THÔNG TƯ
Hướng dẫn về điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân
______________________________________
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Đối tượng áp dụng
2.1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sau:
a) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội, Hiệp hội, đơn vị tổ chức hội trợ triển lãm, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa (dưới đây viết tắt là đơn vị tổ chức xét thưởng);
b) Tổ chức, cá nhân đăng ký để được xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa (dưới đây viết tắt là đơn vị đăng ký xét thưởng).
2.2. Thông tư này không áp dụng đối với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, các giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa với mục đích thi đua khen thưởng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa
3.1. Xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa là hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Có sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, đạt chất lượng cao, đáp ứng các quy định tại tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, có sản lượng ổn định; bảo đảm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
b) Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh;
c) Hoạt động của tổ chức, cá nhân đạt hiệu quả kinh tế, đóng góp nhiều cho xã hội, khuyến khích đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu;
d) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ;
đ) Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống, tổ chức, cá nhân đăng ký để được xét tặng giải thưởng phải đáp ứng các tiêu chí nêu trên, riêng điểm d và điểm đ là tiêu chí khuyến khích.
3.2. Các thông tin liên quan về hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được thông báo công khai.
3.3. Việc đăng ký để được xét tặng các giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
3.4. Hoạt động xét thưởng, hoạt động trao tặng giải thưởng phải bảo đảm công khai, khách quan, công bằng.
3.5. Không xét tặng giải thưởng chất lượng đối với các trường hợp sau:
a) Sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật;
b) Sản phẩm, hàng hóa không được pháp luật cho phép sản xuất, kinh doanh hoặc không được khuyến khích sử dụng;
c) Sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
1. Điều kiện đối với đơn vị tổ chức xét thưởng
Đơn vị tổ chức xét thưởng phải đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng, có trụ sở, con dấu và tài khoản độc lập.
Đối với cá nhân: phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có tài khoản độc lập.
1.2. Có đủ năng lực tài chính để bảo đảm tổ chức thành công hoạt động xét tặng giải thưởng.
Trường hợp sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để tổ chức xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đơn vị tổ chức xét thưởng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức xét tặng giải thưởng bằng văn bản và việc sử dụng kinh phí cho hoạt động tổ chức xét tặng giải thưởng phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định về quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.
1.3. Có đủ cán bộ, nhân viên có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm về tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
1.4. Hoạt động xét thưởng phải đáp ứng các nguyên tắc xét thưởng quy định tại khoản 3 Mục I của Thông tư này.
1.5. Đã xây dựng kế hoạch và xác định thời gian tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng.
1.6. Có Quy chế xét thưởng phù hợp đối với lĩnh vực xét thưởng, gồm các nội dung chính sau:
a) Tên của giải thưởng, mục đích xét thưởng;
b) Đối tượng xét thưởng;
c) Mức thưởng và hình thức tặng thưởng;
d) Điều kiện và nguyên tắc xét thưởng;
đ) Tiêu chí xét thưởng;
e) Nhiệm vụ của Hội đồng xét thưởng;
g) Trình tự, thủ tục xét thưởng;
h) Nội dung đánh giá, căn cứ đánh giá, phương pháp đánh giá và kết quả đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với tiêu chí xét thưởng;
i) Quy định về chi phí đăng ký để được xét tặng giải thưởng.
Quy chế xét thưởng có thể được sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
1.7. Hội đồng xét thưởng bao gồm các chuyên gia có trình độ, năng lực về lĩnh vực xét thưởng.
1.8. Đã đăng ký và được cấp Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại cơ quan quản lý theo quy định tại khoản 3 Mục này (dưới đây viết tắt là Giấy xác nhận).
2. Điều kiện đối với đơn vị đăng ký xét thưởng
Đơn vị đăng ký xét thưởng phải đáp ứng các điều kiện sau:
2.1. Được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa đăng ký xét thưởng, có trụ sở, con dấu và tài khoản độc lập.
Đối với cá nhân: phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có tài khoản độc lập.
2.2. Đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3.1 và khoản 3.5 Mục I của Thông tư này.
2.3. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật, phải đăng ký kê khai nộp thuế và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.
3. Thủ tục đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cấp Giấy xác nhận
3.1. Trước khi tổ chức xét tặng giải thưởng ít nhất 02 tháng, đơn vị tổ chức xét thưởng phải lập hồ sơ đăng ký gửi về cơ quan tương ứng sau:
a) Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đối với các giải thưởng do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội, Hiệp hội ở Trung ương, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tổ chức.
b) Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố đối với các giải thưởng do tổ chức, cá nhân tổ chức trên địa bàn tỉnh, thành phố, trừ các tổ chức quy định tại điểm a khoản này.
3.2. Hồ sơ đăng ký gồm có:
a) Giấy đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa (theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này);
b) Bản sao Quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy phép kinh doanh/Giấy đăng ký hoạt động (đối với tổ chức);
c) Văn bản, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức giải thưởng (nếu có);
d) Danh sách cán bộ, nhân viên tham gia tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng (tên, chức danh, trình độ, kinh nghiệm tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Quyết định tuyển dụng/Hợp đồng lao động);
đ) Kế hoạch và thời gian xét tặng giải thưởng;
e) Quy chế xét thưởng;
g) Dự kiến danh sách thành viên Hội đồng xét thưởng (trình độ, chuyên môn);
h) Báo cáo về khả năng tài chính để bảo đảm tổ chức thành công hoạt động xét tặng giải thưởng, gồm các nội dung sau: dự kiến kinh phí chi cho toàn bộ hoạt động xét tặng giải thưởng, mức phí cho từng hoạt động và nguồn kinh phí sử dụng;
i) Mẫu hồ sơ mời đăng ký để được xét tặng giải thưởng.
