THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020
_________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020;
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020 (sau đây viết tắt là Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg).
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn kinh phí hoạt động bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng; kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng; kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng.
2. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, bản, hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng đặc dụng.
Điều 2. Kinh phí hoạt động của bộ máy và kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg
1. Kinh phí hoạt động bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng
a) Nội dung chi:
- Chi quỹ lương theo số biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với Ban quản lý rừng đặc dụng do Bộ quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với Ban quản lý rừng đặc dụng do địa phương quản lý);
- Chi phục vụ hoạt động bộ máy, gồm: dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng; công tác phí; hội nghị; điện, nước; thông tin, tuyên truyền, liên lạc;
- Chi hoạt động nghiệp vụ: trang phục kiểm lâm; theo dõi thường xuyên diễn biến tài nguyên rừng; điều tra, giám sát đa dạng sinh học;
- Chi khác (nếu có).
b) Mức chi thường xuyên: theo quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng
a) Nội dung chi
- Thuê, khoán, hợp đồng bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư vùng đệm; thuê người bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh. Ban quản lý rừng đặc dụng xác định diện tích rừng cần bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên;
- Mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ quản lý bảo vệ rừng gồm: trang thiết bị dự báo, cảnh báo cháy, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng và các công trình, trang thiết bị khác phục vụ quản lý bảo vệ rừng;
- Hỗ trợ các lực lượng tham gia truy quét bảo vệ rừng; hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng;
- Hỗ trợ chi phí quản lý phát triển cộng đồng vùng đệm, gồm: chi phí đi lại hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, họp với UBND cấp xã, thôn, bản;
- Chi khác (nếu có).
b) Kinh phí đảm bảo các nội dung chi quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này do Ngân sách Nhà nước cấp trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích khu rừng đặc dụng được giao Bộ, địa phương quản lý.
Căn cứ dự toán kinh phí quản lý bảo vệ rừng đặc dụng hàng năm được giao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng Ban quản lý rừng đặc dụng trực thuộc phù hợp tiêu chí phân bổ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) cấp tỉnh quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng Ban quản lý rừng đặc dụng trực thuộc cho phù hợp tiêu chí phân bổ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành.
Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao Ban quản lý rừng đặc dụng lập phương án phân bổ kinh phí cho từng nội dung chi quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với Ban quản lý rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý); báo cáo UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền (đối với Ban quản lý rừng rừng đặc dụng địa phương quản lý) xem xét phê duyệt.
Điều 3. Kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm các khu rừng đặc dụng quy định tại Điều 8 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg
1. Cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm
a) Cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm bao gồm các cộng đồng dân cư thôn, bản cư trú hợp pháp trong khu vực có ranh giới tự nhiên tiếp giáp với rừng đặc dụng, hoặc nằm trong rừng đặc dụng. Cộng đồng dân cư thôn, bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
b) Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với UBND cấp xã lập danh sách cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm (có xác nhận của UBND cấp xã), gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với Ban quản lý rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với Ban quản lý rừng đặc dụng do địa phương quản lý). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh rà soát xác định cộng đồng dân cư thôn, bản thuộc đối tượng được hưởng kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng làm cơ sở lập dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng hàng năm.
2. Nội dung hỗ trợ
a) Đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất: hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây, giống con; hỗ trợ thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ;
b) Hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng thôn, bản như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác.
3. Mức hỗ trợ: 40 triệu đồng/thôn, bản/năm.
4. Điều kiện được hỗ trợ
a) Có kế hoạch, dự toán được duyệt; có cam kết bảo vệ rừng với Ban quản lý rừng đặc dụng;
b) Không trùng lặp nội dung với dự án được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
5. Lập kế hoạch, dự toán và phê duyệt kinh phí hỗ trợ
a) Hàng năm căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này Trưởng thôn, bản tổ chức họp thôn, bản thống nhất đề xuất nội dung, kế hoạch, dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ (không phải lập dự án đầu tư) gửi UBND cấp xã và Ban quản lý rừng đặc dụng; kết quả hội nghị thôn, bản được thể hiện trong Biên bản họp thôn, bản theo hướng dẫn tại biểu mẫu số 1 ban hành kèm theo thông tư này;
b) Ban quản lý rừng đặc dụng chủ trì phối hợp với UBND xã họp với từng thôn, bản trước khi đồng phê duyệt kế hoạch, dự toán theo hướng dẫn tại biểu mẫu số 2 ban hành kèm theo thông tư này;
c) Kế hoạch, dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ phải gắn với cam kết bảo vệ rừng đặc dụng.
