THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Thanh tra Chính phủ thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân (sau đây gọi tắt là Cơ quan điều tra).
2. Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp (sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát).
3. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (sau đây gọi tắt là Cơ quan thanh tra).
4. Người có thẩm quyền thuộc các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các cơ quan theo quy định của pháp luật.
2. Bảo đảm thường xuyên, nhanh chóng, chính xác, khách quan, đầy đủ, hiệu quả, đúng pháp luật.
3. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và của mỗi ngành.
Điều 4. Trách nhiệm trao đổi thông tin về vi phạm pháp luật, tội phạm
Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp để trao đổi, cung cấp thông tin về vi phạm pháp luật, tội phạm đã được phát hiện liên quan đến hoạt động thanh tra; kịp thời trao đổi thông tin, kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố của Cơ quan thanh tra đã chuyển đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Điều 5. Trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc, kiến nghị khởi tố
1. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
Đối với vụ việc vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kết luận thanh tra và kiến nghị khởi tố, Cơ quan thanh tra tổ chức họp lãnh đạo liên ngành gồm Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được. Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
2. Sau khi kết thúc cuộc thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, Cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 6. Trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến.
Đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã xác định rõ thẩm quyền điều tra thì Cơ quan thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; nếu chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra cùng cấp; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Sau khi tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, kiến nghị khởi tố, nếu thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra trao đổi với Cơ quan thanh tra và Viện kiểm sát cùng cấp để thống nhất việc chuyển hồ sơ vụ việc và kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Điều 7. Trách nhiệm giải quyết kiến nghị khởi tố
1. Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến. Việc giải quyết kiến nghị khởi tố được thực hiện như sau:
a) Trường hợp có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố;
b) Trường hợp có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết;
c) Trường hợp chưa đủ căn cứ khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra tiến hành xác minh để thu thập, bổ sung chứng cứ và đề nghị Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố phối hợp thực hiện khi xét thấy cần thiết;
d) Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự mà cần xử lý bằng biện pháp khác thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra, Viện kiểm sát;
đ) Trường hợp có căn cứ tạm đình chỉ hoặc phục hồi việc giải quyết kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ hoặc phục hồi và gửi cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Viện kiểm sát cùng cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi ra các quyết định, văn bản tố tụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát gửi cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết.
3. Khi hết thời hạn xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không nhận được thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, thì trao đổi với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên xem xét, giải quyết.
Điều 8. Giải quyết kiến nghị khởi tố đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định khởi tố vụ án hình sự
Trường hợp Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự của Viện kiểm sát thì Cơ quan thanh tra trao đổi với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Nếu Thanh tra Chính phủ kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết; Thanh tra Bộ Quốc phòng kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đồng ý với kiến nghị của Cơ quan thanh tra thì ra quyết định hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra cấp dưới; nếu không đồng ý với kiến nghị của Cơ quan thanh tra thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Kết quả giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là quyết định cuối cùng.
Điều 9. Hồ sơ kiến nghị khởi tố và việc giao, nhận hồ sơ
1. Người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền quyết định chuyển hồ sơ và kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự. Tài liệu trong hồ sơ kiến nghị khởi tố là bản gốc, nếu tài liệu là bản sao thì có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc đóng dấu xác nhận sao y của Cơ quan thanh tra. Hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan thanh tra;
b) Quyết định thanh tra; biên bản, tài liệu xác minh sự việc; báo cáo giải trình của đối tượng thanh tra;
c) Báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm của đối tượng thanh tra;
d) Kết luận thanh tra trong trường hợp đã kết thúc cuộc thanh tra;
đ) Tài liệu khác có liên quan;
e) Bản kê các tài liệu trong hồ sơ.
2. Việc giao, nhận hồ sơ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự được lập thành biên bản và tiến hành tại trụ sở Cơ quan thanh tra hoặc trụ sở Cơ quan điều tra. Cơ quan thanh tra gửi kiến nghị khởi tố vụ án hình sự kèm theo bản sao hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2018 và thay thế Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22 tháng 3 năm 2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.
Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Viện kiểm sát các cấp chủ trì tổ chức họp lãnh đạo liên ngành để đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch và xây dựng chương trình công tác phối hợp tiếp theo.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan có liên quan kịp thời phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Thanh tra Chính phủ để giải thích, hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.