• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
BỘ THUỶ SẢN
Số: 02/2007/TT-BTS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005

của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản

_________________________________

 

Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản. Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản thực hiện quy định tại Nghị định số 66/2005/NĐ-CP và các hướng dẫn sau :

I. Hướng dẫn thực hiện một số quy định về trách nhiệm của chủ tàu cá, thuyền trưởng và người láI tàu cá tại Điều 5 và Điều 6 :

1. Chủ tàu cá có trách nhiệm :

a) Đảm bảo trên tàu cá có đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định :

Đối với tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm thực hiện theo phụ lục lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với tàu cá không thuộc diện phải đăng kiểm, khi hoạt động, tối thiểu phải có các trang thiết bị an toàn : đèn tín hiệu, phao cứu sinh, chóng đắm, chống thủng, phòng cháy, chữa cháy.

b) Đảm bảo tàu cá hoạt động trong vùng biển và thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

c) Đảm bảo trên tàu cá khi hoạt động có đủ số lượng thuyền viên đăng ký trong sổ danh bạ thuyền viên và không được vượt quá số người ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

d) Yêu cầu thuyền trưởng, người láI tàu cá điều động tàu ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc gọi tàu về nơI tránh, trú bão an toàn ngay khi nhận được thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển tàu đang hoạt động.

2. Thuyền trưởng và người láI tàu cá có trách nhiệm :

a) Trước khi rời bến kiểm tra các loại giấy tờ của tàu cá và thuyền viên, bao gồm :

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá;

- Giấy phép khai thác thuỷ sản;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với tàu cá theo quy định phải có);

- Sổ danh bạ thuyền viên (đối với tàu cá theo quy định phải có);

- Các văn bằng, chứng chỉ về thuyền viên và giấy tờ tuỳ thân.

b) Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, phải liên lạc thường xuyên và thông báo về vị trí của tàu, số người trên tàu với Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý nhà nước về thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Sở), Bộ đội Biên phòng, đài thông tin duyên hải nơi xuất phát và nơi gần nhất.

c) Cho tàu cá hoạt động trong vùng biển và trong thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

d) Khi tàu gặp nạn phải tổ chức khắc phục, trường hợp có nguy cơ đe doạ đến an toàn của tàu và thuyền viên phải kịp thời thông báo cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn, cơ quan đăng ký tàu cá.

đ) Trường hợp bất khả kháng, phải dỡ bỏ các thiết bị, vật dụng có ảnh hưởng đến an toàn của tàu cá, để kịp đưa tàu cá đến nơi an toàn.

II. Hướng dẫn việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá quy định tại điểm a khoản 5 Điều 11 và việc cấp Giấy xác nhận đăng ký tàu cá quy định tại khoản 4 Điều 11 :

1. Việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá

Chủ tàu cá phải có tờ khai đề nghị được phép đóng mới, cải hoán tàu cá theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và gửi đến Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hoặc Sở tuỳ theo chiều dài đường nước thiết kế của tàu.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai hợp lệ cơ quan tiếp nhận Tờ khai căn cứ chủ trương phát triển tàu cá, quy hoạch phát triển nghề cá phải trả lời bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận. Văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá thực hiện theo mẫu tại phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2.Việc cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá

Các tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá, nếu có đủ điều kiện sau :

- Tờ Khai đăng ký tàu cá thực hiện theo mẫu quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

- Hợp đồng đóng mới hoặc giấy mua bán tàu cá hoặc Biên lai nộp thuế trước bạ hoặc giấy tờ khác có giá trị xác định nguồn gốc hợp pháp của tàu cá;

Đối với tàu cá đóng mới, cải hoán phải có Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuỷ sản cấp tỉnh.

Sau khi đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá, cơ quan Đăng ký tàu cá cấp sổ đăng ký và Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá theo mẫu quy định tại phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

III. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước quy định

 tại các Điều 14, 15, 16.

1. Trách nhiệm đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản

a). Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về quy định đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

- Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo thẩm quyền.

- Xây dựng, sửa đổi các mẫu biểu giấy tờ dùng trong công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong phạm vi cả nước.

- Tổ chức, quản lý hoạt động hệ thống thông tin quản lý tàu cá.

