• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2006
UỶ BAN DÂN TỘC-BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Số: 984/2006/TTLT/UBDT-VHTT-GDĐT-BCVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2006

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Của Ủy ban dân tộc, Bộ văn hóa - Thông tin,

Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Bưu chính viễn thông hướng dẫn thực hiện

quyết định 975/QĐ-TTG, ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ

_________________________

 

Căn cứ Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Liên Bộ: Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Bưu chính Viễn thông hướng dẫn thực hiện cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi và đối tượng thực hiện Thông tư này là các cơ quan, đơn vị, được quy định tại Điều 2, Điều 3, Quyết định 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nguyên tắc xuất bản, phát hành và sử dụng báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn:

- Các loại báo, tạp chí xuất bản phải có nội dung phù hợp với từng đối tượng quy định tại Quyết định số 975/QĐ-TTg;

- Các báo, tạp chí phải được phát hành đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ và đảm bảo thời gian quy định;

- Các đơn vị, cá nhân được nhận báo, tạp chí phải tổ chức quản lý, sử dụng các ấn phẩm có hiệu quả và định kỳ có ý kiến đóng góp để các đơn vị tham gia thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Sử dụng và quản lý nguồn kinh phí xuất bản, phát hành các loại báo, tạp chí theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính của Bộ Tài chính.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Số kỳ phát hành của từng loại báo, tạp chí, chuyên đề:

1.1. Chuyên đề “Nhi đồng măng non” của Báo Nhi đồng:

Phát hành 24 kỳ/năm (2 kỳ/tháng)

1.2. Chuyên đề “Thiếu nhi Dân tộc” của Báo Thiếu niên Tiền phong:

Phát hành 24 kỳ/năm (2 kỳ/tháng)

1.3. Bản tin ảnh “Dân tộc thiểu số và miền núi” (TTXVN):

Phát hành 12 kỳ/năm (1 kỳ/tháng)

1.4. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” (TTXVN):

Phát hành 12 kỳ/năm (1 kỳ/tháng).

1.5. Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của 8 báo:

Nông nghiệp Việt Nam, Kinh tế VAC (Báo Kinh tế Nông thôn), Khoa học và Đời sống, Sức khỏe và Đời sống, Đại đoàn kết, Thương mại, Tạp chí Thanh niên và chuyên đề “Xóa đói giảm nghèo” (báo Lao động và Xã hội):

Phát hành 24 kỳ/năm (2 kỳ/tháng).

1.6. Báo Nông thôn Ngày nay:

Phát hành 260 kỳ/năm (5 số/tuần).

1.7. Báo Dân tộc và Phát triển (Ủy ban Dân tộc), Báo Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin):

Phát hành 104 kỳ/năm (02 kỳ/tuần).

1.8. Báo Biên phòng (báo tuần): Phát hành 52 số/năm (01 số/tuần); Báo An ninh Biên giới (báo tháng) của Báo Biên phòng: Phát hành 12 số/năm (1 kỳ/tháng).

1.9. Tạp chí Dân tộc (Ủy ban Dân tộc), Tạp chí Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam):

Phát hành 12 kỳ/năm (01 kỳ/tháng).

Số lượng bản báo, tạp chí, chuyên đề phát hành trong một kỳ được tính trên cơ sở số lượng thực tế đã phát hành đến các đối tượng thụ hưởng và số bản nộp lưu chiểu theo quy định.

2. Đối tượng nhận báo, tạp chí và số lượng cấp:

(Theo phụ lục đính kèm)

3. Quy định về phát hành và quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn:

3.1. Phát hành:

a. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (có quyết định giao cho đơn vị chức năng) chịu trách nhiệm phát hành các loại báo, tạp chí, chuyên đề cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 975/QĐ-TTg đến các đối tượng thụ hưởng.

b. Các ấn phẩm phải được phát hành kịp thời đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng và đảm bảo giao đủ số lượng, đúng chủng loại báo, tạp chí được cấp, đồng thời có sự ký nhận của các đơn vị tham gia phát hành.

3.2. Quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo chí:

a. Các ấn phẩm cấp cho thôn bản, Chi hội nông dân thôn bản và Ban công tác Mặt trận thôn bản:

Trưởng thôn bản có trách nhiệm quản lý, tuyên truyền phổ biến nội dung các ấn phẩm được cấp cho đồng bào trong thôn bản thông qua các hình thức phù hợp như: Đọc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng; đọc qua loa truyền thanh (ở những nơi có loa truyền thanh thôn bản) đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào và hội viên đến đọc.

