạt các danh hiệu trên theo các mức sau:

a) Khen thưởng cho những học sinh đạt HLM.N của từng môn học đạt loại Giỏi;

b) Khen thưởng cho những học sinh có tiến bộ từng mặt trong học tập, rèn luyện nói chung (đặc biệt là đối với học sinh khuyết tật) .

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA HIỆU TRƯỞNG, GIÁO VIÊN VÀ

HỌC SINH TRONG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI

Điều 15. Trách nhiệm của hiệu trưởng

1. Tổ chức, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đánh giá xếp loại học sinh của giáo viên phụ trách lớp.

2. Duyệt kết quả đánh giá, nhận xét, xếp loại cuối học kỳ I, cuối năm học của các lớp và chỉ đạo việc xét cho học sinh lên lớp hay kiểm tra lại. Ký tên xác nhận kết quả ở học bạ sau khi năm học kết thúc.

3. Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến của học sinh, khiếu nại của cha mẹ hoặc người giám hộ về đánh giá, nhận xét, xếp loại theo phạm vi và quyền hạn của mình. Thời gian trả lời khiếu nại chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

4. Tổ chức và quản lý các hồ sơ về nhận xét, đánh giá, xếp loại học sinh. Quản lý các bài kiểm tra định kỳ của học sinh trong suốt 5 năm ở cấp tiểu học.

5. Cùng tập thể sư phạm quyết định về số học sinh tiêu biểu được lựa chọn từ số học sinh giỏi của trường, trên cơ sở xét tổng hợp nhiều mặt giáo dục, rèn luyện và các hoạt động khác.

Điều 16. Trách nhiệm của giáo viên phụ trách lớp

1. Chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định.

2. Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực của từng học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ và ghi đủ vào các loại hồ sơ quản lý học sinh theo quy định. Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng học sinh.

3. Hoàn thành hồ sơ về đánh giá xếp loại học sinh, lưu giữ bài kiểm tra học kỳ, bài kiểm tra thường xuyên của học sinh khuyết tật, bàn giao kết quả học tập và rèn luyện của từng học sinh cho giáo viên phụ trách lớp kế tiếp.

Điều 17. Trách nhiệm và quyền lợi của học sinh

1. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quy định trong Điều lệ trường tiểu học, ban hành theo Quyết định số 22/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp thu sự giáo dục của nhà trường để luôn tiến bộ.

2. Có quyền nêu ý kiến và nhận được sự giải thích, hướng dẫn của giáo viên phụ trách lớp, của Hiệu trưởng nhà trường khi thấy mình chưa được đánh giá, nhận xét, xếp loại chính xác, công bằng./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đặng Huỳnh Mai

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.