THÔNG TƯ
Hướng dẫn cấp giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh
___________________________
Căn cứ Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 17/12/2010 của Chính phủ quy định về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an hướng dẫn việc cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này hướng dẫn thủ tục giải quyết đối với người nước ngoài quá cảnh Việt Nam qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu cảng biển quốc tế (sau đây gọi chung là cửa khẩu quốc tế) để tham quan, du lịch với thời gian không quá 15 ngày.
Điều 2. Điều kiện người nước ngoài quá cảnh được vào Việt Nam tham quan, du lịch và doanh nghiệp được tổ chức cho người nước ngoài quá cảnh tham quan, du lịch Việt Nam
1. Người nước ngoài quá cảnh muốn vào Việt Nam tham quan, du lịch phải thỏa thuận với doanh nghiệp lữ hành quốc tế về chương trình (việc thỏa thuận có thể thực hiện trước hoặc khi đến cửa khẩu).
2. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế muốn tổ chức cho người nước ngoài quá cảnh tham quan, du lịch Việt Nam phải nộp hồ sơ chứng minh tư cách pháp nhân tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch Công an - Ngoại giao số 04/2002/TTLT/BCA-BNG ngày 29/01/2002 hướng dẫn Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 3. Thủ tục, nơi tiếp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam
1. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế làm thủ tục cấp giấy phép tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, hồ sơ gồm:
- Công văn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu N27 (ban hành kèm theo Thông tư này);
- Chương trình tham quan, du lịch Việt Nam.
2. Cục Quản lý xuất nhập cảnh: Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, có công văn trả lời doanh nghiệp lữ hành quốc tế theo mẫu N28 (ban hành kèm theo Thông tư này); trường hợp không giải quyết phải nêu rõ lý do.
3. Cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu: Cấp ngay Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam theo mẫu N29 (ban hành kèm theo Thông tư này) đối với những khách được giải quyết.
Điều 4. Thời hạn của Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam
Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam có thời hạn phù hợp với thời gian quá cảnh và chương trình tham quan, du lịch Việt Nam nhưng không quá 15 ngày.
Điều 5. Lệ phí cấp giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam
Người được cấp Giấy phép tham quan, du lịch phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 6. Trách nhiệm của khách quá cảnh được cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam
1. Khai vào tờ khai đề nghị theo mẫu N26 (ban hành kèm theo Thông tư này); xuất trình hộ chiếu, vé phương tiện giao thông chuyển tiếp đi nước khác.
2. Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện đúng chương trình du lịch mà doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Quản lý xuất nhập cảnh và theo hướng dẫn của doanh nghiệp, không được kết hợp giải quyết mục đích khác.
Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành quốc tế
1. Làm thủ tục cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam theo khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
2. Trực tiếp liên hệ với Cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu để:
- Nhận Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam;
- Đón và tổ chức cho khách đi tham quan, du lịch theo chương trình đã đăng ký.
3. Trong quá trình tổ chức cho khách tham quan, du lịch, nếu khách nghỉ qua đêm thì phải thực hiện việc trình báo tạm trú theo quy định đối với người nước ngoài tạm trú.
4. Trực tiếp đưa khách trở lại cửa khẩu và làm thủ tục cho khách xuất cảnh khi kết thúc chương trình tham quan, du lịch.
5. Thực hiện đúng các quy định tại Điều 27 Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 8. Trách nhiệm của Cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu
1. Giải quyết thủ tục nhập cảnh:
- Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hộ chiếu, vé phương tiện chuyển tiếp đi nước khác của khách quá cảnh.
- Phát tờ khai đề nghị cấp Giấy phép tham quan, du lịch và hướng dẫn khách kê khai; cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam theo danh sách và thời gian đã được Cục quản lý xuất nhập cảnh duyệt.
- Làm thủ tục kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu (không cấp chứng nhận tạm trú).
2. Giải quyết thủ tục xuất cảnh:
- Đối chiếu khách do doanh nghiệp lữ hành quốc tế bàn giao với danh sách ghi trong Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam.
- Thu lại Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam và làm thủ tục kiểm chứng xuất cảnh vào hộ chiếu.
Điều 9. Trách nhiệm của Cục Quản lý xuất nhập cảnh
1. Tiếp nhận, giải quyết đề nghị của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế theo đúng quy định tại Thông tư này.
2. Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan và người nước ngoài thực hiện Thông tư này.
3. Chủ trì, phối hợp với Giám đốc sân bay quốc tế và Giám đốc hải cảng quốc tế thống nhất ranh giới khu vực quá cảnh; cắm biển thông báo phạm vi khu vực quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế.
4. In và quản lý các biểu mẫu liên quan đến việc cấp Giấy phép tham quan, du lịch Việt Nam.
5. Thực hiện thống kê nhà nước về người nước ngoài quá cảnh vào Việt Nam tham quan, du lịch.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm Thông tư này, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 8 năm 2011 và thay thế Quyết định số 1279/2002/QĐ-BCA ngày 19/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành Quy chế quản lý người nước ngoài quá cảnh vào Việt Nam tham quan, du lịch.
2. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để có hướng dẫn kịp thời./.