THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo
Căn cứ Luật thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chi Tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Quyết định số 06/2015/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo (sau đây gọi là thanh tra chuyên ngành tôn giáo), bao gồm: Nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra chuyên ngành tôn giáo; hoạt động thanh tra và Điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Ban Tôn giáo Chính phủ, Sở Nội vụ, Thanh tra Sở Nội vụ, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Chương II
NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO
Điều 3. Nội dung thanh tra chuyên ngành tôn giáo
Ban Tôn giáo Chính phủ và Thanh tra Sở Nội vụ có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật các nội dung sau:
1. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo.
2. Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc.
3. Đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác.
4. Thành lập, quản lý, giải thể trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.
5. Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo.
6. Thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành.
7. Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở.
8. Hội nghị thường niên, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
9. Hoạt động xuất bản các xuất bản phẩm, ấn phẩm tôn giáo.
10. Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện hoạt động tôn giáo.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ; Giám đốc Sở Nội vụ giao cho Thanh tra Sở Nội vụ.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Ban Tôn giáo Chính phủ
a) Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành tôn giáo gửi Thanh tra Bộ Nội vụ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra khi được phê duyệt;
b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo;
c) Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ giao;
d) Theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình;
đ) Tổng hợp, báo cáo Thanh tra Bộ Nội vụ về kết quả thanh tra chuyên ngành;
e) Thanh tra những vụ việc khác do Bộ trưởng giao theo quy định của pháp luật;
2. Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ
a) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
b) Quyết định thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt;
c) Quyết định thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ; phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
d) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra;
đ) Đề nghị Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ban Tôn giáo Chính phủ và trưng tập công chức, viên chức tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
3. Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ
Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ là bộ phận tham mưu công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra báo cáo Trưởng ban gửi Thanh tra Bộ Nội vụ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt;
b) Thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất khi được Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ giao;
c) Tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trong lĩnh vực tôn giáo;
d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trong lĩnh vực tôn giáo;
đ) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về tôn giáo phát hiện qua công tác thanh tra;
e) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị, hội thảo thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
g) Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
h) Kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo theo quy định của pháp luật;
i) Tham mưu cho Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tôn giáo;
k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
4. Sở Nội vụ
a) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
5. Giám đốc Sở Nội vụ
a) Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Giám đốc Sở quy định tại Điều 7 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành tôn giáo hàng năm;
c) Quyết định thanh tra chuyên ngành tôn giáo theo kế hoạch đã được phê duyệt và lập Đoàn thanh tra;
d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
6. Thanh tra Sở Nội vụ
Thanh tra Sở Nội vụ là tổ chức thuộc Sở Nội vụ có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 24 của Luật thanh tra và Điều 6 Nghị định 90/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ;
b) Tham mưu giúp Giám đốc Sở Nội vụ tiến hành thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tôn giáo theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO
Điều 5. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Ban Tôn giáo Chính phủ có trách nhiệm
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành tôn giáo gửi Thanh tra Bộ Nội vụ chậm nhất vào ngày 01 tháng 11 hàng năm;
b) Khi cần Điều chỉnh kế hoạch thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
c) Kế hoạch thanh tra quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này sau khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Thanh tra Sở Nội vụ có trách nhiệm
a) Phối hợp với Ban (Phòng) tôn giáo xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo trình Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt chậm nhất ngày 05 tháng 12 hàng năm;
b) Khi cần Điều chỉnh kế hoạch thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt phải báo cáo Giám đốc Sở Nội vụ;
c) Kế hoạch thanh tra quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 Điều này sau khi được Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 6. Thời hạn thanh tra
1. Cuộc thanh tra chuyên ngành tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày.
2. Cuộc thanh tra chuyên ngành tôn giáo do Thanh tra Sở Nội vụ tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Điều 7. Trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo
Trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo thực hiện theo quy định của Luật thanh tra; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ và Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Điều 8. Công tác phối hợp thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Khi cần thiết Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ tiến hành thanh tra chuyên ngành tôn giáo theo thẩm quyền.
2. Trường hợp nội dung thanh tra liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp về tôn giáo thì Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thành lập Đoàn thanh tra liên ngành.
Chương IV
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO
Điều 9. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo tại Ban Tôn giáo Chính phủ
Là công chức thuộc biên chế của Ban Tôn giáo Chính phủ (sau đây gọi là công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo) có đủ Điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ và các tiêu chuẩn cụ thể sau:
a) Am hiểu pháp luật, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành: Luật, hành chính, tôn giáo học, quản lý nhà nước;
b) Có ít nhất 02 năm làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo (không kể thời gian tập sự), có kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác thanh tra; được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tôn giáo.
2. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo tại Sở Nội vụ
a) Có đủ Điều kiện tiêu chuẩn Thanh tra viên đang giữ quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;
b) Được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tôn giáo.
Điều 10. Kinh phí hoạt động thanh tra và chế độ đối với công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Kinh phí cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo được Nhà nước bảo đảm.
2. Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo được cấp trang phục, Thẻ và hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành
a) Trang phục, Thẻ và chế độ bồi dưỡng công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo tại Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện theo Điều 11, 12, 13, 14 Thông tư này và các quy định pháp luật hiện hành.
b) Trang phục, Thẻ và chế độ bồi dưỡng Thanh tra viên ở Sở Nội vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và các quy định pháp luật hiện hành.
3. Kinh phí hoạt động thanh tra chuyên ngành tôn giáo được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của Ban Tôn giáo Chính phủ, Sở Nội vụ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trang phục công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo được cấp trang phục theo mẫu tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
a) Phù hiệu là biểu tượng của Ban Tôn giáo Chính phủ được may trên tay áo bên trái, gắn trên mũ kêpi, biển hiệu;
b) Biển hiệu gắn ở ngực áo bên trái. Nội dung gồm một phần biểu tượng của Ban Tôn giáo Chính phủ, tên cơ quan, họ tên người mang biển hiệu;
c) Quần, áo thu đông, mũ Kêpi, Cà vạt, Cầu vai áo: chất liệu vải Tuytsi pha len, màu xanh tím than;
d) Áo sơ my: chất liệu vải popơlin, màu xanh da trời.
2. Trang phục công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và các ngày lễ có liên quan đến hoạt động thanh tra.
Điều 12. Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo hình chữ nhật, rộng 60 mm, dài 85 mm theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
a) Mặt trước: nền mầu đỏ.
Nội dung thông tin gồm:
- Dòng trên ghi Quốc hiệu Việt Nam “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, chữ in hoa đậm, màu đen, cỡ chữ 9;
- Dòng tiếp theo: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, chữ in thường đậm, màu đen, cỡ chữ 9, phía dưới có đường gạch chân hết dòng chữ;
- Giữa mặt Thẻ là Quốc huy, đường kính 24 mm;
- Dòng dưới cùng ghi “THẺ CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO”, chữ in hoa đậm, màu đen, cỡ chữ 12;
b) Mặt sau: Nền màu trắng in hoa văn trống đồng màu xanh nhạt; góc trên bên trái in hình Quốc huy, đường kính 15 mm; từ góc trên bên trái xuống góc dưới bên phải là gạch chéo mầu đỏ.
Nội dung các thông tin:
- Dòng thứ nhất: “BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ”; chữ in hoa đậm, mầu đen, cỡ chữ 13;
- Dòng thứ hai: “THẺ CÔNG CHỨC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO”; chữ in hoa đậm, mầu đỏ, cỡ chữ 14;
- Dòng thứ ba: “Mã số thẻ” chữ in thường, mầu đen, cỡ chữ 13;
- Dòng thứ tư: “HỌ VÀ TÊN”, chữ in hoa đậm, mầu đen, cỡ chữ 14;
- Dòng thứ năm: “Ngày cấp”, chữ in thường; mầu đen, cỡ chữ 11;
- Dòng thứ sáu: “Hạn sử dụng”, chữ in thường, mầu đen, cỡ chữ 11;
- Dòng thứ bảy: “TRƯỞNG BAN”, chữ in hoa đậm, mầu đen, cỡ chữ 11 (chữ ký của Trưởng ban và đóng dấu);
- Góc dưới bên trái in ảnh người được cấp thẻ, khổ 20 mm x 30 mm (có đóng dấu giáp lai của Ban Tôn giáo Chính phủ).
2. Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo do Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cấp theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 13. Trách nhiệm quản lý, sử dụng trang phục, Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Vụ Pháp chế - Thanh tra có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ
a) Quản lý trang phục, phôi thẻ, mở sổ theo dõi việc cấp mới, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
b) Phát và quản lý việc sử dụng Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
c) Thu hồi Thẻ khi công chức sử dụng Thẻ không đúng quy định, công chức chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc, từ trần hoặc không còn được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo hoặc Thẻ bị hỏng. Thẻ bị thu hồi phải cắt góc và lưu vào sổ theo dõi.
2. Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo có trách nhiệm
a) Bảo quản trang phục được cấp; sử dụng trang phục, Thẻ đúng quy định. Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo chỉ được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo. Nghiêm cấm sử dụng Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo khi không thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
b) Xuất trình Thẻ Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo;
c) Có đơn xin đổi, cấp lại Thẻ khi Thẻ bị hỏng, bị mất gửi Vụ Pháp chế - Thanh tra trình Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ quyết định;
d) Nộp lại Thẻ khi không còn được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tôn giáo.
Điều 14. Đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo
1. Công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo được bồi dưỡng kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo và nghiệp vụ thanh tra;
2. Chương trình, nội dung, kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng công chức thanh tra chuyên ngành tôn giáo thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về chế độ đào tạo công chức.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2016
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, hoặc có vấn đề mới phát sinh cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Nội vụ để xem xét, xử lý./.