Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển

tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015

_____________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu của Chương trình:

a) Mục tiêu chung:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo, lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ;

- Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam, trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đáp ứng 70% yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ về nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ;

- Đáp ứng 70% yêu cầu của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về hướng dẫn, hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu;

- Đáp ứng 70% yêu cầu của các địa phương về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản của địa phương;

- Đáp ứng 50% yêu cầu về hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu tại các nước là thị trường chính và tiềm năng.

2. Nội dung của Chương trình:

a) Tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác;

- Tổ chức các cuộc hội thảo, các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, cán bộ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ;

- Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ: hướng dẫn xây dựng và thực hiện chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ, hỗ trợ xây dựng và tổ chức các hoạt động sở hữu trí tuệ.

b) Thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

c) Hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khác của Việt Nam ở trong và ngoài nước:

- Cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển giá trị tài sản trí tuệ;

- Hỗ trợ thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển giá trị nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp: thu thập và tra cứu thông tin, thiết kế, đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp;

- Hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ của các địa phương;

- Hỗ trợ xác lập, khai thác, áp dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các thành quả sáng tạo khoa học - công nghệ: khuyến khích hoạt động sáng tạo; đưa thông tin sở hữu trí tuệ áp dụng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm sáng tạo khoa học - công nghệ;

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển giá trị của các giống cây trồng mới;

- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển giá trị của phần mềm máy tính và tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

d) Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ:

- Hỗ trợ xây dựng, áp dụng các biện pháp, quy trình quản lý các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ mới để quản lý, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ;

đ) Hỗ trợ khai thác thông tin khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh:

- Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu, sản phẩm thông tin khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ phục vụ các hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh;

- Tổ chức, hướng dẫn tra cứu, khai thác các nguồn thông tin khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ;

- Tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của các tổ chức và cá nhân;

- Hỗ trợ khai thác, ứng dụng thông tin khoa học - công nghệ, đặc biệt là thông tin sáng chế phục vụ nghiên cứu, triển khai nhằm tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới.

e) Hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh.

g) Hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng sở hữu trí tuệ:

- Hỗ trợ các chương trình, hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ trong hệ thống các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ các chương trình, hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực cho hệ thống các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

h) Hỗ trợ tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ: Hỗ trợ các chương trình, hoạt động hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài về đào tạo, trao đổi thông tin, đăng ký xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình

1. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2011 đến năm 2015.

2. Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình:

a) Từ năm 2011 đến năm 2013 triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình;

b) Năm 2013 sơ kết hai năm thực hiện chương trình;

c) Từ năm 2012 đến năm 2015 triển khai theo chiều sâu và diện rộng tất cả các nội dung của Chương trình trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng các kết quả đã đạt được;

d) Năm 2015 tổng kết kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015.

3. Cơ quan tổ chức thực hiện Chương trình:

a) Cơ quan chủ trì là Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Cơ quan phối hợp là Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính của Chương trình.

4. Bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình:

a) Ban Chỉ đạo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập gồm các thành viên là đại diện các Bộ chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai Chương trình. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức triển khai Chương trình; giúp việc cho Ban Chỉ đạo là Ban Thư ký do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định;

b) Cơ quan thường trực Chương trình là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ tổ chức triển khai các hoạt động chung và quản lý các dự án Trung ương quản lý;

c) Cơ quan quản lý dự án ở địa phương là Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai các hoạt động chung ở địa phương và quản lý các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.

Điều 3. Quản lý Chương trình

1. Phương thức quản lý Chương trình:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý Chương trình thông qua việc tổ chức triển khai, thực hiện các hoạt động chung và các dự án thực hiện nội dung Chương trình;

b) Việc quản lý các dự án căn cứ theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý dự án với đơn vị chủ trì thực hiện dự án.

2. Nội dung quản lý Chương trình:

a) Quản lý việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chung và thường xuyên phục vụ công tác quản lý và triển khai Chương trình gồm: thông tin, tuyên truyền về Chương trình; hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết Chương trình; nghiên cứu, tham quan, khảo sát, điều tra, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước; thuê chuyên gia tư vấn, hỗ trợ; khảo sát, điều tra, xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm chỉ đạo và tổ chức triển khai Chương trình; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ, triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước;

b) Quản lý các dự án thuộc Chương trình gồm: các hoạt động liên quan đến việc đề xuất, xây dựng và phê duyệt danh mục các dự án thực hiện nội dung Chương trình; tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án; giao chủ trì thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; nghiệm thu kết quả, phân tích, đánh giá, tổ chức áp dụng, khai thác, phổ biến và nhân rộng các kết quả thực hiện dự án; quản lý kinh phí.

