• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 106/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Đề án "Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn

đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007 - 2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01 tháng 07 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ Chính trị;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Tờ trình số 4565/TTr-BNV ngày 28 tháng 12 năm 2006 về việc phê duyệt Đề án "Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007 - 2010",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2007 - 2010" với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu của Đề án:

- Mục tiêu chung: nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tây Bắc.

- Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2010:

+ 80% cán bộ chuyên trách và công chức các xã vùng cao, biên giới và đặc biệt khó khăn đạt tiêu chuẩn về trình độ theo quy định;

+ 95% cán bộ chuyên trách và công chức xã vùng thấp đạt tiêu chuẩn về trình độ theo quy định.

2. Nội dung chủ yếu của Đề án:

a) Nhiệm vụ của Đề án: đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã kể cả cán bộ không chuyên trách; việc đào tạo này bao gồm cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân để góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

b) Giải pháp thực hiện Đề án:

- Xây dựng, củng cố, kiện toàn chính quyền trong hệ thống chính trị cơ sở;

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở;

- Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với đối tượng học;

- Đảm bảo kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở;

- Tạo nguồn cán bộ để bổ sung, thay thế;

- Tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện làm việc.

Điều 2. Kinh phí thực hiện các nội dung của Đề án được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn kinh phí này cho các tỉnh vùng Tây Bắc để thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Ủy ban nhân dân 9 tỉnh trong vùng Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An):

- Trên cơ sở tổ chức sơ kết Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX theo Thông báo kết luận số 176-TB/TW ngày 13 tháng 04 năm 2005 của Ban Bí thư, cần đánh giá đúng thực trạng hệ thống chính trị cơ sở của địa phương, đặc biệt những mặt còn tồn tại, yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ cơ sở;

- Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án để chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch tạo nguồn cán bộ và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương; sử dụng đúng mục đích, đối tượng và sử dụng đúng nguồn kinh phí của Đề án;

- Có chính sách ưu tiên con em các dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về công tác ở địa phương; ưu tiên bố trí giáo viên cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các xã vùng cao, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn;

- Hàng năm đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Đề án đã nêu.

2. Các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương: Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện; chủ động đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng Tây Bắc theo thẩm quyền.

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra, hàng năm có sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan chỉ đạo việc soạn thảo chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đối tượng cán bộ cơ sở vùng Tây Bắc;

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tính toán cụ thể mức kinh phí phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã để không trùng lặp với các đối tượng, nội dung đã được phê duyệt ở các đề án khác; định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện nguồn và sử dụng kinh phí của Đề án;

Hàng năm, căn cứ chế độ quy định và kinh phí phê duyệt của Đề án này có trách nhiệm tính toán trình Thủ tướng Chính phủ bố trí trong chi cân đối ngân sách địa phương mức chi thường xuyên về sự nghiệp giáo dục, đào tạo (trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở) để giao dự toán ngân sách cho các địa phương. Đối với các địa phương khó khăn, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp và cân đối kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tính toán cụ thể kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc hàng năm, trong đó có chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách tăng chỉ tiêu ưu tiên học sinh là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hàng năm được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trương Vĩnh Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.