- Triển khai các hoạt động phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

- Tổng hợp báo cáo Bộ trưởng về tình hình đăng ký, đăng kiểm tàu cá; tình hình hoạt động của tàu cá theo chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

- Hướng dẫn Chi cục có quản lý nhà nước về thuỷ sản tiến hành rà soát, đánh giá năng lực của đội tàu cá xa bờ hiện có của địa phương.

b) Vụ Khoa học và Công nghệ :

- Xây dựng Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn tàu cá.

- Nghiên cứu, xây dựng mẫu tàu cá, công nghệ khai thác, công nghệ đóng tàu tiên tiến phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Thuỷ sản.

c) Vụ Tổ chức Cán bộ :

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng và sát hạch cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng; các tiêu chuẩn chức danh thuyền viên, đáp ứng các yêu cầu hoạt động của tàu cá.

d) Vụ Kế hoạch - Tài chính :

- Xây dựng cơ chế, chính sách về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản;

- Đề xuất các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động tàu cá.

đ) Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia :

- Tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản;

- Xây dựng mô hình phát triển nghề cá xa bờ.

2. Trách nhiệm các cơ quan liên quan

a) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra thuỷ sản và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ không cho người và tàu cá đi hoạt động khi không có đủ trang thiết bị an toàn.

Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các Đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thu nhận các khai báo tần số đài tàu của ngư dân và phối hợp các cơ quan có liên quan của ngành thuỷ sản để xử lý thông tin về phòng tránh bão và tìm kiếm cứu nạn.

b) Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia thực hiện việc cảnh báo bão sớm, đặc biệt đối với các trường hợp bão đang di chuyển trên biển Đông để thông tin, truyền tin cho tàu cá hoạt động thuỷ sản phòng, tránh kịp thời.

c) Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài thông tin duyên hải bảo đảm phủ sóng có chất lượng tốt và số lần phát tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đúng quy định trên vùng biển Việt Nam, để các địa phương ven biển và tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh.

d) Cục Hàng hải - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn giao thông đường thuỷ; chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng luồng cảng biển và hệ thống phao tiêu báo hiệu trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thuỷ nội địa, đèn biển đảm bảo an toàn hàng hải; chỉ đạo tổ chức bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam thực hiện việc treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới trên các đèn biển khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới.

3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương :

a) Chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành thuỷ sản và các cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn, kiểm tra chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản, đặc biệt là tàu cá phải thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản tại địa phương.

b) Chỉ đạo các Sở Thuỷ sản :

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

- Chỉ đạo thành lập các tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển hỗ trợ giúp đỡ nhau nắm bắt thông tin thời tiết và sẵn sàng ứng cứu nhau khi gặp nạn.

- Phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quản lý hoạt động của các tàu cá xa bờ; kiểm tra việc ghi nhật ký đánh cá, tần số đài tàu đã đăng ký, việc thông tin liên lạc và thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan quản lý tàu cá;

- Chỉ đạo Chi cục quản lý chuyên ngành về thuỷ sản :

+ Thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên theo thẩm quyền.

+ Phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

- Chỉ đạo Thanh tra Thuỷ sản kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong việc thực hiện quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

- Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể phân cấp cho Uỷ ban nhân dân các cấp quản lý tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét mà không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất dưới 20 sức ngựa.

- Phối hợp với các ngành, các cấp tại địa phương :

+ Kiểm soát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.

+ Thiết lập hệ thống thông tin liên lạc theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá, đảm bảo thông tin được thông suốt trong mọi tình huống.

- Các loại Báo cáo : định kỳ, đột xuất và tổng hợp về tình hình đăng ký, đăng kiểm, hoạt động của tàu cá thực hiện theo mẫu được quy định tại phụ lục IV, VII, VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Các báo cáo theo tháng, quý phải gửi về Bộ Thuỷ sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) trước ngày 25 hàng tháng và ngày 25 của tháng cuối quý.

IV. Tổ chức thực hiện

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Thông tư này thay thế Thông tư số 05/1998/TT-BTS ngày 29/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/1998/NĐ-CP ngày 15/9/1998 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cá nhân, tổ chức cần kịp thời phản ánh về Bộ Thuỷ sản để xem xét, xử lý./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Việt Thắng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.