THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
____________________________
Căn cứ Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 22 tháng 11 năm 1994, Nghị định thư về việc sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 11 tháng 10 năm 2011 (sau đây gọi tắt là Hiệp định);
Căn cứ Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 11 tháng 10 năm 2011 (sau đây gọi tắt là Nghị định thư);
Căn cứ Thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về xây dựng chế độ giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ký ngày 30 tháng 5 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện Hiệp định và Nghị định thư về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Việt - Trung).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước Việt - Trung.
Điều 3. Ký hiệu phân biệt quốc gia
1. Ký hiệu phân biệt quốc gia của Trung Quốc là CHN.
2. Ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam là VN theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, do cơ quan cấp phép phát hành khi cấp giấy phép vận tải. Phương tiện của Việt Nam phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia ở góc phía trên bên phải của kính trước (nhìn từ trong xe) và ở vị trí dễ thấy phía sau xe.
Chương II
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ VẬN TẢI TẠI CỬA KHẨU
Điều 4. Phạm vi hoạt động của phương tiện
1. Đối với vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định): Phương tiện khởi hành từ bến xe đầu tuyến; đi theo hành trình, dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ theo quy định và kết thúc tại bến xe cuối tuyến.
2. Đối với vận tải hàng hóa, vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch): Không giới hạn địa điểm khởi hành tại Việt Nam. Phương tiện được hoạt động từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam đi qua các cặp cửa khẩu đã được Chính phủ hai nước cho phép đến các điểm trong phạm vi quy định trên lãnh thổ của Trung Quốc. Phương tiện được dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, bến xe dọc hành trình do hai nước công bố.
Điều 5. Bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ của Việt Nam phục vụ hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung
1. Danh sách các bến xe ô tô khách quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
2. Danh sách các trạm dừng nghỉ quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
3. Danh sách các bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe quy định tại Phụ lục IVa của Thông tư này.
Điều 6. Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu
1. Cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu, được bố trí nhân sự, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, vị trí làm việc tại cửa khẩu để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Trạm quản lý vận tải cửa khẩu có các nhiệm vụ như sau:
a) Cấp các giấy phép vận tải theo quy định;
b) Kiểm soát phương tiện Việt Nam và Trung Quốc khi qua lại cửa khẩu;
c) Thống kê số liệu, cập nhật và báo cáo về hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
d) Phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
Chương III
GIẤY PHÉP VẬN TẢI
Điều 7. Điều kiện cấp giấy phép vận tải
1. Phương tiện được cấp giấy phép vận tải thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ việc kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường bộ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp, hợp tác xã).
2. Xe công vụ được cấp giấy phép vận tải là xe phục vụ các cơ quan Nhà nước, các cơ quan của Đảng, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội các cấp đi công tác.
3. Các phương tiện vận tải như xe cứu hoả, cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ nhân đạo đi làm nhiệm vụ khẩn cấp được miễn cấp giấy phép vận tải.
4. Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hướng dẫn người lái xe nắm được các điều kiện giao thông, bến bãi, điểm dừng nghỉ, hệ thống biển báo trên hành trình ở Trung Quốc; cung cấp cho lái xe và nhân viên phục vụ danh sách hành khách của chuyến đi để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Mẫu Danh sách hành khách tuyến cố định và hợp đồng theo quy định tại Phụ lục IVb và IVc của Thông tư này.
5. Số lượng phương tiện vận tải hoạt động trên các tuyến vào sâu trong lãnh thổ của hai nước do cơ quan có thẩm quyền của hai nước thống nhất. Trong trường hợp có nhiều phương tiện đủ điều kiện được cấp giấy phép vận tải nhưng hạn mức theo quy định không đủ để cấp cho tất cả các phương tiện đã nộp hồ sơ, cơ quan cấp phép ưu tiên phương tiện vận tải hành khách định kỳ, vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch, đồng thời căn cứ vào thời gian nộp hồ sơ hợp lệ để cấp phép cho phương tiện theo nguyên tắc cấp cho phương tiện có hồ sơ nộp sớm hơn.
Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải loại A, B, C, E, F, G
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải cho phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này;
b) Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải bằng xe ô tô đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa khác (bản sao chụp);
c) Danh sách xe kèm theo giấy đăng ký xe (bản sao chụp);
Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, hợp tác xã thì xuất trình thêm bản sao chụp một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng cho thuê tài chính; hợp đồng thuê tài sản; cam kết kinh tế của chủ phương tiện đối với hợp tác xã đề nghị cấp giấy phép;
d) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao chụp);
đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba còn giá trị trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc (bản sao chụp).