Các ấn phẩm cần được lưu giữ, quản lý tại Nhà văn hóa hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng. Nơi nào không có thì lưu giữ tại nhà Trưởng thôn bản. Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo và ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng các ấn phẩm cấp cho thôn bản sao cho hiệu quả.

b. Các ấn phẩm cấp cho xã:

Các ấn phẩm cấp cho xã, cán bộ xã có trách nhiệm đọc nắm thông tin và tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong xã dưới nhiều hình thức, phương tiện khác nhau phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế ở địa phương như phát trong các chương trình truyền thanh hoặc đọc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.... nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất.

Đối với xã có Nhà văn hóa, phòng đọc hoặc Điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện xã... phải lưu giữ tập trung. Ủy ban nhân dân xã ban hành quy định quản lý để tạo điều kiện cho cán bộ, đồng bào đến đọc báo.

Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và uốn nắn kịp thời việc quản lý, sử dụng các ấn phẩm cấp cho thôn bản, đồng thời đánh giá về chất lượng, nội dung, hình thức, hiệu quả của từng ấn phẩm, phản ánh nguyện vọng của người đọc và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

c. Các ấn phẩm cấp cho cấp huyện, tỉnh:

Cá nhân, đơn vị được cấp báo có trách nhiệm quản lý, sử dụng để nắm thông tin phục vụ cho công tác tham mưu; chỉ đạo và tuyên truyền nhằm tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có hiệu quả ở địa phương, đồng thời đây cũng là tài liệu làm căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng, nội dung, hình thức các ấn phẩm.

d. Các ấn phẩm cấp cho trường học:

- Các ấn phẩm cấp cho trường, lớp, có thể đưa về các lớp hoặc để tập trung ở thư viện. Nhà trường có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất để tất cả học sinh đều được đọc, được xem. Ngoài hình thức học sinh tự đọc, các ấn phẩm cần được phổ biển chung trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội để nhiều học sinh được nghe.

- Các ấn phẩm cấp cho Ban chấp hành Đoàn trường nội trú do Đoàn trường quản lý, đồng thời dùng làm tài liệu trong sinh hoạt Đoàn.

- Trong thời gian nghỉ hè, các ấn phẩm trên cần được lưu giữ, bảo quản tập trung ở thư viện trường.

e. Các ấn phẩm cấp cho Đồn, Đội công tác biên phòng, Đội công tác 123 (Bộ Quốc phòng):

Các ấn phẩm được cấp cần được quản lý tập trung ở thư viện, phòng đọc (đối với Đồn) và đội công tác biên phòng, Đội công tác 123 để tất cả cán bộ, chiến sỹ đều được đọc, được xem để tiếp nhận thông tin giúp cho công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả.

f. Các ấn phẩm cấp cho Hội nông dân xã, Ban chấp hành Đoàn xã, Đoàn trường dân tộc nội trú:

Quản lý tập trung tại các tổ chức Đoàn thể, đồng thời dùng làm tài liệu để tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt tập trung. Các tổ chức Đoàn thể có trách nhiệm ban hành quy định quản lý, khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả nhất.

4. Quy định quản lý, sử dụng kinh phí xuất bản, phát hành một số loại báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn:

Thực hiện theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ

III. TRÁCH NHIỆM, CƠ CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, CÁC ĐỊA PHƯƠNG THAM GIA THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 975/QĐ-TTG:

1. Ủy ban Dân tộc:

1.1. Là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển công tác báo chí phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

1.2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh được cấp báo, tạp chí tổ chức đoàn công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả việc xuất bản, phát hành, quản lý và sử dụng các ấn phẩm đảm bảo tiến độ thời gian, đúng địa chỉ và đối tượng phục vụ.

Hàng năm, trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ của từng báo, tạp chí và nhu cầu thông tin của đồng bào báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các loại báo, tạp chí, đối tượng và phạm vi phục vụ cho phù hợp với yêu cầu thực tế và công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Những tờ báo, tạp chí nào có chất lượng, nội dung tốt thì khuyến khích phát triển; những tờ báo, tạp chí nào chất lượng, nội dung kém, nếu không có đề án đổi mới về nội dung và hình thức thì chấm dứt hợp đồng.

