Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng

_________________

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn về vệ sinh trong việc quàn ướp, khâm liệm, vận chuyển thi hài, hài cốt phục vụ mục đích mai táng, hoả táng; vệ sinh trong mai táng, hoả táng và vệ sinh trong xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang, nhà hoả táng.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động mai táng, hoả táng trên lãnh thổ Việt Nam.

3. Giải thích từ ngữ:

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Thi hài là xác người chết hoặc phần cơ thể còn lại của người chết;

b) Hài cốt là xương của người chết sau cải táng;

c) Quàn ướp là thực hiện việc lưu giữ thi hài, hài cốt trước khi mai táng hoặc hoả táng;

d) Khâm liệm là thực hiện việc bao bọc thi hài bằng vải hoặc các vật liệu khác trong thời gian quàn ướp trước khi đặt vào quan tài;

đ) Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt dưới mặt đất;

e) Mai táng một lần là hình thức lưu giữ thi hài vĩnh viễn trong đất;

g) Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng;

h) Cải táng (bốc mộ) là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang mộ cát táng hoặc để hoả táng;

i) Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng;

k) Hoả táng là thực hiện việc thiêu đốt thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao đến khi thành tro;

l) Nghĩa trang là nơi mai táng tập trung theo các hình thức khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch;

m) Nhà hoả táng là nơi thiêu đốt thi hài, hài cốt bao gồm lò đốt và các khu phụ trợ khác.

4. Nguyên tắc chung về vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng:

a) Bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;

b) Bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường;

c) Tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán nhưng phải phù hợp với các quy định vệ sinh;

d) Tuân thủ các quy định liên quan khác của pháp luật.

II. VỆ SINH TRONG QUÀN ƯỚP THI HÀI

1. Thời gian quàn ướp thi hài:

a) Đối với người chết do nguyên nhân thông thường.

- Trong điều kiện thường không có bảo quản lạnh: Thời gian quàn ướp thi hài không quá 48 giờ, kể từ khi chết;

- Trong điều kiện bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 4 độ C hoặc thấp hơn: Thời gian quàn ướp thi hài không quá 7 ngày, kể từ khi chết;

b) Đối với người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế): Thời gian quàn ướp thi hài không quá 24 giờ, kể từ khi chết;

c) Đối với thi hài khi được phát hiện đã bị thối rữa: Thời gian quàn ướp tối đa không quá 12 giờ, kể từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp thi hài lâu hơn để nhận dạng hoặc xác định nguyên nhân chết thì người đề nghị gia hạn thời gian quàn ướp phải liên hệ với cơ quan y tế địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp quàn ướp, cách ly tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh;

d) Đối với trường hợp có nhiều người chết do thiên tai, thảm họa: Thời gian quàn ướp các thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai thảm họa đó quyết định nhưng không quá 48 giờ, tính từ khi chết hoặc 12 giờ tính từ khi tìm thấy thi hài. Trường hợp phải quàn ướp lâu hơn để nhận dạng thì thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản này.

2. Nơi quàn ướp thi hài:

a) Tại các hộ gia đình: Thi hài phải được quàn ướp tại nơi thông thoáng ở trong nhà, được phủ kín bằng chăn hoặc vải và phải có người trông coi thường xuyên để bảo vệ thi hài tránh côn trùng, súc vật xâm nhập;

b) Tại nhà tang lễ hoặc nhà xác của bệnh viện: Thi hài phải được quàn ướp tại phòng quàn ướp. Không được quàn ướp tại phòng tổ chức tang lễ ngoại trừ thời gian tiến hành tổ chức tang lễ.

c) Trường hợp người chết mà không được đưa vào trong nhà ở, nhà tang lễhoặc nhà xác bệnh viện thì phải tiến hành quàn ướp tại nơi bảo đảm thông thoáng; không bị mưa, nắng, côn trùng, súc vật xâm nhập để tránh gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.

III. VỆ SINH TRONG KHÂM LIỆM THI HÀI

1. Đối với người chết do nguyên nhân thông thường:

a) Thời gian khâm liệm thi hài: Không quá 12 giờ đối với trường hợp thi hài không được bảo quản lạnh và không quá 7 ngày đối với trường hợp thi hài được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 4 độ C hoặc thấp hơn, kể từ khi chết;

b) Quan tài phải được trát kín bằng các vật liệu như: keo, sơn ta, đất sét để bảo đảm không rò rỉ;

c) Khi khâm liệm, tuỳ theo phong tục tập quán có thể dùng bông để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài và cho vào quan tài một số vật liệu có khả năng thấm nước, hút mùi như: chè khô, bông thấm nước, bỏng ngô, gạo rang, giấy bản.