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải cho xe công vụ:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này;
b) Danh sách xe kèm theo giấy đăng ký xe (bản sao chụp);
d) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao chụp);
đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba còn giá trị trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc (bản sao chụp);
e) Thư mời của đối tác phía Trung Quốc chỉ rõ tuyến đường, cửa khẩu và thời gian mời (trường hợp bản gốc không có tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh có chứng thực chữ ký của người dịch);
g) Quyết định cử đi công tác của cấp có thẩm quyền.
3. Trong quá trình thẩm xét hồ sơ, nếu cần thiết, bản sao các giấy tờ, tài liệu nêu trên sẽ được xem xét, đối chiếu với bản gốc hoặc yêu cầu bổ sung bản sao có công chứng.
Điều 9. Hồ sơ cấp giấy phép vận tải loại D
1. Đối với phương tiện của Việt Nam:
a) Giấy phép vận tải loại D do cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc cấp, trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải loại D, doanh nghiệp, hợp tác xã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Hồ sơ đề nghị cấp giấy giới thiệu bao gồm: Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này, Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao chụp).
b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc để xin cấp giấy phép vận tải hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm của Trung Quốc. Sau khi có giấy giới thiệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng của Việt Nam và Trung Quốc thì doanh nghiệp, hợp tác xã mới lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải loại D và nộp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc để xin cấp giấy phép vận tải loại D.
2. Đối với phương tiện của Trung Quốc:
a) Đơn xin cấp giấy phép vận tải loại D theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này;
b) Giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc (bản gốc kèm bản dịch có chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh);
c) Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (bản sao chụp);
d) Giấy phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoặc hàng nguy hiểm của cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cấp (bản sao có chứng thực kèm bản dịch có chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh);
đ) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao có chứng thực kèm bản dịch có chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh);
e) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba còn giá trị trên lãnh thổ Việt Nam (bản sao có chứng thực kèm bản dịch có chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng Trung sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh đối với trường hợp bản gốc không có song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung hoặc tiếng Trung và tiếng Anh).
3. Trong quá trình thẩm định và xét hồ sơ, nếu cần thiết, bản sao các giấy tờ, tài liệu nêu trên sẽ được xem xét, đối chiếu với bản gốc hoặc yêu cầu bổ sung bản sao có công chứng.
Điều 10. Cơ quan cấp giấy phép vận tải
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp:
a) Giấy giới thiệu đề nghị cấp giấy phép vận tải loại D;
b) Giấy phép vận tải loại D, E;
c) Giấy phép vận tải loại F, G lần đầu trong năm (năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12).
2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh cấp:
a) Giấy phép vận tải loại A;
b) Giấy phép vận tải loại B, C lần đầu trong năm.
3. Trạm quản lý vận tải cửa khẩu:
Cấp giấy phép vận tải loại B, C, F và G từ lần thứ 2 trở đi trong năm.
Điều 11. Trình tự cấp Giấy phép vận tải, giấy giới thiệu đề nghị cấp giấy phép loại D
1. Trình tự cấp giấy giới thiệu đề nghị cấp giấy phép vận tải loại D, giấy phép loại A, E hoặc giấy phép loại B, C, F, G lần đầu trong năm:
a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ cho cơ quan cấp phép. Cơ quan cấp phép tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra; trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung chưa đầy đủ hoặc cần sửa đổi cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;
b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp giấy giới thiệu đề nghị cấp giấy phép loại D hoặc cấp giấy phép vận tải theo thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2 Điều 10 của Thông tư này;
c) Sau khi cấp giấy phép vận tải loại B, C, F, G lần đầu trong năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách phương tiện vận tải đã được cấp phép đến Trạm quản lý vận tải cửa khẩu.
d) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại cơ quan cấp phép hoặc qua hệ thống bưu chính.
2. Trình tự cấp giấy phép vận tải loại B, C, F, G từ lần thứ hai trở đi trong năm:
a) Người lái xe xuất trình giấy đăng ký xe cho Trạm quản lý vận tải cửa khẩu;
b) Căn cứ vào danh sách phương tiện vận tải đã được cấp giấy phép do Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải thông báo, Trạm quản lý vận tải cửa khẩu đối chiếu giấy đăng ký xe và cấp Giấy phép vận tải theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 10 của Thông tư này.