1.3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thống nhất cung cấp danh sách, địa chỉ các đối tượng được thụ hưởng, đồng thời cung cấp chuyển danh sách, địa chỉ các đối tượng được thụ hưởng cho đơn vị phát hành.

1.4. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên về công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, về văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; Mỗi Quý một lần, tổ chức giao ban báo chí với các cơ quan báo chí phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

1.5. Hàng năm, chủ trì ký hợp đồng đặt hàng với các báo, tạp chí, đơn vị phát hành để chuyển Bộ Tài chính cấp kinh phí trực tiếp cho các báo, tạp chí, đảm bảo cấp phát đủ số lượng, đúng đối tượng, đúng địa chỉ cho các báo, tạp chí kịp thời đến các đối tượng; thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng và kiểm tra, quyết toán kinh phí xuất bản, phát hành báo, tạp chí, của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp vào quyết toán chung của Ủy ban Dân tộc theo quy định hiện hành.

1.6. Định kỳ hàng năm, 5 năm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan báo chí phát hành và các địa phương xây dựng kế hoạch xuất bản, phát hành báo, tạp chí, đồng thời tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tổng hợp xây dựng báo cáo đánh giá, kiến nghị chung trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin:

2.1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan thống nhất quy định nội dung, hình thức các ấn phẩm báo chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo yêu cầu chung: Khuôn khổ tiện dụng, trình bày đẹp, ảnh nét, in trên giấy trắng; nội dung các tin, bài, ảnh sát thực tế, viết ngắn gọn, dễ hiểu, không trùng lặp, không viết tắt, thông tin chính xác và phù hợp đặc điểm, trình độ của cán bộ, nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2.2. Cấp giấy phép, kiểm tra, giám sát hoạt động báo chí của các báo, tạp chí và quy định cụ thể tôn chỉ mục đích cho từng loại báo, tạp chí.

2.3. Phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển công tác báo chí phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá nội dung, hình thức, chất lượng hiệu quả tuyên truyền của các loại báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

2.4. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo đánh giá về chất lượng các tin bài, nội dung, hình thức, hiệu quả tuyên truyền của các ấn phẩm báo chí và việc chấp hành các quy định hoạt động báo chí của các tòa soạn báo gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp, xây dựng báo cáo đánh giá chung gửi Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Tài chính:

3.1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xác định chi phí xuất bản và phát hành của các báo, tạp chí, đơn vị phát hành; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng và quản lý kinh phí cấp báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

3.2. Hàng năm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện việc cấp báo, tạp chí cho các đối tượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

4.1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất danh sách, địa chỉ các trường, lớp trung học cơ sở, tiểu học, các trường dân tộc nội trú miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tổng hợp gửi Ủy ban Dân tộc, đơn vị phát hành làm cơ sở cấp phát báo cho các đối tượng thụ hưởng.

4.2. Hàng năm, định kỳ theo năm học mới chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức rà soát việc tăng, giảm số lượng các trường, lớp trung học cơ sở, tiểu học, các trường dân tộc nội trú vùng dân tộc và miền núi, biên giới, hải đảo tổng hợp gửi Ủy ban Dân tộc (trước ngày 10 tháng 9) để điều chỉnh, bổ sung báo, tạp chí phát hành cho phù hợp, đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng và tiến độ thời gian.

5. Bộ Bưu chính Viễn thông:

5.1. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị chức năng việc chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng dịch vụ phát hành đối với các loại báo, tạp chí quy định tại Điều 2, Quyết định số 975/QĐ-TTg.

