• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/07/2012
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 85/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 25 tháng 5 năm 2012

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với quỹ bảo vệ và phát triển rừng

___________________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng;

Thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập và quản lý (sau đây gọi là Quỹ Trung ương); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (sau đây gọi là Quỹ cấp tỉnh).

Đối với những xã có rừng và có nguồn thu theo quy định tại khoản 1 và các điểm b, c, d khoản 3 của Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, được thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã (sau đây gọi là Quỹ cấp xã); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp xã theo quy định.

2. Quỹ là đơn vị hạch toán độc lập, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (để nhận các khoản kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp, các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 05/2008/NĐ-CP, khoản 3 của Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg và các khoản kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước), Ngân hàng thương mại.

Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước cấp ban đầu; Quỹ phải đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật;

3. Quỹ thực hiện chế độ quản lý tài chính theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan;

4. Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội đồng quản lý Quỹ cấp tỉnh, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước về việc chấp hành chế độ quản lý tài chính.

Điều 2. Quy định về nguồn tài chính của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng

1. Quỹ Trung ương:

a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ ban đầu khi thành lập 100 tỷ đồng và cấp trong 2 năm;

b) Nguồn tài chính ủy thác:

- Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn;

- Tiền ủy thác của các tổ chức quốc tế; tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng ủy thác liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng;

c) Tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức quốc tế; tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước;

d) Kinh phí các chương trình, dự án có quy định hoàn trả nộp Quỹ;

đ) Lãi tiền gửi các tổ chức tín dụng;

e) Các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Quỹ cấp tỉnh:

a) Ngân sách địa phương hỗ trợ ban đầu khi thành lập Quỹ. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

b) Nguồn tài chính ủy thác:

- Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn;

- Tiền ủy thác của các tổ chức quốc tế; tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo hợp đồng ủy thác liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng;

c) Các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng; gồm:

- Đóng góp của các chủ rừng khi còn khai thác, kinh doanh gỗ trong những trường hợp sau: Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất; Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất có thu tiền sử dụng rừng hoặc nhận chuyển nhượng rừng nhưng tiền sử dụng rừng, tiền chuyển nhượng rừng đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng.

- Đóng góp của cơ sở kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, dịch vụ sinh thái - môi trường rừng.

- Đóng góp từ các dự án đầu tư phải khai thác rừng để giải phóng mặt bằng và có yêu cầu phải trồng lại rừng nhưng không có điều kiện.

Mức đóng góp, đối tượng đóng góp, đối tượng được miễn giảm; cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thu các khoản đóng góp theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

d) Tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức quốc tế; tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước;

đ) Kinh phí các chương trình, dự án có quy định hoàn trả nộp Quỹ;

e) Quỹ Trung ương hỗ trợ;

g) Lãi tiền gửi các tổ chức tín dụng;

h) Các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ cấp xã:

a) Ngân sách địa phương hỗ trợ để đảm bảo chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg;

b) Thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thuộc thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân cấp xã, nộp ngân sách theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sau khi trừ các khoản chi theo quy định hiện hành của Nhà nước, địa phương cấp lại cho Quỹ bảo vệ rừng cấp xã;

c) Hỗ trợ của các chủ rừng khi khai thác, kinh doanh gỗ, lâm sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và các tổ chức cá nhân trong nước, ngoài nước khác;

d) Các khoản thu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nội dung chi của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

1. Quỹ Trung ương:

a) Chi thực hiện nhiệm vụ ủy thác:

- Chi trả tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn;

- Chi thực hiện các nhiệm vụ ủy thác theo hợp đồng ủy thác khác;

Nguồn vốn nhận ủy thác theo nhiệm vụ được giao, hợp đồng ủy thác phải được theo dõi, quản lý riêng. Hàng năm (hoặc kết thúc hợp đồng ủy thác), Quỹ có trách nhiệm quyết toán với người ủy thác (hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý) theo quy định.

b) Chi hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án:

Căn cứ vào nguồn tài chính của Quỹ Trung ương, nội dung các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án (gọi chung là nhiệm vụ) để xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cho phù hợp, bao gồm:

- Hỗ trợ kinh phí để chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép;

- Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Thử nghiệm và phổ biến nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững;

- Thử nghiệm, ứng dụng giống cây lâm nghiệp mới;

- Hỗ trợ trồng cây phân tán;

- Phát triển lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo vệ và phát triển rừng đến cấp tỉnh;

Trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng được hỗ trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần vốn; mức hỗ trợ, thời gian hoàn trả khoản hỗ trợ, các trường hợp được xét miễn, giảm khoản kinh phí phải hoàn trả của từng nhiệm vụ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Hỗ trợ Quỹ cấp tỉnh: Trên cơ sở đề nghị của Quỹ cấp tỉnh, căn cứ vào nguồn tài chính của Quỹ Trung ương, Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương xem xét trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho Quỹ cấp tỉnh thực hiện chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của địa phương.

