Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

____________________________________

Căn cứ Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Thông tư 21/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, rà soát bổ sung, thay thế và đề nghị hủy bỏ tiêu chuẩn quốc gia các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.         

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các Cục, Vụ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm định, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Trong trường hợp Công/Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Thông tư này thì áp dụng quy định của Công/Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Đối tượng tiêu chuẩn quốc gia

1. Sản xuất, chế biến, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, muối, giết mổ gia súc, gia cầm.

2. Giống cây trồng, giống vật nuôi.

3. Vật tư nông nghiệp và lâm nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi.

4. Bảo vệ thực vật, thú y, kiểm dịch thực vật, động vật.

5. Công trình thuỷ lợi, đê điều.

6. Dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

7. An toàn, vệ sinh thuỷ sản, thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu, thức ăn nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản, hoá chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản.

8. An toàn, vệ sinh trong quá trình sản xuất từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản, vận chuyển thuỷ sản.

9. Dụng cụ đánh bắt thuỷ sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thuỷ sản.

10. Dịch vụ trong lĩnh vực thuỷ sản.

Chương II

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 4. Quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

1. Quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp) phải mang tính hệ thống, đồng bộ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành và các lĩnh vực hoạt động khác.

2. Nội dung của quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp bao gồm: các chuyên ngành, lĩnh vực, đối tượng cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tổng số tiêu chuẩn quốc gia cho từng chuyên ngành, lĩnh vực, đối tượng; lộ trình thực hiện; nguồn lực để đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho từng giai đoạn; các biện pháp thực hiện.

3. Lập và phê duyệt quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp

a) Căn cứ chiến lược, quy hoạch phát triển chuyên ngành, các Cục chủ trì tổ chức việc lập dự kiến quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực chuyên ngành được phân công quản lý;

Dự kiến quy hoạch chuyên ngành bao gồm các nội dung quy định tại mục  1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

Gửi dự thảo quy hoạch tiêu chuẩn chuyên ngành đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thông báo trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Cục và của Bộ để lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến về dự thảo ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo;

Tổng hợp, xử lý ý kiến góp ý, hoàn chỉnh Dự thảo Quy hoạch tiêu chuẩn chuyên ngành và gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 

b) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:

Tổng hợp dự thảo Quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp trên cơ sở dự thảo quy hoạch chuyên ngành của các Cục và trình Bộ để chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định phê duyệt;

Dự thảo quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp bao gồm các nội dung quy định tại mục 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp đã được phê duyệt có thể được điều chỉnh, bổ sung theo nhu cầu hoặc sự thay đổi của định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành. Trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều này.

Điều 5. Kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

1. Kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia ngành nông nghiệp phải phù hợp với Quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế; phù hợp với trình độ phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia.

2. Nội dung của kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia ngành nông nghiệp bao gồm: lĩnh vực, đối tượng cụ thể cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; loại tiêu chuẩn; số lượng tiêu chuẩn quốc gia cần xây dựng; thời gian thực hiện; nguồn kinh phí và kinh phí dự kiến; cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị.

3. Việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch năm năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo các bước sau:

a) Lập dự thảo kế hoạch 5 năm

Quý II, năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm, các Cục chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức lập dự thảo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia 5 năm tiếp theo thuộc lĩnh vực chuyên ngành của mình trên cơ sở về yêu cầu sản xuất, quản lý nhà nước, Quy hoạch tiêu chuẩn ngành nông nghiệp đã được phê duyệt (nếu có);

Dự thảo kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành và thuyết minh bao gồm nội dung quy định tại mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông này;

Gửi dự thảo kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và thông báo trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Cục và của Bộ để lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo;

Tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo kèm theo bản thuyết minh đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tổng hợp trình Bộ để chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và phê duyệt.

b)  Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch

Kế hoạch 5 năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia ngành nông nghiệp có thể được điều chỉnh, bổ sung theo đề nghị của các Cục;

Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch 5 năm được thực hiện theo trình tự quy định tại Điểm a khoản 3 điều này.

Điều 6. Kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia

1. Xây dựng kế hoạch hàng năm.

Kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia ngành nông nghiệp phải phù hợp với kế hoạch 5 năm. Kế hoạch hàng năm bao gồm các nội dung đề nghị xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia;

a) Quý II hàng năm, căn cứ vào kế hoạch 5 năm, yêu cầu của sản xuất, quản lý, các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về Cục quản lý chuyên ngành theo lĩnh vực được phân công tại Điều 12 của Thông tư này; các Cục chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch cho năm sau; 

Nội dung của kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia bao gồm: tên tiêu chuẩn quốc gia cần xây dựng được sắp xếp theo lĩnh vực tiêu chuẩn; tên tổ chức biên soạn dự thảo; thời gian thực hiện; phương thức xây dựng dự thảo (chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng mới; sửa đổi, bổ sung); kinh phí dự kiến và nguồn kinh phí; cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị xây dựng tiêu chuẩn; Dự kiến kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho năm sau được lập theo mẫu quy định tại mục 1 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Gửi dự thảo kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và thông báo trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Cục và của Bộ để lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo;

Tổng hợp, xử lý các ý kiến góp ý và hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch kèm theo Dự án xây dựng của từng tiêu chuẩn quốc gia gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

b) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp kế hoạch, trình Bộ để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt.

