THÔNG TƯ
Quy định về quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao
___________________________________________________
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định nội dung quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao như sau:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Thông tư này quy định nội dung chuyên môn cổ vũ hoạt động thể thao của các hội cổ động viên được thành lập theo quy định của pháp luật về hội và các hội, câu lạc bộ cổ động viên do câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, cơ quan chủ quản của đội, đoàn thể thao thành lập; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao đối với hội cổ động viên thể thao.
Điều 2. Nội dung hoạt động của hội cổ động viên thể thao
1. Hội cổ động viên thể thao hoạt động theo quy định của pháp luật, điều lệ hoạt động của hội và các quy định sau đây:
a) Quy định chặt chẽ việc gia nhập và khai trừ hội viên. Không kết nạp hoặc khai trừ ngay những hội viên quá khích, thiếu văn hoá trong cổ vũ thể thao;
b) Hướng dẫn hoạt động cổ vũ thể thao cho hội viên;
c) Tổ chức cổ vũ thể thao lành mạnh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, điều lệ thi đấu thể thao và nội quy, quy chế tại địa điểm thi đấu. Trường hợp cổ vũ trên sân khách, hội cổ động viên có trách nhiệm thông báo trước cho Ban tổ chức giải về số lượng, thành phần cổ động viên tham gia cổ vũ chậm nhất là 03 ngày trước ngày diễn ra hoạt động thể thao;
d) Đề xuất với các cơ quan liên quan xem xét, hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, tài liệu chuyên môn, vé, trang phục, dụng cụ cổ vũ, phương tiện đi lại và các điều kiện khác để tổ chức hoạt động cổ vũ;
e) Tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan chủ quản về các hoạt động của đội thể thao.
2. Hội viên hội cổ động viên thể thao:
a) Cá nhân có lý lịch rõ ràng, đủ tiêu chuẩn là hội viên theo quy định của hội, tự nguyện xin gia nhập hội, cam kết thực hiện đầy đủ nội quy cổ vũ thể thao của hội, không vi phạm pháp luật, không thực hiện hành vi bạo lực, thiếu văn hoá trong cổ vũ đều có thể trở thành hội viên hội cổ động viên thể thao.
Thẩm quyền, thủ tục kết nạp và khai trừ hội viên do hội quy định.
b) Hội viên hội cổ động viên thể thao có các quyền lợi và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, điều lệ hoạt động của hội được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các quyền lợi, trách nhiệm sau đây:
Được tham gia hoạt động cổ vũ theo kế hoạch của hội;
Được hội xem xét hỗ trợ về vé, trang phục, dụng cụ cổ vũ, phương tiện đi lại và các điều kiện khác khi tham gia hoạt động cổ vũ;
Vận động mọi người cổ vũ thể thao lành mạnh đúng quy định của pháp luật, nội quy cổ vũ của hội, điều lệ thi đấu thể thao và nội quy, quy chế tại địa điểm thi đấu;
Không sử dụng dụng cụ, phương tiện cổ vũ thiếu mỹ quan, phản cảm, có tính khiêu khích;
Tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan chủ quản về các hoạt động của đội thể thao.
Điều 3. Trách nhiệm quản lý hội cổ động viên thể thao
1. Tổng cục Thể dục thể thao:
Tổng cục Thể dục thể thao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý hội cổ động viên thể thao theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và có trách nhiệm:
a) Tổ chức hướng dẫn hội hoạt động đúng các quy định chuyên môn;
b) Tạo điều kiện để hội tham gia vào quá trình xã hội hoá thể dục thể thao;
c) Theo dõi, phát hiện kịp thời và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của hội cổ động viên thể thao.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý hội cổ động viên thể thao theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, hỗ trợ hội cổ động viên thành lập, hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật;
b) Tạo điều kiện để hội tham gia vào quá trình xã hội hoá thể dục thể thao ở địa phương;
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động cổ vũ thể thao theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, quản lý hội hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý hoạt động chuyên môn của hội cổ động viên thể thao theo hướng dẫn của Tổng cục Thể dục thể thao;
4. Tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao:
a) Chỉ đạo các tổ chức thành viên hướng dẫn và tạo điều kiện để hội cổ động viên hoạt động;
b) Hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động chuyên môn đối với hội cổ động viên môn thể thao cấp quốc gia;
c) Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động cổ vũ khi tổ chức các hoạt động thể thao theo thẩm quyền nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong thi đấu thể thao;
d) Xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động cổ vũ thể thao theo quy định của Điều lệ giải.
5. Cơ quan chủ quản đội, đoàn thể thao:
a) Xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, phương tiện và các điều kiện khác để hội cổ động viên cổ vũ cho đội thể thao;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát hoạt động cổ vũ của hội tại các địa điểm thi đấu;
c) Chịu trách nhiệm về hoạt động của hội cổ động viên do mình thành lập hoặc thừa nhận.
Điều 4. Hiệu lực của Thông tư
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2010.
Tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.