2. Đối với người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc khi được phát hiện đã bị thối rữa:

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Mục III của Thông tư này, việc khâm liệm thi hài phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Phải khâm liệm trong vòng 6 giờ, kể từ khi chết hoặc khi phát hiện thi hài;

b) Thi hài phải được xử lý trước khi khâm liệm bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành. Nếu dùng hoá chất là Cloramin B thì xử lý như sau: Dùng bông tẩm dung dịch Cloramin B nồng độ 5% để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài sau đó phun dung dịch Cloramin B nồng độ 5% lên toàn bộ thi hài hoặc dùng vải liệm được tẩm dung dịch Cloramin B nồng độ 5% để quấn kín toàn bộ thi hài;

c) Thi hài phải được bọc kín bằng vật liệu không thấm nước trước khi cho vào quan tài;

d) Phải được xử lý phần nền nhà, khu đất, tường xung quanh nơi đặt thi hài và các vật dụng có tiếp xúc với thi hài, bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành ngay sau khi khâm liệm. Nếu dùng hoá chất là Cloramin B thì xử lý như sau: Lau hoặc phun phủ kín lên toàn bộ bề mặt của nền nhà, khu đất, tường xung quanh nơi đặt thi hài hoặc các vật dụng có tiếp xúc với thi hài bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 5% và duy trì thời gian tiếp xúc của hoá chất với nền nhà, tường xung quanh hoặc các vật dụng tối thiểu là 30 phút.

IV. VỆ SINH TRONG VẬN CHUYỂN THI HÀI, HÀI CỐT

1. Vệ sinh trong vận chuyển thi hài:

a) Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải thực hiện việc mai táng, hoả táng tại nghĩa trang hay nhà hỏa táng gần nhất. Trước khi vận chuyển thi hài đi mai táng hoặc hoả táng, thi hài phải được khâm liệm theo quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này;

Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa, trước khi vận chuyển, thi hài phải được khâm liệm theo quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này.

b) Thi hài khi vận chuyển phải được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được vận chuyển bằng phương tiện riêng. Nếu vận chuyển bằng phương tiện vậi tải giao thông đường không, đường thủy, đường biển hoặc đường sắt thì thi hài phải được đặt ở buồng riêng và kín;

c) Khi vận chuyển thi hài qua biên giới, thi hài phải được đặt trong quan tài 3 lớp: Lớp trong làm bằng kẽm hoặc bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín; lớp giữa làm bằng gỗ; lớp ngoài làm bằng ván ép;

d) Trường hợp người chết với số lượng lớn trong thiên tai, thảm họa, việc sử dụng phương tiện vận chuyển thi hài sẽ do người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa đó quyết định song phải thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan y tế để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm.

2. Vận chuyển hài cốt:

a) Khi vận chuyển hài cốt phải đựng hài cốt trong các vật dụng kín, không thấm nước.

b) Khi vận chuyển hài cốt qua biên giới phải bọc kín hài cốt trong 2 lớp, lớp trong là vật liệu không thấm nước, lớp ngoài là quách bằng gỗ hoặc bằng sành, sứ.

V. VỆ SINH TRONG MAI TÁNG, HOẢ TÁNG

1. Thi hài, hài cốt khi mai táng phải được mai táng trong các nghĩa trang theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Mục này.

2. Trường hợp mai táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải xử lý như sau:

a) Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.

b) Trước khi lấp đất, phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột ở xung quanh và trên mặt quan tài.

3. Trường hợp mai táng người chết trong khi ngập lụt phải chọn nghĩa trang hoặc nơi gò đất cao không có nguy cơ ngập nước để mai táng.

4. Trường hợp có người chết với số lượng lớn mà không có điều kiện mai táng theo mộ riêng biệt, có thể tiến hành mai táng theo các mộ tập thể nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Chỉ được tiến hành mai táng các thi hài trong mộ tập thể tại các nghĩa trang hoặc những vị trí đáp ứng được các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành;

b) Khoảng cách giữa 2 thi hài liền nhau trong mộ tập thể tối thiểu là 50 cm;

c) Nếu sắp xếp các thi hài theo nhiều tầng thì khoảng cách giữa các tầng là 50 cm và phải bố trí các thi hài xen kẽ giữa tầng trên và tầng dưới. Tầng thi hài trên cùng cách mặt đất tối thiểu là 100 cm, đáy huyệt mộ cách mực nước ngầm tối thiểu là 120 cm hoặc 150 cm đối với vùng đất cát;

d) Phải có hệ thống thông khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ thoát ra từ mộ tập thể.