2.  Thực hiện kế hoạch hàng năm

a) Căn cứ vào kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đã được phê duyệt, các Cục chủ trì tổ chức thực hiện;

Định kỳ sáu tháng, đột xuất theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Cục báo cáo Bộ tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch;

b) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp, báo cáo Bộ về tình hình và kết quả thực hiện.

3.  Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch

a) Kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia có thể được điều chỉnh, bổ sung theo đề nghị bằng văn bản của các Cục;

b) Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phải được thực hiện trước ngày 01 tháng 7 của năm kế hoạch;

c) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp trình Bộ để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt;

d) Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp thiết của quản lý nhà nước hoặc nhu cầu sản xuất, kinh doanh, trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 7. Trình tự các bước xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia

1. Bước 1: Thành lập Ban soạn thảo

Theo điều kiện cụ thể, các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo tiêu chuẩn quốc gia phải thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.

2. Bước 2: Biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia

Ban soạn thảo thực hiện các công việc sau:

a) Chuẩn bị việc biên soạn dự thảo:

Thu thập, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; 

Khảo sát, đánh giá thực trạng liên quan đến đối tượng quản lý và nội dung chính của Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (nếu cần);

Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia;

Thông qua đề cương chi tiết triển khai Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia kèm theo khung nội dung dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại điều 13 Thông tư này;

Các công việc khác có liên quan.

b) Triển khai việc biên soạn dự thảo tiêu chuẩn quốc gia:

Biên soạn dự thảo trên cơ sở khung nội dung đã được phê duyệt và viết thuyết minh cho dự thảo; 

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của chuyên gia và các bên liên quan đối với dự thảo tiêu chuẩn quốc gia;

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa dự thảo, để đăng lên trang tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi.

3. Bước 3: Lấy ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia

a) Gửi dự thảo tiêu chuẩn quốc gia kèm theo thuyết minh đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời  thông báo trên trang tin điện tử (website) hoặc tạp chí, ấn phẩm của Cục quản lý chuyên ngành và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lấy ý kiến, thời gian xin ý kiến góp ý cho dự thảo ít nhất là 60 ngày, kể từ ngày gửi dự thảo.

b) Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo xử lý, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo, lập hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia theo quy định tại khoản 5 điều này và trình Cục quản lý chuyên ngành tổ chức nghiệm thu.

4. Bước 4: Thẩm tra tiêu chuẩn quốc gia

a) Cục quản lý chuyên ngành tổ chức nghiệm thu Dự án tiêu chuẩn quốc gia và gửi hồ sơ về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để thẩm tra. 

b) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra, trình Bộ kết quả thẩm tra và chuyển hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đến Bộ Khoa học và Công nghệ để thẩm định và công bố. 

Trường hợp dự thảo tiêu chuẩn quốc gia không đáp ứng yêu cầu theo nội dung thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Cục có trách nhiệm chủ trì tổ chức xử lý và hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn quốc gia.

5. Hồ sơ dự thảo tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:

a)  Quyết định giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đã đ­­ược phê duyệt;

b) Báo cáo quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia;

c) Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đã được hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến nghiệm thu (bao gồm cả văn bản dự thảo và bản điện tử), kèm theo bản thuyết minh; bản sao tài liệu gốc được sử dụng làm căn cứ để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia; các tài liệu tham khảo khác;

d) Danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi dự thảo để lấy ý kiến; bản tổng hợp và tiếp thu ý kiến góp ý kèm theo văn bản góp ý;

đ) Công văn đề nghị thẩm định dự thảo và công bố tiêu chuẩn quốc gia;

e) Biên bản nghiệm thu Dự án (cấp cơ sở và Cục), văn bản tiếp thu ý kiến nghiệm thu;

g) Các văn bản, tài liệu khác liên quan đến quá trình xử lý ý kiến nghiệm thu (nếu có).

Điều 8. Bố cục, trình bày nội dung tiêu chuẩn quốc gia

Việc trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo TCVN 1-2:2008.

Chương IV

RÀ SOÁT ĐỊNH KỲ,  SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ, HUỶ BỎ TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

Điều 9. Rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia

1. Hàng năm, các Cục căn cứ vào danh mục các tiêu chuẩn quốc gia đến thời hạn 3 năm phải rà soát định kỳ, để đưa vào kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và gửi danh mục các tiêu chuẩn quốc gia cần rà soát đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tổng hợp trình Bộ gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt.

2. Các Cục chủ trì tổ chức việc thực hiện rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia trong danh mục theo các bước:

a) Gửi đi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Tổng hợp, xử lý ý kiến góp ý, lập hồ sơ kết quả rà soát tiêu chuẩn quốc gia làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia;

c) Lập hồ sơ và Báo cáo kết quả rà soát định kỳ kèm theo thuyết minh.

