Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo

 Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ

 _______________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015 theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình bố trí dân cư).

Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng

Chính sách này áp dụng cho việc thực hiện bố trí, ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015.

2. Đối tượng áp dụng

Hộ gia đình được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy, sóng thần;

b) Hộ gia đình sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lũ, lốc xoáy, sóng thần;

c) Hộ gia đình sống ở vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, nước để sản xuất; thiếu nước sinh hoạt; thiếu cơ sở hạ tầng; hộ thuộc diện nghèo sống du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, sống ở vùng bị ô nhiễm môi trường;

d) Hộ gia đình tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế quốc phòng, hải đảo;

đ) Hộ gia đình đang sinh sống hợp pháp ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng cần phải di chuyển ra khỏi các khu rừng để bố trí lại dân cư nhằm tạo điều kiện cho các hộ ổn định cuộc sống và phát triển bền vững;

e) Hộ gia đình đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước hoặc đang ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng nhưng không theo quy hoạch bố trí dân cư, đời sống còn khó khăn cần phải bố trí, ổn định vào vùng quy hoạch.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chính sách

1. Hộ gia đình đến vùng dự án được Nhà nước hỗ trợ về di chuyển (nếu có), nhà ở, lương thực và các hỗ trợ khác; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển dịch vụ sản xuất tạo điều kiện ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, kết hợp với ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

3. Chỉ hỗ trợ đầu tư các dự án đã đảm bảo các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành.

Điều 4. Chính sách đất đai

Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, các địa phương có biện pháp thu hồi diện tích đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả của các tổ chức, các nông, lâm trường hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao cho hộ gia đình, cá nhân thuộc các dự án bố trí dân cư.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ

1. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình:

Đối với các hộ thuộc đối tượng qui định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này được hỗ trợ ở nơi đi về di chuyển người, hành lý; hỗ trợ ở nơi đến về khai hoang, công cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu đến vùng quy hoạch bố trí dân cư, tối đa không quá 12 tháng), nước sinh hoạt (nơi không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung), mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Khi hoang đất sản xuất, trong đó hỗ trợ khai hoang xây dựng đồng ruộng 7 triệu đồng/ha; khai hoang tạo nương cố định 4 triệu đồng/ha;

b) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/hộ; trong đó, nếu di chuyển khác huyện hoặc ngoài tỉnh thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ;

c) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ như sau:

- Hộ gia đình di chuyển trong nội vùng dự án là 10 triệu đồng/hộ;

- Hộ gia đình di chuyển trong nội tỉnh đến vùng dự án là 12 triệu đồng/hộ; trong đó, nếu di chuyển khác huyện thì hỗ trợ ở nơi đi 2 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 10 triệu đồng/hộ;

- Hộ gia đình di chuyển ra ngoài tỉnh đến vùng dự án 15 triệu đồng/hộ; trong đó, hỗ trợ ở nơi đi 3 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 12 triệu đồng/hộ.

d) Hộ gia đình được bố trí, ổn định ở các xã biên giới đất liền Việt – Trung mức hỗ trợ như sau:

- Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản giáp biên giới là 30 triệu đồng/hộ; nếu di chuyển từ huyện khác đến thôn, bản giáp biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 5 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nới đến 25 triệu đồng/hộ;

- Hộ gia đình di chuyển đến thôn, bản khác (không giáp biên giới), trong xã biên giới nhưng cùng huyện là 20 triệu đồng/hộ; nếu di chuyển từ huyện khác đến thôn, bản khác (không giáp biên giới), huyện xã biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ;

đ) Hộ gia đình được bố trí, ổn định ở các xã biên giới đất liền Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, mức hỗ trợ áp dụng theo Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ là 20 triệu đồng/hộ; trường hợp nếu di chuyển khác huyện đến xã biên giới thì hỗ trợ ở nơi đi 4 triệu đồng/hộ và hỗ trợ ở nơi đến 16 triệu đồng/hộ.

e) Hộ gia đình di chuyển ra hải đảo, mức hỗ trợ như sau:

- Đối với đảo cách đất liền dưới 50 hải lý là 80 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ ở nơi đi 8 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 72 triệu đồng/hộ;

- Đối với đảo cách đất liền từ 50 hải lý trở lên là 132 triệu đồng/hộ, trong đó hỗ trợ ở nơi đi 12 triệu đồng/hộ, hỗ trợ ở nơi đến 120 triệu đồng/hộ;

- Đối với đảo có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, phương tiện vận chuyển khó khăn, mức hỗ trợ căn cứ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có đảo, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, quy định cụ thể kinh phí để mua lương thực thời gian đầu đến đảo, xây dựng nhà ở và công trình cấp nước sinh hoạt.

g) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 Quyết định này, mức hỗ trợ, bồi thường và tái định cư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các quy định khác có liên quan.

h) Hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 2 Quyết định này, tự nguyện chấp hành chuyển đến vùng quy hoạch dân cư theo sắp xếp của chính quyền các cấp ở địa phương nơi đến thì được xem xét giao đất ở, đất sản xuất theo mức và điều kiện giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định. Mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc đối tượng này không quá 3 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định phù hợp với hình thức, cự ly và địa bàn di chuyển.

