NGHỊ ĐỊNH
Quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền,
tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức,
cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
__________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định điều kiện, thủ tục, hình thức, thẩm quyền quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
2. Việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được liệt kê trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc (danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) và tổ chức, cá nhân trong danh sách đen do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật.
2. Xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm việc lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách, công bố danh sách, đề nghị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tiếp nhận, xử lý yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
3. Tiền gồm tiền Việt Nam và tiền nước ngoài được biểu hiện qua tiền mặt hoặc tiền gửi.
4. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
5. Tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm:
a) Tiền, tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
b) Tiền, tài sản phát sinh từ tiền, tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ của tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
c) Tiền, tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, kiểm soát của cá nhân, tổ chức nhân danh tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc dưới sự điều hành của tổ chức, cá nhân này;
d) Tiền, tài sản được sử dụng hoặc nhằm để sử dụng vào mục đích khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc tiền, tài sản có được từ hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố.
6. Tạm ngừng lưu thông tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giữ lại tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, không cho di chuyển, chuyển giao, trao đổi trong một thời hạn nhất định.
7. Phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giữ nguyên hiện trạng, không cho nhập vào, rút ra đối với tài khoản; không cho di chuyển, chuyển giao, trao đổi, sử dụng, thay đổi, tiêu hủy tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
8. Niêm phong tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đóng kín, ghi dấu hiệu đặc biệt để tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được nguyên vẹn và bí mật.
9. Tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố là việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giữ lại tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố trong một thời hạn nhất định.
10. Xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm:
a) Tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
b) Trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp trong trường hợp tiền, tài sản đó bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép vào hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố;
c) Chi phí, sử dụng cho các khoản chi thiết yếu phục vụ sinh hoạt của cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý và chi phí cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ, xử lý;
d) Giải tỏa, trả lại nếu tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc do bị xác định sai là tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
đ) Sung quỹ nhà nước trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Điều 4. Nguyên tắc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
1. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chính xác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Thông tin về tên tổ chức, cá nhân bị xem xét đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải được lưu giữ theo chế độ mật cho tới khi danh sách liên quan được thông báo theo quy định của Nghị định này.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc trong việc lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải được bồi thường theo quy định của pháp luật.
5. Tiền, tài sản, quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được mở, kiểm tra theo quy định của Nghị định này.
3. Trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp tiền, tài sản, nguồn tài chính, nguồn lực kinh tế, dịch vụ tài chính hoặc dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC TẠM NGỪNG LƯU THÔNG, PHONG TỎA, NIÊM PHONG, TẠM GIỮ, XỬ LÝ TIỀN, TÀI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN KHỦNG BỐ, TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
Điều 6. Điều kiện tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
Tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý theo quy định của pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định này.
Điều 7. Thẩm quyền tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
1. Bộ trưởng Bộ Công an có quyền quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; trả lại tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố trong trường hợp tiền, tài sản đó thuộc quyền sở hữu, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị người khác chiếm đoạt, sử dụng trái phép vào hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố; hủy bỏ các quyết định xử lý do mình ban hành hoặc do người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này ban hành.
2. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) có quyền quyết định hoặc hủy bỏ quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 và Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an có quyền quyết định hoặc hủy bỏ quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 10 Nghị định này.
3. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh có thể xem xét, cho phép tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị niêm phong, tạm giữ, phong tỏa được phép tiếp cận, sử dụng một phần trong số quỹ, tiền, tài sản bị phong tỏa để thanh toán cho các dịch vụ pháp lý, dịch vụ nắm giữ, bảo quản tiền, tài sản bị niêm phong, phong tỏa hoặc chi phí cho việc ăn, ở, khám chữa bệnh và các khoản chi thiết yếu khác. Việc cho phép và sử dụng các chi phí thiết yếu nêu trên phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 8. Phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính
1. Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì phải thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản đó; đồng thời, phải báo cáo ngay bằng văn bản, kèm theo các tài liệu có liên quan cho Giám đốc Công an cấp tỉnh để xem xét, quyết định. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục An ninh I Bộ Công an xem xét, nếu tiền, tài sản đã bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đúng là của tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành. Trường hợp tổ chức, cá nhân đó không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính để chấm dứt ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đã thực hiện.
2. Trường hợp qua hoạt động nghiệp vụ hoặc qua tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà có căn cứ cho rằng có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố đang lưu thông trong hoạt động tài chính, hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác minh, làm rõ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ tiền, tài sản đó và báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an để xem xét, quyết định. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, nếu tiền, tài sản đó đúng là của tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành. Trường hợp tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản đó không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính để chấm dứt ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa đã thực hiện.
