• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/12/1993
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
Số: 34/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1993

THÔNG TƯ CỦA LIÊN BỘ

LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - Y TẾ
Hướng dẫn việc
xác định tỷ lệ mất sức lao động của người tàn tật
tham gia lao động trong các cơ sở sản xuất
kinh doanh của thương bệnh binh
và người tàn tật

Thi hành Quyết định số 15/TTg ngày 20/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Y tế hướng dẫn việc xác định tỷ lệ mất sức lao động của người tàn tật như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng

Mọi cá nhân không phân biệt nguồn gốc sinh ra khuyết tật, ở độ tuổi lao động (nam từ 15 đến 60, nữ từ 15 đến 55 tuổi) được Hội đồng Giám định y khoa cấp có thẩm quyền xác định mất từ 41% sức lao động trở lên. (Riêng đối với thương bệnh binh đã được cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận bệnh binh, không phải qua Hội đồng giám định y khoa).

2. Phạm vi áp dụng

Chỉ áp dụng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người tàn tật được quy định tại mục 1 của Thông tư số 09/TT-LB ngày 17/5/1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.

 

II. HỒ SƠ VÀ THỦ TỤC ĐỂ XÁC ĐỊNH TỶ LỆ MẤT SỨC
LAO ĐỘNG CỦA NGƯỜI TÀN TẬT

1. Hồ sơ thủ tục để xin xác định tỷ lệ mất sức lao động của người tàn tật gồm

- Đơn đề nghị của bản thân người tàn tật, nếu chưa làm việc thì phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường cư trú (mẫu số 1).

- Giấy giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh nơi người tàn tật đang làm việc.

2. Giấy xác nhận người tàn tật do y tế quận, huyện cấp (mẫu số 2).

3. Việc phân loại tàn tật, tạm thời dựa theo tiêu chuẩn quy định tỷ lệ thương tật và mất sức lao động của Bộ Y tế đã ban hành.

4. Người tàn tật được miễn phí hoặc giảm phí khám xác định tỷ lệ mất sức lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Y tế hoặc Trung tâm Y tế quận, huyện xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi được phân cấp, tổ chức khám xác định tình trạng khả năng lao động cho người tàn tật làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định tại mục 1-2 phần I của Thông tư này.

2. Hội đồng Giám định Y khoa Trương ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện thi hành Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu và giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trịnh Tố Tâm

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.