Sign In

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

 

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 06/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm” (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1826/QĐ-TTg);

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm).

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ).

2. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được cấp phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ).

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 3. Mục đích đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá, xếp loại và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro.

2. Bộ Tài chính giám sát việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các nội dung nêu tại Khoản 1 Điều này; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường bảo hiểm hoạt động an toàn, lành mạnh và ổn định.

Điều 4. Đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm

1. Các chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đánh giá theo các chỉ tiêu sau đây:

1.1. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện việc đánh giá căn cứ vào Chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và Bảng biên độ, cách tính điểm chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

1.2. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện việc đánh giá căn cứ vào Chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo hướng dẫn tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này và Bảng biên độ, cách tính điểm chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Biên độ và cách tính điểm chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm

2.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về khả năng thanh toán, dự phòng nghiệp vụ và hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm được đánh giá trên cơ sở biên độ của từng chỉ tiêu.

b) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 300 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 200 điểm đến 300 điểm.

- Mức B: Số điểm dưới 200 điểm.

c) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về vốn, chất lượng tài sản và đầu tư tài chính được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 500 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 400 điểm đến 500 điểm.

- Mức B: Số điểm dưới 400 điểm.

d) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về quản trị doanh nghiệp và minh bạch thông tin được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 200 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 100 điểm đến 200 điểm.

- Mức B: Số điểm dưới 100 điểm.

2.2. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

a) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về khả năng thanh toán và dự phòng nghiệp vụ được đánh giá trên cơ sở biên độ của từng chỉ tiêu.

b) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 300 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 250 điểm đến 300 điểm.

- Mức B: Số điểm từ 200 điểm đến dưới 250 điểm.

- Mức C: Số điểm từ 100 điểm đến dưới 200 điểm.

- Mức D: Số điểm dưới 100 điểm.

c) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về vốn, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 500 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 450 đến 500 điểm.

- Mức B: Số điểm từ 350 điểm đến dưới 450 điểm.

- Mức C: Số điểm từ 250 điểm đến dưới 350 điểm.

- Mức D: Số điểm dưới 250 điểm.

d) Nhóm chỉ tiêu đánh giá về quản trị doanh nghiệp và minh bạch thông tin được đánh giá trên cơ sở biên độ, điểm tối đa và điểm trừ (nếu có) của từng chỉ tiêu. Nhóm chỉ tiêu này có số điểm tối đa là 200 điểm, trong đó:

- Mức A: Số điểm từ 150 điểm đến 200 điểm.

- Mức B: Số điểm từ 100 điểm đến dưới 150 điểm.

- Mức C: Số điểm từ 50 điểm đến dưới 100 điểm.

- Mức D: Số điểm dưới 50 điểm.

Điều 5. Xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm

Căn cứ vào kết quả đánh giá theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xếp loại như sau:

1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

1.1. Nhóm 1: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục, trong đó:

a) Nhóm 1A: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục; có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt trên 700 điểm và tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A.

b) Nhóm 1B: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục; có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu từ 700 điểm trở xuống.

1.2. Nhóm 2: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục, trong đó:

a) Nhóm 2A: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt trên 700 điểm, tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A.

b) Nhóm 2B: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, không có lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc trong hai (02) năm liên tục, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu từ 700 điểm trở xuống.

1.3. Nhóm 3: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán không bảo đảm biên độ hoặc chỉ tiêu trích lập dự phòng nghiệp vụ không đáp ứng theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

1.4. Nhóm 4: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 3 và không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

2. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

2.1. Nhóm 1: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, trong đó:

a) Nhóm 1A: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 850 điểm trở lên, tất cả các nhóm chỉ tiêu xếp mức A.

b) Nhóm 1B: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 650 điểm đến dưới 850 điểm, có tối thiểu một (01) nhóm chỉ tiêu xếp mức B và không có nhóm chỉ tiêu nào xếp mức C hoặc D.

c) Nhóm 1C: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, có tổng số điểm của các nhóm chỉ tiêu đạt từ 400 điểm đến dưới 650 điểm, có tối thiểu một (01) nhóm chỉ tiêu xếp mức C và không có nhóm chỉ tiêu nào xếp mức D.

d) Nhóm 1D: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán, không được xếp loại nhóm 1A hoặc 1B hoặc 1C.

