THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy,
thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
_____________________
Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20/1/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị và vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này (gọi chung là đối tượng kiểm định) và các tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, các cơ quan liên quan đến hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (gọi tắt là kiểm định) là hoạt động kỹ thuật theo một quá trình kiểm định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp tình trạng kỹ thuật an toàn của đối tượng kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với đối tượng kiểm định.
2. Tổ chức hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (gọi tắt là đơn vị kiểm định) là tổ chức có đăng ký hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 3. Trách nhiệm của cơ sở sử dụng đối tượng kiểm định
1. Cơ sở thông báo nhu cầu kiểm định lần đầu, định kỳ hoặc bất thường các đối tượng kiểm định đến đơn vị kiểm định bằng văn bản/bằng điện thoại/fax/thư điện tử.
2. Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu kỹ thuật liên quan đến đối tượng kiểm định để cung cấp cho kiểm định viên và cử người đại diện chứng kiến quá trình kiểm định.
3. Khắc phục các hiện tượng không bảo đảm an toàn liên quan đến công việc kiểm định, chuẩn bị và tạo điều kiện cho đơn vị kiểm định thực hiện việc kiểm định.
4. Cơ sở báo cáo ngay cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đặt đối tượng kiểm định việc các đơn vị kiểm định từ chối tiến hành kiểm định để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
5. Hàng năm lập kế hoạch kiểm định đối với các đối tượng kiểm định.
6. Quản lý, sử dụng đối tượng theo đúng quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về an toàn lao động.
Điều 4. Trách nhiệm của đơn vị kiểm định.
1. Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu kiểm định của cơ sở, đơn vị kiểm định phải thống nhất với cơ sở về việc tiến hành kiểm định hoặc phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do trong trường hợp không thực hiện được yêu cầu kiểm định.
2. Đơn vị kiểm định chỉ được phép kiểm định lần đầu đối với các đối tượng kiểm định nhập khẩu sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan; đối với các đối tượng kiểm định sản xuất trong nước đã được chứng nhận hợp quy và đã được đăng ký hợp quy.
3. Đơn vị kiểm định tiến hành kiểm định theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn) đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Đối với các đối tượng kiểm định mà chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì đơn vị kiểm định có thể căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định quốc tế hoặc của các nước đã được Việt Nam thừa nhận để thực hiện kiểm định.
4. Đơn vị kiểm định phải dán tem kiểm định của mình lên đối tượng kiểm định đạt yêu cầu (trừ các đối tượng nêu tại điểm 6 và Pa lăng điện nêu tại điểm 14 Phụ lục 01 của Thông tư này); chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản kiểm định, phải cấp cho cơ sở Phiếu kết quả kiểm định (01 bản); mẫu phiếu kết quả kiểm định theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trong quá trình kiểm định, nếu phát hiện đối tượng có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì phải ngừng việc kiểm định, báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục.
6. Nếu đơn vị kiểm định vi phạm quy trình kiểm định mà gây thiệt hại cho cơ sở thì tùy theo mức độ thiệt hại, đơn vị kiểm định phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
7. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 5 tháng 7), một năm (trước ngày 10 tháng 01 năm sau), đơn vị kiểm định có trách nhiệm:
a) Báo cáo tình hình hoạt động kiểm định trên địa bàn địa phương với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Báo cáo tình hình hoạt động kiểm định tại các địa phương với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động) theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
8. Tem kiểm định
a) Tem kiểm định có hình dạng, kích thước, màu, các thông số ghi trên tem theo quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Tem kiểm định có thể được phóng to hoặc thu nhỏ phù hợp với kích thước của đối tượng kiểm định nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và nhận biết được bằng mắt thường.
c) Tem kiểm định được dán lên đối tượng kiểm định hoặc treo ở vị trí dễ thấy, dễ đọc; tem được làm bằng vật liệu không dễ mờ và bị bong.
9. Đăng ký logo và mẫu các loại tem kiểm định của đơn vị với Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn cơ sở sử dụng đối tượng kiểm định trên địa bàn thực hiện Thông tư này.
2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm định theo thẩm quyền.
3. Báo cáo về tình hình hoạt động kiểm định tại địa phương với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi được yêu cầu.
Điều 6. Trách nhiệm của Cục An toàn lao động
1. Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
2. Tổng hợp, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các loại máy, thiết bị và vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
3. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
4. Định kỳ hàng năm thông báo tình hình kiểm định trong phạm vi cả nước.
Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc cơ sở thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.
2. Bãi bỏ Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.