3.3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan quản lý quy định tại khoản 3.1 Mục này tiến hành thẩm xét hồ sơ, nếu đáp ứng điều kiện quy định, đơn vị tổ chức xét thưởng được cấp Giấy xác nhận (theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này). Hiệu lực của Giấy xác nhận như sau:
a) Đối với các giải thưởng được tổ chức xét tặng định kỳ hàng năm, Giấy xác nhận có hiệu lực không quá 03 năm;
Trường hợp Giấy xác nhận hết hiệu lực, đơn vị muốn tiếp tục tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng, phải lập hồ sơ đăng ký gửi về cơ quan tương ứng theo quy định tại khoản 3.1, khoản 3.2 Mục này để được cấp lại Giấy xác nhận.
b) Đối với các giải thưởng không tổ chức định kỳ, Giấy xác nhận có hiệu lực cho từng trường hợp tổ chức xét tặng.
Trường hợp từ chối không cấp Giấy xác nhận, đơn vị tổ chức xét thưởng sẽ được thông báo lý do bằng văn bản.
III. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM
1. Quyền và trách nhiệm của đơn vị tổ chức xét thưởng
1.1. Quyền:
a) Được quảng cáo các thông tin về giải thưởng, kế hoạch xét tặng giải thưởng, gửi hồ sơ mời đăng ký để được xét tặng giải thưởng theo Giấy xác nhận đã được cấp;
b) Được tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo kế hoạch và Quy chế xét thưởng đã xây dựng;
c) Được thu và sử dụng chi phí đăng ký để được xét tặng giải thưởng của các đơn vị đăng ký xét thưởng theo quy định tại Quy chế xét thưởng;
d) Quyết định tặng giải thưởng đối với sản phẩm, hàng hóa được giải thưởng sau khi xét thưởng;
e) Quyết định việc tạm đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực hoặc phục hồi hiệu lực của quyết định tặng giải thưởng trong trường hợp các tổ chức, cá nhân được giải thưởng có hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này và Quy chế xét thưởng.
1.2. Trách nhiệm:
a) Công khai thông tin về cơ quan, đơn vị bảo trợ; cơ quan cấp Giấy xác nhận, ngày cấp và số Giấy xác nhận; Quy chế xét thưởng, cơ cấu giải thưởng, chi phí đăng ký để được xét tặng giải thưởng trong hồ sơ mời đăng ký xét tặng giải thưởng trên Website của tổ chức, cá nhân (nếu có), trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, truyền hình…) để các tổ chức, cá nhân viết, tham gia;
b) Bảo đảm việc xét thưởng và trao giải thưởng được thực hiện theo đúng Quy chế xét thưởng;
c) Bảo đảm tính khách quan, công bằng trong quá trình xét thưởng và chịu trách nhiệm về kết quả xét thưởng;
d) Báo cáo cơ quan quản lý tương ứng quy định tại khoản 3.1 Mục II của Thông tư này khi có sửa đổi, bổ sung Quy chế xét thưởng;
đ) Xem xét và trả lời khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động xét tặng giải thưởng theo quy định hiện hành của nhà nước;
e) Kết thúc đợt xét tặng giải thưởng, báo cáo kết quả về cơ quan quản lý tương ứng quy định tại khoản 3.1 Mục II của Thông tư này.
2. Quyền và trách nhiệm của đơn vị đăng ký xét thưởng
2.1. Quyền:
a) Được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động xét tặng giải thưởng;
b) Được nhận giải thưởng khi đạt giải thưởng và được hưởng các quyền lợi theo quy định của đơn vị tổ chức xét thưởng;
c) Được thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, sử dụng biểu trưng, biểu tượng của giải thưởng đối với sản phẩm, hàng hóa được giải thưởng;
d) Có quyền khiếu nại, tố cáo về kết quả xét thưởng và các hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này và Quy chế xét thưởng theo quy định hiện hành của nhà nước.
2.2. Trách nhiệm:
a) Nộp chi phí đăng ký để được xét tặng giải thưởng theo quy định của đơn vị tổ chức xét thưởng;
b) Việc thông tin, tuyên truyền, quảng cáo hoặc sử dụng biểu trưng, biểu tượng của giải thưởng đối với sản phẩm, hàng hóa được giải thưởng phải phù hợp với nội dung của giải thưởng, phải ghi rõ năm đạt giải thưởng và không được gây sự hiểu lầm đối với các sản phẩm, hàng hóa khác không được tặng giải thưởng;
c) Duy trì và bảo đảm về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa đã được tặng giải thưởng.
3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý
3.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng và cấp Giấy xác nhận theo quy định tại Thông tư này.
3.2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra hoạt động xét tặng giải thưởng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Thông tư này.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đơn vị tổ chức xét thưởng sẽ bị xử lý theo các mức độ: cảnh cáo, hủy bỏ hiệu lực của giải thưởng, hủy bỏ hiệu lực của Giấy xác nhận; kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ chức năng tổ chức hoạt động xét tặng giải thưởng và các biện pháp xử lý khác theo quy định hiện hành của pháp luật.
3.3. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo trên Website của mình thông tin về các đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoặc bị hủy bỏ hiệu lực của Giấy xác nhận.
3.4. Định kỳ tháng 12 hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 06 tháng, kể từ ngày ký ban hành.
2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành theo các nội dung của Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, tổ chức và cá nhân cần phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, giải quyết./.