THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến thủ tục hành chính của Quy định điều kiện của cơ sở dạy nghề
thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BGTVT
ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
______________________________
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến thủ tục hành chính của Quy định điều kiện của cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
1. Bổ sung Mục 4 Chương II như sau:
“Mục 4
CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ DẠY NGHỀ
Điều 11. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện được đào tạo, bổ túc cấp bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng từ hạng ba trở lên trong phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi địa phương đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc cấp chứng chỉ chuyên môn và bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế.
Điều 11a. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa của cơ sở dạy nghề;
b) Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập cơ sở dạy nghề;
c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp;
d) Bản tự khai và chấm điểm theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, phòng học, xưởng và khu vực dạy thực hành, các trang thiết bị, phương tiện học liệu và đội ngũ giáo viên theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 kèm theo Quy định này;
đ) Danh sách trích ngang đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy bao gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 kèm theo Quy định này; kèm theo bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ và hợp đồng lao động của từng cá nhân;
e) Các giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê phương tiện, cầu cảng; văn bản chấp thuận được sử dụng vùng nước để dạy thực hành của cơ quan có thẩm quyền; phương tiện dạy thực hành phải có đầy đủ giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm và các trang thiết bị hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa theo quy định.
2. Đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa từ hạng ba trở lên, ngoài thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cần bổ sung thêm văn bản chấp thuận của Sở Giao thông vận tải nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở (áp dụng đối với các cơ sở dạy nghề trực thuộc địa phương quản lý).
Điều 11b. Trình tự cấp Giấy chứng nhận
1. Trình tự cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đủ điều kiện đào tạo, bổ túc cấp bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng từ hạng ba trở lên:
a) Tổ chức có nhu cầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoàn thiện 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với cơ sở dạy nghề thuộc các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, miền Trung) hoặc Chi Cục Đường thủy nội địa phía Nam (đối với cơ sở dạy nghề thuộc các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam);
b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Chi Cục Đường thủy nội địa phía Nam tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu thành phần hồ sơ không đủ theo quy định của Quy chế này thì hướng dẫn tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu nộp trực tiếp) hoặc trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu gửi qua đường bưu chính). Nếu thành phần hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian tiến hành kiểm tra thực tế;
c) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Chi Cục Đường thủy nội địa phía Nam tổ chức đi kiểm tra thực tế. Nếu cơ sở dạy nghề đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở dạy nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Quy định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc cấp chứng chỉ chuyên môn và bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế:
a) Tổ chức có nhu cầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoàn thiện 01 bộ hồ sơ gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải;
b) Sở Giao thông vận tải tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu thành phần hồ sơ không đủ theo quy định của Quy chế này thì hướng dẫn tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu nộp trực tiếp) hoặc trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu gửi qua đường bưu chính). Nếu thành phần hồ sơ đầy đủ thì viết giấy hẹn thời gian tiến hành kiểm tra thực tế;
c) Sở Giao thông vận tải tổ chức đi kiểm tra thực tế. Nếu cơ sở dạy nghề đáp ứng điều kiện theo quy định thì cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở dạy nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Quy định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận
a) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cho cơ sở dạy nghề đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định, Sở Giao thông vận tải phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cho cơ sở dạy nghề đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.”
2. Gộp Điều 11 và Điều 12 thành Điều 12 và được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
a) Có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
b) Quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở dạy nghề theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 11 của Quy định này; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc đối với những cơ sở dạy nghề không đạt yêu cầu theo quy định và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi địa phương theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy định này; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ túc đối với những cơ sở dạy nghề không đạt yêu cầu theo quy định và báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.”
3. Bổ sung Phụ lục 9, Phụ lục 10, Phụ lục 11 vào Quy định điều kiện của cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:
a) Phụ lục 9: Bản tự khai và chấm điểm theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, phòng học, xưởng và khu vực dạy thực hành, các trang thiết bị, phương tiện học liệu và đội ngũ giáo viên.
b) Phụ lục 10: Danh sách trích ngang đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy bao gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng.
c) Phụ lục 11: Mẫu Giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đủ điều kiện của cơ sở dạy nghề thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.