Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020"

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 04 tháng 03 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 04 tháng 03 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến ở trong nước, kết hợp với việc nhập khẩu các công nghệ sinh học hiện đại của nước ngoài, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chế biến, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn đến 2010:

- Nghiên cứu tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến ở trong nước, kết hợp với việc nhập khẩu và làm chủ các công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của nước ngoài phù hợp với điều kiện sản xuất ở nước ta; ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ này vào sản xuất để chủ động tạo ra các sản phẩm công nghiệp chế biến có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao trên thị trường;

- Sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm enzym (kể cả enzym tái tổ hợp), protein, axít hữu cơ, axít amin, các chế phẩm vi sinh (bao gồm cả các sản phẩm biến đổi gen), các hoạt chất sinh học, chất phụ gia, nhiên liệu sinh học... đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, phục vụ tốt các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản và y tế;

- Xây dựng và phát triển mạnh công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu;

- Tăng cường mạnh tiềm lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đào tạo kỹ thuật viên để triển khai và ứng dụng công nghệ sinh học tại các cơ sở sản xuất, chế biến; tuyển chọn, công nhận đơn vị chủ trì và tiến hành xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ vi sinh, hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ enzym và protein; đầu tư chiều sâu để nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; tiếp cận, làm chủ và phát triển nhanh công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh vật mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô công nghiệp; sản xuất các loại enzym tái tổ hợp; đưa công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của nước ta phát triển đạt trình độ khá trong khu vực;

- Phát triển mạnh và bền vững ngành công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực công nghiệp chế biến; tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

- Tăng cường được một bước quan trọng về tiềm lực, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

- Công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đóng góp từ 20 đến 25% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành công nghệ chế biến.

c) Tầm nhìn đến 2020:

- Đưa công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của nước ta đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới;

- Công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đóng góp trên 40% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành công nghệ chế biến.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:

1. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D), triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm (P) phục vụ phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

a) Công nghệ vi sinh:

- Nghiên cứu tạo ra và hoàn thiện các quy trình công nghệ, thiết bị lên men vi sinh ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm (bia rượu, nước chấm, nước giải khát, thịt, cá và các nông, lâm, thuỷ, hải sản khác), thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hoá chất, nguyên liệu hoá dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng... bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường;

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh học để sản xuất thử nghiệm sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh (sinh khối vi sinh vật, các chất bảo quản, phụ gia, mầu thực phẩm, axít hữu cơ, axit amin, protein đơn bào và đa bào...) phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hoá chất, nguyên liệu hoá dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng...; kiểm soát được chất lượng nguyên liệu và các sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ công nghệ biến đổi gen trong công nghiệp chế biến;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để phân lập và tạo ra các chủng vi sinh vật mới, có chất lượng tốt, ổn định, hiệu suất lên men cao góp phần phát triển mạnh ngành công nghệ chế biến;

- Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ vi sinh đã được nghiên cứu, tạo ra ở trong nước hoặc nhập khẩu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến.

b) Công nghệ enzym và protein:

- Nghiên cứu tạo ra và hoàn thiện các quy trình công nghệ, thiết bị ứng dụng công nghệ enzym ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm (các loại đường, tinh bột, bia rượu, nước chấm, nước giải khát và các nông, lâm, thuỷ, hải sản khác); thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hoá chất, nguyên liệu hoá dược, nhiên liệu sinh học, hàng tiêu dùng... bảo đảm chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường;

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ sinh học để sản xuất thử nghiệm sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm enzym, protein phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, hoá chất, nguyên liệu hoá dược, nhiên liệu sinh học và hàng tiêu dùng;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để sản xuất thử nghiệm một số enzym tái tổ hợp phục vụ công nghiệp chế biến;

- Nghiên cứu và sản xuất dây chuyền thiết bị đồng bộ ứng dụng enzym và protein trong công nghiệp chế biến ở quy mô vừa và nhỏ;

- Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các công nghệ enzym và protein đã được nghiên cứu, tạo ra ở trong nước hoặc nhập khẩu nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến.

2. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

- Thành lập và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học để phát triển bền vững ngành công nghệ chế biến; ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực do công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tạo ra, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu;

- Hình thành và phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học phục vụ công nghiệp chế biến, tạo lập thị trường thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm chế biến.

3. Xây dựng tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

a) Đào tạo nguồn nhân lực:

- Đào tạo ngắn hạn với thời gian từ 6 đến 12 tháng tại các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ khoa học công nghệ đã có bằng tiến sĩ, thạc sĩ;

- Gửi các nghiên cứu sinh đến các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để đào tạo mới bậc tiến sĩ và thạc sĩ theo nội dung nghiên cứu của Đề án;

- Đào tạo tại Việt Nam các kỹ sư công nghệ; đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến theo các nội dung của Đề án;

- Đào tạo kỹ thuật viên có tay nghề cao về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tại các doanh nghiệp, địa phương;

- Bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

- Đến năm 2015 việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cần đạt: đào tạo ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn là 20 - 30 cán bộ; đào tạo mới 30 - 40 tiến sĩ, 50 - 60 thạc sĩ, 200 - 250 kỹ sư thực hành và 400 - 500 kỹ thuật viên.

b) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hiện đại hoá máy móc, thiết bị:

- Đầu tư chiều sâu để nâng cấp và hiện đại hoá các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; bổ sung và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho các phòng thí nghiệm thuộc hệ thống trên nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất;

- Bổ sung, đầu tư mới phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ vi sinh đặt tại Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công nghiệp và phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ enzym và protein dành cho các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào);

- Xây dựng website, nối mạng và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến để cung cấp và chia sẻ kịp thời, đầy đủ các thông tin cơ bản nhất, mới nhất về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cho các đơn vị và cá nhân có liên quan.

