• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/12/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2017
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 141/2000/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về chính sách đầu tư và hưởng lợi đối với hộ gia đình, cá nhân và các xã

tham gia dự án khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn tại

các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai

theo Hiệp định tín dụng số 1515-VIE (SF)

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ Hiệp định tín dụng số 1515-VIE (SF) ngày 11 tháng 6 năm 1997 giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho Dự án Khu vực lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 22/TTg ngày 11 tháng 1 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi Khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ở các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 3683/BNN-CS) ngày 31 tháng 10 năm 2000),

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Quy định cụ thể về chính sách đầu tư hưởng lợi đối với các hộ gia đình, cá nhân và các xã tham gia Dự án Khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn bằng nguồn vốn ADB và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước tại các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai như sau:

1. Trồng mới và khoanh nuôi tái sinh kết hợp với trồng bổ sung cây lâm nghiệp ở vùng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu: Nhà nước đầu tư 100% kinh phí; suất đầu tư do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, trên cơ sở quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và định mức kinh tế - kỹ thuật của địa phương.

2. Trồng cây lâm nghiệp (trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và cây nông lâm kết hợp ở vùng rừng phòng hộ ít xung yếu và rừng sản xuất); cải tạo bãi chăn thả đại gia súc được Nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính số 26/1999/TT-BTC ngày 10 tháng 3 năm 1999.

3. Cải tạo, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thôn, bản, buôn, làng bao gồm: thuỷ lợi nhỏ, cung cấp nước sạch, đường giao thông liên thôn, trường tiểu học và trạm xá xã: Nhà nước đầu tư không vượt quá 90% tổng dự toán theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phần còn lại do người hưởng lợi đóng góp và ngân sách địa phương theo tự cân đối. Cơ chế đầu tư thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

4. Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, khuyến nông - khuyến lâm: Nhà nước đầu tư theo thiết kế, dự toán được Uỷ ban nhân dân các tỉnh phê duyệt.

5. Cải tạo vườn tạp, khai hoang và cải tạo đất:

Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 5% tổng mức đầu tư của tiểu dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Hộ gia đình, cá nhân và xã tham gia dự án được hưởng các quyền lợi như sau:

1. Đối với rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu:

- Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng (gọi chung là chủ rừng) được khai thác củi, lâm sản phụ dưới tán rừng, trừ các loại lâm sản thuộc nhóm 1 và 1A (được quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ).

- Chủ rừng nhận khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp với trồng rừng bổ sung, được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, lâm sản phụ dưới tán rừng, trừ các loại lâm sản thuộc nhóm 1 và 1A (được quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ).

- Chủ rừng nhận trồng rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, nông sản và các lâm sản phụ dưới tán rừng. Nếu rừng phòng hộ trồng cây hỗn loài, đã bảo đảm có trên 600 cây phòng hộ/ha, thì được hưởng 100% sản phẩm các cây phụ trợ trồng trong rừng phòng hộ; nếu cây phòng hộ là cây lấy quả, lấy nhựa hoặc lấy hoa thì chủ rừng nhận khoán được hưởng toàn bộ sản phẩm hoa, quả, dầu, nhựa, khi khai thác.

2. Đối với rừng phòng hộ ít xung yếu và rừng sản xuất:

- Chủ rừng có quyền sở hữu đối với rừng do mình gây trồng nên. Khi rừng đạt tuổi khai thác, chủ rừng được khai thác theo Quy chế quản lý các loại rừng và được hưởng toàn bộ sản phẩm khai thác từ rừng.

Khi khai thác và tiêu thụ lâm sản khai thác từ rừng trồng, chủ rừng chỉ cần báo với cơ quan kiểm lâm gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn sở tại biết trước 10 ngày.

- Sản phẩm khai thác từ rừng trồng, tre nứa và các lâm sản phụ khai thác từ rừng tự nhiên được tự do lưu thông trên thị trường, trừ các loại lâm sản thuộc nhóm 1 và 1A (được quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ).

Điều 3. Nghĩa vụ của các chủ rừng tham gia Dự án:

- Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ Dự án.

- Khi khai thác rừng trồng ở vùng phòng hộ ít xung yếu và rừng sản xuất, chủ rừng phải thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật và đóng góp cho ngân sách xã số tiền tính quy đổi tương đương 50 - 100 kg/ha nếu trồng cây lâu năm thu hoạch một lần, hoặc bằng 2 - 3% giá trị sản phẩm khai thác mỗi năm nếu trồng cây lâu năm thu hoạch nhiều năm. Mức cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Khoản kinh phí này chỉ được sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của xã.

- Chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng hoặc thực hiện những biện pháp xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng trong phạm vi không quá 2 năm sau khi khai thác.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.