2.2. Nhóm 2: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không thực hiện xếp loại nhóm 2 theo quy định tại tiết iii điểm a Khoản 5 Mục III Quyết định số 1826/QĐ-TTg.

2.3. Nhóm 3: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có chỉ tiêu tỷ lệ biên khả năng thanh toán không bảo đảm biên độ hoặc chỉ tiêu trích lập dự phòng nghiệp vụ không đáp ứng theo hướng dẫn tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.4. Nhóm 4: doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mất khả năng thanh toán, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 3 và không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều 6. Các biện pháp thực hiện

1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm:

1.1. Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu:

a) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: Trường hợp không bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này và các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

b) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: Trường hợp không bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này và các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật.

1.2. Báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

1.3. Thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của Bộ Tài chính quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Đối với Bộ Tài chính:

Căn cứ vào kết quả xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, Bộ Tài chính thực hiện một hoặc một số biện pháp quản lý, giám sát như sau:

2.1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

a) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 1A:

- Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động;

- Thực hiện hình thức giám sát từ xa.

b) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 1B:

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đánh giá nguyên nhân và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu;

- Giám sát doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu;

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát mạng lưới và bộ máy tổ chức hoạt động;

- Cho phép mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động trên cơ sở đảm bảo hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành.

c) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 2A:

Ngoài các biện pháp quản lý, giám sát quy định tại tiết b điểm 2.1 Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp sau:

- Cảnh báo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chủ đầu tư về thực trạng doanh nghiệp;

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: tăng vốn điều lệ (nếu cần); rà soát tính hiệu quả, an toàn và thanh khoản của các tài sản đầu tư để tái cơ cấu hoạt động đầu tư cho phù hợp;

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ rà soát và sửa đổi bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm nhằm đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng; điều chỉnh chương trình tái bảo hiểm (nếu cần);

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đánh giá lại hiệu quả của các quy trình quản lý, quy trình nghiệp vụ và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ;

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đánh giá và điều chỉnh việc thực hiện các phương án kinh doanh; nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro;

- Kiểm tra chuyên đề tại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

d) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 2B:

Ngoài các biện pháp quản lý, giám sát quy định tại các tiết b,c điểm 2.1 Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp sau:

- Thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ;

- Thu hẹp phạm vi, nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nếu sau 24 tháng, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không có lãi kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

đ) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 3:

Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

e) Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xếp loại vào nhóm 4:

Bộ Tài chính thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

2.2. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

a) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 1A:

- Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động;

- Thực hiện hình thức giám sát từ xa.

b) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 1B:

- Chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ báo cáo về nguyên nhân và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu;

- Giám sát doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm biên độ, điểm tối đa (nếu có) của từng chỉ tiêu.

c) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 1C:

Ngoài các biện pháp quản lý, giám sát quy định tại tiết b điểm 2.2 Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp sau:

- Cảnh báo doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và chủ đầu tư về thực trạng doanh nghiệp;

- Kiểm tra chuyên đề tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ;

- Chỉ cho phép mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động nếu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nhóm chỉ tiêu đánh giá về vốn, chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động được xếp mức B.

d) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 1D:

Ngoài các biện pháp biện pháp quản lý, giám sát quy định tại tiết b, c điểm 2.2 Khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thực hiện thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

đ) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 3:

Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

e) Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xếp loại vào nhóm 4:

Bộ Tài chính thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Điều 7. Chế độ báo cáo

1. Căn cứ tình hình, kết quả hoạt động, công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, báo cáo tài chính đã được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận của năm tài chính trước liền kề, chậm nhất là chín mươi (90) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính kết quả đánh giá, xếp loại và việc thực hiện các biện pháp nêu tại Điều 6 Thông tư này.

2. Trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 78 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 153/2003/QĐ-BTC ngày 22/9/2003 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu giám sát doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà