• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2017
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 53/2011/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về an toàn hoạt động bay

______________

 

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về an toàn hoạt động bay như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về việc quản lý an toàn hoạt động bay, các biện pháp ngăn ngừa và tăng cường an toàn, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quản lý an toàn hoạt động bay tại Việt Nam.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động bay tại Việt Nam.

Điều 2. Quy ước viết tắt

Trong Thông tư này, các chữ viết tắt dưới đây được hiểu như sau:

1. ANS (Air Navigation Services): Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

2. HKDD: Hàng không dân dụng;

3. ICAO (International Civil Aviation Organization): Tổ chức HKDD quốc tế;

4. SMS (Safety Management System): Hệ thống quản lý an toàn.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “An toàn” là trạng thái mà khả năng gây hại cho người hoặc hủy hoại tài sản được giảm thiểu và duy trì tại hoặc dưới mức độ chấp nhận được thông qua quá trình liên tục nhận dạng mối nguy hiểm và quản lý rủi ro;

2. “Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANS)” là dịch vụ cần thiết để đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu; dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn;

3. “Hệ thống quản lý an toàn (SMS) của doanh nghiệp cung cấp ANS” là phương pháp tiếp cận một cách có hệ thống về quản lý an toàn, bao gồm các chính sách và mục tiêu, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm, các phương thức thực hiện đảm bảo an toàn cho hoạt động bay trong phạm vi doanh nghiệp;

4. “Mối nguy hiểm” là điều kiện, vật thể hoặc hoạt động có khả năng gây ra thương vong cho người, hư hại thiết bị hoặc cấu trúc, mất mát vật chất hoặc giảm khả năng thực hiện chức năng quy định;

5. “Mức an toàn chấp nhận được” là mức độ an toàn tối thiểu phải được bảo đảm bởi một hệ thống trong hoạt động thực tế;

6. “Mục tiêu an toàn” được xác định bằng việc xem xét mức độ thực hiện an toàn mong muốn và thực tế đối với doanh nghiệp cung cấp ANS phù hợp với hệ thống quản lý an toàn của doanh nghiệp;

7. “Rủi ro an toàn” là khả năng có thể xảy ra hậu quả của một mối nguy hiểm được dự đoán trước cho tình huống xấu nhất;

8. “Yêu cầu về an toàn” là yêu cầu cần phải đạt được chỉ số thực hiện an toàn và mục tiêu thực hiện an toàn, bao gồm phương thức khai thác; công nghệ, hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Chương II

QUẢN LÝ AN TOÀN HOẠT ĐỘNG BAY

Điều 4. Các nội dung quản lý an toàn hoạt động bay

1. Xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy định, hướng dẫn về an toàn hoạt động bay.

2. Thiết lập hệ thống quản lý an toàn hoạt động bay bao gồm hệ thống giám sát viên an toàn hoạt động bay của Cục Hàng không Việt Nam và SMS của doanh nghiệp cung cấp ANS.

3. Thiết lập hệ thống báo cáo an toàn hoạt động bay.

4. Kiểm tra, giám sát việc cung cấp ANS và thực hiện chuyến bay.

5. Quản lý các rủi ro bằng việc xác định, đánh giá các mối nguy hiểm, rủi ro gây mất an toàn; đề xuất và tổ chức thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro và phòng ngừa các mối nguy hiểm.

6. Kiểm tra, đánh giá về SMS của các doanh nghiệp cung cấp ANS; giám sát an toàn; thu thập, phân tích và trao đổi dữ liệu an toàn.

7. Điều tra, phân tích và đánh giá sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay và điều kiện không đảm bảo an toàn.

8. Tăng cường các biện pháp an toàn bằng việc bố trí hợp lý nguồn lực cho các hoạt động về an toàn; tăng cường huấn luyện, trao đổi thông tin về an toàn.

9. Xây dựng văn hóa an toàn và công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn.

Điều 5. Quy trình quản lý an toàn hoạt động bay

1. Thu thập dữ liệu.

2. Phân tích dữ liệu.

3. Ưu tiên xử lý các điều kiện không an toàn.

4. Xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, chiến lược về an toàn.

5. Phân định trách nhiệm thực hiện của Cục Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp ANS.

6. Đánh giá và đánh giá lại tình huống, sự cố.