5.2. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách phát hành báo chí phục vụ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

5.3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm phối hợp với Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ về công tác phát hành các loại báo, tạp chí cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Cơ quan chủ quản của các báo, tạp chí:

6.1. Chỉ đạo các đơn vị chức năng đôn đốc, kiểm tra, giám sát cơ quan báo chí thuộc ngành quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích giấy phép hoạt động do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp, đảm bảo yêu cầu thông tin phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

6.2. Phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa - Thông tin và các Bộ, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

7. Các cơ quan báo, tạp chí và đơn vị phát hành:

7.1. Các cơ quan báo, tạp chí:

a. Thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

b. Tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp cho từng báo, tạp chí.

c. Hàng năm, định kỳ mỗi quý một lần tự tổ chức kiểm tra đánh giá hiệu quả tuyên truyền của báo thông qua ý kiến người đọc, qua đó điều chỉnh nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của báo cho phù hợp với đặc điểm và trình độ dân trí từng vùng, từng dân tộc.

d. Định kỳ theo kỳ xuất bản, các báo, tạp chí thực hiện việc nộp lưu chiểu theo quy định, đồng thời gửi các Bộ, ngành liên quan để theo dõi, kiểm tra, quản lý các ấn phẩm. Đối với Ủy ban Dân tộc gửi thêm file chế bản toàn bộ nội dung số báo, tạp chí đó qua đường thư điện tử (theo địa chỉ E-mail: (vutuyentruyen@cema.gov.vn) để đưa lên Trang thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc (http://www.cem.gov.vn) qua đó tạo thêm một kênh thông tin, tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân, các cơ quan, đơn vị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, và quảng bá tới nhiều đối tượng khác nhau tìm hiểu, góp ý, trao đổi, phản ánh về các ấn phẩm báo chí do Đảng, Nhà nước cấp (không thu tiền) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

e. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác xuất bản: đánh giá nội dung, hình thức và chất lượng các tin bài cùng những khó khăn, vướng mắc, bất cập, kiến nghị gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa - Thông tin và các Bộ, ngành liên quan cùng thống nhất giải quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

f. Các báo, tạp chí khi có nhu cầu tăng trang hoặc gộp số (trong dịp kỷ niệm thành lập ngành hoặc ngày lễ, tết,...) phải có công văn đề nghị Cơ quan chủ quản báo, tạp chí và Bộ Văn hóa - Thông tin, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính xem xét nhất trí mới được thực hiện.

7.2. Đơn vị phát hành:

a. Tiếp nhận và tổ chức phát hành kịp thời các báo, tạp chí tới các đối tượng được quy định tại Điều 2, Quyết định số 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

b. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đơn vị phát hành ở địa phương phát hành kịp thời các loại báo, tạp chí tới đúng địa chỉ và đối tượng được thụ hưởng.

c. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả thực hiện công tác phát hành báo chí cùng những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hành phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Bưu chính Viễn thông và các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết.

d. Đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về mức cước phí phát hành các loại báo, tạp chí theo Quyết định 975/QĐ-TTg.

7.3. Hàng năm, các báo, tạp chí và đơn vị phát hành ký hợp đồng trách nhiệm với Ủy ban Dân tộc; tổ chức xuất bản và chuyển số lượng báo, tạp chí theo Hợp đồng cho đơn vị phát hành để phát hành tới đối tượng thụ hưởng.

Sau khi kết thúc hợp đồng 12 tháng, các báo, tạp chí, đơn vị phát hành có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và các thủ tục liên quan để cùng các đơn vị chức năng tiến hành thẩm tra quyết toán và thanh lý hợp đồng theo đúng các quy định hiện hành.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh:

8.1. Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chính sách cấp (không thu tiền) báo, tạp chí cho vùng dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.

8.2. Giao cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc của tỉnh (gọi chung là Ban dân tộc tỉnh) làm cơ quan thường trực:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện tham mưu, đề xuất giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện có hiệu quả Quyết định 975/QĐ-TTg;

- Định kỳ hàng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nội dung, hình thức báo tạp chí, việc quản lý, khai thác, sử dụng các báo, tạp chí;

- Rà soát, tổng hợp danh sách, địa chỉ các đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký gửi Ủy ban Dân tộc làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung cấp phát báo.

8.3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tổng hợp báo cáo về kết quả và khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg và nhu cầu thông tin báo chí của đồng bào dân tộc thiểu số, của các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các văn bản trước đây trái với Hướng dẫn Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập đề nghị phản ánh về Liên bộ để kịp thời hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp

 

KT. CHỦ NHIỆM Uỷ ban Dân tộc
Phó Chủ nhiệm

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hoá - Thông tin
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hà Hùng

Đỗ Quý Doãn

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Bưu chính, Viễn thông
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thành Hưng

Nguyễn Văn Vọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.