5. Thi hài, hài cốt khi hoả táng phải được hoả táng tại các nhà hoả táng đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Mục X của Thông tư này.

VI. VỆ SINH ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA HOẠT ĐỘNG MAI TÁNG, HỎA TÁNG

1. Người trực tiếp tham gia khâm liệm, quàn ướp, mai táng, hỏa táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải:

a) Sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như mũ, kính mắt, khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc;

b) Khử khuẩn tay bằng dung dịch Cloramin B 2% hoặc bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành và thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân khác sau khi công việc kết thúc.

2. Người làm nghề mai táng, hỏa táng, cải táng chuyên nghiệp phải được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần.

3. Người trực tiếp cải táng phải sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện công việc.

4. Người trực tiếp tham gia khâm liệm, quàn ướp, mai táng, hỏa táng người chết do các nguyên nhân thông thường: Khuyến khích sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay trong suốt quá trình thực hiện côngviệc. Sau khi công việc kết thúc phải rửa tay bằng xà phòng hoặc khử khuẩn tay bằng Cloramin B nồng độ 2% hoặc bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành.

VII. VỆ SINH DỤNG CỤ, PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG MAI TÁNG, HỎA TÁNG

1. Trường hợp mai táng, hoả táng người chết do các nguyên nhân thông thường, các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng phải được vệ sinhsạch sẽ sau khi công việc đã hoàn thành.

2. Trường hợp mai táng, hoả táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa, các dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng, hoả táng phải được xử lý bằng các loại hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành hoặc tiêu huỷ sau khi công việc đã hoàn thành. Nếu dùng Cloramin B để xử lý thì tiến hành như sau: Lau, rửa toàn bộ bề mặt của các dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị cần xử lý bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 5% và duy trì thời gian tiếp xúc của hoá chất với các dụng cụ, trang thiết bị tối thiểu là 30 phút.

VIII. VỆ SINH NHÀ TANG LỄ

Nhà tang lễ phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh như sau:

1. Phải tách biệt với khu dân cư xung quanh và có tường ngăn bao quanh. Trường hợp nhà tang lễ đồng thời là nhà xác của bệnh viện thì vị trí của nhà tang lễ phải được bố trí tách biệt với các khoa, phòng khác của bệnh viện.

2. Phải có các phòng riêng biệt để thực hiện việc tổ chức tang lễ và quàn ướp thi hài.

3. Phòng quàn ướp thi hài phải bảo đảm không để các côn trùng, súc vật xâm nhập.

4. Nền nhà và đường đi phải được láng xi măng hoặc lát gạch men hoặc bằng các vật liệu khác bảo đảm không thấm nước và dễ làm sạch.

5. Phải có hệ thống chiếu sáng, cấp nước, thoát nước và thông gió đảm bảo vệ sinh.

6. Phải có khu vực vệ sinh.

7. Phải được làm vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần tổ chức tang lễ. Trường hợp tổ chức tang lễ cho người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa thì sau khi tang lễ kết thúc, nền nhà, tường xung quanh nơi đặt thi hài và các vật dụng có tiếp xúc với thi hài phải được xử lý bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành. Nếu dùng hoá chất là Cloramin B để xử lý thì tiến hành như sau: Lau hoặc phun phủ kín lên toàn bộ bề mặt của nền nhà, tường xung quanh nơi đặt thi hài và cácvật dụng có tiếp xúc với thi hài bằng dung dịch Cloramin B nồng độ 5% và duy trì thời gian tiếp xúc của hoá chất với nền nhà, tường xung quanh và các vật dụng tối thiểu là 30 phút.

8. Phải có hồ sơ sổ sách ghi chép các thông tin: Họ tên, địa chỉ, nguyên nhân chết, thời gian vận chuyển đến, thời gian vận chuyển đi, ký hiệu (mã số) của thi hài; họ tên, địa chỉ của thân nhân thi hài; xác nhận của bên giao và bên nhận thi hài. Hồ sơ sổ sách phải được đơn vị quản lý nhà tang lễ ghi chép cập nhật thường xuyên và lưu trữ theo các quy định của pháp luật về lưu trữ quốc gia.

IX. VỆ SINH NGHĨA TRANG

1. Lựa chọn địa điểm và quy hoạch xây dựng nghĩa trang:

Việc lựa chọn vị trí và quy hoạch xây dựng nghĩa trang phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành.