7. Thu thập bổ sung dữ liệu.

Điều 6. SMS của doanh nghiệp cung cấp ANS

1. Doanh nghiệp cung cấp ANS thiết lập và duy trì thực hiện SMS dưới sự hướng dẫn, giám sát của Cục Hàng không Việt Nam phù hợp với Thông tư này và các quy định hướng dẫn của ICAO.

2. Các thành phần của hệ thống này bao gồm:

a) Chính sách và mục tiêu gồm trách nhiệm và cam kết quản lý; giải trình về an toàn; chỉ định cán bộ, nhân viên chủ chốt về an toàn; phối hợp thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn nguy, tài liệu SMS;

b) Quản lý rủi ro an toàn gồm nhận dạng các mối nguy hiểm, đánh giá và giảm thiểu rủi ro;

c) Đảm bảo an toàn gồm việc báo cáo an toàn, theo dõi và xác định việc thực hiện an toàn, quản lý các thay đổi, cải thiện liên tục SMS;

d) Thúc đẩy an toàn gồm công tác huấn luyện và đào tạo, trao đổi thông tin về an toàn.

Điều 7. Tài liệu SMS

1. Tài liệu SMS bao gồm các nội dung sau:

a) Phần chung gồm quyết định ban hành, ghi nhận tu chỉnh, mục lục, lời nói đầu, giải thích thuật ngữ và ký hiệu chữ viết tắt;

b) Phạm vi của SMS;

c) Chính sách và mục tiêu an toàn;

d) Trách nhiệm an toàn;

đ) Tổ chức SMS;

e) Quy trình kiểm soát tài liệu;

g) Phối hợp lập kế hoạch ứng phó khẩn nguy;

h) Các sơ đồ nhận dạng mối nguy hiểm và quản lý rủi ro;

i) Đảm bảo an toàn;

k) Theo dõi thực hiện an toàn;

l) Kiểm tra giám sát an toàn;

m) Quản lý các thay đổi;

n) Thúc đẩy công tác an toàn;

o) Các hoạt động liên quan.

2. Doanh nghiệp cung cấp ANS tổ chức xây dựng, trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và triển khai thực hiện tài liệu SMS.

3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, phê duyệt và kiểm tra việc thực hiện tài liệu SMS.

Điều 8. Thủ tục phê duyệt tài liệu SMS

1. Doanh nghiệp cung cấp ANS phải gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Hàng không Việt Nam.

2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt lần đầu tài liệu SMS bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt tài liệu SMS theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Dự thảo tài liệu SMS.

3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt sửa đổi, bổ sung tài liệu SMS bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt sửa đổi, bổ sung tài liệu SMS theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tài liệu sửa đổi, bổ sung tài liệu SMS;

c) Tài liệu SMS đã được phê duyệt.

4. Kể từ ngày nhận được hồ sơ trong thời hạn 30 ngày đối với phê duyệt lần đầu và 10 ngày đối với phê duyệt sửa đổi, bổ sung, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá và quyết định việc phê duyệt, phê duyệt sửa đổi, bổ sung tài liệu SMS cho doanh nghiệp cung cấp ANS.

Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra tính đầy đủ theo quy định của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản cho doanh nghiệp cung cấp ANS biết và thời gian phê duyệt được tính từ khi hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ được chấp nhận, trong thời hạn 10 ngày đối với phê duyệt lần đầu và 05 ngày đối với phê duyệt sửa đổi, bổ sung, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức họp thẩm định với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. Căn cứ vào kết quả thẩm định, Cục Hàng không Việt Nam quyết định phê duyệt lần đầu hoặc phê duyệt sửa đổi, bổ sung tài liệu SMS cho doanh nghiệp cung cấp ANS.

Trong quá trình kiểm tra và đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin hoặc tài liệu để làm rõ các vấn đề liên quan.

Điều 9. Kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động bay

1. Phạm vi kiểm tra, giám sát bao gồm việc tuân thủ các quy định của Luật HKDD Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn và phương thức; tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO đối với các cơ quan, tổ chức liên quan đến lĩnh vực hoạt động bay và việc thực hiện SMS của các doanh nghiệp cung cấp ANS.

2. Kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất do giám sát viên an toàn ANS thực hiện.

3. Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm:

a) Tổ chức, sử dụng vùng trời;

b) Cấp phép bay và thực hiện phép bay dân dụng;

c) Kế hoạch bay gồm việc lập, triển khai thực hiện và lưu trữ kế hoạch bay mùa, hàng ngày và kế hoạch bay không lưu;

d) Chuẩn bị trước chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau khi bay;

đ) Cung cấp ANS gồm tổ chức, khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ và chất lượng cung cấp dịch vụ;

e) Hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay;

g) Hệ thống văn bản tài liệu nghiệp vụ;

h) Huấn luyện nhân viên;

i) Giấy phép nhân viên: giấy phép khai thác hệ thống kỹ thuật, thiết bị; giấy phép khai thác cơ sở cung cấp ANS;

k) Hệ thống báo cáo và SMS;

l) Công tác kiểm tra, điều tra và ngăn ngừa các sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay;

m) Chướng ngại vật hàng không và các hoạt động quản lý an toàn khác có liên quan.

4. Cục Hàng không Việt Nam ban hành sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn chi tiết quy trình kiểm tra, giám sát cho giám sát viên an toàn hoạt động bay.

Điều 10. Giám sát viên an toàn hoạt động bay

1. Giám sát viên an toàn hoạt động bay là cán bộ, chuyên viên của Cục Hàng không Việt Nam và cảng vụ hàng không; được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ định; có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn hoạt động bay. Lĩnh vực kiểm tra, giám sát được ghi rõ trong Thẻ giám sát an toàn hoạt động bay, bao gồm các lĩnh vực cụ thể sau:

a) Hoạt động bay (AN);

b) Quản lý không lưu (ATM);

c) Thông tin, dẫn đường, giám sát HKDD (CNS);

d) Khí tượng hàng không (MET);

đ) Thông báo tin tức hàng không (AIS);

e) Tìm kiếm, cứu nạn HKDD (SAR);

g) Phương thức bay (PANS-OPS).

2. Giám sát viên an toàn hoạt động bay phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm như sau:

a) Có tối thiểu 5 năm đảm nhiệm một trong các vị trí công tác thuộc lĩnh vực được giao kiểm tra giám sát gồm tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; kế hoạch bay; không lưu; thông tin, dẫn đường, giám sát; khí tượng hàng không; thông báo tin tức hàng không; tìm kiếm, cứu nạn; phương thức bay, quy chế bay;

b) Được huấn luyện về các chính sách an toàn, công tác kiểm tra, giám sát, phê chuẩn trong lĩnh vực hoạt động bay; có chứng chỉ khóa đào tạo, huấn luyện về an toàn hoạt động bay tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam công nhận hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện;

c) Thành thạo tiếng Anh (đọc, hiểu, nói và nghe);

d) Có kiến thức về Luật HKDD Việt Nam, các quy định hướng dẫn về an toàn, điều tra sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay;

đ) Có năng lực và kinh nghiệm trong việc xây dựng các tài liệu, quy trình; thực hiện kiểm tra, giám sát cung cấp ANS.

3. Giám sát viên an toàn hoạt động bay có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

a) Tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động bay theo các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này;

b) Tiếp cận và kiểm tra bất kỳ hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay, cơ sở cung cấp ANS, cơ quan cấp phép bay HKDD; khu hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay; khu vực tĩnh không sân bay có hoạt động HKDD;

c) Yêu cầu bất kỳ cán bộ, nhân viên cơ sở cung cấp ANS, người lái đưa ra các tài liệu, vật chứng liên quan đến sự cố mất an toàn hàng không hoặc phục vụ cho công tác điều tra sự cố vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động bay;

d) Kiểm tra và sao chép các giấy phép, giấy chứng nhận, nhật ký kỹ thuật, tài liệu hoặc hồ sơ liên quan đến quản lý hoạt động bay, ANS theo quy định của Thông tư này.

4. Khi thực hiện quyền hạn quy định tại Khoản 3 Điều này, giám sát viên an toàn hoạt động bay có quyền kiến nghị Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xem xét đình chỉ thực hiện chuyến bay và đình chỉ hoạt động của nhân viên, hệ thống kỹ thuật, thiết bị, cơ sở cung cấp ANS có liên quan nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn khả năng uy hiếp an toàn bay.