2. Quỹ cấp tỉnh:

a) Chi thực hiện nhiệm vụ ủy thác:

- Chi trả tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn;

- Chi thực hiện các nhiệm vụ ủy thác theo hợp đồng ủy thác khác;

Nguồn vốn nhận ủy thác theo nhiệm vụ được giao, hợp đồng ủy thác phải được theo dõi, quản lý riêng. Hàng năm (hoặc kết thúc hợp đồng ủy thác), Quỹ có trách nhiệm quyết toán với người ủy thác (hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý) theo quy định.

b) Chi hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án;

Căn cứ vào nguồn tài chính của Quỹ cấp tỉnh, nội dung các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án (gọi chung là nhiệm vụ) Quỹ xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cho phù hợp, bao gồm:

- Hỗ trợ kinh phí để chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép;

- Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Thử nghiệm và phổ biến nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững;

- Thử nghiệm, ứng dụng giống cây lâm nghiệp mới;

- Hỗ trợ trồng cây phân tán;

- Phát triển lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở.

Trình tự, thủ tục, điều kiện, đối tượng được hỗ trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần vốn; mức hỗ trợ, thời gian hoàn trả khoản hỗ trợ, các trường hợp được xét miễn, giảm khoản kinh phí phải hoàn trả của từng loại chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền.

3. Quỹ cấp xã

- Chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng, quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg;

- Chi xăng, dầu cho phương tiện tuần tra, kiểm tra rừng;

- Bồi dưỡng cho những người được huy động để ngăn chặn chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng; hỗ trợ cho những người được huy động tham gia ngăn chặn, chống chặt phá rừng và chữa cháy rừng bị tai nạn;

- Bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, công tác kiêm nhiệm;

- Phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng;

- Hội nghị, hội thảo sơ kết tổng kết và công tác thi đua khen thưởng;

- Chi khác (nếu có).

Điều 4. Quy định về quản lý tài chính đối với công tác điều hành của Quỹ

1. Quỹ Trung ương:

a) Nguồn kinh phí hoạt động của bộ máy Quỹ:

- Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ ủy thác dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn;

- Phí ủy thác theo hợp đồng ủy thác;

- Lãi tiền gửi kinh phí hoạt động bộ máy quỹ;

- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Chi hoạt động của bộ máy Quỹ:

- Chi hoạt động thường xuyên:

Chi quản lý: Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp cho thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Ban điều hành Quỹ; Chi về cước phí bưu điện và truyền tin; Chi xăng, dầu, điện, nước; Chi công tác phí, hội nghị; Chi sửa chữa thường xuyên tài sản theo quy định hiện hành của nhà nước.

Chi hoạt động nghiệp vụ: Chi thẩm định chương trình, dự án; Chi phí dịch vụ thanh toán; Chi kiểm tra; chi thông tin, tuyên truyền, quảng bá; Chi dịch vụ ủy thác.

Chi khác (nếu có).

- Chi không thường xuyên: Chi bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hội nghị; Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản phục vụ hoạt động bộ máy quỹ; Chi khác (nếu có).

c) Mức chi: Mức chi hoạt động nghiệp vụ, chi quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp pháp luật chưa có quy định mức chi; Quỹ căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng mức chi cho phù hợp, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

d) Cơ chế tài chính của Quỹ: Quỹ thực hiện theo cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.

2. Quỹ cấp tỉnh:

a) Nguồn kinh phí hoạt động của bộ máy Quỹ:

- Nguồn kinh phí thực hiện ủy thác dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn;

- Phí ủy thác theo hợp đồng ủy thác;

- Lãi tiền gửi kinh phí hoạt động bộ máy quỹ;

- Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Chi hoạt động của bộ máy Quỹ:

- Chi hoạt động thường xuyên:

Chi quản lý: Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp cho thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Ban điều hành Quỹ; Chi về cước phí bưu điện và truyền tin; Chi xăng, dầu, điện, nước; Chi công tác phí, hội nghị; Chi sửa chữa thường xuyên tài sản theo quy định hiện hành của nhà nước.

