Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay

__________________

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng  năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay, bao gồm:

a) Công trình dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất;

b) Công trình dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay;

c) Công trình dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không;

d) Công trình dịch vụ kỹ thuật hàng không;

đ) Công trình dịch vụ suất ăn hàng không;

e) Công trình dịch vụ xăng dầu hàng không;

g) Các công trình dịch vụ phi hàng không.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các cảng hàng không, sân bay được đầu tư, xây dựng theo phương thức đối tác công tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 3. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

1. Áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án được phê duyệt (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất) từ 800.000.000.000 (tám trăm tỷ) đồng trở lên.

b) Có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư này, trong đó có ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài.

c) Không thuộc trường hợp theo quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.

2. Áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp:

a) Dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.

b) Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đăng ký thực hiện dự án hoặc đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

c) Dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu bảo đảm quốc phòng; ý kiến thống nhất của Bộ Công an đối với yêu cầu bảo đảm an ninh.

Điều 4. Các quy định chung trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

1. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu: Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

2. Đăng tải thông tin về đấu thầu: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

3. Thời hạn đăng tải thông tin về đấu thầu: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

4. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

5. Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

6. Lưu trữ thông tin trong đấu thầu: Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

7. Tổ chuyên gia: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Chương II

LẬP, PHÊ DUYỆT VÀ CÔNG BỐ DANH MỤC DỰ ÁN

Điều 5. Căn cứ lập danh mục dự án

1. Quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

2. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay.

Điều 6. Hồ sơ trình danh mục dự án

1. Cục Hàng không Việt Nam lập danh mục dự án, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt.

2. Hồ sơ trình danh mục dự án bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt danh mục dự án;

b) Nội dung danh mục dự án bao gồm: tên dự án; mục tiêu đầu tư; quy mô đầu tư; sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (m1); phương án huy động vốn; thời hạn, tiến độ đầu tư; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, dự kiến nhu cầu sử dụng đất; yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Các văn bản có liên quan (nếu có).

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục dự án (bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư).

Điều 7. Công bố danh mục dự án

1. Cục Hàng không Việt Nam đăng tải danh mục dự án (bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư) trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu theo quy định tại các điểm i và l khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

2. Nội dung công bố danh mục dự án bao gồm:

a) Tên dự án; mục tiêu, quy mô đầu tư; sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án; tóm tắt các yêu cầu cơ bản của dự án; thời hạn, tiến độ đầu tư; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư; địa điểm thực hiện dự án; diện tích khu đất; hiện trạng khu đất; các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt;

b) Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư;

c) Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án;

d) Địa chỉ, số điện thoại, số fax của Cục Hàng không Việt Nam;

đ) Các thông tin khác (nếu cần thiết).

Điều 8. Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia căn cứ nội dung thông tin được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm: Văn bản đăng ký thực hiện dự án; hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

2. Hết thời hạn đăng ký thực hiện dự án, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Điều 9. Đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư

1. Căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo một trong hai trường hợp sau:

a) Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 3 Thông tư này và giao Cục Hàng không Việt Nam là bên mời thầu;

b) Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

2. Cục Hàng không Việt Nam đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc thông báo kết thúc thủ tục công bố danh mục dự án trong trường hợp không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Điều 10. Chấp thuận nhà đầu tư

1. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó bao gồm việc xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (m2), giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư này.

2. Hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư được phát hành cho nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo các nội dung của hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư.

3. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư. Trong quá trình đánh giá, Cục Hàng không Việt Nam có thể mời nhà đầu tư đến làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư.

4. Nhà đầu tư được chấp thuận khi đáp ứng đầy đủ các nội dung của hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư.

5. Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kết quả chấp thuận nhà đầu tư đáp ứng quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư.

Chương III

KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 11. Lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

1. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư:

a) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt danh mục dự án;

b) Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.

2. Trên cơ sở các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Cục Hàng không Việt Nam lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt.

3. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Văn bản trình duyệt, trong đó nêu tóm tắt về quá trình thực hiện và các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

b) Bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

1. Tên dự án.

2. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (m1).

3. Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư.

4. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm.

5. Loại hợp đồng.

6. Thời gian thực hiện hợp đồng.

Thời gian thực hiện hợp đồng là số năm hoặc tháng tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

Điều 13. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

1. Đơn vị được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thẩm tra, đánh giá các nội dung quy định tại Điều 12 Thông tư này và lập báo cáo thẩm định trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. Căn cứ báo cáo thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư để làm cơ sở tiến hành lựa chọn nhà đầu tư.

Chương IV

ĐẤU THẦU RỘNG RÃI LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Mục 1. QUY TRÌNH CHI TIẾT

Điều 14. Quy trình chi tiết

Quy trình chi tiết đấu thầu rộng rãi nhà đầu tư thực hiện tương tự như đối với quy trình đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại Điều 46 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Mục 2. CHUẨN BỊ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 15. Xác định sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (m2)

1. Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án có trách nhiệm làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để xác định sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (m2) đối với các dự án chưa giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Chi phí sơ bộ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của phần diện tích đất cần giải phóng mặt bằng (m2) được xác định trên cơ sở quy định tại điểm i khoản 2 Điều 47 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Điều 16. Xây dựng giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3)

1. Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án có trách nhiệm làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để xây dựng giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3).

2. Giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) được xác định theo công thức như sau:

m3 = n x (m : 49)

Trong đó:

- n: thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

- m: giá sàn nộp ngân sách nhà nước đối với dự án có thời hạn thuê đất 49 năm, được tính theo công thức quy định tại điểm k khoản 2 Điều 47 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và Phụ lục V Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Giá trị này được xác định mang tính tương đối, là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước và độc lập với tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 17. Lập hồ sơ mời thầu

1. Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:

a) Danh mục dự án đã được công bố theo quy định;

b) Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư;

c) Quy định hiện hành của pháp luật về hàng không, đất đai, đầu tư, xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

3. Hồ sơ mời thầu được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Hồ sơ mời thầu được lập phải có đầy đủ các thông tin để nhà đầu tư lập hồ sơ dự thầu, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Thông tin chung về dự án bao gồm: tên dự án; mục tiêu, quy mô đầu tư; sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án; tóm tắt các yêu cầu cơ bản của dự án; thời hạn, tiến độ đầu tư; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư; địa điểm thực hiện dự án; diện tích khu đất; hiện trạng khu đất; các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt;

b) Chỉ dẫn đối với nhà đầu tư: bao gồm thủ tục đấu thầu và bảng dữ liệu đấu thầu;

c) Yêu cầu về thực hiện và khai thác dự án: các yêu cầu về thực hiện và khai thác dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; yêu cầu bảo đảm chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các quy định khác có liên quan; yêu cầu về kỹ thuật bảo đảm đáp ứng mục tiêu đầu tư; quy mô đầu tư; yêu cầu bố trí đủ vốn để thực hiện dự án; yêu cầu về tiến độ thực hiện dự án (bao gồm các nội dung về thời gian xây dựng công trình và thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư); yêu cầu về đáp ứng điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không; yêu cầu về vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng công trình dự án; các yêu cầu về môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường; các yêu cầu về kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại cảng hàng không, sân bay; các yêu cầu về đảm bảo an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; các yêu cầu về trách nhiệm phối hợp với Nhà chức trách hàng không, Người khai thác cảng trong quá trình cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không của nhà đầu tư; các yêu cầu khác liên quan đến ngành, lĩnh vực của dự án cũng như điều kiện cụ thể của dự án;

d) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tài chính - thương mại và phương pháp đánh giá;

đ) Các biểu mẫu dự thầu bao gồm đơn dự thầu, đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính - thương mại, bảo đảm dự thầu, cam kết của tổ chức tài chính (nếu có) và các biểu mẫu khác;

e) Thời hạn cho thuê đất;

g) Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư;

h) Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (m1) đã được phê duyệt trong danh mục dự án;

i) Sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (m2);

k) Giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3);

l) Dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về thực hiện dự án; yêu cầu về khai thác, kinh doanh dịch vụ hàng không; thời gian thực hiện hợp đồng dự án, thời hạn cho thuê đất, thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư; diện tích khu đất; các quy định áp dụng; thưởng phạt hợp đồng; trường hợp bất khả kháng; việc xem xét lại hợp đồng trong quá trình vận hành dự án và các nội dung khác.

