THÔNG TƯ
Quy định về cộng tác viên thanh tra dạy nghề và hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề
_____________________________________________________
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 31/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về cộng tác viên thanh tra dạy nghề; hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, thủ tục công nhận, nhiệm vụ, quyền hạn, những việc không được làm, chế độ, trưng tập và quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề và hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (sau đây gọi tắt là cơ sở dạy nghề).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cộng tác viên thanh tra dạy nghề; cơ sở dạy nghề; cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương và địa phương.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Theo Thông tư này các từ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cộng tác viên thanh tra dạy nghề: là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Đoàn thanh tra dạy nghề và được cơ quan có thẩm quyền công nhận là cộng tác viên thanh tra dạy nghề.
2. Hoạt động tự thanh tra, kiểm tra: là hoạt động tự xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở dạy nghề trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu với những quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề và những quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương II
TIÊU CHUẨN, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA DẠY NGHỀ VÀ HOẠT ĐỘNG TỰ THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ
MỤC I. CỘNG TÁC VIÊN THANH TRA DẠY NGHỀ
Điều 4. Tiêu chuẩn cộng tác viên thanh tra dạy nghề
Ngoài các tiêu chuẩn được quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2006 về tổ chức và hoạt động của thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội, cộng tác viên thanh tra dạy nghề còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Là cán bộ, giáo viên của cơ sở dạy nghề và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực dạy nghề.
2. Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra dạy nghề.
Điều 5. Thủ tục công nhận cộng tác viên thanh tra dạy nghề
1. Cơ sở dạy nghề gửi hồ sơ đề nghị công nhận cộng tác viên thanh tra dạy nghề tại Tổng cục Dạy nghề. Hồ sơ gồm có:
a) Bản tự khai của người đề nghị được xét công nhận cộng tác viên thanh tra dạy nghề (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này).
b) Văn bản đề nghị công nhận cộng tác viên thanh tra dạy nghề của người đứng đầu cơ sở dạy nghề.
c) Bản sao có công chứng: bằng tốt nghiệp (trình độ chuyên môn cao nhất), chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học.
2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề xét, quyết định công nhận cộng tác viên thanh tra dạy nghề, trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và ghi rõ lý do.
3. Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm thông báo bằng văn bản danh sách cộng tác viên thanh tra dạy nghề với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định công nhận để phối hợp theo dõi, quản lý.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên thanh tra dạy nghề
1. Tham mưu, giúp người đứng đầu cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tự thanh tra, kiểm tra tại nơi đang công tác.
2. Có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 18 Chương III Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và chấp hành quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra trong thời gian được trưng tập.
Điều 7. Những việc cộng tác viên thanh tra dạy nghề không được làm
1. Thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra.
2. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra và những người có liên quan
3. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.
4. Thanh tra Đoàn thanh tra tại cơ sở dạy nghề mình đang công tác hoặc trong trường hợp bố, me, vợ (chồng), con, anh, chị em ruột của mình giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.
Điều 8. Trưng tập cộng tác viên thanh tra dạy nghề
1. Cộng tác viên thanh tra dạy nghề được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề ở trung ương và địa phương. Chánh thanh tra Tổng cục Dạy nghề, Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện nhiệm vụ thanh tra về dạy nghề.
2. Trước khi trưng tập cộng tác viên thanh tra dạy nghề, người có thẩm quyền trưng tập phải thống nhất bằng văn bản (công văn, bản fax, thư điện tử) với cơ quan quản lý trực tiếp người được trưng tập.
3. Việc trưng tập cộng tác viên thanh tra dạy nghề phải thực hiện bằng văn bản và ghi rõ căn cứ để trưng tập, thời gian trưng tập, nơi làm việc, danh sách cộng tác viên thanh tra dạy nghề được trưng tập và tuân thủ các quy định tại Điều 17 Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.
Điều 9. Chế độ đối với cộng tác viên thanh tra dạy nghề
Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, cộng tác viên thanh tra dạy nghề được hưởng các chế độ quy định tại Điều 19 Chương III Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra.
Điều 10. Quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề
1. Tổng cục Dạy nghề có trách nhiệm:
a) Xây dựng mạng lưới và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra dạy nghề cho cộng tác viên thanh tra dạy nghề;
b) Quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề trong thời gian trưng tập và thực hiện chính sách, chế độ đối với cộng tác viên thanh tra dạy nghề theo quy định của pháp luật.
2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Quản lý cộng tác viên thanh tra dạy nghề trong thời gian trưng tập và thực hiện chính sách, chế độ đối với cộng tác viên thanh tra dạy nghề theo quy định của pháp luật;
b) Theo dõi đội ngũ cộng tác viên thanh tra dạy nghề và lập kế hoạch về nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo hàng năm trên địa bàn gửi Tổng cục Dạy nghề.
MỤC II. HOẠT ĐỘNG TỰ THANH TRA, KIỂM TRA TRONG CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ
Điều 11. Hình thức hoạt động tự thanh tra, kiểm tra
1. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch hàng năm do người đứng đầu cơ sở dạy nghề phê duyệt.
2. Thanh tra, kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của người đứng đầu cơ sở dạy nghề do người đứng đầu cơ sở dạy nghề giao.
Điều 12. Phương thức hoạt động tự thanh tra, kiểm tra
Căn cứ yêu cầu, điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ sở dạy nghề có thể quyết định tự thanh tra, kiểm tra theo phương thức thành lập Đoàn thanh tra, Đoàn kiểm tra nội bộ hoặc cử cán bộ thanh tra, kiểm tra độc lập.
Điều 13. Nội dung tự thanh tra, kiểm tra
Căn cứ tình hình thực tế, người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định tự thanh tra, kiểm tra một hoặc toàn bộ các nội dung liên quan đến hoạt động đào tạo nghề.
Điều 14. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở dạy nghề
1. Hàng năm căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề, người đứng đầu cơ sở dạy nghề có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch tự thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện.
2. Tùy theo yêu cầu, tình hình thực tế của cơ sở, người đứng đầu cơ sở dạy nghề quyết định hình thức, phương thức, số lượng các cuộc tự thanh tra, kiểm tra trong năm học.
3. Xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định.
4. Khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực, có thành tích được phát hiện thông qua hoạt động tự thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Chế độ báo cáo
1. Định kỳ sáu tháng, một năm người đứng đầu cơ sở dạy nghề báo cáo tình hình thực hiện công tác tự thanh tra, kiểm tra của đơn vị với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
2. Định kỳ sáu tháng, một năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề về việc thực hiện công tác tự thanh tra, kiểm tra của cơ sở dạy nghề trên địa bàn.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, người đứng đầu cơ sở dạy nghề, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.