Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước

cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng

___________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 81/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về an ninh hàng không dân dụng; Nghị định số 51/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 44/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng;

Thực hiện Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; Bộ Giao thông vận tải; các Bộ, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay.

2. Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia; Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy quốc gia; Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện đảo; Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện đảo.

3. Các cơ quan, đơn vị khác sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Điều 3. Nguồn kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng

1. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp

a) Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (bao gồm Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia, Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy quốc gia), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không huyện đảo nơi có cảng hàng không, sân bay (bao gồm Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện đảo).

2. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp tự bảo đảm kinh phí thực hiện.

Điều 4. Nội dung chi từ nguồn ngân sách trung ương

1. Nội dung chi của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia:

a) Tập huấn, huấn luyện kỹ năng chỉ đạo, chỉ huy, xây dựng phương án ứng phó với các tình huống can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cho các lực lượng trực tiếp tham gia tại các Bộ, ngành, các Ban chỉ huy Khẩn nguy cấp tỉnh, các doanh nghiệp hàng không (cho cấp lãnh đạo, trưởng, phó các bộ phận trực tiếp liên quan đến công tác đảm bảo an ninh hàng không dân dụng);

b) Tổ chức diễn tập, ứng phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp quốc gia;

c) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo đảm an ninh hàng không dân dụng ở các Bộ, ngành, địa phương;

d) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;

đ) Mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ nghiệp vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng, gồm:

- Mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị của Trung tâm Khẩn nguy hàng không quốc gia phục vụ công tác phối hợp liên ngành trong bảo đảm an ninh hàng không, chỉ huy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp độ 1 hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

- Mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị khác để đảm bảo phục vụ công tác phối hợp liên ngành.

e) Chi hội thảo, sơ kết, tổng kết về công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng quốc gia; chi hoạt động của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, bao gồm: họp sơ kết, điện thoại trực tuyến và chi phí khác có liên quan (nếu có);

Chi phí hoạt động bộ máy của Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không quốc gia do Bộ Giao thông vận tải đảm bảo; Kinh phí chi thường xuyên của cán bộ tham gia Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không quốc gia do các cơ quan, đơn vị cử người bảo đảm.

g) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng quốc gia, bao gồm: tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế; khảo sát ở nước ngoài;

h) Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng quốc gia (chi khắc phục sự cố liên quan trực tiếp đến an ninh hàng không dân dụng quốc gia,...).

2. Nội dung chi của Bộ Giao thông vận tải

a) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng cho các đơn vị của Bộ trực tiếp liên quan đến công tác đảm bảo an ninh hàng không dân dụng;

b) Kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của ngành hàng không và liên ngành;

c) Chi hội nghị sơ kết cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng cấp ngành và công tác phối hợp liên ngành bảo đảm an ninh hàng không dân dụng;

d) Tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp ngành;

đ) Mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải;

e) Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng quốc gia của ngành.

3. Nội dung chi của các Bộ có liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng)

Nội dung chi theo nội dung phối hợp và nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Điều 5. Nội dung chi từ nguồn ngân sách địa phương

Nội dung chi của Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không huyện, đảo nơi có cảng hàng không, sân bay, gồm:

1. Tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ ứng phó với các tình huống khẩn nguy hàng không tại địa phương;

2. Diễn tập ứng phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp cơ sở;

3. Chi kiểm tra, chỉ đạo đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng của địa phương;

4. Mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị bảo đảm an ninh hàng không dân dụng của Ban chỉ huy và Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo;

5. Chi hoạt động của Ban chỉ huy và Trung tâm Khẩn nguy của Ban chỉ huy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo, bao gồm: họp sơ kết, tổng kết, điện thoại trực tuyến và chi phí khác có liên quan (nếu có);

Kinh phí chi thường xuyên của cán bộ, nhân viên tham gia Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo, do các cơ quan, đơn vị cử người bảo đảm.

6. Chi khác liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng tại địa phương.

Điều 6. Mức chi cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng

Các Bộ, địa phương và các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng phải thực hiện theo đúng định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

1. Một số nội dung chi đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành:

a) Chi tổ chức hội thảo, tập huấn, công tác phí theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Chi bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh hàng không dân dụng theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

c) Chi tham gia hội thảo quốc tế đa phương và song phương về an ninh hàng không dân dụng của ICAO theo Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài.

2. Đối với nội dung chi chưa có mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 7. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:

1. Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ vào hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách của các cấp có thẩm quyền, nhiệm vụ thực hiện trong năm kế hoạch, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và các quy định tại Thông tư này; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự toán như sau:

a) Đối với kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng từ nguồn ngân sách trung ương:

- Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (giúp việc cho Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia), Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ vào nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm lập dự toán kinh phí báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định;

- Đối với kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng thuộc trách nhiệm của các Bộ có liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng): Hàng năm các Bộ lập dự toán và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ mình gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt theo quy định.

b) Đối với kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng từ nguồn ngân sách địa phương:

Các cơ quan, đơn vị được Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo giao nhiệm vụ, hàng năm lập dự toán kinh phí gửi cơ quan quản lý cấp trên để xem xét, tổng hợp gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

2. Phân bổ dự toán

a) Đối với kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng từ nguồn ngân sách trung ương:

Căn cứ dự toán được giao và nội dung chi quy định tại Điều 4 của Thông tư này, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ có liên quan lập phương án và phân bổ kinh phí cho các đơn vị, gửi Bộ Tài chính thẩm định làm căn cứ giao dự toán cho các đơn vị thực hiện.

b) Đối với kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng từ nguồn ngân sách địa phương:

Căn cứ dự toán được giao và nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này, cơ quan quản lý cấp trên lập phương án và phân bổ kinh phí cho các đơn vị được giao nhiệm vụ, gửi cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định làm căn cứ giao dự toán cho các đơn vị thực hiện.

3. Chấp hành dự toán

a) Căn cứ vào dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao, các cơ quan, đơn vị thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;

b) Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán cho các nhiệm vụ theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

4. Công tác quyết toán kinh phí

a) Các cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng có trách nhiệm thực hiện quyết toán kinh phí được giao hàng năm theo quy định hiện hành về quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước.

b) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

Điều 8. Công tác kiểm tra

Bộ Giao thông vận tải, các Bộ có liên quan, Ban chỉ huy Khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không, sân bay, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất các đơn vị về tình hình thực hiện và kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh hàng không dân dụng.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2015.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản mới đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, địa phương phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu, giải quyết.

Bộ Tài chính

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trương Chí Trung

Phạm Quý Tiêu