• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/07/2009
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ÐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ XÂY DỰNG-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2009

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

______________________

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010;

Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (gọi tắt là Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg);

Liên tịch các Bộ, ngành: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở như sau.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được áp dụng tại khu vực nông thôn  không thuộc khu vực đô thị (như phường, thị trấn ở các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V được quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ).

2. Mục tiêu hỗ trợ:

Giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Phấn đấu đến hết quý I năm 2010 hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (gọi tắt là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP) và hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo là người dân tộc Khơ me tại khu vực Tây Nam Bộ. Đến hết năm 2012 hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

3. Nguyên tắc hỗ trợ:

3.1. Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đúng đối tượng quy định, đảm bảo diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg;

3.2. Công khai, minh bạch, tránh thất thoát, đảm bảo phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ;

3.3. Kết hợp, lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả của chính sách;

3.4. Thực hiện phương châm: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở;

3.5. Chỉ thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với các hộ gia đình thuộc diện đối tượng đã có đất để làm nhà ở. Đối với các hộ gia đình thuộc diện đối tượng chưa có đất để làm nhà ở hoặc đã có đất để làm nhà ở nhưng nằm trong khu vực thường xuyên bị thiên tai, sạt lở đất, không đảm bảo an toàn thì uỷ ban nhân dân các cấp tuỳ theo khả năng, điều kiện của địa phương bố trí đất ở (phù hợp với quy hoạch) cho các hộ đó trước khi thực hiện việc hỗ trợ nhà ở.

II. QUY TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Xác định đối tượng được hỗ trợ nhà ở

1.1. Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau:

a) Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010), đang cư trú tại địa phương, có tên trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành;

b) Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

c) Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các chính sách sau:

- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (sau đây gọi tắt là Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg). Các đối tượng này được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo điểm 1.4 Khoản 1 Mục II Thông tư này;

- Quyết định số 118/TTg ngày 27 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở; 

- Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

- Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

- Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho các hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long;

- Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long;

- Quyết định số 1151/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long;

- Các chính sách hỗ trợ nhà ở khác áp dụng cho từng địa phương, từng đối tượng cụ thể như chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc Pa Cô - Vân Kiều tỉnh Quảng Trị, chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người v.v…

1.2. Đối với những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của các chính sách trên nhưng nhà ở đã bị sập đổ do thiên tai gây ra mà không có khả năng tự sửa chữa, xây dựng lại, được UBND cấp xã xác nhận thì đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

1.3. Đối với các hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở đã vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc các tổ chức tín dụng khác để tự làm nhà ở trước khi Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, đến nay vẫn chưa trả hết nợ, nếu có đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này) có xác nhận của thôn và UBND cấp xã thì được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để trả nợ. Mức hỗ trợ tối đa 8,4 triệu đồng /hộ đối với vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (sau đây gọi tắt là Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg) và 7,2 triệu đồng/hộ đối với các vùng khác.

1.4. Đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã có trong danh sách được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg nhưng đến thời điểm Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành vẫn chưa được hỗ trợ nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg. Nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng này được sử dụng từ nguồn vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg.

1.5.  Xếp loại thứ tự ưu tiên

a) Hộ gia đình có công với cách mạng (hộ gia đình đang hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng);

b) Hộ đồng bào dân tộc thiểu số (hộ gia đình có chồng hoặc vợ là dân tộc thiểu số thì cũng được tính là hộ gia đình dân tộc thiểu số); các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại các huyện nghèo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;

c) Hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xẩy ra thiên tai (các vùng sạt lở bờ sông, ven biển, sạt lở đất; vùng dễ xảy ra lũ quét ở khu vực miền núi...) đã có đất ở hoặc được chính quyền địa phương bố trí đất ở phù hợp với quy hoạch để xây dựng nhà ở;

d) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật);

đ) Hộ gia đình thuộc vùng khó khăn (được quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg);

e) Các hộ gia đình còn lại.

1.6. Đối với các hộ gia đình có cùng mức độ ưu tiên thì việc hỗ trợ được thực hiện trước theo thứ tự sau:

a) Hộ gia đình chưa có nhà ở (là hộ gia đình chưa có nhà ở riêng, hiện đang phải ở cùng bố mẹ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

b) Hộ gia đình có đông nhân khẩu và có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp...) có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng;

c) Hộ gia đình có có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp...) có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.

2. Bình xét, phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở

2.1. Thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc... (gọi chung là thôn) tổ chức bình xét danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở. Trưởng thôn tổ chức họp để thông báo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đến các hộ dân; bình xét danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở trên cơ sở danh sách hộ nghèo (theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg) do UBND xã đang quản lý. Cuộc họp phải có đại diện tối thiểu của 60% số hộ gia đình trong thôn và có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã, Ban Giảm nghèo cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng thôn (có biên bản cuộc họp). Danh sách các hộ gia đình nghèo đề nghị được hỗ trợ về nhà ở của thôn được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới; được thực hiện công khai tại thôn. Các thôn hướng dẫn các hộ dân trong danh sách đã được bình xét làm đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này).

2.2. UBND cấp xã có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu của các thôn (danh sách, số lượng hộ, vốn xây dựng nhà ở) gửi UBND cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để báo cáo UBND cấp tỉnh làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở của tỉnh và xây dựng Dự toán kinh phí theo các nguồn vốn để thực hiện. 

3. Phương thức xây dựng nhà ở

3.1. Mẫu và chất lượng nhà ở:

a) UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ dân tham khảo, áp dụng kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu với chất lượng tối thiểu đảm bảo 03 cứng: nền cứng, khung cứng, mái cứng và đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Nhà ở của các hộ dân phải đảm bảo vệ sinh môi trường, chắc chắn, bao che kín đáo, tránh được tác động xấu của khí hậu, thời tiết.

b) Các hộ dân có thể sử dụng các mẫu thiết kế điển hình hoặc tham khảo các mẫu nhà ở truyền thống, thông dụng tại địa phương để lựa chọn quy mô và hình thức nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

3.2. Tổ chức xây dựng nhà ở:

a) Hộ gia đình trong danh sách hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở phải có đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây dựng nhà ở (tự làm hay nhờ tổ chức, đoàn thể giúp xây dựng);

b) UBND cấp xã, Ban Giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn và đại diện các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã vận động cộng đồng tại địa phương cùng giúp đỡ các hộ gia đình nghèo xây dựng nhà ở; tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ... để giảm giá thành xây dựng. Hình thành các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở thôn (dưới sự chỉ đạo của UBND cấp xã) tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật) không có khả năng tự xây dựng nhà ở;

c) Các hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ và vốn vay làm nhà ở theo quy định phải tự xây dựng hoặc phối hợp với Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở thôn xây dựng nhà ở, đảm bảo hoàn thành nhà ở chậm nhất sau thời gian 03 tháng.

d) Các hộ gia đình phải có biện pháp quản lý trong quá trình xây dựng nhà ở; báo cáo chính quyền địa phương khi hoàn thành các phần việc chính của quá trình xây dựng nhà ở như móng, thân, mái để tiện cho công tác giám sát, nghiệm thu, ứng vốn và thanh toán kịp thời.

đ) Khi hoàn thành xây dựng nhà ở theo từng giai đoạn (phần móng, thân và phần mái, hoàn thiện) và hoàn thành toàn bộ phần xây dựng nhà ở phải có Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục số 2 và Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này).

e) UBND cấp xã chỉ đạo, giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ, tiền vay làm nhà ở đúng mục đích, đảm bảo các căn nhà phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng.

4. Quản lý nhà ở đã được hỗ trợ

Các hộ được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg  được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (nếu có yêu cầu) và chỉ được chuyển nhượng nhà ở sau khi đã trả hết nợ (cả gốc và lãi) cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

5. Cấp phát và thanh toán vốn hỗ trợ làm nhà ở

5.1. Lập dự toán và phân bổ kinh phí

a) Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của UBND cấp tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán ngân sách thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ở địa phương; trong đó, xác định rõ nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn vốn đối ứng của địa phương (gồm phần ngân sách địa phương bảo đảm, phần ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung phần vốn đối ứng đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương) và các nguồn vốn huy động khác. Dự toán kinh phí được phân kỳ thực hiện theo kế hoạch thực hiện của địa phương, đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế, báo cáo UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch vốn và nguồn vốn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của địa phương và gửi kế hoạch vốn, dự toán kinh phí thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch và bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm.

Đối với nguồn kinh phí do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam huy động và các nguồn kinh phí do các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp cho Chương trình mà các nguồn vốn này tập trung tại Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ được Ban Điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, cân đối và tiến hành phân bổ cho các địa phương đảm bảo hợp lý và công bằng.

b) Trên cơ sở dự toán bổ sung có mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động khác để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của địa phương, Ban chỉ đạo hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan lập phương án phân bổ dự toán ngân sách, chi tiết theo từng huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) báo cáo UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm. (Riêng năm 2009, căn cứ đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt, ngân sách trung ương sẽ ứng vốn để các địa phương thực hiện).

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh giao dự toán cho các huyện. Căn cứ mức kinh phí được UBND cấp tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định phân bổ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và thông báo cho từng xã (chi tiết theo từng hộ).

Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện, UBND cấp xã thông báo công khai mức hỗ trợ đến từng thôn và từng hộ dân.

5.2. Quản lý vốn

a) Việc quản lý kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg cho các địa phương và cho từng hộ gia đình phải chặt chẽ, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng; UBND cấp xã phải lập danh sách cho từng hộ dân ký nhận kinh phí.

b) Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện, phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện cấp phát bằng lệnh chi tiền qua Kho bạc Nhà nước cho UBND cấp xã để cấp phát cho các hộ dân. UBND cấp xã mở tài khoản tiền gửi để quản lý, thanh toán riêng khoản kinh phí này và quyết toán với ngân sách cấp huyện, không quyết toán vào ngân sách cấp xã.

5.3. Cấp phát, giải ngân

a) Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát, thanh toán và kiểm soát chi ngân sách đối với các khoản kinh phí hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định.

b) Mức thanh toán tối đa cho các hộ dân không vượt quá mức quy định hỗ trợ của Nhà nước đối với từng hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 7,2 triệu đồng/hộ, gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 1,2 triệu đồng/hộ (kể cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương). Đối với các hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 8,4 triệu đồng/hộ gồm ngân sách trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 1,4 triệu đồng/hộ (kể cả phần ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung đối với những địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương).

+ Đối với các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương trên 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp toàn bộ (20%) phần vốn đối ứng tối thiểu của địa phương;

+ Đối với các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 50% đến 70% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp bổ sung 15% phần vốn đối ứng tối thiểu, địa phương tự cân đối 5% phần đối ứng còn lại;

+ Đối với các địa phương phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương dưới 50% dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 thì được ngân sách trung ương cấp bổ sung 10% phần vốn đối ứng tối thiểu, địa phương tự cân đối 10% phần đối ứng còn lại;

+ Đối với các địa phương không phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương thì tự cân đối phần vốn đối ứng của địa phương theo quy định.

- Với nguồn vốn hỗ trợ khác, trên cơ sở số kinh phí được phân bổ từ Ban điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, UBND cấp tỉnh cân đối, phân bổ cho UBND cấp huyện để giải ngân cho UBND cấp xã.

c) UBND cấp xã thực hiện giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân.

Trường hợp hộ dân có nhu cầu tạm ứng tiền để tự mua nguyên, vật liệu làm nhà ở thì được tạm ứng lần đầu tối đa bằng 60% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình; nếu hộ gia đình đã hoàn thành việc xây dựng phần móng và thân nhà, thì mức tạm ứng tối đa bằng 90% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình.

d) Khi có Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư này), UBND cấp xã thực hiện thanh toán, quyết toán đối với các hộ dân.

5.4. Báo cáo và quyết toán

Kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ hỗ nghèo về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg được hạch toán, quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Hàng tháng, UBND cấp huyện báo cáo Sở Tài chính về kết quả thực hiện Chương trình, tiến độ thanh toán vốn để tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh.

6. Vay vốn làm nhà ở.

6.1. Hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng được nhận nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng, nếu có nhu cầu, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nhà ở. Mức cho vay theo đề nghị của người vay, nhưng tối đa không vượt quá 08 triệu đồng/hộ, với lãi suất cho vay là 3%/năm. Thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

6.2. Thủ tục, phương thức giải ngân và thanh toán khoản vay (cả gốc và lãi) thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

7. Khai thác gỗ hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở

7.1. Đối tượng rừng được khai thác

a) Các khu rừng tự nhiên được phép khai thác là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng rừng cho các chủ rừng là tổ chức kinh tế, ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân và rừng chưa có chủ hiện do UBND cấp xã quản lý;

b) Những khu rừng trồng có nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Quốc tế được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng rừng cho các tổ chức, doanh nghiệp, ban quản lý rừng.

7.2. Quy định về khối lượng, mục đích sử dụng

Gỗ khai thác theo quy định trong hướng dẫn của Thông tư này chỉ được sử dụng có mục đích làm nhà ở tại chỗ của các hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ gỗ làm nhà ở trong danh sách được UBND huyện thông báo, không được trao đổi, mua bán dưới mọi hình thức. Khối lượng khai thác tối đa cho mỗi hộ làm nhà ở không quá 10 m3 gỗ tròn. UBND cấp tỉnh quy định khối lượng gỗ được phép khai thác cụ thể trên địa bàn từng huyện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

7.3. Các hình thức tổ chức khai thác

a) Đối với những tỉnh có chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên được giao kế hoạch hàng năm