Trường hợp là hộ dân tộc thiểu số, đời sống quá khó khăn thì được xem xét hỗ trợ thêm kinh phí để mua lương thực trong thời gian đầu đến vùng dự án bố trí dân cư, giống cây lương thực, phân bón cho vụ đầu, giải quyết nước sinh hoạt. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến quy định nhưng không quá 5 triệu đồng/hộ;

i) Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, hộ di chuyển đến vùng trũng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng/hộ, để mua 01 chiếc xuồng làm phương tiện đi lại (tên xã thuộc vùng trũng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định); hộ di dân từ vùng đồng bằng, trung du, miền núi lên vùng cao được hỗ trợ thêm tiền di chuyển 0,7 triệu đồng/hộ (tên xã thuộc vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc).

2. Chính sách hỗ trợ cộng đồng:

a) Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, bao gồm các hạng mục: bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có); san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất (đối với khai hoang tập trung); đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); thủy lợi nhỏ; phòng học bậc phổ thông cơ sở, nhà mẫu giáo, nhà trẻ; trạm y tế; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và một số công trình thiết yếu khác.

Chủ đầu tư dự án bố trí dân cư căn cứ vào hiện trạng cơ sở hạ tầng của cộng đồng dân cư vùng dự án và địa bàn xây dựng điểm tái định cư để lựa chọn quyết định đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Chỉ đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình chưa có nhưng có nhu cầu hoặc nâng cấp, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không nhất thiết phải xây dựng đủ các hạng mục công trình nêu trên;

b) Đối với xã nhận dân đến ở xen ghép theo chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thuộc đối tượng qui định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này thì được hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ để thực hiện các việc: điều chỉnh đất ở, đất sản xuất để giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo qui định khi thu hồi đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất); xây dựng mới hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu như: lớp học, trạm xá, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình cấp nước công cộng. Các hạng mục công trình được lựa chọn để nâng cấp hoặc đầu tư mới do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với thực tế của địa phương trên cơ sở có sự tham gia của cộng đồng dân cư sở tại.

Điều 6. Một số chính sách khác

1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động thuộc hộ gia đình được bố trí, sắp xếp đến vùng dự án bố trí dân cư nhưng không đảm bảo quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống, mức hỗ trợ cụ thể áp dụng theo khoản 3 Điều 1 Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Những hộ nghèo di chuyển đến vùng quy hoạch bố trí dân cư được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất theo quy định hiện hành.

2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc lòng ghép chính sách thuộc các chương trình, dự án khác trên địa bàn với dự án thuộc Chương trình bố trí dân cư.

Điều 7. Tổng mức hỗ trợ đầu tư và nguồn vốn thực hiện.

1. Khai toán tổng mức hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2006 – 2015 là 9.250 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2006 - 2010 là 4.500 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách trung ương: 3.800 tỷ đồng (chia ra: vốn sự nghiệp kinh tế 1.100 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 2.700 tỷ đồng).

- Vốn ngân sách địa phương: 700 tỷ đồng

2. Nguồn vốn thực hiện:

a) Ngân sách trung ương: bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện các dự án bố trí dân cư theo chính sách quy định tại Quyết định này.

b) Ngân sách địa phương: cân đối, bố trí không dưới 20% so với số vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, đồng thời huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chính sách của Chương trình bố trí dân cư.

Riêng các tỉnh hàng năm phải nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương, được ngân sách trung ương hỗ trợ 100% để thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương:

a) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình bố trí dân cư):

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí dân cư hàng năm, 5 năm để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở bố trí vốn cho Chương trình bố trí dân cư;

- Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bố trí dân cư theo kế hoạch hàng năm để thực hiện mục tiêu của Chương trình bố trí dân cư;

- Xây dựng dự toán kinh phí chỉ đạo và kinh phí đào tạo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình bố trí dân cư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách thực hiện bố trí dân cư khi cần thiết;

- Chủ trì, thống nhất với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính điều chỉnh mức hỗ trợ quy định tại Quyết định này khi hệ số trượt giá trong nước tăng từ 30% - 50%; trường hợp hệ số trượt giá vượt quá tỉ lệ nêu trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình bố trí dân cư của các địa phương đảm bảo đúng mục tiêu, đúng chế độ, chính sách hiện hành.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí đủ vốn cho Chương trình bố trí dân cư để thực hiện kế hoạch hàng năm và 5 năm;

- Thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về phân bổ vốn cho các ngành, địa phương và ghi thành danh mục riêng trong kế hoạch hàng năm để thực hiện;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc bố trí kế hoạch chỉ tiêu và bố trí vốn của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo kế hoạch đã được giao hàng năm.

c) Bộ Tài chính:

- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bố trí vốn cho Chương trình bố trí dân cư theo kế hoạch hàng năm;

- Thực hiện cấp phát, hướng dẫn và giám sát chi tiêu tài chính của Chương trình bố trí dân cư;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư;

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc bố trí, giải ngân nguồn vốn của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo kế hoạch đã được giao hàng năm.

d) Các Bộ: Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và xã hội, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du dịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình bố trí dân cư.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Xây dựng kế hoạch và dự án vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hàng năm và 5 năm cho Chương trình bố trí dân cư của tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Quyết định này để hỗ trợ đầu tư cho các dự án thuộc phạm vi Chương trình bố trí dân cư;

- Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để đầu tư tập trung, có trọng điểm các dự án thuộc Chương trình bố trí dân cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Kiểm tra, giám sát việc quản lý và thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, chế độ, chính sách của Chương trình bố trí dân cư và các quy định hiện hành có liên quan.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 190/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đi dân thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003 – 2010, thay thế điểm a và d khoản 3 Điều 1 Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010 và thay thế điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế- xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia đến năm 2010.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng