QUY ĐỊNH
Phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh
(Kèm theo Quyết định số 37/2024/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng và phân cấp lập, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Các nội dung không được đề cập trong Quy định này thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và lập, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
Chương II
PHÂN CẤP LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG
Điều 3. Phân cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án đối với các quy hoạch:
- Quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp theo quy định;
- Điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đã được phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án đối với quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng (trừ khu công nghiệp) trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Điều 4. Phân cấp thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận.
Điều 5. Phân cấp phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư trong khu công nghiệp thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý (trừ khoản 1 Điều này).
Chương III
PHÂN CẤP LẬP, PHÊ DUYỆT, BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC
Điều 6. Phân cấp lập quy chế quản lý kiến trúc
Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị và quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Trường hợp thuê đơn vị tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc phải đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.
Điều 7. Phân cấp phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. 2. Trường hợp Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được tích hợp nội dung vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã thì việc phê duyệt, ban hành thực hiện theo quy định pháp luật xây dựng hiện hành về quy hoạch chung xây dựng xã.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Quy định chuyển tiếp
Quy hoạch xây dựng đã được lập, thẩm định, phê duyệt trước thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành thì không phải lập, thẩm định, phê duyệt lại
theo phân cấp tại Quy định này; trường hợp chưa thực hiện và điều chỉnh quy hoạch (nếu có) thì việc lập, thẩm định, phê duyệt thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và Quy định này.
Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan
1. Sở Xây dựng:
a) Hướng dẫn và kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
b) Rà soát, lập danh mục dự án quy hoạch xây dựng hàng năm và kế hoạch kinh phí thực hiện theo quy định.
c) Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hoặc phê duyệt công bố các nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền quy định.
b) Tham gia góp ý việc tài trợ kinh phí, dự toán chi phí liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
3. Sở Tài chính:
a) Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hoặc phê duyệt công bố các nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền quy định.
b) Tham gia góp ý tài trợ kinh phí, dự toán chi phí liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc; tổ chức thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án, nhiệm vụ quy hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong quá trình thẩm định hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện cập nhật quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp theo quy định.
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận:
a) Lập danh mục dự án quy hoạch xây dựng hàng năm và kế hoạch kinh phí thực hiện đối với các quy hoạch xây dựng được phân giao theo quy định.
b) Lập kế hoạch thực hiện quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt theo phân công.
c) Quản lý việc xây dựng công trình trong các khu công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt.
d) Gửi quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch và đĩa CD sao lưu toàn bộ hồ sơ đã duyệt thuộc thẩm quyền lập và phê duyệt của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cho Sở Xây dựng, phòng quản lý đô thị, phòng kinh tế và hạ tầng của Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo địa bàn có liên quan) để phục vụ công tác quản lý; gửi cho các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Cục thuế tỉnh để cập nhật tính toán tiền sử dụng đất đối với các dự án ngoài ngân sách (nếu có).
đ) Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Lập danh mục dự án quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc và cân đối kế hoạch kinh phí ngân sách địa phương hàng năm đối với các quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc theo phân cấp; hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh đối với quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc khác trong phạm vi quản lý hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
2. Tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng đối với các đồ án quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc sau khi phê duyệt theo thẩm quyền.
3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6) và cả năm (trước ngày 15 tháng 12) về công tác quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý kiến trúc tại địa phương để Sở Xây dựng quản lý và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng. 4. Cập nhật quy hoạch xây dựng vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho đồng bộ trước khi trình phê duyệt theo quy định.
5. Gửi quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch và đĩa CD sao lưu toàn bộ hồ sơ đã duyệt thuộc thẩm quyền lập và phê duyệt của ủy ban nhân dân cấp huyện cho Sở Xây dựng để phục vụ công tác quản lý; gửi cho các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và Cục thuế tỉnh để cập nhật tính toán tiền sử dụng đất đối với các dự án ngoài ngân sách (nếu có).
6. Triển khai, hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch nông thôn đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
7. Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 11. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã
1. Lập danh mục dự án quy hoạch xây dựng và đề xuất ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện đối với các quy hoạch xây dựng theo phân cấp.
2. Tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng đối với các đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt theo thẩm quyền.
3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6) và cả năm (trước ngày 15 tháng 12) về công tác quy hoạch xây dựng tại địa phương để ủy ban nhân dân huyện quản lý.
Điều 12. Điều khoản thi hành
Giao Sở Xây dựng tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan có ý kiến phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.