CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc triển khai việc bàn
giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự
Lâu nay, công tác thi hành án có tình trạng không nghiêm, nhiều bản án, quyết định dân sự của toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được tôn trọng, không được thi hành nghiêm chỉnh ảnh hưởng xấu đến việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội; các quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức và công dân tiếp tục bị xâm phạm, pháp luật, kỷ cương phép nước bị coi thường, gây nên sự phản ứng của dư luận xã hội và sự bất bình trong nhân dân.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã thông qua Nghị quyết ngày 6 tháng 10 năm 1992 về việc bàn giao công tác thi hành án từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan Chính phủ vào tháng 6 năm 1993.
Để Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và tăng cường công tác thi hành án dân sự theo Điều 136 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Về triển khai việc bàn giao công tác thi hành án dân sự.
a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập ngay các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, cơ quan thi hành án trong quân đội để các cơ quan này tiếp nhận việc bàn giao công tác thi hành án dân sự.
b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các ngành và cơ quan Nhà nước hữu quan để soạn thảo và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể việc bàn giao công tác thi hành án dân sự, đồng thòi có trách nhiệm chỉ đạo việc bàn giao trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn việc bàn giao công tác thi hành án trong quân đội.
c) Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo việc bàn giao công tác thi hành án dân sự ở địa phương mình, cử một Phó Chủ tịch làm trưởng ban chỉ đạo bàn giao công tác thi hành án dân sự, thành lập ngay các cơ quan thi hành án ở địa phương, bố trí trụ sở, cấp phương tiện và kinh phí hoạt động.
d) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, chuẩn bị trình Chính phủ quyết định tổng biên chế và tiền lương của các cán bộ cơ quan thi hành án dân sự trong toàn quốc, chậm nhất đến ngày 15-6-1993; hoàn thành việc thành lập cơ quan thi hành án dân sự ở các địa phương vào cuối tháng 6 năm 1993.
đ) Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tư pháp lập kế hoạch và có biện pháp từng bước giải quyết kinh phí xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện và kinh phí hoạt động cho các cơ quan Thi hành án dân sự; hướng dẫn các cơ quan Thi hành án tận dụng các điều kiện, phương tiện hiện có để hoạt động.
e) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống kho bạc Nhà nước và các chi nhánh ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án kịp thời tiếp nhận bàn giao các tài sản liên quan đến thi hành án.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá việc bàn giao công tác thi hành án dân sự trong toàn quốc để báo cáo Thủ tướng chính phủ chậm nhất đến ngày 31 tháng 8 năm 1993.
2. Về tăng cường công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng cuối năm 1993.
a) Cần tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng và phương tiện cần thiết để tiến hành một đợt thi hành án dân sự trong toàn quốc nhằm thi hành dứt điểm một bước các bản án, quyết định dân sự tồn đọng từ trước đến nay chưa được thi hành hoặc thi hành dây dưa, kéo dài, kịp thời thi hành ngay những bản án, quyết định dân sự mới, phấn đấu giảm đáng kể tỷ lệ án tồn đọng.
b) Trong quý III năm 1993, các địa phương phải làm xong việc rà soát, phân loại tất cả các bản án, quyết định dân sự tồn đọng có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành hoặc không có điều kiện thi hành do hoàn cảnh khách quan. Đối với các bản án, quyết định dân sự chưa có điều kiện hoặc không có điều kiện thi hành, thì cần xem xét để hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp lệnh Thi hành án dân sự. Cần chọn một số vụ điển hình mà đương sự có đủ điều kiện thi hành, nhưng cố tình lẩn tránh, chây ỳ, chống đối, không chịu thi hành, để kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành dứt điểm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo chặt chẽ công tác trên của các địa phương, đồng thời chọn một số địa phương làm thí điểm để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện bước hai của đợt thi hành án trong toàn quốc vào quý IV năm 1993 nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thi hành án dân sự. Bộ trưởng Bộ quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc thi hành án các quyết định về tài sản trong các bản án hình sự của Toà án quân sự.
c) Uỷ ban Nhân dân các cấp cần nhận thức rõ trách nhiệm trước Chính phủ về công tác thi hành án ở địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp không được khoán trắng cho các cơ quan Tư pháp, mà phải có trách nhiệm huy động lực lượng của bộ máy chính quyền, phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương để làm tốt việc thi hành án.
d) Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo bước chuyển biến quan trọng về ý thức chấp hành pháp luật, về sự tôn trọng, thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của toà án, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.
Cuối quý III năm 1993, Bộ tư pháp phải sơ kết bước một và cuối quý IV năm 1993 phải tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị này.