Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Để thống nhất trong triển khai thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng th¬ương mại (NHTM) và thực hiện Thông tư số 12/2009/TT-NHNN ngày 28/5/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung trong cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của NHTM ban hành theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Công văn số 1097/NHPT-BL-HTUT ngày 21/4/2009 về việc hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của NHTM như sau:
1. Bổ sung Tiết a (7.2), điểm 7, phần I - Về thay đổi người đại diện trước pháp luật của các bên trong quan hệ bảo lãnh:
Khi Bên bảo lãnh hoặc Bên được bảo lãnh có thay đổi người đại diện trước pháp luật thì các Hợp đồng liên quan đến bảo lãnh vay vốn và Chứng thư đã phát hành vẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên Bên có thay đổi phải có thông báo chính thức (bằng văn bản) cho các bên có liên quan về thời điểm thay đổi người đại diện trước pháp luật, các thông tin cá nhân, đăng ký chữ ký của người đại diện mới làm căn cứ cho việc thực hiện các giao dịch tiếp theo.
2. Bổ sung Tiết a (7.3), điểm 7, phần I: Đối với dự án mua, đóng mới tàu biển có nhu cầu bảo lãnh vay vốn của NHTM để thực hiện dự án đầu tư: Hồ sơ dự án Chi nhánh tiếp nhận thẩm định phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2009/NĐ-CP ngày 26/3/2009 của Chính phủ quy định về đăng ký và mua, bán tàu biển (Nghị định 29/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2009).
3. Bổ sung Điểm 3, khoản II, mục A, phần II - Về những nội dung liên quan tới việc phát hành chứng thư bảo lãnh:
- Sau khi thẩm định hồ sơ yêu cầu phát hành chứng thư bảo lãnh, nếu đủ điều kiện Chi nhánh có thông báo cho doanh nghiệp về việc thống nhất các nội dung trong các hợp đồng có liên quan và mức phí doanh nghiệp phải nộp trước khi phát hành chứng thư bảo lãnh.
- Sau khi phát hành chứng thư bảo lãnh, Chi nhánh NHPT gửi chuyển phát nhanh cho NHTM, đảm bảo NHTM nhận được ngay chứng thư bảo lãnh do Chi nhánh phát hành.
4. Bổ sung Điểm 5, khoản II, mục A, phần II - Về việc thu phí chậm trả, hoàn trả phí bảo lãnh:
- Thời điểm bắt đầu tính phí phạt chậm trả phí bảo lãnh vay vốn là ngày kế tiếp ngày phát hành Chứng thư bảo lãnh.
- Chi nhánh chỉ hoàn trả phí bảo lãnh đã thu thừa của Doanh nghiệp trong trường hợp do Chi nhánh tính toán xác định sai mức phí bảo lãnh.
5. Bổ sung Tiết 6.1, điểm 6, khoản II, mục A, phần II – Quản lý tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh vay vốn như sau:
Các trường hợp pháp luật quy định phải công chứng: thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp nhà ở, thế chấp tàu bay, tàu biển,... Đối với các trường hợp khác việc công chứng được thực hiện theo thoả thuận của các bên.
6. Sửa đổi, bổ sung các mẫu biểu:
6.1. Sửa đổi Điểm 1(gạch đầu dòng thứ 7, dấu cộng thứ 2) Thông báo chấp thuận bảo lãnh áp dụng đối với dự án đầu tư (Mẫu số 04a/BL-TBBL) như sau:
Số lãi vay phát sinh của số nợ gốc được bảo lãnh theo hợp đồng tín dụng ký giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố từng thời kỳ.
6.2. Sửa đổi Điểm 1 (gạch đầu dòng thứ 4) Điều 2- Hợp đồng bảo lãnh vay vốn (mẫu số 07a/BLDA-HĐBL) như sau:
Lãi suất vay vốn là lãi suất theo hợp đồng tín dụng ký giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố từng thời kỳ.
Thay thế Hợp đồng bảo lãnh mẫu số 07b/BL- HĐBL tại Công văn 1097/NHPT-BL-HTUT ngày 21/4/2009 được thay thế bằng hợp đồng bảo lãnh mẫu số 07b/BL- HĐBL kèm theo tại công văn này.
6.3. Sửa đổi Điểm 1 (gạch đầu dòng thứ 5) của Chứng thư bảo lãnh (mẫu 08a/BL-CTBL) như sau:
Lãi suất vay vốn là lãi suất theo hợp đồng tín dụng ký giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố từng thời kỳ.
7. Bổ sung Phụ lục số 01-Thẩm định bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại NHTM: nội dung theo Phụ lục đính kèm.
8. Bổ sung, sửa đổi các báo biểu báo cáo:
8.1. Bổ sung báo cáo định kỳ hàng tháng:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Thông tư số 12/2009/TT-NHNN ngày 28/5/2009 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, yêu cầu Giám đốc các Sở Giao dịch, các Chi nhánh NHPT khu vực, Chi nhánh NHPT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Chi nhánh) thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng theo Biểu 01 đính kèm Thông tư số 12/2009/TT-NHNN nêu trên về NHPT trước ngày 05 của tháng sau của kỳ báo cáo.
8.2. Thông tin báo cáo tuần kèm theo công văn số 641 /NHPT-BL-HTUT được thay thế bằng mẫu báo cáo tuần kèm theo tại công văn này.
9. Một số trường hợp phải hoàn thiện hồ sơ trước khi phát hành chứng thư:
- Về Quyết định đầu tư và giấy phép xây dựng: khi tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn, doanh nghiệp có thể nợ Quyết định đầu tư, Giấy phép xây dựng, nhưng phải bổ sung trước khi NHPT phát hành thư bảo lãnh.
- Về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: khi tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp có thể nợ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải bổ sung trước khi NHPT thực hiện công chứng Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh, đăng ký giao dịch bảo đảm và phát hành thư bảo lãnh.
10. Về vấn đề giao tài sản hình thành từ vốn vay cho NHTM khi NHPT từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:
- Trường hợp NHPT từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh toàn bộ số vốn vay, sau 01 ngày nhận được văn bản đề nghị của NHTM, NHPT tiến hành giải chấp tài sản bảo đảm bảo lãnh và thực hiện thủ tục bàn giao hồ sơ tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh để NHTM thực hiện việc xử lý, thu hồi nợ theo quy định hiện hành của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
- Trường hợp NHPT đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh một phần (theo kỳ hạn trả nợ) mà phát sinh việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: NHPT sẽ là đơn vị chủ trì xử lý tài sản bảo đảm tiền vay trên cơ sở thoả thuận với NHTM về việc phân chia tài sản thu hồi nợ theo tỷ lệ dư nợ của hai bên. Việc thực hiện xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những nội dung hướng dẫn thực hiện một số vấn đề liên quan đến giải pháp cho nghiệp vụ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, yêu cầu Giám đốc các Chi nhánh tổ chức thực hiện./.