Điều 18. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu được thể hiện thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, bao gồm:

1. Căn cứ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được phê duyệt theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về năng lực, kinh nghiệm được cập nhật hoặc bổ sung (nếu cần thiết). Trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh; nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

2. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về kỹ thuật:

a) Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: đề xuất của nhà đầu tư về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án; đề xuất của nhà đầu tư về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Đề xuất của nhà đầu tư về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án bao gồm các nội dung sau: chứng minh sự hiểu biết về hiện trạng; dự báo tăng trưởng sản lượng; mục tiêu của dự án theo quy hoạch được duyệt; quy mô dự án, phương án thiết kế; phương án kỹ thuật, công nghệ của dự án; kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án, thời gian xây dựng; phương án giảm thiểu tác động môi trường; đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải có phương án phối hợp với Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án để làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và để Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất xây dựng dự án cho Cảng vụ Hàng không; phương án kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, môi trường) của dự án với hạ tầng chung của cảng hàng không, sân bay; lập bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 trong phạm vi ranh giới dự án bằng kinh phí của nhà đầu tư; phương án về phòng cháy, chữa cháy; an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; các giải pháp, biện pháp, trang bị phương tiện phòng chống cháy, nổ; tổ chức bộ máy quản lý hệ thống phòng chống cháy nổ theo quy định; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư.

Đề xuất của nhà đầu tư về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay bao gồm các nội dung sau: phương án bảo đảm đáp ứng các các điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về hàng không; phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không của nhà đầu tư đáp ứng mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay; phương án phối hợp với Nhà chức trách hàng không, Người khai thác cảng trong quá trình cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không của nhà đầu tư, bảo đảm an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay; phương án giám sát để bảo đảm cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không ổn định, liên tục, đạt chất lượng.

b) Phương pháp đánh giá về kỹ thuật:

Sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải quy định mức điểm tối thiểu để được đánh giá là đáp ứng yêu cầu nhưng không được thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật và điểm của từng nội dung yêu cầu về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án; về phương án tổ chức vận hành, quản lý và cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng dự án cụ thể.

Cơ cấu về tỷ trọng điểm tương ứng với các nội dung quy định tại điểm a khoản này phải phù hợp với từng dự án cụ thể nhưng phải bảo đảm tổng tỷ trọng điểm bằng 100%.

3. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại:

a) Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại bao gồm: tiêu chuẩn về tổng chi phí thực hiện dự án (M1); tiêu chuẩn về giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M1), đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (M2); tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư (M3).

Trong đó:

- M1 là tổng chi phí thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m1 được xác định trong hồ sơ mời thầu;

- M2 là giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m2 được xác định trong hồ sơ mời thầu.

Trường hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp hơn giá trị M2 thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn giá trị M2 thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt, giá trị phần thiếu hụt được tính vào vốn đầu tư của dự án.

Nhà đầu tư sẽ được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền khấu trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được phê duyệt vào tiền thuê đất nhưng không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại theo phương án được phê duyệt chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.

- M3 là giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại:

Sử dụng phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại. Đối với các hồ sơ dự thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì căn cứ vào đề xuất hiệu quả đầu tư để so sánh, xếp hạng. Hiệu quả đầu tư được đánh giá thông qua tiêu chí nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước bằng tiền, ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3).

Nhà đầu tư có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn m1 (M1 ≥ m1); giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) không thấp hơn m2 ( M2 ≥ m2) đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng; giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3) không thấp hơn giá sàn m3 và cao nhất được xếp thứ nhất, được xem xét đề nghị trúng thầu.

Mục 3. TỔ CHỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 19. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu

Hồ sơ mời thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Đấu thầu.