Chi hoạt động nghiệp vụ: Chi thẩm định chương trình, dự án; Chi phí dịch vụ thanh toán; Chi dịch vụ ủy thác; chi thông tin, tuyên truyền, quảng bá; Chi thanh tra, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá rừng; chi kiểm toán (nếu có).

Chi khác (nếu có).

- Chi không thường xuyên: Chi bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hội nghị; Hỗ trợ hoạt động kỹ thuật theo dõi chất lượng dịch vụ môi trường rừng; Hỗ trợ hoạt động liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp huyện, xã; Chi cho các tổ chức được ủy quyền thu các khoản đóng góp bắt buộc cho Quỹ; Chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản phục vụ hoạt động bộ máy quỹ; Chi khác (nếu có).

c) Mức chi: Mức chi hoạt động nghiệp vụ, chi quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp pháp luật chưa có quy định mức chi; Quỹ căn cứ vào khả năng tài chính xây dựng mức chi cho phù hợp, quyết định việc chi tiêu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

d) Cơ chế tài chính của Quỹ: Quỹ thực hiện theo cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định hiện hành.

3. Quỹ cấp xã:

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và khả năng nguồn tài chính của Quỹ cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hoạt động bộ máy (kinh phí hoạt động, nội dung chi, mức chi, cơ chế tài chính) của Quỹ cấp xã.

Điều 5. Điều kiện chương trình, dự án, hoạt động phi dự án được hỗ trợ

1. Chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án được cấp thẩm quyền quyết định;

2. Tổ chức được hỗ trợ có đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn về lâm nghiệp và kinh nghiệm thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ;

3. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được hỗ trợ có đủ năng lực dân sự thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án do Quỹ hỗ trợ;

4. Có cam kết hoàn trả toàn bộ hoặc một phần vốn theo quy định của cấp có thẩm quyền thành lập Quỹ.

Điều 6. Quy định về lập dự phòng của Quỹ cấp tỉnh

1. Quỹ cấp tỉnh lập khoản dự phòng tối đa 5% so với tổng tiền ủy thác chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; để hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn. Mức trích lập khoản dự phòng hàng năm do UBND cấp tỉnh quy định.

Mức tồn quỹ dự phòng trên tối đa bằng 5% tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của năm báo cáo.

2. Trường hợp khi có thiên tai, khô hạn xảy ra trên địa bàn của địa phương; Giám đốc Quỹ căn cứ khả năng nguồn dự phòng, tình hình thiên tai khô hạn lập phương án hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Nguồn quỹ dự phòng trên đây trong năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn; không sử dụng cho các mục đích khác.

Điều 7. Lập kế hoạch tài chính, quyết toán tài chính Quỹ

1. Quỹ Trung ương:

a) Lập dự toán:

Hàng năm Quỹ Trung ương lập kế hoạch tài chính thu, chi Quỹ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt để có căn cứ thực hiện:

- Kế hoạch thu: Chi tiết theo từng khoản thu quy định tại khoản 1 Điều 2 (bao gồm cả vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khi mới thành lập trong 2 năm đầu) và điểm a, khoản 1, Điều 4 của Thông tư này)

- Kế hoạch chi: Chi tiết theo từng nội dung chi quy định tại khoản 1 Điều 3 và điểm b, khoản 1, Điều 4 của Thông tư này;

b) Quyết toán: Định kỳ (quý, năm) Quỹ lập báo cáo quyết toán thực hiện thu, chi tài chính gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xét duyệt quyết toán năm theo quy định.

2. Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã

Căn cứ quy định tại Thông tư này và chế độ hiện hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục lập kế hoạch và phê duyệt dự toán thu, chi và quyết toán tài chính Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã (bao gồm cả dự toán thu, chi kinh phí hoạt động bộ máy Quỹ) theo quy định hiện hành.

Điều 8. Chế độ kế toán; quản lý tài sản

1. Quỹ Trung ương, Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã áp dụng Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) để thực hiện công tác kế toán Quỹ.

2. Quỹ Trung ương, Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Điều 9. Chế độ kiểm tra, thanh tra và công khai tài chính.

1. Quỹ phải thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất hoạt động của Quỹ Trung ương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất hoạt động của Quỹ cấp tỉnh; Kết quả kiểm tra gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp để phối hợp theo dõi, quản lý.

3. Căn cứ yêu cầu của công tác quản lý, Bộ Tài chính kiểm tra báo cáo tài chính của Quỹ Trung ương; Sở Tài chính kiểm tra báo cáo tài chính của Quỹ cấp tỉnh, Quỹ cấp xã.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/7/2012.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.