QUYẾT ĐỊNH
Về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài
_______________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó chặt chẽ với quê hương, tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
1. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam hợp lệ, khi nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam không cần có thị thực.
2. Sau khi nhập cảnh Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang Hộ chiếu Việt Nam về nước có thời hạn làm thủ tục trình báo tạm trú theo quy định của pháp luật Việt Nam như đối với công dân Việt Nam ở trong nước.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là thân nhân hay người phục vụ riêng cùng đi hoặc vào thăm người nước ngoài làm việc tại các Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự nước ngoài, Cơ quan Đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì làm thủ tục trình báo tạm trú theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Điều 2.
1. Khi về nước, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước (có giấy xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài) được miễn lệ phí thị thực và được hưởng giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như áp dụng đối với người Việt Nam ở trong nước.
2. Các Bộ, cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm định kỳ thông báo danh sách những người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài, quy định tại khoản 1 của Điều này cho Bộ Ngoại giao.
Điều 3.
1. Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước sở tại có trách nhiệm cấp hộ chiếu cho người Việt Nam ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật, khi người đó có đơn đề nghị cấp hộ chiếu.
2. Công dân Việt Nam ở nước ngoài không có hộ chiếu hoặc có hộ chiếu nhưng không hợp lệ, nếu có đơn đề nghị cấp hộ chiếu và có tờ khai danh dự về lý do không có hộ chiếu hoặc có hộ chiếu nhưng không hợp lệ thì được Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước sở tại xem xét, cấp hộ chiếu, sau khi đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước xác minh, bảo đảm cấp đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.
3. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã lâu, không thể xác minh được nhân thân tại nguyên quán ở Việt Nam, Cơ quan Đại diện ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước sở tại căn cứ vào các giấy tờ tuỳ thân do chính quyền nước sở tại cấp và tham khảo các giấy tờ của tập thể cộng đồng người Việt Nam ở địa phương nơi người đó sinh sống xác nhận người đó còn quốc tịch Việt Nam để xem xét, cấp hộ chiếu, sau khi đã trao đổi với các cơ quan chức năng ở trong nước.
Điều 4.
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam, có xác nhận của cơ quan mời, được tạm nhập miễn thuế một ô tô 4 chỗ ngồi và các trang thiết bị, đồ dùng cá nhân phục vụ cho công việc và sinh hoạt. Sau khi hết hạn làm việc, xe ô tô và các trang thiết bị đã tạm nhập phải tái xuất; nếu chuyển nhượng phải nộp thuế (kể cả thuế nhập khẩu); trường hợp cần gửi lại trong nước để sử dụng trong đợt làm việc tiếp theo thì phải có giấy xác nhận của cơ quan Nhà nước Việt Nam nhận cho gửi lại. Việc tạm nhập, tái xuất và chuyển nhượng nêu trên phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam thì được khen thưởng, được phong học vị danh dự, theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 5.
Giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, trong quý II năm 2000, những chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó chặt chẽ với quê hương, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trước mắt, trong quý I năm 2000:
1. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, quyết định chính sách về nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các hình thức hoạt động văn hoá dân tộc Việt Nam ở nước ngoài, trước hết là tổ chức tại các địa bàn có nhiều người Việt Nam định cư, sinh sống.
3. Ban Vật giá Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Bưu điện, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, quyết định việc trợ giá đối với cước vận chuyển phim ảnh, sách báo, văn hoá phẩm và các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và giá vé máy bay cho các đoàn nghệ thuật ở trong nước được Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Bộ Ngoại giao giới thiệu đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc tổ chức dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại.
5. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc đặt quan hệ hợp tác với các tổ chức có liên quan của các nước để mở rộng việc đưa chương trình phát thanh và truyền hình Việt Nam ra nước ngoài phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
6. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có biện pháp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên mạng Internet, báo chí, văn hoá phẩm và các tài liệu tuyên truyền phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.