Điều 20. Mời thầu, phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu

1. Thông báo mời thầu được đăng tải theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 4 Thông tư này.

2. Hồ sơ mời thầu được phát hành rộng rãi cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Bên mời thầu đăng tải miễn phí và đầy đủ tệp tin (file) hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

3. Trường hợp sửa đổi hồ sơ mời thầu sau khi phát hành, quyết định sửa đổi kèm theo những nội dung sửa đổi hồ sơ mời thầu được bên mời thầu đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Trường hợp cần làm rõ hồ sơ mời thầu thì nhà đầu tư phải gửi văn bản đề nghị đến bên mời thầu tối thiểu 07 ngày làm việc (đối với đấu thầu trong nước), 15 ngày (đối với đấu thầu quốc tế) trước ngày có thời điểm đóng thầu để xem xét, xử lý. Việc làm rõ hồ sơ mời thầu được bên mời thầu thực hiện theo một hoặc các hình thức sau đây:

a) Đăng tải văn bản làm rõ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

b) Trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị tiền đấu thầu để trao đổi về những nội dung trong hồ sơ mời thầu mà nhà đầu tư chưa rõ. Nội dung trao đổi phải được bên mời thầu ghi lại thành biên bản và lập thành văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu; văn bản làm rõ phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

Nội dung làm rõ hồ sơ mời thầu không được trái với nội dung của hồ sơ mời thầu đã duyệt. Trường hợp sau khi làm rõ hồ sơ mời thầu dẫn đến phải sửa đổi hồ sơ mời thầu thì việc sửa đổi hồ sơ mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Quyết định sửa đổi, văn bản làm rõ hồ sơ mời thầu là một phần của hồ sơ mời thầu.

6. Gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu.

a) Bên mời thầu đăng tải thông báo gia hạn kèm theo quyết định phê duyệt gia hạn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

b) Thông báo gia hạn bao gồm lý do gia hạn, thời điểm đóng thầu mới.

Điều 21. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, thay thế, rút hồ sơ dự thầu

1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

2. Bên mời thầu tiếp nhận hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà đầu tư nộp trước thời điểm đóng thầu và quản lý các hồ sơ dự thầu đã nộp theo chế độ quản lý hồ sơ mật cho đến khi công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; trong mọi trường hợp không được tiết lộ thông tin trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư này cho nhà đầu tư khác, trừ các thông tin được công khai khi mở thầu.

3. Khi muốn sửa đổi, thay thế hoặc rút hồ sơ dự thầu đã nộp, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị gửi đến bên mời thầu. Bên mời thầu chỉ chấp thuận việc sửa đổi, thay thế hoặc rút hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư nếu nhận được văn bản đề nghị trước thời điểm đóng thầu.

4. Hồ sơ dự thầu hoặc các tài liệu được nhà đầu tư gửi đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu sẽ không được mở, không hợp lệ và bị loại, trừ tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu hoặc tài liệu làm rõ, bổ sung nhằm chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Điều 22. Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

1. Việc mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Biên bản mở thầu phải được gửi cho các nhà đầu tư tham dự thầu.

2. Đại diện của bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung quan trọng của từng hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

3. Hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại của tất cả nhà đầu tư phải được bên mời thầu niêm phong trong một túi riêng biệt và được đại diện của bên mời thầu, nhà đầu tư tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật ký niêm phong.

Điều 23. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu

1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm, có phương án kỹ thuật, tài chính - thương mại khả thi để thực hiện dự án.

2. Việc đánh giá được thực hiện trên bản chụp, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác không nghiêm trọng giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Trường hợp có sự sai khác nghiêm trọng giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà đầu tư thì hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư đó bị loại.

3. Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải kiểm tra các nội dung về kỹ thuật, tài chính - thương mại của hồ sơ dự thầu để xác định hồ sơ dự thầu không có những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót các nội dung cơ bản, trong đó:

a) Sai khác là các khác biệt so với yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;

b) Đặt điều kiện là việc nhà đầu tư đặt ra các điều kiện có tính hạn chế hoặc thể hiện sự không chấp nhận hoàn toàn đối với các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;

c) Bỏ sót nội dung là việc nhà đầu tư không cung cấp được một phần hoặc toàn bộ thông tin hay tài liệu theo yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu.