2. Cấp, thoát nước và xử lý chất thải:

a) Nước sử dụng cho các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng tại nghĩa trang phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh;

b) Nước thải từ nghĩa trang thải ra phải được thu gom riêng xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 7382:2004;

c) Rác thải phát sinh trong hoạt động mai táng cần được tập trung tại khu riêng và được xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;

d) Các chất thải có liên quan trực tiếp đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải được xử lý theo quy định về xử lý chất thải y tế lây nhiễm quy định tại Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Thời gian cải táng:

Tuỳ theo điều kiện chất đất, phong tục tập quán và tín ngưỡng của từng vùng mà thời gian cải táng có thể khác nhau nhưng thời gian từ khi chôn đến khi cải táng không dưới 36 tháng.

4. Di chuyển thi hài, hài cốt trong trường hợp giải tỏa nghĩa trang mà chưa đủ thời gian cải táng theo quy định:

a) Khi đào hết lớp đất trên nắp quan tài, tiến hành phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% lên mặt trên quan tài, sau 30 phút mới được mở nắp quan tài.

Trường hợp thi hài chưa phân huỷ hết, phải chuyển thi hài sang quan tài khác. Việc xử lý thi hài và môi trường xung quanh được tiến hành như việc khâm liệm đối với người chết đã có hiện tượng thối rữa quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này.

Trường hợp thi hài đã phân huỷ hết thì tiến hành cải táng như các trường hợp thông thường để di chuyển hài cốt đi nơi khác.

b) Ngay sau khi di chuyển thi hài hoặc hài cốt đi nơi khác phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xuống huyệt mộ.

5. Sử dụng đất sau cải táng:

Phần đất nơi huyệt mộ sau cải táng phải để tối thiểu là 12 tháng mới được sử dụng vào mục đích mai táng.

6. Sử dụng đất sau khi di dời nghĩa trang:

a) Mặt bằng nghĩa trang (kể cả khu vực vành đai bảo vệ của nghĩa trang) sau khi đã di dời hết các mộ, trong thời gian tối thiểu 10 năm không được sử dụng vào các mục đích sau:

- Khai thác nước ngầm phục vụ mục đích sinh hoạt, ăn uống và chế biến thực phẩm;

- Xây dựng các công trình công cộng như: Khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học, nhà điều dưỡng;

b) Trường hợp cần thiết phải sử dụng trước 10 năm thì phải tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và có phương án xử lý vệ sinh môi trường phù hợp với mức độ ô nhiễm.

7. Ghi chép, lưu trữ sổ sách:

Nghĩa trang phải có hồ sơ sổ sách ghi chép các thông tin: họ tên, địa chỉ, nguyên nhân chết, thời gian mai táng; họ tên thân nhân của thi hài. Phải có sơ đồ mô tả các khu vực của nghĩa trang. Hồ sơ sổ sách phải được đơn vị quản lý nghĩa trang ghi chép cập nhật thường xuyên và lưu trữ theo các quy định của pháp luật về lưu trữ quốc gia.

X. VỆ SINH NHÀ HỎA TÁNG

1. Lựa chọn vị trí và quy hoạch xây dựng nhà hoả táng:

Việc lựa chọn vị trí và quy hoạch xây dựng nhà hỏa táng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành.

2. Công nghệ hoả táng:

Công nghệ sử dụng để hoả táng phải bảo đảm xử lý các chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) đạt Tiêu chuẩn TCVN 5937:2005, TCVN 5938:2005 về chất lượng không khí xung quanh và Tiêu chuẩn TCVN 6560:1999 về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế trước khi thải vào môi trường tiếp nhận.

3. Yêu cầu về vệ sinh chung:

a) Nhà hoả táng và các khu vực xung quanh, các dụng cụ, trang thiết bị có liên quan đến vận chuyển thi hài, hài cốt cần được vệ sinh sạch sẽ sau các ca làm việc;

b) Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa chuyển đến để hoả táng thì ngay sau khi đưa thi hài vào lò hoả táng, phải tiến hành khử trùng các phòng tiếp nhận, lưu giữ thi hài tạm thời, các dụng cụ trang thiết bị có liên quan đến vận chuyển thi hài bằng các hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5%.

4. Thời gian lưu xác tại nhà hoả táng:

a) Trường hợp người chết do nguyên nhân thông thường.

- Không quá 6 giờ đối với nhà hoả táng không có phòng lạnh bảo quản thi hài.

- Không quá 24 giờ đối với nhà hoả táng có phòng lạnh bảo quản thi hài.

b) Trường hợp người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải tiến hành hoả táng trong vòng 3 giờ kể từ khi thi hài được chuyển đến nhà hỏa táng.