3. Khi xác định có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định xử lý tiền, tài sản đó. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn ra quyết định không quá 60 ngày; trường hợp phải xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày có quyết định phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Điều 9. Tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính
1. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính khi phát hiện bưu gửi có dấu hiệu chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh và phối hợp với cơ quan này mở, kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định của Nghị định này.
2. Trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi nhận được tin báo của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu và phối hợp với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính mở, kiểm tra bưu gửi có dấu hiệu chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Trường hợp xác định có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo quy định.
3. Trường hợp qua hoạt động nghiệp vụ hoặc qua tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà xác định có căn cứ cho rằng trong bưu gửi có chứa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I Bộ Công an có văn bản yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính mở bưu gửi để kiểm tra, nếu phát hiện có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo quy định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định niêm phong bưu gửi tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc xử lý tiền, tài sản đó. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn ra quyết định không quá 60 ngày; trường hợp phải xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày có quyết định phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
5. Trường hợp phát hiện đồ vật, tài liệu có liên quan đến tội phạm khác hoặc tài liệu, đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I Bộ Công an thực hiện tạm giữ và chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Trong trường hợp cấp bách cần phát hiện, ngăn chặn kịp thời bưu gửi có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố gửi đi nước ngoài hoặc từ nước ngoài gửi vào Việt Nam thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I Bộ Công an có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính tạm ngừng lưu thông bưu gửi đó trong thời hạn 48 giờ để yêu cầu mở, kiểm tra bưu gửi, nếu phát hiện có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Việc mở, kiểm tra, niêm phong bưu gửi, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải được lập biên bản theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua các hoạt động khác
1. Qua hoạt động nghiệp vụ hoặc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà có căn cứ cho rằng có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh, cơ quan phòng, chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh I Bộ Công an phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác minh, làm rõ, nếu xác định có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì phải báo cáo ngay với Giám đốc Công an cấp tỉnh hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền quy định của Nghị định này.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định xử lý tiền, tài sản đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều địa điểm, cơ quan, tổ chức thì thời hạn ra quyết định tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày có quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Đối với vụ việc cần phải xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì thời hạn tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Quyết định phải bằng văn bản, có chữ ký của người ra quyết định, đóng dấu và chuyển ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành.
3. Thời hạn tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do cơ quan Công an có thẩm quyền quyết định theo quy định của Nghị định này được áp dụng cho đến khi tổ chức, cá nhân đó được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Chương III
XÁC LẬP DANH SÁCH TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN HOẶC KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN KHỦNG BỐ, TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
Điều 11. Lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách và công bố danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
1. Căn cứ lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm:
a) Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc;
b) Yêu cầu của quốc gia khác;
c) Kết quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự;
d) Bằng hoạt động nghiệp vụ của mình, các cơ quan chức năng của Việt Nam có căn cứ để cho rằng một cá nhân, tổ chức đã hoặc chuẩn bị thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống khủng bố.
2. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan kịp thời cập nhật danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều này để lập danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
3. Các tổ chức tài chính, tổ chức cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác phải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định tại Nghị định này.
Điều 12. Đề nghị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
1. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc mà chưa được đưa vào danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan lập danh sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Liêp hợp quốc đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
2. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân thuộc danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng không thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Liêp hợp quốc đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách chỉ định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Điều 13. Tiếp nhận, xử lý yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; đề nghị quốc gia khác xác định tổ chức, cá nhân liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
1. Khi nhận được yêu cầu của quốc gia khác về việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xem xét. Nếu có cơ sở hợp lý để cho rằng tổ chức, cá nhân đó có liên quan hoặc không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đưa hoặc không đưa tổ chức, cá nhân đó vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và thông báo cho quốc gia có yêu cầu biết.
2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân thỏa mãn tiêu chí để xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc hoặc tổ chức, cá nhân đã thực hiện, chuẩn bị thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống khủng bố nhưng chưa được quốc gia có liên quan xác định là tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đề nghị quốc gia có liên quan xác định tổ chức, cá nhân đó là có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
3. Khi thấy tổ chức, cá nhân bị quốc gia khác xác định là tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố nhưng không phù hợp với tiêu chí quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được ban hành trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc hoặc không phải là tổ chức, cá nhân đã thực hiện, chuẩn bị thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống khủng bố thì Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị quốc gia có liên quan đưa tổ chức, cá nhân đó ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Điều 14. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; bị đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và việc đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 10 năm 2013.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.