5. Giám sát viên an toàn hoạt động bay khi thực hiện nhiệm vụ phải đeo thẻ giám sát viên và phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Cục Hàng không Việt Nam cấp thẻ giám sát viên an toàn hoạt động bay cho các giám sát viên an toàn hoạt động bay của Cục Hàng không Việt Nam. Mẫu thẻ giám sát viên an toàn hoạt động bay quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Thẻ này có thời gian hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký. Người được cấp thẻ giám sát viên an toàn hoạt động bị thu hồi thẻ trong các trường hợp sau:

a) Không còn đáp ứng các yêu cầu nêu tại Khoản 2 Điều này;

b) Không được bố trí tiếp tục làm nhiệm vụ giám sát viên an toàn hoạt động bay;

c) Vi phạm các quy định của pháp luật về việc quản lý an toàn hoạt động bay.

Chương III

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA VÀ TĂNG CƯỜNG AN TOÀN HOẠT ĐỘNG BAY

Điều 11. Các biện pháp ngăn ngừa

1. Trong trường hợp có vi phạm hoặc không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn, quy định; điều kiện cấp giấy phép nhân viên, giấy phép khai thác hệ thống thiết bị và cơ sở cung cấp ANS, phép bay, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác thuộc thẩm quyền cấp hoặc ban hành của Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

a) Yêu cầu đình chỉ thực hiện chuyến bay để ngăn ngừa việc uy hiếp an toàn bay;

b) Tạm đình chỉ, đình chỉ có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác liên quan;

c) Thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác liên quan;

d) Thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác liên quan;

đ) Tái kiểm tra để cấp lại giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản cho phép hoặc các văn bản khác liên quan.

2. Việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành hồ sơ, trong đó có các văn bản nêu rõ tính chất, mức độ của hành vi bị xử lý; quá trình khuyến cáo, khắc phục hoặc xác minh đối với hành vi vi phạm, biện pháp xử lý đã áp dụng.

3. Người bị xử lý có thể khiếu nại về quyết định áp dụng các biện pháp ngăn ngừa theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 12. Các biện pháp tăng cường an toàn hoạt động bay

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng các biện pháp tăng cường sau đây:

1. In ấn, tổ chức phổ biến các văn bản quy định hướng dẫn về an toàn hoạt động bay cho các tổ chức, cá nhân liên quan;

2. In ấn, phổ biến bằng các hình thức thích hợp về các kinh nghiệm, bài học liên quan trên thế giới và tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến hoạt động bay;

3. Tổ chức thực hiện, giám sát kết quả thực hiện các khuyến cáo an toàn của các cuộc điều tra tai nạn tàu bay, sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay;

4. Tổng kết, đánh giá và phân tích định kỳ hàng năm việc thực hiện quản lý an toàn hoạt động bay; tổ chức khắc phục các hạn chế, đề nghị liên quan nhằm hoàn thiện các công tác về quản lý an toàn và SMS;

5. Tổ chức huấn luyện, đào tạo về an toàn hoạt động bay.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ AN TOÀN HOẠT ĐỘNG BAY

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam

Cục Hàng không Việt Nam là Nhà chức trách hàng không thực hiện chức năng quản lý an toàn hoạt động bay, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung nêu tại Điều 4 Thông tư này và định kỳ 06 tháng báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Điều 14. Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp ANS

1. Tuân thủ các quy định và tài liệu hướng dẫn về an toàn hoạt động bay.

2. Xây dựng, trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt tài liệu SMS và triển khai thực hiện tài liệu sau khi được phê duyệt.

3. Thiết lập, duy trì thực hiện SMS phù hợp với Thông tư này, các quy định hướng dẫn của ICAO và điều kiện khai thác thực tế.

4. Thực hiện kiểm tra và chịu trách nhiệm về an toàn hoạt động bay trong phạm vi doanh nghiệp.

5. Báo cáo an toàn, tham gia điều tra sự cố trong lĩnh vực hoạt động bay.

6. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động bay.

Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động bay

1. Tuân thủ các quy định tại và tài liệu hướng dẫn về an toàn hoạt động bay;

2. Thu thập và thông báo Cục Hàng không Việt Nam, tổ chức có liên quan các tin tức có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay.

3. Đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam, tổ chức có liên quan các biện pháp ngăn ngừa và tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động bay.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Cục Hàng không Việt Nam:

1. Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này, cập nhật nội dung an toàn hoạt động bay mới liên quan.

2. Tổng hợp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để nghiên cứu, giải quyết kịp thời.

Điều 17. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này 02 Phụ lục sau:

a) Phụ lục 1: Mẫu đơn đề nghị phê duyệt tài liệu quản lý an toàn (SMS);

b) Phụ lục 2: Mẫu thẻ giám sát an toàn hoạt động bay.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.