• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/08/2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 27/2012/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 11 tháng 7 năm 2012

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ban hành kèm theo Quyết định số 31/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bao gồm: điều kiện và quy trình giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng; quy định về chương trình bồi dưỡng; bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng, nhiệm vụ và quyền của giảng viên, học viên; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Văn bản này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi tắt là cơ sở bồi dưỡng) được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ; những người cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đúng cấp học, trình độ đào tạo để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục.

2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 2. Mục đích bồi dưỡng

Trang bị cho đối tượng bồi dưỡng hệ thống các kiến thức và kỹ năng thực hành sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo.

3. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 4. Điều kiện để các cơ sở bồi dưỡng được phép bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Các cơ sở bồi dưỡng được phép bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng cụ thể khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có đủ giảng viên cơ hữu, đúng chuyên ngành để giảng dạy các học phần trong chương trình bồi dưỡng. Giảng viên tham gia giảng dạy phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có ít nhất 5 năm giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn của chương trình bồi dưỡng.

2. Có chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cụ thể cho từng đối tượng bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở chương trình tương ứng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Có đủ giáo trình phù hợp với chương trình bồi dưỡng, tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập.

4. Có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trường thực hành sư phạm, đáp ứng được yêu cầu bảo đảm chất lượng cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.”.

4. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 6. Đối tượng bồi dưỡng

Người có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo theo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục.”.

5. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Kế hoạch bồi dưỡng

Hàng năm, các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng thông báo kế hoạch bồi dưỡng cho năm sau đối với các đối tượng được quy định tại Điều 6 của Quy định này.”.

6. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 9. Điều kiện dự tuyển

1. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

2. Có đủ sức khoẻ để tham gia bồi dưỡng.

3. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn theo quy định của cơ sở bồi dưỡng.”.

7. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 11. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

1. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thể hiện mục tiêu, nội dung bồi dưỡng; quy định kiến thức, kỹ năng, phương pháp bồi dưỡng, cách thức đánh giá kết quả bồi dưỡng.

2. Trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở bồi dưỡng xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng cụ thể .”.

8. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 12. Tổ chức bồi dưỡng

1. Các đối tượng quy định tại Điều 6 của Quy định này phải học tập toàn bộ chương trình bồi dưỡng.

2. Đối với các đối tượng có bằng tiến sĩ, thạc sĩ được miễn các học phần tương ứng đã được học trong chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.”.

9. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng

1. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng và biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng.

3. Tổ chức tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

4. Quản lý quá trình học tập của học viên, đánh giá kết quả học tập và cấp bảng điểm học tập cho học viên.

5. Quyết định danh sách học viên nhập học, công nhận kết quả học tập.

6. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

7. Cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng theo đúng Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.”.

10. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 17. Kinh phí bồi dưỡng

1. Các cơ sở bồi dưỡng được thu học phí của các đối tượng bồi dưỡng để tự trang trải chi phí cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính hiện hành.

2. Cơ sở bồi dưỡng có trách nhiệm quản lý, kế toán và quyết toán kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định hiện hành.”.

11. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 19. Khiếu nại, tố cáo

Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về hoạt động vi phạm Quy định của cơ sở bồi dưỡng, về gian lận của người học, về sai phạm trong thực hiện chương trình bồi dưỡng, trong quá trình tổ chức và quản lý bồi dưỡng và trong việc thu, chi kinh phí bồi dưỡng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định hiện hành.”.

12. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau

Điều 20. Xử lý vi phạm

Tổ chức hay cá nhân nào vi phạm các điều trong Quy định Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tuỳ theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”.

Điều 2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2012./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Văn Ga

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.