Sign In

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
Hướng dẫn thực hiện cơ chế
quản lý các đơn vị kinh tế của đảng cộng sản việt nam
và của các đoàn thể chính trị

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý các đơn vị kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam và của các đoàn thể chính trị theo Công văn số 283/CN ngày 16-1-1993 và Công văn số 748/KTN ngày 1-3-1993 của Văn phòng Chính phủ.

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Tổng cục quản lý ruộng đất; Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý các đơn vị kinh tế cuả Đảng cộng sản Việt Nam và của các đoàn thể chính trị như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng thi hành Thông tư này là các đơn vị kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hoà bình, đoàn kết hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là đoàn thể chính trị) ở cấp trung ương và cấp tỉnh thành phố.

Thủ trưởng các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị ở Trung ương và ở tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của các đơn vị kinh tế trực thuộc để chuyển đổi các đơn vị kinh tế đó sang một trong bốn loại hình doanh nghiệp đã nêu trong Quyết định số 196/CT ngày 5-6-1992 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là:

1. Những tổ chức kinh tế do cơ quan Đảng, các đoàn thể chính trị ở Trung ương và các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, hoạt động bằng vốn của một cơ quan Đảng, đoàn thể thuộc cấp Trung ương hoặc tỉnh thành phố nếu có đủ điều kiện vận dụng qui định tại điểm 4 Thông tư Liên bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Tài chính số 01/TTLB ngày 13-2-1992 "Hướng dẫn thi hành Qui chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng" và Thông tư số 04/TTLB ngày 11-6-1992 của Liên bộ UBKHNN - Tài chính hướng dẫn bổ sung thi hành Qui chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định trên thì hoàn tất thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thành lập.

2. Những tổ chức kinh tế có các loại vốn thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau có đủ điều kiện chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo Luật công ty ngày 21-12-1990 và Nghị định số 222/HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng thì hoàn tất các thủ tục, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thành lập.

3. Những tổ chức kinh tế hình thành từ vốn của tập thể, thực chất là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thì chuyển sang hoạt động theo Nghị định số 146/HĐBT ngày 24-9-1988 và Quyết định số 49/HĐBT ngày 22-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

4. Các tổ chức kinh tế có các loại vốn đều thuộc sở hữu tư nhân có đủ điều kiện chuyển sang doanh nghiệp tư nhân theo Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 21-12-1990 và Nghị định số 221/HĐBT ngày 23-7-1991 của HĐBT thì hoàn tất thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thành lập.

Những tổ chức kinh tế mà nguồn vốn thuộc cá nhân và nhóm kinh doanh, nhưng vốn thấp hơn vốn pháp định được qui định tại Nghị định số 221/HĐBT ngày 23-7- 1991 của Hội đồng Bộ trưởng thì chuyển sang hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 2-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Những tổ chức kinh tế không có đủ điều kiện chuyển sang một trong các loại doanh nghiệp nêu ở các điểm 1, 2, 3, 4 nói trên thì giải thể.

 

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ.

1. Cơ quan sáng lập doanh nghiệp.

Thủ trưởng các cơ quan Đảng (ở Trung ương là Trưởng ban tài chính quản trị trung ương, ở các tỉnh, thành phố là Trưởng ban tài chính quản trị tỉnh uỷ, thành uỷ - được sự uỷ quyền của thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, thủ trưởng các đoàn thể chính trị ở cấp Trung ương, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương được quyền đề nghị thành lập mới hoặc thành lập lại doanh nghiệp theo các loại hình đã được xác định theo luật pháp hiện hành đã nêu trong Quyết định số 196/CT ngày 5-6-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Thông tư số 40 TC/ TCT/CS ngày 22 - 8-1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 196/CT nói trên.

Cơ quan sáng lập có trách nhiệm lập hồ sơ xin thành lập hoặc giải thể các doanh nghiệp theo đúng thủ tục qui định, tổ chức triển khai và đôn đốc kiểm tra các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện đầy đủ các qui định về trình tự thành lập và giải thể doanh nghiệp, thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Tổ chức việc thẩm định hồ sơ đối với các tổ chức kinh tế vận dụng nguyên tắc của doanh nghiệp Nhà nước.

- Đối với các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày có Công văn số 283/CN ngày 16-1-1993 của Văn phòng Chính phủ nay chuyển đổi và thành lập lại theo các loại hình doanh nghiệp mới, thì phải thành lập hội đồng thẩm định do Uỷ ban kế hoạch tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính làm Chủ tịch hội đồng và các uỷ viên hội đồng là Giám đốc Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, Giám đốc Sở tài chính, Giám đốc ngân hàng, Chủ tịch trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố.

- Đối với doanh nghiệp thành lập mới thuộc cấp tỉnh, thành phố thì hồ sơ gửi về Hội đồng thẩm định của các bộ quản lý kinh tế kỹ thuật.

- Đối với các doanh nghiệp thành lập mới thuộc cấp Trung ương thì hồ sơ gửi về Hội đồng thẩm định tại Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

- Đối với các tổ chức kinh tế thuộc tổ chức Đảng chưa được giao vốn thì mức vốn đăng ký kinh doanh để xin thành lập doanh nghiệp và phải được Ban tài chính quản trị trung ương (đối với các doanh nghiệp do Ban tài chính quản trị trung ương là người sáng lập) hoặc Ban tài chính quản trị tỉnh, thành uỷ (đối với các doanh nghiệp do Ban tài chính quản trị tỉnh, thành uỷ là người sáng lập) xác nhận vốn.

- Đối với các tổ chức kinh tế thuộc các đoàn thể chính trị do Bộ Tài chính (đối với các doanh nghiệp do đoàn thể chính trị ở Trung ương là người sáng lập) hoặc Sở tài chính (đối với các doanh nghiệp do đoàn thể chính trị ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là người sáng lập) xác nhận vốn.

