Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc Ban hành “Quy định tạm thời về quản lý hoạt động cho thuê tầu bay

của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không việt nam”

_________________________

 

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN CỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26/12/1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20/04/1995;

Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 25/10/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 613/CP-KTN ngày 04/06/1998 của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định tạm thời về quản lý hoạt động cho thuê tầu bay của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Ông Trưởng ban Không tải - Không vận, Ban Kế hoạch - Đầu tư, Ban Tài chính, Ban An toàn Hàng không, Ban Khoa học - Công nghệ, Phòng Pháp chế của Cục Hàng không dân dụng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Tiến Sâm

(Đã ký)

 


QUY ĐỊNH TẠM THỜI

Về quản lý hoạt động cho thuê tàu bay của các doanh nghiệp

vận chuyển hàng không Việt Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2040 ngày 20 tháng 7 năm 1998

của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng)

________________

 

Điều 1. Quy định chung

1. Quy định này được áp dụng đối với hoạt động cho pháp nhân nước ngoài thuê tàu bay dân dụng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (trong trường hợp được phép của chủ sở hữu hoặc người thuê gốc) của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam (sau đây gọi là người cho thuê tàu bay), dưới các hình thức cho thuê có thời hạn, bao gồm việc thuê tàu bay có hoặc không có những dịch vụ khai thác, bảo dưỡng, bảo hiểm, đào tạo (thuê ướt hoặc thuê khô) v.v... kèm theo.

Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động cho thuê chuyến bay, cho thuê ướt tàu bay với tổng thời hạn cho thuê liên tiếp không vượt quá 30 ngày.

2. Tàu bay nói tại Quy định này bao gồm máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng.

Điều 2. Yêu cầu đối với việc cho thuê tàu bay.

Việc cho thuê tàu bay nêu tại Điều 1 của Quy định này phải tuân thủ những yêu cầu sau đây:

a. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác và bảo dưỡng tàu bay, về người khai thác tàu bay; bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường; quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu đối với việc cho thuê tàu bay; đăng ký và quản lý lao động Việt Nam tại nước ngoài; và các quy định khác có liên quan.

b. Việc cho thuê tàu bay phải có hiệu quả kinh tế, phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự phát triển ổn định và an toàn của người cho thuê tàu bay;

c. Đảm bảo thu hồi tàu bay trong trường hợp kết thúc hiệu lực của hợp đồng cho thuê tàu bay, hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo thu hồi giá trị tàu bay trong các trường hợp rủi ro;

d. Người khai thác tàu bay, trong trường hợp là pháp nhân Việt Nam, phải đứng tên mua hoặc là người được bảo hiểm hoặc hưởng lợi trong các chứng chỉ bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho người thứ ba ở mặt đất; việc mua bảo hiểm nêu trên phải được thực hiện tới mức giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với yêu cầu của luật pháp của các nước mà tàu bay khai thác.

đ. Trong trường hợp chuyển quốc tịch của tàu bay, quốc gia nơi đăng ký tàu bay phải là quốc gia tham gia Công ước Giơ-ne-vơ năm 1948 về công nhận quốc tế các quyền đối với tàu bay;

e. Quốc gia của người thuê tàu bay, người khai thác tàu bay phải là quốc gia tham gia Công ước Chi-ca-gô năm 1944 về Hàng không dân dụng Quốc tế.

Điều 3. Dự án cho thuê tàu bay

1. Người cho thuê tàu bay phải lập dự án cho thuê tàu bay trình Cục hàng không dân dụng xem xét phê duyệt.

2. Dự án cho thuê tàu bay phải giải trình những nội dung sau:

a. Kế hoạch khai thác vận tải hàng không của người cho thuê tàu bay trong thời gian thực hiện việc cho thuê tàu bay; hiện trạng và kế hoạch phát triển đội tàu bay khai thác của người cho thuê tàu bay;

b. Sự cần thiết và kế hoạch dự định cho thuê tàu bay;

c. Những vấn đề pháp lý, kỹ thuật, thương mại liên quan đến tàu bay dự định cho thuê.

3. Cục Hàng không dân dụng sẽ tổ chức việc thẩm định dự án cho thuê tàu bay trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được dự án.

Điều 4. Hợp đồng cho thuê tàu bay

1. Việc cho thuê tàu bay phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cho thuê tàu bay được ký kết giữ người cho thuê tàu bay với người thuê tàu bay. Hợp đồng chỉ có giá trị sau khi được Cục Hàng không dân dụng phê duyệt.

Những thoả thuận về việc cho thuê người khai thác tàu bay, việc bảo dưỡng tàu bay hoặc hỗ trợ khai thác, bảo dưỡng tàu bay, về vấn đề bảo hiểm, đào tạo v.v... liên quan đến tàu bay cho thuê được ký kết giữa người cho thuê tàu bay với người thuê tàu bay được coi là một phần của hợp đồng cho thuê tàu bay.

