• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/1946
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Số: 21
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 1946

SẮC LỆNH

Tổ chức các Tòa án quân sự của Chủ tịch chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa số 21 ngày 14 tháng 2 năm 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu chi Sắc lệnh ngày 13-9-1945, 26-9-1945, 29-9-1945, 28-12-1945, 15-1-1946 về Toà án quân sự;

Xét cần phải tổng hợp các sắc lệnh kể trên và bổ khuyết mấy điều;

Theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

Điều 1: Trong tình thế đặc biệt hiện thời, những toà án quân sự thiết lập tại Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ tổ chức theo quy tắc định trong Sắc lệnh này.

Điều 2: Toà án quân sự xử tất cả các người nào phạm một việc gì, sau hay trước ngày 19 tháng 8 dương lịch năm 1945, có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trừ những việc nào mà phạm nhân là binh sĩ, dù là tòng phạm hay chính phạm, thì thuộc về nhà binh tự xử lấy.

Điều 3: Toà án quân sự xử cả những tội phạm khác do sắc lệnh ấn định sau.

Điều 4: Toà án quân sự sẽ thiết lập ở những nơi cần thiết do nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nghị định ấy sẽ ấn định quản hạt của mỗi toà.

Điều 5: Toà án quân sự lập thành như sau:

Ngồi xử có Chánh án và hai Hội thẩm. Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ định một uỷ viên quân sự giữ chức Chánh án và một uỷ viên chính trị ngồi ghế Hội thẩm. Ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thoả hiệp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ định một thẩm phán chuyên môn ngồi ghế hội thẩm thứ nhì. ở Trung kỳ và Nam kỳ quyền chỉ định ấy ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể uỷ cho ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể uỷ cho ông Chánh nhất Toà Thượng thẩm.

Đứng buộc tội là một Công cáo uỷ viên do hai ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ làm một nghị định chỉ định. ở Trung kỳ và Nam kỳ hai ông Bộ trưởng có thể uỷ quyền chỉ định ấy cho hai ông Chưởng lý Toà Thượng thẩm và Chủ tịch Uỷ ban Hành chính. Uỷ viên Chính phủ ngồi ghế công cáo có thể lấy ở trong quân đội, trong Ban trinh sát hay trong các thẩm phán chuyên môn.

Bị cáo có quyền tự bênh vực lấy hay nhờ luật sư hoặc một người khác bênh vực cho.

Một viên lục sự ngồi chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Điều 6: Các thẩm phán của Tòa án quân sự xét xử theo luật pháp và lương tâm mình.

Các công cáo uỷ viên trực tiếp đặt dưới quyền kiểm soát của hai ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp và phải tuân theo mệnh lệnh do hai ông Bộ trưởng này cùng ký. Tại Trung kỳ và Nam kỳ quyền ấy ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể uỷ cho ông Chủ tịch Uỷ ban Hành chính ký, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể uỷ cho ông Chưởng lý Tòa thượng thẩm.

Điều 7: Tòa án quân sự xử công khai và có thể họp ngoài trụ sở. Nếu có duyên cớ đặc biệt tòa có thể quyết định xử kín được.

Nhưng dù vào trường hợp nào tòa án cũng thẩm nghị trong phòng kín và tuyên bố bản án trước công chúng.

Điều 8: Tòa án quân sự có thể tuyên án

1 - Tha bổng

2 - Tịch thu một phần hay tất cả tài sản

3 - Phạt tù từ một năm đến 10 năm

4 - Phạt khổ sai từ 5 năm đến 20 năm

5 - Xử tử

Tòa án có thể vừa tuyên phạt giam hay phạt tử hình, vừa xử tịch thu một phần hay tất cả tài sản của tội nhân.

Tòa án có thể tuyên rằng mình không có thẩm quyền

Điều 9: Tài sản tịch thu của các tội nhân sẽ cho vào quỹ của toàn quốc.

Điều 10: Khi phạt tù tòa có thể cho tội nhân được hưởng án treo nếu có những lý do đáng khoan hồng. Bản án xử treo sẽ tạm đình việc thi hành. Nếu trong 5 năm bắt đầu từ ngày tuyên án, tội mhân không bị tòa án quân sự làm tội một lần nữa về một việc mới, thì bản án đã tuyên sẽ hủy đi, coi như không có. Nếu trong 5 năm ấy, tội nhân bị kết án một lần nữa trước một tòa án quân sự thì bản án treo sẽ đem thi hành.

Điều 11: Những quyết nghị của tòa án quân sự sẽ đem thi hành ngay, không có quyền chống án, trừ trường hợp sau này:

Nếu bản án tuyên xử tử, thì tội nhân có quyền đệ đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Bản án sẽ hoãn thi hành chờ quyết nghị của ông Chủ tịch Chính phủ.

Mỗi khi toà án quân sự kết án xử tử, ông Chánh án bắt buộc phải báo cho tội nhân biết rằng có quyền xin Chủ tịch Chính phủ ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không.

Câu trả lời của tội nhân phải ghi vào bản án; nếu không bản án thành vô giá trị.

Điều 12: Sắc lệnh ngày 24/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ uỷ quyền ân giảm cho Ban thường vụ của Uỷ ban nhân dân Nam Bộ vẫn còn hiệu lực.

Điều 13: Các chi tiết về thủ tục thi hành tại các toà án quân sự sẽ do nghị định ông Bộ trưởng Tư Pháp ấn định.

Điều 14: Sắc lệnh này sẽ áp dụng ngay 48 giờ sau khi ký.

Điều 15: Nay huỷ bỏ các Sắc lệnh về Toà án quân sự ngày 13/9/45, 26/9/45, 29/9/45, 28/12/45, 15/1/46.

Điều 16: Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Trưởng Bộ Tư pháp chiểu Sắc lệnh thi hành.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

 

Chủ tịch Chính phủ liên hiệp

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.