3. Lệ phí cấp phép theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 12. Cấp lại giấy phép vận tải
1. Hồ sơ cấp lại giấy phép vận tải hết hạn:
a) Đối với các giấy phép vận tải loại A và E: Doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này gửi cơ quan cấp phép để đề nghị cấp giấy phép vận tải mới;
b) Đối với giấy phép vận tải loại B, C, F, G: Mỗi năm một lần, vào thời gian đề nghị cấp phép lần đầu của năm, doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận tải gồm điểm a và điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này gửi cơ quan cấp phép. Trong năm nếu giấy phép vận tải cũ hết hạn, doanh nghiệp, hợp tác xã (thông qua lái xe) xuất trình giấy đăng ký phương tiện với Trạm quản lý vận tải cửa khẩu để được cấp giấy phép vận tải cho chuyến đi mới.
2. Hồ sơ cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, bị hư hỏng nhưng còn thời hạn hiệu lực: doanh nghiệp, hợp tác xã làm đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục IX của Thông tư này (chỉ áp dụng đối với giấy phép loại A, D, E).
3. Trình tự cấp lại các loại giấy phép vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
Điều 13. Gia hạn giấy phép vận tải và thời gian lưu hành tại Việt Nam cho phương tiện của Trung Quốc
1. Đối tượng được gia hạn: Phương tiện của Trung Quốc hết hạn giấy phép vận tải hoặc quá thời gian lưu hành tại Việt Nam nếu có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp...) được gia hạn 01 (một) lần với thời hạn không quá 10 (mười) ngày kể từ ngày hết hạn.
2. Hồ sơ bao gồm: Giấy phép vận tải; giấy đăng ký phương tiện (bản sao chụp); đơn đề nghị gia hạn theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.
3. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:
a) Người lái xe hoặc đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gửi 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền.
b) Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền gia hạn giấy phép vận tải cho phương tiện; trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do ngay trong ngày nhận hồ sơ.
4. Thẩm quyền gia hạn: Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi phương tiện gặp sự cố, phù hợp với phạm vi hoạt động của giấy phép vận tải.
Điều 14. Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định hiện hành được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thời hạn khai thác tuyến là 05 (năm) năm.
2. Hồ sơ đăng ký khai thác tuyến gồm:
a) Giấy đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo mẫu quy định tại Phụ lục XI của Thông tư này;
b) Danh sách xe kèm theo giấy đăng ký xe (bản sao chụp);
c) Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo mẫu quy định tại Phụ lục XII của Thông tư này.
3. Trong quá trình thẩm định và xét hồ sơ, nếu cần thiết, bản sao các giấy tờ, tài liệu nêu trên sẽ được xem xét, đối chiếu với bản gốc hoặc yêu cầu bổ sung bản sao có công chứng.
4. Trình tự chấp thuận khai thác tuyến:
a) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính cho cơ quan quản lý tuyến. Cơ quan quản lý tuyến kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung phải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;
b) Trong thòi hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, cơ quan quản lý tuyến ra văn bản chấp thuận doanh nghiệp, hợp tác xã vào khai thác;
c) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại cơ quan quản lý tuyến hoặc qua hệ thống bưu chính.
5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ của hai nước; Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước. Mẫu chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc quy định tại Phụ lục XIII của Thông tư này.
Điều 15. Bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên tuyến được quyền bổ sung phương tiện, thay thế phương tiện. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, cơ quan quản lý có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện.
2. Hồ sơ đăng ký bổ sung phương tiện, thay thế phương tiện theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 14 của Thông tư này.
3. Trình tự thực hiện thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Thông tư này.
Điều 16. Ngừng hoạt động tuyến, ngừng hoạt động của phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến vận tải hành khách định kỳ khi không có nhu cầu khai thác hoặc giảm số chuyến xe đang khai thác trên tuyến phải thông báo cho Cơ quan quản lý có thẩm quyền trước 10 (mười) ngày.
2. Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, Cơ quan quản lý có thẩm quyền thông báo công khai để các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đăng ký khai thác.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép vận tải đã cấp nếu phương tiện được cấp phép không thực hiện đúng một trong các nội dung trong giấy phép vận tải hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, giải thể. Trình tự, thủ tục thu hồi như sau:
a) Cơ quan cấp phép có văn bản thu hồi giấy phép vận tải do mình cấp khi doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các nội dung quy định trong giấy phép vận tải;
b) Trong vòng 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép có văn bản thu hồi giấy phép vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã nộp giấy phép vận tải bị thu hồi về cơ quan cấp phép.
c) Trong thời hạn quy định, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp giấy phép vận tải do có vi phạm, cơ quan cấp phép thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
2. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị cơ quan quản lý tuyến thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm điều kiện kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và an toàn vận tải;
b) Khi bị phát hiện có sự cố ý làm saí lệch thông tin trong hồ sơ đăng ký khai thác tuyến;
c) Không thực hiện đúng một trong các nội dung của văn bản chấp thuận khai thác tuyến;
d) Không kinh doanh vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày được chấp thuận khai thác tuyến hoặc ngừng kinh doanh vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian 06 (sáu) tháng liên tục;
đ) Kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép vận tải;
e) Phá sản, giải thể.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 18. Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam
1. Tổ chức quản lý và hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
2. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra và xử lý phương tiện vận tải đường bộ và xe công vụ của Việt Nam và Trung Quốc hoạt động qua lại biên giới giữa hai nước.
3. In ấn và phát hành Biển ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam, giấy phép vận tải, mẫu giấy phép vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV của Thông tư này
4. Trao đổi giấy phép E, F, G với phía Trung Quốc.
5. Xây dựng, triển khai và hướng dẫn thực hiện phần mềm quản lý hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung.
6. Công bố bổ sung danh mục các bến xe, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ cho xe vận tải hành khách và hàng hóa hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để các doanh nghiệp, hợp tác xã lựa chọn thực hiện.
7. Định kỳ trao đổi thông tin với cơ quan quản lý có thẩm quyền của Trung Quốc về các phương tiện vận tải đường bộ và người lái xe kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, các thông tin có liên quan đến các vụ vi phạm giao thông và gây tai nạn bỏ trốn.
8. Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị thường niên với phía Trung Quốc để trao đổi và giải quyết hoặc đề xuất giải quyết các vấn đề có liên quan đến vận tải đường bộ giữa hai nước theo quy định tại Điều 20 của Nghị định thư thực hiện Hiệp định.
Điều 19. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này tới các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn;
b) Đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ Việt-Trung.
c) Chuẩn bị các điều kiện và tổ chức, quản lý hoạt động bến xe khách, trạm dừng nghỉ, kho và bãi đỗ xe vận tải hàng hóa để tổ chức hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung;
d) Tổ chức và quản lý hoạt động bán vé của các đại lý bán vé đi tuyến vận tải hành khách định kỳ trên địa bàn.
2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung có cửa khẩu thực hiện Hiệp định:
a) Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung trên các tuyến thuộc các tỉnh giáp biên giới;
b) Tiếp nhận, trao đổi các loại giấy phép A, B, C với phía Trung Quốc và cấp cho các đối tượng theo quy định;
c) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trạm quản lý vận tải cửa khẩu (đối với cửa khẩu chưa có Trạm quản lý vận tải cửa khẩu);
d) Tổ chức và quản lý hoạt động của Trạm quản lý vận tải cửa khẩu.
Điều 20. Chế độ báo cáo
1. Định kỳ ngày 10 tháng 01 và ngày 10 tháng 7 hàng năm, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải báo cáo tình hình hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các tuyến vào sâu trong lãnh thổ hai nước), về Sở Giao thông vận tải (đối với các tuyến giữa khu vực biên giới của hai nước). Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo quy định tại Phụ lục XV của Thông tư này. Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Phụ lục XVI của Thông tư này.
2. Đối với phương tiện vận tải hàng nguy hiểm theo giấy phép vận tải loại D trước khi xuất cảnh, doanh nghiệp, hợp tác xã phải có công văn thông báo cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thông tin cho phía Trung Quốc biết.
3. Đại lý bán vé phải báo cáo Sở Giao thông vận tải địa phương trước khi hoạt động.
4. Định kỳ vào tháng 01 hàng năm, Sở Giao thông vận tải các tỉnh có cửa khẩu biên giới thực hiện Hiệp định tổng hợp tình hình hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung của địa phương để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Mẫu báo cáo tình hình hoạt động vận tải theo quy định tại Phụ lục XVII của Thông tư này.
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2012.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 258/1998/TT-BGTVT ngày 18 tháng 8 năm 1998 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định thư của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; bãi bỏ Điều 1 của Thông tư số 24/2011/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 258/1998/TT-BGTVT ngày 18 tháng 8 năm 1998 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định thư của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Thông tư số 10/2006/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2006 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Điều 22. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong ngành giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi thực hiện các quy định của Thông tư này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, tổ chức, cá nhân liên hệ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo thực hiện.
3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.