Về điều kiện thành lập và giải thể doanh nghiệp các thủ tục thẩm định và ra quyết đinh thành lập hoặc giải thể doanh nghiệp cũng như điều kiện chấm dứt hiệu lực của quyết định thành lập doanh nghiệp được vận dung theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư số 34/CT ngày 28-1-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 388/HĐBT; Chỉ thị số 393/CT ngày 25-11-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về triển khai thực hiện quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước; Thông tư Liên bộ số 01 TT/LB ngày 13-2-1992 của Liên bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn thi hành qui chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định số 388/HĐBT, Thông tư Liên bộ số 04 TT/LB ngày 11-6-1992 của Liên bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung thi hành qui chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước và Thông tư số 40 TC/TCT/CS ngày 22-8-1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 196/CT ngày 5-6-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và một số văn bản khác.

b. Đối với các tổ chức kinh tế không đủ điều kiện vận dụng nguyên tắc cuả doanh nghiệp Nhà nước việc tổ chức thẩm định hồ sơ...áp dụng theo qui định tại Nghị định số 221/HĐBT ngày 23-7-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành qui định cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân, Nghị định số 222/HĐBT ngày 23-7- 1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành qui định cụ thể hoá một số điều trong Luật công ty; Thông tư số 06 TT/ĐKKD ngày 29-7-1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn ghi các giấy tờ, biểu mẫu dùng trong đăng ký kinh doanh, Thông tư số 07 TT/ĐKKD ngày 29-7-1991 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn thực hiện đăng ký kinh doanh và Thông tư số 40 TC/TCT/CS ngày 22-8-1992 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 196/CT ngày 5-6-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi đã xem xét hồ sơ những đơn vị kinh tế có đủ các điều kiện để thành lập theo nguyên tắc của doanh nghiệp Nhà nước, Hội đồng thẩm định ra thông báo bằng văn bản đồng ý cho phép thành lập mới hoặc thành lập lại doanh nghiệp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW ra quyết định thành lập đối với các doanh nghiệp thuộc tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị ở các cấp nói trên đã đề nghị có trụ sở chính đóng tại địa bàn tỉnh, thành phố.

3.Về giao vốn, bảo toàn vốn.

Các doanh nghiệp sau khi đã chuyển đổi, thành lập lại hoặc thành lập mới, cơ quan sáng lập doanh nghiệp cần tiến hành làm thủ tục giao quyền sử dụng và bảo toàn vốn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ quản lý, sử dụng và bảo toàn những tài sản và vốn nói trên.

- Đoàn thể chính trị ở TW cùng Bộ Tài chính thành lập Hội đồng giao vốn cho doanh nghiệp do đoàn thể chính trị ở TW ra quyết định thành lập. Chủ tịch Hội đồng là đại diện của cơ quan tài chính.

- Đoàn thể chính trị ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng Sở tài chính thành lập Hội đồng giao vốn cho doanh nghiệp do đoàn thể chính trị ở tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập. Chủ tịch Hội đồng là đại diện của cơ quan tài chính.

- Đối với các doanh nghiệp của Đảng, Chủ tịch Hội đồng giao vốn là đại diện của Ban tài chính quản trị TW (đối với các doanh nghiệp do Ban tài chính quản trị trung ương sáng lập) và là đại diện của Ban tài chính quản trị tỉnh, thành phố (đối với các doanh nghiệp do Ban tài chính quản trị tỉnh thành phố là người sáng lập)

Các nguyên tắc, trình tự và thủ tục giao nhận vốn, biện pháp bảo toàn vốn đối với các doanh nghiệp của các đoàn thể chính trị áp dụng các qui định và nguyên tắc như đối với các xí nghiệp quốc doanh ban hành kèm theo Chỉ thị số 138/CT ngày 25-4 -1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 31 TC/CN ngày 27-5-1991 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ bảo toàn và phát triển vốn sản xuất - kinh doanh của các đơn vị kinh tế quốc doanh; Thông tư số 33 TC/CN ngày 29-5-1991 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trao quyền sử dụng, trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn SXKD cho các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh theo Chỉ thị số 138/CT ngày 25-4- 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

4. Quyền lợi của cán bộ, công nhân viên chức.

Các cán bộ, CNVC thuộc biên chế của các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị chuyển sang làm việc tiếp tục ở các doanh nghiệp của tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị được tính thời gian công tác liên tục và được hưởng mọi chế độ như công nhân viên chức trong doanh nghiệp Nhà nước (hưu trí, mất sức...) theo qui định hiện hành.

Các doanh nghiệp thuộc tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị phải thực hiện và nộp bảo hiểm theo qui định của Nhà nước như đối với các doanh nghiệp Nhà nước qui định tại Điều lệ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư Liên Bộ số 12 TT/LB ngày 15-8- 1992 của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định số 299/HĐBT ngày 15-8-1992 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ bảo hiểm y tế và các chế độ bảo hiểm khác có tính chất bắt buộc khác do Nhà nước ban hành.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các doanh nghiệp thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị được thành lập theo đúng pháp luật có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật như mọi doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp đầy đủ và đúng hạn các loại thuế theo luật định.

2. Từ nay đến hết 31-3-1993 các tổ chức kinh tế đang hoạt động thuộc các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị phải được sắp xếp tổ chức lại theo nội dung trên đây. Đề nghị thủ trưởng các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị đôn đốc các đơn vị kinh tế trực thuộc chuyển đổi theo đúng qui định tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Bộ Tài chính

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Tào Hữu Phùng

Trần Xuân Giá