• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 02/07/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 06/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 21 tháng 1 năm 1997
Nghị định

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Về việc giải quyết tiền lương và trợ cấp năm 1997 đối với công chức,

viên chức hành chính, sự nghiệp, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức, lực lượng vũ trang;

cán bộ xã, phường và một số đối tượng hưởng chính sách xã hội

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX;

Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương Nhà nước,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Từ tháng 01 năm 1997 điều chỉnh mức lương tối thiểu và trợ cấp như sau:

a) Nâng mức lương tối thiểu từ 120.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị số 05/CP ngày 26 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ lên 144.000 đồng/tháng áp dụng đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, người nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, lực lượng vũ trang; cán bộ y tế xã, phường hưởng lương;

Tăng mức trợ cấp 20% đối với đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo chế độ bảo hiểm xã hội.

b) Nâng mức trợ cấp, phụ cấp đối với một số đối tượng có công với cách mạng:

Nâng mức trợ cấp từ 144.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng đối với thân nhân có hai liệt sĩ;

Trợ cấp thêm 20.000 đồng/tháng đối với thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên. Riêng thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên có vết thương, bệnh tật đặc biệt nặng được nâng mức trợ cấp thêm theo khoản c, Điều 1, Quyết định số 201/TTg ngày 09 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ từ 20.000 đồng/tháng lên 40.000 đồng/tháng;

Nâng 20% mức phụ cấp hàng tháng đối với người phục vụ thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên;

Điều chỉnh mức trợ cấp đối với bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên hưởng trợ cấp hàng tháng theo khoản 1, Điều 46, Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ như sau:

 Mức độ mất sức lao động

Mức trợ cấp hàng tháng

- Từ 61% đến 70% sức lao động 65% mức lương quy định

= 163.800 đồng

- Từ 71% đến 80% sức lao động 75% mức lương quy định

= 189.000 đồng

- Từ 81% đến 90% sức lao động 90% mức lương quy định

= 226.800 đồng

- Từ 91% đến 100% sức lao động100% mức lương quy định

= 252.000 đồng

c) Nâng 20% mức sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ xã, phường đang công tác và đã nghỉ hưu so với quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí của cán bộ xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp theo quy định tại Điều 1 nói trên; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương lập và xét duyệt quỹ tiền lương và trợ cấp tăng thêm, bảo đảm tổng quỹ tiền lương và trợ cấp tăng thêm không vượt quá con số kế hoạch trong ngân sách Nhà nước năm 1997 được duyệt và tránh gây đột biến về giá cả sinh hoạt.

Điều 3. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thi hành những quy định đối với lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý.

Điều 4. Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, có phương án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ đổi mới một bước phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, cơ chế tạo nguồn và trả lương trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, từng bước chuyển sang xã hội hoá nguồn chi trả tiền lương. Đồng thời tổ chức nghiên cứu đề án tiếp tục cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX và kết luận của Bộ Chính trị về tiền lương để triển khai thực hiện vào năm 1998 và các năm sau.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tình hình thu nhập thêm ngoài tiền lương theo chế độ quy định của Nhà nước ở các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp hoạt động độc lập, có con dấu riêng thuộc quyền quản lý, sau đó tổng hợp báo cáo liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức Trung ương; đồng thời tổ chức sắp xếp lại bộ máy, biên chế, lập và tổng hợp quỹ tiền lương tăng thêm của Bộ, ngành, địa phương mình gửi liên Bộ duyệt trước khi thực hiện. Các Bộ, Ban, ngành, địa phương chỉ được chi trả tiền lương và trợ cấp theo mức mới sau khi được liên Bộ duyệt và truy lĩnh theo mức quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Các khoản trích theo lương theo quy định của Nhà nước được tính lại cho ứng với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghi định này.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.