2. Người cho thuê tàu bay phải trình hợp đồng cho thuê tàu bay đã được ký kết lên Cục Hàng không dân dụng xem xét phê duyệt, bao gồm các tài liệu sau:

a. Công văn đề nghị thẩm định hợp đồng cho thuê tàu bay;

b. Bản hợp đồng cho thuê tàu bay (10 bản);

c. Báo cáo về những vấn đề pháp lý, thương mại, tài chính liên quan đến người thuê tàu bay;

d. Báo cáo về hợp đồng cho thuê tàu bay, trong đó giải trình nội dung của hợp đồng, bao gồm nhưng không hạn chế các vấn đề sau:

i. Đối tượng của hợp đồng; ngày ký, ngày hết hạn hợp đồng;

ii. Giá cho thuê so với giá trên thị trường quốc tế vào thời điểm thực hiện; cơ cấu và tính hợp lý của giá; các chi phí và hiệu quả khai thác; giờ bay tối thiểu đối với tàu bay thuê (nếu có); thời gian, địa điểm và điều kiện giao nhận, giao trả tàu bay; điều kiện đặt cọc (nếu có); thể thức thanh toán; những vấn đề về bảo hiểm, đào tạo, thay thế tàu bay, hỗ trợ hoặc ưu đãi tài chính (nếu có); vấn đề thuế; việc đăng ký của tàu bay; vấn đề khai thác vào bảo dưỡng tàu bay. v.v...

iii. Trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên; trường hợp thay thế tàu bay, rủi ro, tổn thất toàn bộ, bất khả kháng, huỷ bỏ hợp đồng; giải quyết tranh chấp.v.v...

đ. Tóm tắt những quy định pháp lý liên quan đến tàu bay, đến hoạt động thuê và cho thuê tàu bay, đến khai thác, bảo dưỡng tàu bay thuê của quốc gia của người thuê tầu bay, quốc gia nơi đăng ký tầu bay, quốc gia của người khai thác tầu bay;

e. Báo cáo về kế hoạch khai thác, bảo dưỡng tầu bay cho thuê, về người khai thác tầu bay; nội dung của các hợp đồng khác giữa người cho thuê tầu bay và người thuê tầu bay liên quan tới việc khai thác, bảo dưỡng tầu bay cho thuê (nếu có);

g. Báo cáo về hiệu quả kinh tế của việc cho thuê tầu bay;

h. Các tài liệu khẳng định tư cách pháp nhân và hoạt động kinh doanh của bên thuê tầu bay, của người khai thác tầu bay, các tài liệu liên quan đến tầu bay cho thuê;

i. Các tài liệu khác theo yêu cầu;

3. Cục Hàng không dân dụng tổ chức việc thẩm định hợp đồng cho thuê tầu bay trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu nêu tại khoản 2 của điều này.

Điều 5. Thủ tục thẩm định và phê duyệt dự án và hợp đồng cho thuê tầu bay

1. Việc thẩm định quy định tại Điều 3 và Điều 4 của quy định này do Hội đồng thẩm định của Cục Hàng không dân dụng tiến hành. Việc thẩm định có sự tham gia của đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính về mặt hiệu quả, kinh tế, pháp lý.

2. Người cho thuê tầu bay có trách nhiệm tham gia cuộc họp thẩm định và giải trình mọi vấn đề có liên quan.

3. Trên cơ sở kết quả thẩm định nêu tại khoản 1 của Điều này, Cục Hàng không dân dụng tiến hành thủ tục phê duyệt dự án và hợp đồng cho thuê tầu bay.

Trước khi tiến hành việc phê duyệt hợp đồng cho thuê tầu bay theo quy định trên, Cục Hàng không dân dụng báo cáo kết quả thẩm định lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không dân dụng thực hiện việc phê duyệt hợp đồng. Việc phê duyệt được Cục Hàng không dân dụng thông báo cho các cơ quan Nhà nước có liên quan.

4. Người cho thuê tầu bay có nghĩa vụ chịu các chi phí liên quan đến việc thẩm định và phê duyệt dự án và hợp đồng cho thuê tầu bay.

Điều 6. Tái thẩm định

1. Việc dùng tầu bay khác thay thế tàu bay phù hợp của hợp đồng cho thuê tầu bay phải dừng bay để bảo dưỡng định kỳ hoặc đột xuất, hoặc tạm thời bị đưa ra khỏi khai thác vì các lý do bất khả kháng khác, việc kéo dài thời hạn hiệu lực của hợp đồng cho thuê tầu bay theo đúng các điều kiện của hợp đồng, trong tất cả các trường hợp, với thời hạn từ 3 tháng trở xuống sẽ được Cục Hàng không dân dụng cho phép mà không cần tiến hành việc tái thẩm định.

2. Thủ tục xem xét việc thay đổi các điều khoản của hợp đồng cho thuê tầu bay, việc thay thế tầu bay và việc gia hạn hiệu lực của hợp đồng không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 của Điều này sẽ được tiến hành như đối với hợp đồng chính.

Điều 7. Nghĩa vụ của người cho thuê tầu bay trong việc thực hiện hợp đồng

1. Người cho thuê tầu bay có nghĩa vụ báo cáo Cục Hàng không dân dụng về các trường hợp vi phạm nghiêm trọng của các bên trong việc thực hiện hợp đồng cho thuê tầu bay có thể dẫn tới việc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, hoặc làm cho hợp đồng không thể thực hiện được, hoặc ảnh hưởng đến việc khai thác an toàn tầu bay; việc thay đổi các điều khoản của hợp đồng; việc chấm dứt hiệu lực trước thời hạn hoặc gia hạn hiệu lực của hợp đồng.

2. Người cho thuê tầu bay có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng, đưa tầu bay về Việt Nam trong trường hợp hợp đồng hết hiệu lực, phép của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan hết hiệu lực, hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Điều khoản cuối cùng

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Cục Hàng không dân dụng Việt Nam

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Sâm