3. Các dự án thuộc Chương trình:

a) Dự án Trung ương quản lý bao gồm:

- Dự án được xây dựng và triển khai theo hình thức xây dựng mô hình điểm nhằm giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, có quy mô toàn quốc hoặc có ảnh hưởng liên vùng hoặc một vùng kinh tế trọng điểm; việc thực hiện đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương;

- Dự án được địa phương đề nghị Trung ương quản lý do địa phương có khó khăn về nhân lực, vật lực không bảo đảm điều kiện tổ chức quản lý dự án.

b) Dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý gồm: dự án được xây dựng và triển khai trên cơ sở kết quả thực hiện các mô hình điểm đã được tổng kết, đánh giá, nghiệm thu hoặc giải quyết vấn đề phát triển sản xuất thuộc địa phương và phù hợp với năng lực tổ chức quản lý của cơ quan quản lý dự án ở địa phương.

4. Tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện, quản lý, đánh giá và nghiệm thu kết quả thực hiện dự án:

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về việc tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện, quản lý, đánh giá và nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thực hiện Chương trình

1. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì việc điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình xác định, phê duyệt Danh mục các dự án thuộc Chương trình, tuyển chọn dự án và đơn vị chủ trì thực hiện dự án đối với các dự án do Trung ương quản lý;

c) Tổng hợp, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm cho việc thực hiện Chương trình: dự toán kinh phí hoạt động chung; dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho thực hiện các dự án thuộc Chương trình;

d) Giao dự toán kinh phí hoạt động chung và dự toán kinh phí hỗ trợ các dự án do Trung ương quản lý;

đ) Kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của Chương trình; phối hợp với các cơ quan được ủy quyền quản lý dự án trong việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án thuộc Chương trình;

e) Điều chỉnh nội dung, dự toán kinh phí và chấm dứt thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Trung ương quản lý;

g) Tổ chức đánh giá, nghiệm thu và phê duyệt kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Trung ương quản lý;

h) Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động và tổng kết Chương trình.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

a) Chủ trì và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn sử dụng và quản lý tài chính của Chương trình;

b) Xem xét, đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện Chương trình;

c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định về tài chính hiện hành.

3. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chủ trì tổ chức triển khai Chương trình ở địa phương;

b) Đề xuất các dự án vào danh mục các dự án thực hiện nội dung Chương trình;

c) Tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án đối với các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý;

d) Phê duyệt nội dung, kinh phí cho các hoạt động chung của Chương trình ở địa phương và các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý và kiến nghị mức kinh phí đề nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương;

đ) Điều chỉnh nội dung, dự toán kinh phí và chấm dứt thực hiện các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý;

e) Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý;

g) Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động và tổng kết Chương trình ở địa phương;

4. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện Chương trình;

b) Đề xuất dự án vào danh mục các dự án thực hiện nội dung Chương trình; tham gia tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án do Trung ương quản lý;

c) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các dự án;

d) Tham gia đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do Trung ương quản lý.

5. Trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký, Cơ quan thường trực Chương trình và Cơ quan quản lý dự án ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Điều 5. Tài chính của Chương trình

1. Kinh phí thực hiện Chương trình:

a) Kinh phí thực hiện Chương trình gồm kinh phí thực hiện các dự án và kinh phí tổ chức, thực hiện các hoạt động chung của Chương trình;

b) Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình gồm kinh phí từ Ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác;

c) Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình;

d) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt phần kinh phí thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương.

2. Nguồn kinh phí triển khai:

a) Ngân sách nhà nước ở Trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động chung của Chương trình, các dự án do Trung ương quản lý và hỗ trợ thực hiện các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý;

b) Ngân sách nhà nước ở địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động chung của Chương trình ở địa phương và bảo đảm một phần kinh phí thực hiện các dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn mức chi, nội dung chi, thủ tục lập dự toán, phê duyệt, giao, cấp phát, hạch toán và quyết toán kinh phí thuộc Chương trình.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thiện Nhân