4. Với điều kiện hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu có thể chấp nhận các sai sót mà không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung cơ bản trong hồ sơ dự thầu. Trong đó, những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung cơ bản là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung nếu được chấp thuận hoặc cho nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung, thay thế sẽ:

a) Gây ảnh hưởng đáng kể đến phạm vi và yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

b) Gây hạn chế đáng kể và không thống nhất với hồ sơ mời thầu đối với quyền hạn của bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền hoặc nghĩa vụ của nhà đầu tư trong hợp đồng;

c) Gây ảnh hưởng không công bằng đến vị thế cạnh tranh của nhà đầu tư khác có hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;

5. Hồ sơ dự thầu không đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu sẽ bị loại; không được phép sửa đổi các sai khác, đặt điều kiện hoặc bỏ sót nội dung cơ bản trong hồ sơ dự thầu nhằm làm cho hồ sơ dự thầu trở thành đáp ứng cơ bản.

Điều 24. Nguyên tắc làm rõ hồ sơ dự thầu

1. Sau khi mở thầu, nhà đầu tư có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu khi bên mời thầu có yêu cầu.

2. Sau khi đóng thầu, bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu làm rõ, bổ sung tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư khi nhà đầu tư phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu thông tin, tài liệu về năng lực, kinh nghiệm đã có của mình nhưng chưa được nộp cùng hồ sơ dự thầu. Các tài liệu này được coi là một phần của hồ sơ dự thầu.

3. Việc làm rõ đối với các nội dung về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi bản chất về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham dự thầu. Việc làm rõ đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính - thương mại nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp.

4. Việc làm rõ chỉ được thực hiện giữa bên mời thầu và nhà đầu tư có hồ sơ dự thầu cần phải làm rõ. Nội dung làm rõ hồ sơ dự thầu phải thể hiện bằng văn bản và được bên mời thầu bảo quản như một phần của hồ sơ dự thầu.

Mục 4. ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ KỸ THUẬT

Điều 25. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:

a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: Đơn dự thầu đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn dự thầu (nếu có); tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư; đề xuất về kỹ thuật; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà đầu tư được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Có bản gốc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;

b) Có đơn dự thầu đề xuất về kỹ thuật hợp lệ;

c) Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

d) Có bảo đảm dự thầu hợp lệ;

đ) Nhà đầu tư không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ đề xuất về kỹ thuật với tư cách là nhà đầu tư độc lập hoặc thành viên trong liên danh;

e) Có thỏa thuận liên danh hợp lệ đối với trường hợp liên danh;

g) Nhà đầu tư không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

h) Nhà đầu tư bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 5 của Luật Đấu thầu.

3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu.

4. Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ, đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm được xem xét, đánh giá chi tiết về kỹ thuật.

5. Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật

Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời thầu.

Điều 26. Thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật

1. Bên mời thầu thẩm định và phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

2. Bên mời thầu thông báo danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà đầu tư tham dự thầu và mời các nhà đầu tư tham dự thầu đến mở hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở hồ sơ đề xuất tài chính - thương mại.

Mục 5. MỞ VÀ ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐỀ XUẤT VỀ TÀI CHÍNH - THƯƠNG MẠI

Điều 27. Mở hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại

1. Hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại của nhà đầu tư có tên trong danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được mở công khai theo thời gian, địa điểm ghi trong thông báo danh sách các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Biên bản mở thầu phải được gửi cho các nhà đầu tư tham dự thầu.

2. Đại diện bên mời thầu phải ký xác nhận vào bản gốc đơn dự thầu, giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư (nếu có); thỏa thuận liên danh (nếu có); bảo đảm dự thầu; các nội dung quan trọng của từng hồ sơ đề xuất tài chính - thương mại.

Điều 28. Đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại

1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại, bao gồm:

a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại.