UBND cấp tỉnh chỉ đạo các chủ rừng có kế hoạch khai thác hoặc các đơn vị khai thác của tỉnh tổ chức khai thác gỗ theo quy định tại Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung ứng trực tiếp cho các hộ làm nhà. Trong trường hợp khối lượng gỗ khai thác chính không đủ nhu cầu hoặc việc cung ứng không thuận lợi thì áp dụng hình thức tự khai thác theo quy định tại tiết b điểm 7.3 khoản 7 Mục II Thông tư này.

b) Đối với những tỉnh có đối tượng rừng quy định tại tiết a, b điểm 7.1 khoản 7 nêu trên, nhưng không có kế hoạch khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, UBND cấp tỉnh giao cho người dân được hỗ trợ gỗ làm nhà ở tự khai thác, theo những quy định dưới đây:

- Đối tượng được phép khai thác

Người được phép khai thác là hộ nằm trong hoặc đại diện trong buôn, làng thuộc đối tượng được cấp gỗ làm nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

- Thủ tục trước khi tiến hành khai thác

+ UBND cấp tỉnh thông báo về số hộ, khối lượng gỗ được phép khai thác trên địa bàn từng huyện.

+ UBND cấp huyện thông báo về số hộ, khối lượng gỗ được phép khai thác của từng thôn, bản trong phạm vi từng xã.

+ UBND cấp xã chủ trì cùng chủ rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn và các hộ hoặc đại diện trực tiếp đến các khu rừng để xác định những cây gỗ được chặt, sau đó lập biên bản bàn giao để các hộ khai thác.

- Trong khai thác hạn chế việc mở mới đường vận xuất, vận chuyển bằng ô tô; trường hợp gỗ lớn hoặc địa hình phức tạp không vận chuyển được gỗ tròn thì có thể xẻ sơ chế tại rừng, nhưng phải báo kiểm lâm địa bàn xác nhận.

- Gỗ khai thác xong báo cáo kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ UBND xã xác nhận.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1.1. Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện theo quy định, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

1.2. Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ nội dung của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Thông tư này, phối hợp với Bộ Xây dựng để triển khai thực hiện những nội dung thuộc chức năng được Chính phủ phân công.

1.3. Ngân hàng Chính sách Xã hội bảo đảm kinh phí cho các hộ dân thuộc diện đối tượng vay theo mức quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg. Nguồn vốn cho vay do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động.

1.4. Ban Điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 119/QĐ-BXD ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban Điều phối thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 120/QĐ-BĐP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Trưởng ban điều phối Chương trình.

2. Trách nhiệm của chính quyền địa phương

2.1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

- Giao Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính hỗ trợ hộ nghèo nhà ở; giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn;

- Tổ chức lập và phê duyệt Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Chính sách Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

- Hàng quý, UBND cấp tỉnh báo cáo tình hình tiến độ thực hiện; kết thúc năm báo cáo quyết toán riêng ngân sách và các nguồn tài chính huy động khác theo chế độ quy định thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội;

- Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp tỉnh và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tuyên truyền về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài của địa phương, pa nô, áp phích, tờ rơi. Tổ chức công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng được thụ hưởng chính sách;

- Căn cứ Thông tư này, UBND cấp tỉnh cụ thể hoá và hướng dẫn cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

2.2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

- Tổng hợp và phê duyệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn;

- Kiện toàn Ban giảm nghèo cấp huyện để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo của các xã trên địa bàn huyện về số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ; số nhà ở đã được xây dựng; số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện lên Ban chỉ đạo thực hiện   các mục tiêu giảm nghèo cấp tỉnh vào cuối tháng 6 và cuối tháng 12 hàng năm.

2.3. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

- Bình xét, lập danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo thứ tự ưu tiên trên địa bàn;

- Kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;

- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn (Phụ lục số 02) và Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng (Phụ lục số 03);

- Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ được hỗ trợ nhà ở, bao gồm:

+ Trích danh sách có tên hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở;

+ Đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình;

+ Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn (phần móng và thân, phần mái và hoàn thiện), mỗi giai đoạn 01 bản;

+ Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng (01 bản);

+ Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ;

+ Các chứng từ vay vốn để làm nhà ở.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã về số lượng hộ gia đình đã được hỗ trợ; số nhà ở đã được xây dựng; số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình; số tiền cho vay và báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên địa bàn xã lên Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp huyện 6 tháng một lần.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký./.​​

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Kế hoạch và Ðầu tư
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Đồng Tiến

Hồ Xuân Hùng

Nguyễn Công Nghiệp

KT. THỐNG ĐỐC Ngân hàng Nhà nước
Phó Thống đốc

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Xây dựng
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Trần Nam

Trương Văn Đoan

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.