5. Ghi chép, lưu trữ sổ sách:

Nhà hoả táng phải có hồ sơ sổ sách ghi chép các thông tin: họ tên, địa chỉ, nguyên nhân chết, thời gian tiếp nhận thi hài; họ tên thân nhân của thi hài; xác nhận của bên giao và bên nhận thi hài; thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc hoả táng. Hồ sơ sổ sách phải được đơn vị quản lý nhà hoả táng ghi chép cập nhật thường xuyên và lưu trữ theo các quy định của pháp luật về lưu trữ quốc gia.

XI. VỆ SINH TRONG TỔ CHỨC TANG LỄ

Trong thời gian tổ chức tang lễ, gia đình hoặc đơn vị tổ chức phải:

1. Bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm. Hạn chế tổ chức ăn uống để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm và lây lan dịch bệnh.

2. Bảo đảm các quy định về giới hạn tối đa cho phép tiếng ồn khu vực công cộng và dân cư theo tiêu chuẩn TCVN 5949-1998.

3. Bảo đảm các quy định về sử dụng nhạc tang trong tổ chức tang lễ theo Thông tư số 04/1998/TT-BVHTT ngày 11/7/1998 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

XII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, Ban, ngành của địa phương thực hiện:

a) Lập, thực hiện kế hoạch điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng về vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng, vệ sinh nghĩa trang, nhà hoả táng trên địa bàn. Lập, thực hiện kế hoạch xử lý những nghĩa trang, nhà hoả táng, nhà tang lễ không bảo đảm vệ sinh theo quy định;

b) Quy hoạch và thực hiện các quy hoạch về xây dựng nghĩa trang, nhà hoả táng trên địa bàn bảo đảm 100% các nghĩa trang, nhà hoả táng khi xây dựng mới phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, thiết kế, xây dựng nghĩa trang, nhà hoả táng theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành;

c) Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động cộng đồng thực hiện đảm bảo vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng trên địa bàn;

d) Kiểm tra, thanh tra việc bảo đảm vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng trên địa bàn.

2. Các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội liên quan khác căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để phối hợp với Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng theo quy định tại Thông tư này.

3. Các đơn vị trong ngành Y tế:

a) Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng trên phạm vi toàn quốc.

- Tổ chức xây dựng, sửa đổi, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan đến vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng.

b) Các viện: Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm:

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật bảo đảm vệ sinh trong hoạt động mai táng đặc biệt là mai táng, hoả táng người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) để bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng;

- Hướng dẫn các đơn vị y tế địa phương trên địa bàn phụ trách về chuyên môn kỹ thuật trong hoạt động mai táng, hoả táng;

- Tham gia các hoạt động đảm bảo vệ sinh mai táng, hoả táng khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên địa bàn phụ trách hoặc khi có yêu cầu.

c) Sở Y tế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng trên địa bàn tỉnh, thành phố.

d) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) hoặc Trung tâm y tế huyện có trách nhiệm:

- Hướng dẫn cho các đơn vị y tế và cộng đồng trên địa bàn phụ trách về chuyên môn kỹ thuật trong việc đảm bảo vệ sinh mai táng, hoả táng, vệ sinh nghĩa trang, nhà hoả táng.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan để tham gia xây dựng quy hoạch các nghĩa trang, nhà hoả táng trên địa bàn phụ trách.

- Xử lý thi hài và môi trường đối với những trường hợp chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc những trường hợp chết với số lượng lớn do thiên tai, thảm họa.

- Kiểm tra việc thực hiện vệ sinh tại các nhà tang lễ, nhà xác bệnh viện, nghĩa trang, nhà hoả táng trên địa bàn phụ trách.

đ) Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện vệ sinh đối với các trường hợp vận chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới.

e) Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng trên địa bàn phụ trách;

- Phối hợp với các đơn vị y tế liên quan để xử lý thi hài, môi trường những trường hợp chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã thối rữa tại cộng đồng.

g) Các cơ sở khám chữa bệnh khi có người bệnh được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) tử vong tại cơ sở phải tiến hành xử lý thi hài và môi trường theo quy định tại Thông tư này trước khi vận chuyển thi hài ra khỏi cơ sở.

4. Các hộ gia đình khi có người thân bị chết phải thực hiện các quy định về vệ sinh trong hoạt động mai táng, hoả táng theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp người chết được xác định hoặc nghi ngờ do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) phải báo ngay cho cơ quan y tế xã, phường để tiến hành xử lý về vệ sinh theo quy định tại Thông tư này.

XIII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông t­ư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có v­ướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) để xem xét, giải quyết./.

Bộ Y tế

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Triệu