2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại:

Hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại của nhà đầu tư được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:

a) Có bản gốc hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

b) Có đơn dự thầu đề xuất về tài chính - thương mại hợp lệ;

c) Giá trị ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic, không đề xuất các giá trị khác nhau đối với cùng một nội dung hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu (bao gồm: tổng chi phí thực hiện dự án do nhà đầu tư đề xuất (M1); giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do nhà đầu tư đề xuất (M2) đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng; đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền, ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3); đề xuất tăng giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu có);

d) Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

3. Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại hợp lệ sẽ được đánh giá chi tiết về tài chính - thương mại. Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại và xếp hạng nhà đầu tư thực hiện theo phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu.

4. Sau khi đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu xem xét, phê duyệt. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:

a) Danh sách xếp hạng nhà đầu tư;

b) Danh sách nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại nhà đầu tư;

c) Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý.

Điều 29. Nguyên tắc xét duyệt trúng thầu

Nhà đầu tư được đề nghị lựa chọn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có hồ sơ dự thầu hợp lệ.

2. Có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu.

3. Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

4. Có giá trị đề nghị trúng thầu bao gồm các thành phần đáp ứng yêu cầu sau:

a) Có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn m1 được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu;

b) Có đề xuất giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng (M2) không thấp hơn m2 được xác định trong hồ sơ mời thầu;

c) Có đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3), không thấp hơn giá sàn m3 và cao nhất.

Mục 6. TRÌNH, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ CÔNG KHAI KẾT QUẢ LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ; ĐÀM PHÁN, HOÀN THIỆN VÀ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG

Điều 30. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư

1. Việc trình, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện như sau:

a) Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia;

b) Kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải được phê duyệt bằng văn bản, căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

2. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trúng thầu, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên dự án; mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án;

b) Tên nhà đầu tư trúng thầu;

c) Tiến độ thực hiện dự án;

d) Địa điểm thực hiện dự án, diện tích, thời hạn thuê đất;

đ) Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư;

e) Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất);

g) Tổng số tiền đề xuất nộp ngân sách nhà nước của nhà đầu tư;

h) Các nội dung khác (nếu có).

3. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu, trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu.

4. Sau khi có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 4 Thông tư này; gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư đến các nhà đầu tư tham dự thầu trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này. Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Thông tin quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Danh sách nhà đầu tư không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà đầu tư;

c) Kế hoạch đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn.

5. Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư quyết định thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án hoặc trực tiếp thực hiện dự án. Việc tổ chức quản lý, hoạt động, giải thể doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và hợp đồng dự án.

Điều 31. Đàm phán, hoàn thiện hợp đồng

1. Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu mời nhà đầu tư xếp thứ nhất đến đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Trường hợp nhà đầu tư được mời đến đàm phán, hoàn thiện hợp đồng nhưng không đến hoặc từ chối đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu.

2. Việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng phải dựa trên cơ sở sau đây:

a) Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu;

b) Hồ sơ dự thầu và các tài liệu làm rõ, sửa đổi hồ sơ dự thầu (nếu có) của nhà đầu tư;

c) Hồ sơ mời thầu.

3. Nguyên tắc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng:

a) Không tiến hành đàm phán, hoàn thiện hợp đồng đối với các nội dung mà nhà đầu tư đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

b) Việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không được làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu.

4. Nội dung đàm phán, hoàn thiện hợp đồng:

a) Đàm phán, hoàn thiện về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;

b) Đàm phán về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của dự án;

c) Đàm phán về tiến độ bàn giao mặt bằng xây dựng; tiến độ nhà đầu tư chuyển giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng và giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền;

d) Đàm phán về kế hoạch triển khai đáp ứng điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không;

đ) Đàm phán trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án và kinh doanh, khai thác dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay;

e) Đàm phán về các nội dung cần thiết khác.