3. Hồ sơ rà soát định kỳ tiêu chuẩn quốc gia bao gồm:

a) Tờ trình của Cục về kết quả rà soát và kiến nghị;

b) Bản tiếp thu ý kiến góp ý và công văn góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

4. Cục hoàn thiện hồ sơ và tổng hợp  thành kết quả rà soát để đưa vào kế hoạch hàng năm.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia

1. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia phải được đưa vào kế hoạch hàng năm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

2. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng quy định tại Điều 7 Thông tư này.

3. Kết quả của việc sửa đổi, bổ sung, thay thế tiêu chuẩn quốc gia là quyết định công bố bản sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn quốc gia hoặc công bố tiêu chuẩn quốc gia thay thế.

Điều 11. Huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia

1. Căn cứ kết quả rà soát định kỳ, Cục lập hồ sơ đề nghị hủy bỏ tiêu chuẩn quốc gia gửi Vụ  Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tổng hợp và trình Bộ để chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và hủy bỏ.

2. Hồ sơ đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia bao gồm: 

a) Bản tiêu chuẩn quốc gia đề nghị huỷ bỏ;

b) Văn bản đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia của Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Tổng hợp ý kiến của các Đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan về việc huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia trong quá trình rà soát;

d) Bản thuyết minh (lý do, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học);

đ)  Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Phân công nhiệm vụ

1. Cục quản lý chuyên ngành

a) Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản: quy định chung về quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản; chợ thuỷ sản đầu mối; an toàn, vệ sinh thuỷ sản, thực phẩm thuỷ sản xuất khẩu;

b) Cục Nuôi trồng thuỷ sản:  nuôi trồng thuỷ sản; giống thuỷ sản; thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn, chất phụ gia, chế phẩm sinh học, chất lượng nước dùng trong nuôi trồng thuỷ sản; môi trường nuôi trồng thuỷ sản;

c) Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản: khai thác, an toàn kỹ thuật và môi trường của tàu cá, cảng cá; khu neo đậu trú bão của tàu cá; đóng, sửa tàu cá, sản xuất trang thiết bị an toàn và thiết bị cơ khí khai thác lắp đặt, sử dụng trên tàu cá; bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản;

d) Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối: các điều kiện của cơ sở chế biến, sơ chế, vận chuyển, bảo quản nông lâm thủy sản và muối; sản phẩm muối; máy và thiết bị sản xuất trong ngành nông nghiệp; điều kiện đảm bảo và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm sản và muối;

đ)  Cục Trồng trọt: giống, cây trồng, phân bón; đảm bảo chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và dịch vụ trong quá trình sản xuất trồng trọt;

e) Cục Bảo vệ thực vật: kiểm dịch thực vật, bảo vệ thực vật, thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản nông sản, lâm sản;

g) Cục Chăn nuôi: giống vật nuôi nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi; chăn nuôi, vật tư chuyên ngành chăn nuôi, môi trường trong chăn nuôi, điều kiện đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chăn nuôi; dịch vụ trong quá trình sản xuất chăn nuôi;

h) Cục Lâm nghiệp: phát triển rừng, sử dụng rừng, giống cây trồng lâm nghiệp, các sản phẩm, hàng hoá lâm sản;

i) Cục Kiểm lâm: quản lý và bảo vệ rừng;

j) Cục Thú y: phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật; thuốc và nguyên liệu thuốc thú y; điều kiện vệ sinh thú y;

k) Cục Thuỷ lợi: khai thác, sử dụng và bảo vệ công trình thuỷ lợi; cấp thoát nước; quản lý nước trong công trình thuỷ lợi;

l) Cục Quản lý Xây dựng công trình: thi công công trình thuỷ lợi;

m)Cục Quản lý Đề điều và phòng chống lụt bão: Đê điều, công tác phòng chống lụt, bão;

2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm của Bộ, phân bổ kinh phí và thẩm tra Dự án xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trình Bộ chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

3. Các tổ chức cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Cục chuyên ngành trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của các Cục chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu chuẩn

a) Chịu trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm, rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế và đề nghị huỷ bỏ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; phê duyệt đề cương, dự toán, nghiệm thu dự án tiêu chuẩn kỹ thuật các lĩnh vực được phân công;

b) Triển khai thực hiện kế hoạch công tác tiêu chuẩn được giao theo lĩnh vực được phân công và  định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo về Bộ;

c) Tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về triển khai công tác tiêu chuẩn quốc gia;

2. Vụ Khoa học, Công nghệ phối hợp với các Cục và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác phổ biến tiêu chuẩn.

Điều 14. Kinh phí hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn kỹ thuật 

1. Kinh phí triển khai công tác tiêu chuẩn bao gồm: lập dự thảo quy hoạch, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm; rà soát; chuyển đổi; xây dựng tiêu chuẩn; phát hành và phổ biến;

2. Kinh phí triển khai công tác tiêu chuẩn được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ hàng năm và các nguồn kinh phí khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký; những quy định trước đây trái với quy định này điều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng