THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ quy định việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP, ngày 15-9-2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg, ngày 10-02-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân;
Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg ngày 10-02-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân (sau đây viết gọn là Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg) như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc trang bị, quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong hoạt động quan trắc, thu thập, bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu vật môi trường (sau đây viết gọn là phương tiện, thiết bị kỹ thuật) phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân theo quy định của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân (sau đây viết gọn là cán bộ), Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quan trắc, thu thập, bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu vật môi trường.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật được thực hiện theo quy định của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào yêu cầu công tác của đơn vị, địa phương mình, trang bị cho lực lượng Cảnh sát nhân dân làm công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 2 của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg.
2. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành thuộc các lĩnh vực an ninh, trật tự, môi trường, khoa học và công nghệ, y tế, sinh học... đã trang bị cho lực lượng Công an nhân dân có khả năng đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì được coi là phương tiện, thiết bị kỹ thuật theo Thông tư này và được sử dụng trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 4. Quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được quản lý theo quy định của Bộ Công an về quản lý, trang bị, sử dụng thiết bị vật tư, kỹ thuật nghiệp vụ trong lực lượng Công an nhân dân và Thông tư này.
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được bảo dưỡng, kiểm tra chất lượng thường xuyên, định kỳ theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại; đơn vị được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm mở hồ sơ, sổ sách theo dõi việc sử dụng, điều chuyển phương tiện, thiết bị kỹ thuật của đơn vị mình.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật quyết định điều chuyển phương tiện, thiết bị kỹ thuật giữa các đơn vị thuộc Bộ với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi được Bộ trưởng ủy quyền; Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chuyển phương tiện, thiết bị kỹ thuật giữa các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình. Khi giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải lập biên bản, ghi cụ thể chủng loại, ký hiệu, số lượng, chất lượng, các phụ tùng và hồ sơ kèm theo.
Điều 5. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật
1. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được sử dụng đúng mục đích, theo chương trình, kế hoạch công tác đã được Trưởng phòng thuộc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) trở lên phê duyệt.
2. Cán bộ được giao sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật công khai hoặc bí mật do Trưởng phòng thuộc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định theo kế hoạch công tác đã được phê duyệt.
3. Cán bộ được giao sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được đào tạo, huấn luyện; khi sử dụng phải thực hiện đúng quy trình và các quy tắc, thao tác sử dụng; phải bảo quản, bảo đảm an toàn, không được để mất mát, hư hỏng, đánh tráo và phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Khi hết thời hạn được giao sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật thì phải bàn giao lại cho đơn vị để quản lý.
4. Đơn vị, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật không được sử dụng tùy tiện, sai mục đích, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp làm mất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
5. Khi lực lượng Cảnh sát nhân dân phối hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành của các Bộ, ngành liên quan thì phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy trình, quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành đó và theo cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các Bộ, ngành liên quan.
6. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật (số liệu, dữ liệu hiển thị trên các thiết bị kỹ thuật; phiếu in kết quả; mẫu vật môi trường; kết quả phân tích; bản ảnh; hình ảnh; sơ đồ hiện trường...) được sử dụng làm căn cứ cho việc xem xét để áp dụng các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tài liệu thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật phải được thể hiện trong biên bản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc đánh giá mẫu vật môi trường phải căn cứ vào quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương
1. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Kiểm định tiêu chuẩn môi trường đủ điều kiện để kiểm định, phân tích, quan trắc môi trường, có hệ thống cơ sở dữ liệu làm căn cứ cho việc phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định;
b) Phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác bảo đảm cho việc trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
c) Xây dựng quy chuẩn của từng loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền ban hành;
d) Giúp lãnh đạo Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trình lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo các Bộ liên quan ký, ban hành;
đ) Phối hợp với các đơn vị hữu quan trong, ngoài ngành Công an để phân tích, kiểm định mẫu vật môi trường phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
e) Phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đưa danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật vào danh mục quản lý theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an;
g) Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ quan trắc, thu thập, bảo quản, vận chuyển, kiểm định và phân tích mẫu vật môi trường.
2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất, mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 2 của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg để cung cấp cho lực lượng Cảnh sát nhân dân.
3. Cục Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng lập dự toán, phân bổ kinh phí bảo đảm phục vụ cho việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 2 của Quyết định số 20/2009/QĐ-TTg cho lực lượng Cảnh sát nhân dân.
4. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có năng lực chuyên môn về phương tiện, thiết bị kỹ thuật;
b) Phối hợp với các ban, ngành ở địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng và phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác bảo đảm cho việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát nhân dân tại địa phương;
c) Phối hợp với các ban, ngành ở địa phương xây dựng cơ chế phối hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật và hiệu chuẩn, kiểm định phương tiện, thiết bi kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát nhân dân tại địa phương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm) để có hướng dẫn kịp thời./.