• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/06/2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 04/2005/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 5 tháng 1 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm trong các công ty nhà nước

theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ

 

Thi hành Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm như sau:

 

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với những người làm những nghề, công việc có điều kiện độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm trong các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước mà yếu tố độc hại, nguy hiểm chưa xác định hoặc xác định chưa đủ trong mức lương, bao gồm:

1. Công ty nhà nước:

- Tổng công ty nhà nước:

+ Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;

+ Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập (Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con);

+ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

- Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

II. MỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4 so với mức lương tối thiểu chung, được quy định như sau:

 

Mức

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/10/2004

1

0,1

29.000 đồng

2

0,2

58.000 đồng

3

0,3

87.000 đồng

4

0,4

116.000 đồng

 

1. Mức 1, hệ số 0,1, áp dụng đối với:

- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh làm nghề, công việc nhóm I chuyển sang làm nghề, công việc nhóm II của cùng thang lương;

- Những người đang hưởng lương chức vụ hoặc lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ có thời gian làm việc tại nơi công nhân, nhân viên làm nghề, công việc thuộc nhóm II của các thang lương;

- Những người đang hưởng lương chức vụ hoặc lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ có thời gian làm việc tại nơi công nhân, nhân viên làm nghề, công việc theo các bảng lương có các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

+ Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc có nồng độ cao, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm;

+ Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh phát sinh từ công nghệ sản xuất, trong điều kiện thời tiết nguy hiểm;

+ Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;

+ Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

2. Mức 2, hệ số 0,2, áp dụng đối với:

- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh làm nghề, công việc thuộc nhóm I hoặc nhóm II chuyển sang làm nghề, công việc thuộc nhóm III của cùng thang lương;

- Những người đang hưởng lương chức vụ hoặc lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ có thời gian làm việc tại nơi công nhân, nhân viên làm nghề, công việc thuộc nhóm III của các thang lương.

3. Mức 3, hệ số 0,3, áp dụng đối với:

- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh làm các nghề, công việc thuộc nhóm I hoặc nhóm II chuyển sang làm nghề, công việc thuộc nhóm III của cùng thang lương nhưng phải được xếp loại V theo danh mục nghề đặc biệt độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

- Những người đang hưởng lương chức vụ hoặc lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành phục vụ có thời gian làm việc tại nơi công nhân, nhân viên làm công việc thuộc nhóm nghề khai thác mỏ hầm lò;

4. Mức 4, hệ số 0,4, áp dụng đối với công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh làm các nghề, công việc thuộc nhóm I hoặc nhóm II chuyển sang làm nghề, công việc thuộc nhóm III của cùng thang lương nhưng phải được xếp loại VI theo danh mục nghề đặc biệt độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

III. CÁCH TÍNH TRẢ PHỤ CẤP ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM

1. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được chi trả cùng kỳ trả lương hằng tháng theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm. Làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 23/LĐTBXH-TT ngày 07 tháng 07 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Các quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty nhà nước phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.