THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012
của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành
sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
_________________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây viết tắt là VietGAP).
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây viết tắt là Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, sơ chế (sau đây viết tắt là người sản xuất) các loại sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thuộc Danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này Sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn (gọi chung là sản phẩm VietGAP) là sản phẩm thuộc một trong các loại sau:
1. Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
2. Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc GAP khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho áp dụng.
3. Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho áp dụng.
Điều 4. Điều kiện đối với người sản xuất được hỗ trợ
Người sản xuất được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Sản phẩm đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP thuộc Danh mục sản phẩm được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, Danh mục sản phẩm đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;
Giấy đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thực hiện áp dụng VietGAP trong quá trình sản xuất, sơ chế đối với loại sản phẩm đăng ký.
3. Có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm được ghi trong Giấy đăng ký áp dụng VietGAP và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký áp dụng VietGAP.
Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg
1. Ngân sách Nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư thông qua các Dự án, Chương trình mục tiêu về áp dụng VietGAP và các Dự án, Chương trình mục tiêu khác có liên quan; kinh phí khuyến nông, kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học phù hợp với phân cấp của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Nội dung, mức đầu tư, hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành của Chương trình, Dự án có liên quan và các nguồn kinh phí sự nghiệp khác.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hàng năm ưu tiên lồng ghép các Chương trình, Dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu tại Phụ lục II của Thông tư này, các Chương trình, Dự án khác có liên quan và các nguồn kinh phí sự nghiệp khác để đầu tư, hỗ trợ cho các Dự án áp dụng VietGAP.
Điều 6. Về quy hoạch vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện áp dụng VietGAP
1. Nội dung quy hoạch vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện áp dụng VietGAP
a) Điều tra, phân tích các nguồn lực, cơ sở hạ tầng, đánh giá thực trạng, yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm áp dụng VietGAP;
b) Khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí của vùng quy hoạch.
2. Quy mô diện tích các vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện áp dụng VietGAP do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ.
Điều 7. Xây dựng dự án áp dụng VietGAP được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình, Dự án về áp dụng VietGAP được hỗ trợ (sau đây gọi chung là Dự án VietGAP) từ ngân sách Trung ương.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình, Dự án về áp dụng VietGAP được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
3. Khi xây dựng, phê duyệt Dự án VietGAP quy định cụ thể nội dung: chủ đầu tư; địa bàn hoặc đơn vị áp dụng VietGAP; mục tiêu; đối tượng được hỗ trợ; nội dung; cấp độ áp dụng VietGAP; dự án thành phần (nếu có); sản phẩm của dự án; chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ.
4. Đối với Dự án VietGAP có sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại áp dụng theo nội dung, mức chi của nhà tài trợ quy định tại các thỏa thuận tài trợ hoặc áp dụng theo mức chi do đại diện nhà tài trợ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản dự án thống nhất; trường hợp đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thoả thuận về mức chi thì áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư này.
Điều 8. Quản lý, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ việc áp dụng VietGAP
1. Đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung thực hiện các Dự án sản xuất nông, lâm, thủy sản áp dụng VietGAP do cấp có thẩm quyền quyết định;
Ngân sách Trung ương cấp kinh phí cho các Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có tính chất liên vùng; ngân sách địa phương cấp kinh phí cho các Dự án thuộc địa phương quản lý.
2. Hỗ trợ cho đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu VietGAP thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg.
3. Hỗ trợ thông qua các Chương trình, Dự án về áp dụng VietGAP:
a) Hỗ trợ cho tập huấn, đào tạo, dạy nghề:
Đối tượng: cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông các cấp; lao động nông thôn áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế.
Nội dung và mức hỗ trợ: thực hiện theo quy định tại các Chương trình, Dự án lồng ghép thực hiện VietGAP.
b) Hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sử dụng giống kháng sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM): nội dung chi và mức chi theo Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông.
c) Hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP
Hỗ trợ người sản xuất một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP (lần đầu hoặc cấp lại Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP);
Người sản xuất gửi Bản đăng ký cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP cho chủ đầu tư dự án VietGAP kèm theo kết quả tự đánh giá nội bộ đạt yêu cầu VietGAP và bản sao Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP được cấp lần đầu (đối với trường hợp đề nghị cấp lại);
Chủ đầu tư dự án VietGAP lựa chọn tổ chức chứng nhận có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật về đấu thầu và trả kinh phí chứng nhận sản phẩm VietGAP cho tổ chức chứng nhận;
Cơ quan chủ quản của dự án VietGAP chịu trách nhiệm về giá dịch vụ chứng nhận sản phẩm VietGAP.
4. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia và các văn bản hướng dẫn.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices); Quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, sơ chế; Danh mục sản phẩm được hỗ trợ; Công nhận cho áp dụng các tiêu chuẩn GAP khác, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ;
b) Hướng dẫn điều tra, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện áp dụng VietGAP;
c) Lồng ghép các Chương trình, Dự án khác có liên quan để đầu tư, hỗ trợ cho các dự án VietGAP ở Trung ương, chỉ đạo địa phương lồng ghép các Dự án VietGAP vào các Chương trình, Dự án khác của địa phương;
d) Bố trí kinh phí khuyến nông, kinh phí sự nghiệp khoa học được phân bổ hàng năm để thực hiện Dự án, đề tài áp dụng VietGAP;
đ) Trên cơ sở báo cáo của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các dự án VietGAP trên phạm vi toàn quốc.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện áp dụng VietGAP trên địa bàn;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, các cơ chế chính sách hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này, sử dụng ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ các Chương trình, Dự án Trung ương quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các nội dung quy định tại Điều 8 của Thông tư này;
Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án VietGAP từ ngân sách của địa phương theo thẩm quyền;
c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án VietGAP thuộc thẩm quyền;
d) Quý 4 hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 11 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.