• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 28/07/2009
BỘ NỘI VỤ
Số: 112/2005/QĐ-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 1 tháng 11 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về quản lý công nghệ thông tin

cho cán bộ lãnh đạo thông tin và công nghệ thông tin giai đoạn 2006 - 2008

______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT từ nay đến năm 2010;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về quản lý công nghệ thông tin cho cán bộ lãnh đạo thông tin và công nghệ thông tin giai đoạn 2006 - 2008.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VỀ QUẢN LÝ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

CHO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO THÔNG TIN VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

GIAI ĐOẠN 2006 - 2008

(Ban hành kèm theo Quyết định số 112/2005/QĐ-BNV, ngày 01/11/2005

của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Đào tạo, bồi dưỡng về quản lý công nghệ thông tin (CNTT) là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của Chương trình phát triển nguồn nhân lực về CNTT từ nay đến năm 2010. Quyết định số 331/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đến năm 2010 đã đề ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo thông tin và CNTT để thực hiện nhiệm vụ quản lý ứng dụng và phát triển CNTT trong các Bộ, ngành và địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ lập Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về quản lý CNTT cho cán bộ lãnh đạo thông tin và công nghệ thông tin (Chief Information officer - viết tắt là CIO) giai đoạn 2006 - 2008 nhằm tạo điều kiện triển khai hiệu quả việc ứng dụng và phát triển CNTT của các Bộ, ngành, địa phương.

I. Thực trạng năng lực và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo thông tin và CNTT:

1. Thực trạng trình độ và năng lực quản lý:

Thực hiện Công văn số 398/BTCCBCP-CCVC ngày 05 tháng 9 năm 2001 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân trực tiếp phụ trách về lĩnh vực ứng dụng thông tin và CNTT, đến nay các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã cử một đồng chí lãnh đạo phụ trách về lĩnh vực này với số lượng trên 100 người.

Kết quả điều tra từ 70 cán bộ CIO của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thấy:

- Về độ tuổi: cán bộ CIO có độ tuổi từ 35 - 50 chiếm 32,9%; từ 51 - 60 chiếm 61,4%; trên 60 tuổi chiếm 5,7%.

Nhìn chung đội ngũ cán bộ quản lý thông tin và CNTT đều có trình độ đại học và trên đại học, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, lãnh thổ; có kiến thức, kỹ năng tổ chức và triển khai các công việc ở tầm chiến lược.

- Về thời gian lãnh đạo thông tin và CNTT: số người có thời gian lãnh đạo dưới 1 năm chiếm 15,7%; từ 1 - 3 năm chiếm 31,4%; trên 3 năm chiếm 52,9%.

- Những khó khăn chủ yếu khi thực hiện nhiệm vụ: do thiếu kiến thức về thông tin và CNTT; thiếu kỹ năng lãnh đạo hoặc kinh nghiệm lãnh đạo còn hạn chế trong lĩnh vực công tác này; do thiếu nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động; cơ sở hạ tầng thông tin còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Qua kết quả điều tra cho thấy cán bộ CIO còn nhiều bất cập về kiến thức chuyên môn, kỹ năng cơ bản để có thể tạo dựng một kết cấu hạ tầng CNTT ổn định, phát triển đáp ứng yêu cầu quản lý một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Mặt khác, cán bộ CIO là người trực tiếp chỉ đạo, quản lý, kiểm soát quá trình triển khai việc ứng dụng thông tin và CNTT để phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành, lĩnh vực, lãnh thổ trong phạm vi trách nhiệm được phân công, do đó cần phải được chú trọng việc nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ.

Về tự đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ CIO: số cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ chiếm 31,4%; hoàn thành nhiệm vụ chiếm 61,4%; chưa hoàn thành nhiệm vụ chiếm 7,2%.

Một số nguyên nhân cơ bản của việc chậm triển khai và triển khai ứng dụng CNTT kém hiệu quả ở các Bộ, ngành và địa phương là:

- Cán bộ quản lý thông tin và CNTT chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về ứng dụng và phát triển thông tin và CNTT.

- Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác lãnh đạo, ứng dụng thông tin và CNTT của Bộ, ngành và địa phương còn yếu, kém.

2. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về quản lý CNTT cho cán bộ CIO:

- Theo kết quả điều tra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về quản lý CNTT đối với cán bộ CIO cho thấy:

a) Nhu cầu về kiến thức, kỹ năng:

 

STT

Nội dung

Nhu cầu

   

Rất cần

(%)

Cần

(%)

Không cần (%)

I

Nhu cầu về kiến thức

     

1

Chức năng, nhiệm vụ của cán bộ CIO

38,6%

48,6%

8,5%

2

Khái niệm cơ bản về mạng CNTT, hạ tầng cho CNTT, Internet và vấn đề toàn cầu hoá

42,8%

48,6%

8,6%

3

Khái niệm cơ bản về Chính phủ điện tử, mô hình và các thành phần cơ bản của nó.

51%

44,3%

4,3%

4

Xây dựng tổ chức CNTT và việc hoạch định, quản lý triển khai chiến lược thông tin và CNTT.

54,3%

45,7%

 

5

Quản trị dự án CNTT và việc triển khai tổng thể các dự án trong chiến lược thông tin và CNTT.

35,7%

60%

4,3%

6

Nội dung các hành động cơ bản, vai trò của tin học hoá trong công cuộc CCHC và xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

52,8%

44,3%

2,9%

II

Nhu cầu về kỹ năng

     

1

Kỹ năng hoạt động của cán bộ CIO

47%

35%

10%

2

Làm thế nào để trở thành cán bộ CIO tốt

51,4%

44,3%

2,9%

 

Ngoài những kiến thức, kỹ năng nêu trên một số cán bộ CIO có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng về các nội dung: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNTT của Việt Nam và các giải pháp thực hiện; Bảo vệ, bảo mật, quản trị các cơ sở dữ liệu, các hệ điều hành và công nghệ thông tin ứng dụng trong an ninh quốc phòng; và có yêu cầu thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật CNTT mới.

b) Hình thức, thời gian, địa điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng:

+ Về hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: tập trung.

+ Về thời gian tổ chức mỗi khóa: 10% số cán bộ đề nghị tổ chức khóa học dưới 1 tuần; 30% số cán bộ đề nghị tổ chức khóa học 1 tuần; 34,3% số cán bộ đề nghị tổ chức khóa học 2 tuần; 25,7% số cán bộ đề nghị tổ chức khóa học trên 2 tuần.

+ Về địa điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: 45,7% số cán bộ đề nghị tổ chức học ở trong nước; 48,5% số cán bộ đề nghị tổ chức học ở trong nước kết hợp với ngoài nước; có 2,9% mong muốn học tại nước ngoài.

II. Tiến độ, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CIO về quản lý thông tin và công nghệ thông tin giai đoạn 2005 - 2008

1. Mục tiêu, yêu cầu:

- Trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, lãnh đạo thông tin và CNTT; nâng cao năng lực của cán bộ CIO nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng, phát triển thông tin trong một nền hành chính hiện đại.

- Bảo đảm đến năm 2008, tất cả cán bộ CIO được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý thông tin và CNTT của Bộ, ngành, địa phương.

2. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về quản lý thông tin và CNTT:

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng về quản lý thông tin và công nghệ thông tin gồm 3 phần:

a) Phần thứ nhất: Những kiến thức cơ bản về quản lý thông tin và CNTT nhằm tạo mặt bằng chung về trình độ; gồm các nội dung:

+ Khái niệm cơ bản về hệ thống thông tin và CNTT; pháp chế về quản lý thông tin và CNTT.

+ Chiến lược phát triển về công nghệ thông tin ở Việt Nam.

+ Khái niệm cơ bản, cấu trúc, tính chất quản lý, cơ chế vận hành của Chính phủ điện tử và các chức năng cơ bản của nó. Vai trò, xu thế ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, quản lý và xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

+ Chức năng, nhiệm vụ, vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý thông tin và CNTT

b) Phần thứ hai: Các phương pháp, kỹ năng quản lý, khai thác, ứng dụng kiến thức thông tin và CNTT trong lãnh đạo và quản lý; gồm các nội dung:

+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, ứng dụng thông tin và CNTT trong quản lý nhà nước. Kinh nghiệm của các nước đối với việc phát triển, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước.

+ Kỹ năng xây dựng, quản trị dự án CNTT và triển khai các dự án trong chiến lược tổng thể phát triển CNTT.

+ Kỹ thuật bảo mật thông tin và CNTT.

+ Thực hành trên một số mô hình thực tiễn về quản lý thông tin và CNTT.

+ Công nghệ WEB và các ứng dụng.

c) Phấn thứ ba: Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm tổ chức, quản lý, ứng dụng thông tin và CNTT trong quản lý nhà nước tại một số nước ở Đông - Nam Á.

3. Tiến độ từ thực hiện:

a) Xây dựng khung chương trình và biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về quản lý thông tin và công nghệ thông tin:

- Khung chương trình, tài liệu đào tạo từ xa (theo nội dung phần thứ nhất): thời gian hoàn thành trong quý IV/2005.

- Khung chương trình, tài liệu đào tạo tập trung (theo nội dung phần thứ hai): thời gian hoàn thành trong quý I/2006.

b) Kế hoạch tiến độ đào tạo, bồi dưỡng:

- Từ quý II/2006 đến quý III/2007: tổ chức 5 - 6 khóa đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình nội dung gồm 3 phần nêu tại mục 2 cho các đối tượng cán bộ lãnh đạo CIO của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Năm 2008 tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm quản lý thông tin và CNTT cho các đối tượng này.

4. Hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

a) Tổ chức đào tạo mỗi khóa (trong hai năm 2006 - 2007):

- Đào tạo từ xa (nội dung phần thứ nhất): gửi tài liệu cho cán bộ CIO tự nghiên cứu.

- Đào tạo tập trung trong nước (nội dung phần thứ hai): thời gian 1 tuần.

- Nghiên cứu, khảo sát ngoài nước (phần thứ ba): thời gian 1 tuần.

b) Tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm quản lý thông tin và CNTT (năm 2008) theo hình thức tập trung; mỗi khóa tổ chức khoảng 2 - 3 ngày.

5. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng:

Kinh phí lấy từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác.

6. Tổ chức thực hiện:

Giao Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước thuộc Bộ Nội vụ làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CIO.

+ Lập kế hoạch và dự toán kinh phí cụ thể cho từng khóa đào tạo, bồi dưỡng trình Lãnh đạo Bộ Nội vụ ra quyết định phê duyệt; tham mưu lựa chọn các đơn vị để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo quyết định phê duyệt của Lãnh đạo Bộ Nội vụ.

+ Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về quản lý CNTT đối với cán bộ CIO theo nội dung của bản Kế hoạch này.

+ Tổ chức việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ CIO./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Quang Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.