5. Trong quá trình đàm phán, hoàn thiện hợp đồng, các bên tham gia tiến hành hoàn thiện dự thảo hợp đồng. Nhà đầu tư không được thay đổi, rút hoặc từ chối thực hiện các nội dung cơ bản đề xuất trong hồ sơ dự thầu đã được bên mời thầu đánh giá đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, trừ trường hợp các thay đổi do nhà đầu tư đề xuất mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

6. Trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo vào đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Trường hợp đàm phán, hoàn thiện với các nhà đầu tư tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu.

Điều 32. Ký kết hợp đồng và công khai thông tin hợp đồng dự án

1. Nguyên tắc ký kết hợp đồng:

a) Giá trị đề nghị trúng thầu (tiền đề xuất nộp ngân sách nhà nước do nhà đầu tư trúng thầu đề xuất trong trong hồ sơ dự thầu) là giá trị ký kết hợp đồng;

b) Chi phí thực hiện dự án; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng do nhà đầu tư trúng thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu được ghi nhận tại hợp đồng;

c) Tiền thuê đất phải nộp xác định theo quy định của pháp luật về đất đai cộng với tiền nộp ngân sách nhà nước của nhà đầu tư trúng thầu đề xuất được công nhận là giá thị trường tại thời điểm cho thuê đất trong hợp đồng;

2. Việc ký kết hợp đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 69, 70, 71, 72 và 73 của Luật Đấu thầu.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ký kết hợp đồng dự án, bên mời thầu có trách nhiệm công khai thông tin hợp đồng dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nội dung công khai thông tin sơ bộ gồm:

a) Tên dự án; số hiệu hợp đồng; thời điểm ký kết hợp đồng;

b) Tên, địa chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tên, địa chỉ của nhà đầu tư;

d) Mục tiêu, quy mô của dự án;

đ) Tiến độ thực hiện dự án;

e) Địa điểm thực hiện dự án, diện tích, thời hạn thuê đất;

g) Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền thuê đất);

h) Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư;

i) Các nội dung khác (nếu có).

Điều 33. Triển khai thực hiện dự án

1. Sau khi hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án), Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án, nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án) phối hợp với cơ quan quản lý đất đai của địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng. Căn cứ tiến độ thỏa thuận tại hợp đồng, nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án) nộp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng cho cơ quan quản lý đất đai của địa phương và giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền (M3) được đề xuất trong hồ sơ dự thầu cho Kho bạc nhà nước trung ương. Không tính lãi vay đối với chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

2. Trình tự, thủ tục cho thuê đất; xác định tiền thuê đất đối với nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án):

a) Sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất thực hiện dự án đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng, việc cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án) áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 29 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

b) Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án phối hợp với cơ quan quản lý đất đai của địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt tiền thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án) phải nộp tại thời điểm Cảng vụ Hàng không nơi thực hiện dự án quyết định cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Nhà đầu tư trúng thầu (hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập để thực hiện dự án) triển khai thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng, pháp luật về hàng không, đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch và các pháp luật khác có liên quan.

Chương V

NỘI DUNG THẨM ĐỊNH VÀ PHÂN CẤP THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT TRONG LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 34. Thẩm định hồ sơ mời thầu

Hồ sơ và nội dung thẩm định hồ sơ mời thầu thực hiện tương tự như đối với thẩm định hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 75 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Điều 35. Thẩm định danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư

Hồ sơ và nội dung thẩm định danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện tương tự như đối với thẩm định danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 76 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Điều 36. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không trong công tác lựa chọn nhà đầu tư

1. Cục Hàng không Việt Nam:

a) Phê duyệt hồ sơ mời thầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và danh sách xếp hạng nhà đầu tư;

b) Thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của bên mời thầu theo quy định tại Điều 75 của Luật Đấu thầu.

2. Cảng vụ hàng không:

a) Làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để xác định sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (m2) đối với các dự án chưa giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Làm việc với Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để xây dựng giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3).

Chương VI

XỬ LÝ TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ TRONG LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 37. Xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư và giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư

Thực hiện theo quy định tại các Điều 80, 81, 82, 83 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2021.

2. Quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của các văn bản mới đó.

 

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Anh Tuấn