4. Hợp tác quốc tế để phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

- Chủ động tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các công nghệ sinh học mới, hiện đại của thế giới để ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến ở Việt Nam;

- Thực hiện khoảng 30 đề tài, dự án hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân nhà khoa học công nghệ nước ngoài để phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ở nước ta.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH:

1. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

- Đẩy mạnh việc thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D) để tạo ra các công nghệ mới, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm (dự án P), các dự án hợp tác quốc tế, dự án sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

- Khuyến khích việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và nhập khẩu các công nghệ sinh học mới, tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ nước ngoài nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

- Tạo lập thị trường thuận lợi cho phát triển công nghệ sinh học, thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và khuyến khích họ đầu tư để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Nhà nước có những chính sách ưu đãi về vốn tín dụng, thuế, quyền sử dụng đất... cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

2. Tăng cường đầu tư và đa dạng hoá các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

a) Tổng kinh phí để thực hiện Đề án sẽ được xác định trên cơ sở kinh phí của từng đề tài, dự án, nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm, Nhà nước bố trí tăng dần mức vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện các nội dung của Đề án; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư khác từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, vốn kinh tế đối ngoại (ODA, FDI,...) và các nguồn vốn hợp tác quốc tế có liên quan để phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

b) Tổng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Đề án trong giai đoạn đến 2015 dự kiến khoảng 500 tỷ đồng (mỗi năm trung bình khoảng 50 tỷ đồng). Vốn ngân sách nhà nước chi cho việc các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D); nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm sản phẩm (dự án P: được hưởng mức thu hồi là 60% tổng kinh phí của dự án); hỗ trợ chuyển giao công nghệ để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm, hàng hoá chủ lực (dự án kỹ thuật - kinh tế); đầu tư chiều sâu để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống các phòng thí nghiệm và hiện đại hóa máy móc, thiết bị; chi đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế và một số nội dung khác có liên quan thuộc Đề án.

Bộ Công nghiệp lập kế hoạch vốn ngân sách nhà nước dài hạn và từng năm để thực hiện các nội dung của Đề án, gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để các Bộ này tổng hợp, trình Chính phủ phê duyệt.

c) Vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu do các doanh nghiệp đảm nhiệm.

3. Tăng cường tiềm lực cho công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá thiết bị, máy móc cho hệ thống các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến;

- Quy hoạch các cơ sở trong ngành công nghiệp chế biến theo hướng phát triển bền vững, khép kín từ khâu nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tổ chức sản xuất, chế biến đến việc kinh doanh, dịch vụ và thương mại sản phẩm;

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng ở các trình độ: tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư công nghệ và kỹ thuật viên, đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực để quản lý và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án, đồng thời phục vụ tốt sự phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến tại Việt Nam.

4. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

- Đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà công nghệ, doanh nhân và các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến được hưởng những chính sách ưu đãi với trần cao nhất về vốn vay, tín dụng, mức thuế đóng vào ngân sách nhà nước, quyền sử dụng đất đai, chính sách kích cầu và các chính sách khác có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật;

- Thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với chủng vi sinh vật, quy trình công nghệ, máy móc, thiết bị, phát minh, sáng chế... về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

5. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến

Tăng cường hợp tác song phương, mở rộng hợp tác đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển, với các tổ chức, cá nhân nước ngoài giàu tiềm lực để học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí lực, tài lực, vật lực và thu hút đầu tư nhằm phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ở nước ta.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thành lập Ban Điều hành "Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến" (sau đây gọi tắt là Ban Điều hành Đề án) do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp phụ trách lĩnh vực làm Phó trưởng ban, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ làm ủy viên thư ký. Các thành viên khác của Ban Điều hành là đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Công nghiệp và đại diện cấp vụ (sở) của một số Bộ, ngành và địa phương có liên quan (Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thuỷ sản, Y tế; các Ủy ban nhân dân: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Ban Điều hành Đề án làm việc theo Quy chế hoạt động do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Trưởng Ban Điều hành Đề án ban hành.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt hoặc quyết định hỗ trợ đầu tư cho các đề tài, dự án, nhiệm vụ của Đề án trên cơ sở đề nghị của Ban Điều hành Đề án và ý kiến đánh giá, thẩm định của Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ. Việc tuyển chọn, tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả của các đề tài, dự án, nhiệm vụ phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí đủ vốn trong kế hoạch dài hạn và từng năm cho Bộ Công nghiệp để tổ chức thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các nội dung của Đề án.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc xây dựng và tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho hệ thống các cơ sở nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

4. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản và Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ mình về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính để bố trí vốn và đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cho Đề án.

6. Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung của Đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mình tiến hành đăng ký với Bộ Công nghiệp và Ban Điều hành Đề án để được xem xét.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ khi đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng