CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-
Về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 1993
Mấy năm gần đây, thiên tai đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, gây ra những hậu quả nặng nề. ở nước ta lũ và bão là thiên tai chủ yếu năm nào cũng xảy ra với mức độ khác nhau trên nhiều vùng từ Bắc đến Nam, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và tài sản ở nhiều địa phương trong cả nước. Bước vào năm 1993 diễn biến thời tiết chưa có thể dự báo dài được, nhưng cần lưu ý sông Hồng đã 22 năm chưa có lũ lớn.
Sau Pháp lệnh về Đê điều đã công bố tháng 11 năm 1989; Nhà nước ta vừa công bố Pháp lệnh Phòng chống lụt bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 với phạm vi điều chỉnh toàn diện trên địa bàn cả nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp củng cố đê điều phòng chống lụt bão hàng năm ở nước ta góp phần thiết thực hưởng ứng thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai (1990 - 2000).
Xuất phát từ tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải đề cao cảnh giác, củng cố hệ thống đê điều kể cả đê sông và đê biển, bờ bao, bờ vùng, quản lý bảo vệ tốt hồ chứa nước, tăng cường công tác phòng chống lụt bão, chủ động chuẩn bị đối phó với mọi tình huống về mưa, lũ, bão, lốc, úng hạn, nước biển dâng, sạt lở đất, dịch bệnh người và vật nuôi, cây trồng có thể xẩy ra; phải đặc biệt quan tâm làm tốt một số việc chính sau đây:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương phải tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai mấy năm qua, đặc biệt là năm 1992 để kịp bổ sung kế hoạch phương án phòng chống lụt bão năm 1993. Từng địa phương và từng ngành căn cứ vào Chỉ thị số 164/CT ngày 12-5-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai kiểm điểm từng công việc đã đề ra, việc gì làm được, việc gì chưa làm được để tiếp tục thực hiện trong năm nay.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê (kể cả đê sông và đê biển) tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Pháp lệnh về Đê điều trên địa phương mình; cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm Pháp lệnh về đê điều. Chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thi công đê điều trước lũ 1993 không chỉ các khối lượng thuộc vốn Trung ương mà bao gồm cả các khối lượng thuộc vốn ngân sách địa phương và quỹ phòng chống lũ lụt tu bổ đê điều do nhân dân đóng góp. Các Bộ, ngành Trung ương hữu quan cũng cần tổ chức sơ kết 3 năm thi hành Pháp lệnh về Đê điều đối với các vấn dề có liên quan đến ngành mình.
3. Căn cứ Pháp lệnh phòng chống lụt bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Phòng chống lụt bão sẽ ban hành nay mai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương ra các thông tư hướng dẫn ngành dọc trong cả nước triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra các Chỉ thị hướng dẫn những nội dung cần triển khai cụ thể trong địa phương mình.
4. Về quỹ phòng chống lụt bão địa phương do nhân dân đóng góp theo quy định của Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố thực hiện, cần triển khai sơ kết rút kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác thu và chỉ đạo chặt chẽ việc chi tiêu, bảo đảm có hiệu quả. Các Bộ, ngành Trung ương cần chỉ thị cho các cơ sở trực thuộc ngành đóng trên địa bàn nào phải tham gia đóng góp quỹ phòng chống lụt bão trên địa bàn đó.
5. Các ngành, các cấp trong cả nước phải kiện toàn ban chỉ huy phòng chống lụt bão ngành mình, cấp mình và thực sự coi công tác phòng chống lụt bão là nhiệm vụ trung tâm trong mùa mưa bão và gắn với việc thực hiện chương trình hành động hưởng ứng thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai của mỗi ngành và mỗi địa phương.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam phối hợp với Thanh tra Nhà nước kiểm tra, đôn đốc các địa phương và các ngành thực hiện tốt Chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.