Trong năm thôn, bản nào không thực hiện đúng cam kết bảo vệ rừng thì Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với UBND cấp xã thu hồi số kinh phí chưa sử dụng nộp ngân sách nhà nước. Kết quả thực hiện cam kết bảo vệ rừng trong năm là căn cứ để Ban quản lý rừng đặc dụng xem xét hỗ trợ phát triển cộng đồng của các năm tiếp theo;
d) Mẫu cam kết bảo vệ rừng đặc dụng; tiêu chí xác định kết quả thôn, bản thực hiện cam kết bảo vệ rừng đặc dụng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Thực hiện hỗ trợ
a) Thôn, bản có trách nhiệm thực hiện theo đúng kế hoạch, dự toán được duyệt. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh nội dung hỗ trợ, thôn, bản đề nghị Ban quản lý rừng đặc dụng, UBND cấp xã xem xét điều chỉnh; kế hoạch điều chỉnh Ban quản rừng đặc dụng gửi cho UBND cấp xã để theo dõi;
b) Thôn, bản tự tổ chức thực hiện các nội dung được hỗ trợ. Đối với các nội dung thôn, bản không tự tổ chức thực hiện được; thôn, bản đề nghị UBND xã hoặc Ban quản lý rừng đặc dụng hỗ trợ thực hiện.
7. Nghiệm thu, giám sát thực hiện
a) Cộng đồng thôn, bản tổ chức giám sát thực hiện kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng theo quy định về chế độ dân chủ cơ sở;
b) Sau khi hoàn thành các nội dung được hỗ trợ hoặc kết thúc năm, Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với UBND cấp xã nghiệm thu. Kết quả nghiệm thu được thể hiện trong biên bản nghiệm thu. Thành phần tham gia nghiệm thu gồm đại diện Ban quản lý rừng đặc dụng, UBND cấp xã và đại diện thôn, bản;
c) Nội dung nghiệm thu
- Đối với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm: nghiệm thu theo kế hoạch, dự toán hỗ trợ;
- Đối với hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ: nghiệm thu theo kế hoạch, dự toán hỗ trợ và theo hóa đơn hoặc biên nhận (trong trường hợp không có hóa đơn) và danh sách ký nhận của các hộ gia đình, cá nhân hay tổ hợp tác (nếu có);
- Đối với hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình công cộng thôn, bản: nghiệm thu số lượng, khối lượng vật tư hỗ trợ theo kế hoạch, dự toán. Riêng đối với các công trình đồng tài trợ, Ban quản lý dự án công trình ký nhận vật liệu.
8. Quản lý chứng từ kế toán
a) Ban quản lý rừng đặc dụng lưu trữ các chứng từ sau:
Bản đề xuất kế hoạch, dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ của thôn, bản; Bản kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ thôn, bản kèm theo biên bản họp thôn; Bản kế hoạch, dự toán kinh phí được đồng phê duyệt; cam kết bảo vệ rừng đặc dụng; Biên bản nghiệm thu; các chứng từ kế toán về tạm ứng, thanh toán kinh phí hỗ trợ cộng đồng thôn, bản;
b) Thôn, bản tự bảo quản, lưu trữ các chứng từ mua, giao nhận, thực hiện hỗ trợ tại cộng đồng và chịu trách nhiệm về nội dung công việc thực hiện tại cộng đồng thôn, bản.
9. Giải ngân, thanh toán và kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước
a) Giải ngân giữa Ban quản lý rừng đặc dụng và thôn, bản được thực hiện theo hình thức chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt; hoặc Ban quản lý rừng đặc dụng chuyển trả trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ theo đề nghị của thôn, bản. Khuyến khích thực hiện giải ngân thông qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng đối với thôn, bản;
b) Kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước
- Chế độ kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước được thực hiện theo quy định hiện hành;
- Căn cứ để Kho bạc nhà nước thực hiện thanh toán như sau:
+ Kinh phí hỗ trợ phát triển công đồng được cấp có thẩm quyền giao trong dự toán năm của Ban quản lý khu rừng đặc dụng;
+ Kế hoạch, dự toán kinh phí hỗ trợ được đồng phê duyệt;
+ Đã được Thủ trưởng của Ban quản lý rừng đặc dụng hoặc người được ủy quyền quyết định chi.
Trong thời gian thực hiện Ban quản lý rừng đặc dụng tạm ứng tối đa 70% kinh phí hỗ trợ cho từng hoạt động. Số kinh phí còn lại sẽ được thanh toán tiếp sau khi hoạt động được nghiệm thu.
Điều 4. Nguồn kinh phí hoạt động bộ máy quản lý rừng đặc dụng; kinh phí quản lý rừng đặc dụng; kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng;
Nguồn kinh phí hoạt động bộ máy quản lý rừng đặc dụng, kinh phí quản lý rừng đặc dụng, kinh phí hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm rừng đặc dụng do ngân sách Nhà nước bảo đảm sau khi cân đối với nguồn thu từ hoạt động du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg.
1. Ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các khu rừng đặc dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
2. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí cho các khu rừng đặc dụng do địa phương quản lý.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các khu rừng đặc dụng nằm ở các huyện biên giới, hải đảo của các địa phương có ngân sách khó khăn để thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Điều 5. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước
1. Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và quy định tại Thông tư này; Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 2/1/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.
2. Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho các địa phương mà ngân sách khó khăn có các vườn quốc gia và rừng đặc dụng nằm ở các huyện biên giới hải đảo
a) Hàng năm UBND cấp tỉnh lập dự toán phần kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ theo hướng dẫn tại Thông tư này gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương cùng thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính;
c) Căn cứ khả năng của ngân sách trung ương, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2013 và áp dụng từ năm dự toán ngân sách 2013.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.